Tin buồn

Vui buồn nước Mỹ

Một tuần nay, các ngân hàng lớn nhất của Mỹ thi nhau báo lãi. Goldman Sachs cho biết doanh thu quý 2/2009 đạt 13,8 tỉ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

JPMorgan Chase kiếm được 2,72 tỉ USD lợi nhuận từ tháng 4 đến tháng 6, tăng 36% so với năm 2008. Báo cáo kinh doanh trong 3 tháng qua của các đại gia ngân hàng khác cũng ấn tượng không kém như Citigroup lãi 3 tỉ USD, Bank of America lãi 2,4 tỉ USD…

pho-wall
Phố Wall có một tuần ấm áp.

Thông tin trên khiến giới ngân hàng Mỹ mừng ra mặt. Bởi mới 10 tháng trước, khi Lehman Brothers cùng một loạt đại gia khác sụp đổ, giới ngân hàng nước này đã thảm thiết thông báo đang trên bờ vực phá sản, khiến Chính phủ Mỹ phải chi khẩn cấp 700 tỉ USD để giải cứu hệ thống ngân hàng.

Thông tin trên cũng khiến Chính phủ Mỹ phấn khởi không kém. Hôm 21.7, báo cáo trước Ủy ban Tài chính Hạ viện, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Ben Bernanke đã dùng những số liệu này như những căn cứ quan trọng để khẳng định hệ thống tài chính Mỹ đang dần ổn định và nền kinh tế lớn nhất thế giới có dấu hiệu phục hồi.

Nhưng có lẽ hạnh phúc nhất là các nhà đầu tư chứng khoán ở phố Wall. Chỉ trong tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng vọt 900 điểm, lên 9.069,29 điểm hôm 23.7; hai chỉ số khác là Nasdaq và S&P 500 cũng đạt mức tăng cao nhất kể từ đầu năm.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người Mỹ buồn. Nói chính xác hơn, những người thuộc tầng lớp trung lưu và lao động, chiếm đến 95% dân số Mỹ, đang ngày càng lo lắng cho cuộc sống của họ. Cũng trong một tuần, thay vì đón nhận tin vui dồn dập như Phố Wall, họ lại bị dội hai “gáo nước lạnh” vào hy vọng thoát khỏi tình trạng bi đát hiện nay. “Gáo” đầu tiên đến từ công bố của Bộ Lao động hôm 2.7 rằng tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 tăng 9,5% – mức kỷ lục trong 26 năm qua, trong khi số giờ làm và mức lương trung bình lại giảm mạnh. “Gáo” thứ hai đến từ thông báo của Hiệp hội các ngân hàng thế chấp Mỹ hôm 9.7. Theo đó, số người Mỹ bị ngân hàng xiết nhà gán nợ tiếp tục tăng trong quý 2 lên hơn 600.000 trường hợp, mức cao nhất kể từ năm 1972. Mới đây, Tổng thống Barack Obama đã thừa nhận tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng trên 10% trong năm nay và kêu gọi người Mỹ kiên nhẫn chờ gói kích thích kinh tế phát huy tác dụng.

Còn nhớ, khi bơm hàng trăm tỉ USD tiền thuế cho các ngân hàng thông qua chương trình giải cứu, Chính phủ Mỹ tuyên bố đây là biện pháp cần thiết giúp hệ thống ngân hàng có đủ vốn hoạt động, từ đó tăng cho vay tiêu dùng trở lại và giảm xiết nhà gán nợ của người dân. Trên thực tế, các ngân hàng đã dùng số vốn đó cùng những chính sách đặc biệt ưu đãi của chính phủ để đầu tư vào những hạng mục dễ sinh lời khác như môi giới chứng khoán khiến lợi nhuận tăng vọt trong quý 2, trong khi vẫn tiếp tục thắt chặt cho vay và đẩy mạnh xiết nhà gán nợ để thu hồi vốn. Một số ngân hàng lớn như Goldman Sachs, JP Morgan Chase… sau khi đã hưởng lợi rất nhiều từ chương trình giải cứu liền đem trả lại tiền cho chính phủ, một hành động nhiều người lầm tưởng là tốt, là dấu hiệu phục hồi kinh tế, thực ra là nhằm rũ bỏ trách nhiệm giúp đỡ người dân mà họ đã hứa trước đây. Biết vậy, nhưng chính phủ cũng không có biện pháp gì ngăn chặn.

Còn nhớ, khi chính quyền Bush công bố chương trình giải cứu ngân hàng cuối năm ngoái, rất nhiều người Mỹ đã biểu tình phản đối chính sách này. Họ cho rằng tiền thuế của dân phải được dùng để cứu trợ trực tiếp người dân chứ không phải ngân hàng, bởi họ hoàn toàn không thể đặt niềm tin và sinh mạng của mình vào lòng tham vô đáy của giới tài phiệt Phố Wall, thủ phạm chính của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hơn 70 năm qua. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

Tôi đem chuyện này hỏi giáo sư Vivek Chibber, giảng viên môn Chủ nghĩa tư bản thuộc trường Đại học New York, trong một buổi học mới đây. Ông giải thích bằng một câu đơn giản: “Đó là bản chất của chủ nghĩa tư bản Mỹ”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80