Kinh hoàng cà phê từ hóa chất

“Em yên tâm, mỗi một kg hóa chất em có thể chế biến thành hàng nghìn cốc cà phê, lời gấp hàng chục lần so với bán cà phê thật, tội gì không làm” – một bà chủ sạp hóa chất tại chợ Kim Biên giới thiệu cho khách muốn mở quán.

Tìm hiểu về thông tin cà phê có tẩm các hóa chất gây hại cho sức khỏe, PV ra chợ và không khỏi sửng sốt trước ngồn ngộn những loại hóa chất, bột chế biến sẵn đóng gói để pha cà phê bán thu lợi nhuận cao nhất.

Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, Chuyên viên cao cấp Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 56.000 tấn cà phê. Trong đó, có ít nhất 1/3 số cà phê nói trên có sử dụng các loại phụ gia.

Ông Nhạn tiết lộ thêm để cho ly cà phê thơm béo, ngoài bơ, người ta còn độn thêm đậu nành rang. Để cà phê “gắt cổ”, người ta chọn chất độn là đậu đỏ. Ngoài ra, nhiều người còn sử dụng tinh cà phê để tạo mùi…

Cà phê từ hóa chất
Từ chợ Kim Biên có thể biến những thứ không phải cà phê thành cà phê thơm ngon. Ảnh TN

Để tìm hiểu rõ về việc này, PV vào “thánh địa hóa chất” là chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM), nơi tập kết các loại hóa chất có khả năng “phù phép” được các “đầu nậu” chuyên cung cấp hàng sỉ cho các lò sản xuất cà phê bẩn.
Tại chợ Kim Biên, đập vào mắt người mua là la liệt những sạp kinh doanh hóa chất với đủ loại tinh cà phê của: Anh, Pháp, Đức, Mỹ… “Đây là những hóa chất tạo mùi tổng hợp, chỉ cần một chấm bằng đầu tăm sẽ làm 1 kg cà phê thơm lừng dù đứng cách xa vài mét”, một người bán giới thiệu.

Tinh cà phê
Tinh chất cà phê đóng chai bàn tràn lan ở chợ Kim Biên

Khi PV nói lý do đi mua chất tạo mùi cà phê về để mở quán cà phê vỉa hè, chủ sạp TT nhanh nhảu: “Có hai loại đều là tinh chất cà phê robusta RC 9535 nhưng mùi vị khác nhau. Một loại có vị hơi béo một chút và một loại có vị hơi đắng nhưng giá tiền thì bằng nhau, đều 350.000 đồng/kg cả. Nhưng để chế biến ngon hơn, em cần mua thêm đường hóa học, bơ công nghiệp, bột vani, caramen… để tạo mùi vị và khi pha sẽ kết dính lại với nhau nhìn rất bắt mắt”.

Chưa hết, bà chủ sạp giới thiệu thêm: “Cho thêm một chút bột trắng này, đảm bảo cốc cà phê có bọt nhìn không chê vào đâu được. Những chất này, ở đây đều có cả, nếu em lấy nhiều, chị sẽ bớt giá cho”.
Theo quan sát của PV, những hóa chất này giá cũng khá cao. Đơn cử, caramen có giá từ 250.000 – 300.00 đồng/lít, bơ công nghiệp Trung Quốc giá 50.000 – 60.000 đồng/kg, tinh ca cao có giá 350.000 đồng/kg… Thấy chúng tôi còn ngần ngừ chưa mua, bà chủ sạp tiếp tục quảng cáo: “Em yên tâm, mỗi một kg hóa chất em có thể chế biến thành hàng nghìn cốc cà phê, lời gấp hàng chục lần so với bán cà phê thật, tội gì không làm”.

Tương tự tại sạp hóa chất MH, chúng tôi cũng được săn đón nhiệt tình, chủ tiệm đọc vanh vách hàng chục loại hóa chất để chế biến cà phê như: Để có màu đậm thì bỏ màu caramel, đậu nành; vị đắng thì có đậu nành rang cháy, đường thắng tới cháy, thuốc tây có gốc ký ninh (quinine); sánh thì tinh bột; chất tạo đặc thì có CMC; bọt thì có chất tạo bọt công nghiệp; mùi thơm có vani, bơ công nghiệp, đường hóa học… Nếu mua mỗi loại 1kg, giá lên đến gần 1 triệu đồng.

Theo tiết lộ của một chủ cơ sở rang xay cà phê ở Q.12, hiện cơ sở này có đến hơn 1.000 thương hiệu cà phê đóng gói từ những cơ sở chỉ có vài chục công nhân đến cơ sở có hàng trăm công nhân làm việc, với đủ các nhãn hiệu khác nhau được mang đi bỏ mối, chủ yếu cho các quán cà phê vỉa hè.

Chủ cơ sở này cho biết thêm: “Trên thị trường hiện nay, giá bán cà phê nhân dao động khoảng 55.000 đồng/kg, mỗi kg nhân rang xay được hoảng 0,7 kg cà phê bột. Song, các hãng chỉ giao mỗi kg cà phê bột với giá 55.000 – 60.000 đồng. Nếu tính cả chi phí nhân công, nhãn mác, bao bì vận chuyển… thì họ có cạp đất mà ăn à?”.

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, Giảng viên chính bộ môn dược Đại học Y dược TP.HCM, các chất như CNC nếu là loại được sử dụng trong công nghiệp mà cho vào đồ uống sẽ gây ung thư, caramen được sản xuất từ đốt cháy đường cũng phát sinh những chất độc hại gây ung thư.

Riêng về việc kiểm soát các loại hóa chất này trên thị trường, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng rất khó để dẹp những sạp kinh doanh này. Hiện TP đang thực hiện việc rà soát lại tiểu thương và các đơn vị kinh doanh để điều chỉnh loại hóa chất, chứng nhận VSATTP. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý hàng hóa và xử phạt các cơ sở sản xuất thực phẩm có sử dụng hóa chất quá liều lượng, hóa chất độc hại. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp tạm thời chứ chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. ho vuong

    Chúng ta là người trồng cà phê nên phát triển cho bền vững như chi trả đồng tiền cho một ly cà phê thật là phải thoáng một tý. Tất nhiên phải tìm hiểu thông qua nhiều hình thức mới biết thật và giả đừng ỷ lại trồng cà phê lâu năm. Tin vào mồm cô chủ quán xinh đẹp, rồi hẹn gặp lại nhé ở bv k. Cà phê vừa được giá ta cũng lợi cho sức khỏe.

  2. Đinh tân lâm

    Thật khủng khiếp. Chỉ do các ban thanh tra, quản lí thị trường ko kiểm tra, kiểm soát để bọn ác muôn làm gì thì làm vì họ chỉ nghĩ tới lợi nhuận mà ko đếm xỉa đến tác hại. Vậy thì các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra gắt gao hơn, phải bảo vệ lợi ích cho những cty làm ăn chân chính và lòng tin của người tiêu dùng.

  3. Thái Cường.

    Chợ Kim Biên từ lâu đã nổi tiếng với nhiều hóa chất trôi nổi. Không chỉ hóa chất làm cà phê, mà các hóa chất làm sạch thịt gà thối, heo thối, các phụ phẩm màu độc hại đang ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng kiểm tra các hóa chất ở chợ này. Chứ chờ lương tâm của người bán quán, thì chắc còn lâu.

  4. Violet

    Hèn gì cafe sạch như của mình ko thể nào chen chân nổi vào thị trường. Cái khó là nhà nước mình làm sao để người dân ý thức được tác hại của những hóa chất này …

  5. nguyen dung

    Sao các người vô lương tâm quá chơi gì thì chơi sao lại chơi cafe. Các người hại giá trị cafe Việt Nam để mà không xuất khẩu được cafe chứ gì. Tụi này sợ người giàu tình chứ mấy thằng hèn kém rồi cũng chết đói thôi. Đừng có uống cafe không có nhản hiệu là toi đời mấy thằng cơ hội ngay. Cây cafe làm cảnh bán bạc tỷ thấy chưa tìm mà chơi nghen.

  6. paka

    Xin khẳng định là không thể nào triệt tiêu được cà phê và thực phẩm rỡm. Này nhé… hàng bán tại chợ Kim Biên, có đóng thuế quày thuế ngày thuế doanh thu tháng. Hàng khai rất rõ hóa chất có mùi ca cao, mùi va ni, mùi cà phê chồn… mỗi thứ mua 1 kg chừng ấy tiền, 10 kg bớt năm, mười, mười lăm hai mươi phần trăm v.v… Quá rõ, quá minh bạch, phạt sao được nào. Nhà rang xay “thông minh” mua về trộn vào, khoe uống vào sáng trí sáng dạ… mà thật, uống thấy đầu tưng mắt sáng ngay. Nhưng nhà rang xay lại không ghi trên nhãn mác (điên sao ghi?) uống vào sẽ mắc chứng bệnh ung thư sau này, điên loạn nay mai (như thuốc lá ghi hút nhiều sẽ ung thư phổi chẳng hạn). Năm bảy năm sau, người uống vỗ bụng ngã bệnh. Vào bệnh viện, phát hiện ung thư nhưng bấy giờ không thuộc quyền của ông lo sản xuất cà phê mà là trách nhiệm trực tiếp của ông y tế. Ông y tế bảo ấy là bệnh lạ… chưa thể giải thích.
    Nên, ai nghiện thì cứ việc uống cho sướng cái miệng. Biết đâu, năm bảy năm sau, khi khoa học kỹ thuật cao, ta phát hiện ngay cà phê rỡm khi rót vào ly, ly không chấp nhận đồ rỡm, ói ra hay… thiết bị y tế phát hiện ra bệnh ung thư do uống cà phê, để đòi tiền chữa bệnh như nền công nghiệp thuốc lá phải trả tiền phạt đền cho ngành y tế của nhiều nước trên thế giới… Chỉ sợ bấy giờ đại gia cà phê chạy sang nước khác dưỡng già… còn ở đây ai toi ráng chịu!
    Còn các quan có trách nhiệm với cà phê hiện nay, đố tìm ra ông nào biết uống cà phê. Chỉ toàn sành uống bia và rượu ngoại. Các ông khen nhãn hiệu này tốt, nhãn hiệu kia ngon… nhưng chả uống tí nào. Quà từ nhà rang xay thông minh đem về… ông dám uống đâu? Tặng lại cho hàng xóm uống là đã tốt. Không uống, nhưng miệng vẫn khen ngon… thế mới ghê!

  7. Nh0k0i

    Tình hình như thế này chắc vài năm nữa không ai uống cà phê Đăk lắk quá! Chắc nhà em nghỉ trồng cà phê quá! Mà không trồng cà phê thì lấy thu nhập ở đâu đây, chắc phải ra đường quá! Nhà nước hãy vào cuộc 1 cách mạnh mẽ đi không thì người nông dân khó lòng làm ăn lắm.

  8. Kiều Mi

    Cần phải có LUẬT riêng về kinh doanh Hóa Chất , phải kiểm soát chặt chẽ đầu vào đầu ra, đầu vào hóa đơn chứng từ đầy đủ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng..v.v.., đầu ra bán cho ai , mục đích mua làm gì cần ghi rõ và kèm theo CMND của người mua..v.v nói chung cơ quan chức năng phải kiểm soát được mọi hoạt động của nó.
    Không chỉ riêng Cafe mới dùng Hóa Chất thấy các loại thực phẩm bây giờ dùng Hóa Chất công nghiệp rất nhiều nếu không kiểm soát được thì bệnh nan y ngày càng nhiều.
    Nếu các ngành chức năng nói khó kiểm soát quá thì hậu quả này để cho ai gánh chịu đây ?

  9. Văn thạnh

    Người VN mình kg uống cà phê nguyên chất mà chỉ biết ham rẻ và lợi nhuận thì biết phải làm sao.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87