Tin buồn

Cần sửa đổi gì trong luật Đất đai? – Kỳ 3: Điểm nghẽn lớn nhất là quyền sở hữu

Đất đai từ ngàn xưa đến nay vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm, bởi vì con người không thể sống thiếu đất. Vấn đề ngày càng nóng lên khi nhu cầu sử dụng đất ngày càng nhiều và dân số ngày càng tăng nên các định chế của xã hội cũng tỏ ra sớm lạc hậu. Y5Cafe xin giới thiệu chuyên đề đăng nhiều kỳ (4 kỳ) trên báo Thanh Niên Online.

Trao đổi với Thanh Niên, GS-TS Lê Hồng Hạnh (ảnh), Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất trong luật đất đai hiện hành chính là quyền sở hữu đất đai. Nếu không xác định rõ được chủ thể sở hữu đất đai một cách cụ thể thay cho chủ thể “toàn dân” như hiện nay thì việc sửa luật sắp tới không mang lại giá trị đột phá.

Theo GS-TS Lê Hồng Hạnh, điều bất cập là trong khi chúng ta không quy định quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai, ít nhất là đối với đất ở của người dân, thì trên thực tế, mảnh đất đó vẫn là tài sản hợp pháp của họ. Chúng ta đã hình thành một thứ quyền pháp lý rất “đặc biệt”, với rất nhiều, nhiều hơn cả quyền sở hữu nhưng lại thiếu đi thứ quyền cốt lõi nhất là quyền định đoạt. Điều đó dẫn tới nhiều bất cập trong việc quản lý, sử dụng, chuyển giao đất đai và từ đó nảy sinh nhiều hệ lụy.

Khi khai thông được điểm nghẽn trong luật Đất đai, Nhà nước sẽ giải quyết được bao nhiêu rắc rối phát sinh từ khiếu kiện đất đai hiện nay. (Ảnh minh họa)

Những hệ lụy mà ông muốn nói tới phải chăng là sự phiền toái mà người dân gặp phải mỗi khi muốn giải quyết vấn đề gì liên quan đến mảnh đất mình đang sử dụng, thuộc tài sản của mình, trong khi quyền định đoạt lại phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ, công chức thực thi chính sách pháp luật về đất đai?

Đúng là như vậy. Hệ lụy từ việc chúng ta quy định quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai thể hiện ở việc, một mảnh đất mà người dân được ông cha gây dựng bao đời để lại, đáng lẽ người dân đó được quyền định đoạt mảnh đất của mình, chẳng hạn như để lại thừa kế, chuyển nhượng, góp vốn đầu tư thì lại phải phụ thuộc rất nhiều vào các quy định của cơ quan quản lý nhà nước.

Lấy ví dụ một mảnh đất cụ thể cha ông tôi để lại cho tôi, dù đã có sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng khi muốn bán đất, muốn góp vốn, tôi phải xin phép ông phường, ông quận, thậm chí, phải xin phép cả ông… hàng xóm, vì nếu ông hàng xóm không ký vào biên bản mốc giới thì cơ quan có thẩm quyền chẳng chịu xác nhận để tôi có thể định đoạt mảnh đất của mình, chưa nói đến việc có quy hoạch nào đó phủ lên mảnh đất của mình. Lúc đó thì nhiều rắc rối với việc chuyển nhượng mảnh đất này lắm. Rõ ràng đất đó là tài sản của tôi nhưng vì quy định đất đai là sở hữu của toàn dân nên sự can thiệp của cơ quan nhà nước với vô vàn thủ tục rườm rà là không thể tránh.

Thực tế bao nhiêu tranh chấp đất đai, vụ kiện đất đai cũng bắt nguồn từ quy định quyền sở hữu chung chung như vậy. Vì sao có tới hơn 80% vụ khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai? Bởi vì nếu xác định đất ở thuộc quyền sở hữu của một cá nhân cụ thể thì không thể có chuyện chính quyền địa phương nào đó tùy tiện thu hồi để cấp cho doanh nghiệp và trả cho người bị thu hồi một mức đền bù rẻ mạt như cho, mà đúng ra người được quyền sở hữu mảnh đất đó và doanh nghiệp sẽ tự thỏa thuận, định giá và quyết định, trừ việc thu hồi đất đó vì mục đích tối quan trọng như an ninh quốc phòng, xây dựng công trình mục tiêu quốc gia phục vụ cho lợi ích công cộng.

Cho nên điều đầu tiên và quan trọng nhất cần phải sửa đổi khi sửa luật Đất đai chính là phải thay đổi tư duy về quyền sở hữu đất đai và phải xác định rõ chủ thể sở hữu đất theo hướng quy định đất đai thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, song cũng phải thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất ở hợp pháp.

-Thưa ông, nếu quy định quyền sở hữu cá nhân đối với đất đai, ít nhất là đối với đất ở như ông nói, Nhà nước có gặp khó trong việc thực hiện vai trò quản lý đối với loại tài nguyên này, hay chỉ một bộ phận cán bộ, công chức bị mất đi cơ hội nhũng nhiễu bởi những quy định bất cập hiện hành của luật Đất đai?

Nhà nước chỉ có lợi, vì khi giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất của pháp luật hiện hành, Nhà nước sẽ giải quyết được bao nhiêu rắc rối nảy sinh từ khiếu kiện đất đai hiện nay. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào ổn định xã hội và phát triển đất nước. Đồng thời, làm được như vậy cũng sẽ giảm mạnh được nguy cơ tham nhũng, lũng đoạn của nhiều cán bộ, quan chức hiện nay. Tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai đang là điển hình, phổ biến nhất.

Nhưng muốn làm được như vậy, không chỉ sửa luật về vấn đề quyền sở hữu. Luật sửa đổi cũng phải quy định rõ các điều kiện chặt chẽ liên quan đến quyền sở hữu đất, quyền sử dụng theo hướng đơn giản hóa, minh bạch để tránh tùy tiện trong áp dụng, có lợi cho cơ quan quản lý và đẩy cái khó cho người dân. Nếu không thay đổi được những vấn đề căn bản nói trên, việc sửa đổi luật Đất đai tới đây cũng chẳng thay đổi được những bất cập hiện nay.

-Việc có quá nhiều văn bản pháp luật về đất đai dẫn tới có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau ở đội ngũ cán bộ, công chức thực thi. Cùng với việc sửa luật Đất đai lần này, chúng ta có nên “tinh gọn” các văn bản hướng dẫn và thống nhất một đầu mối giải quyết về thủ tục liên quan đến đất đai cho người dân?

Đó là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng như Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan gác cổng cho Chính phủ và Quốc hội cần giúp khắc phục hệ thống pháp luật đất đai rối rắm như hiện nay. Đây cũng chính là kẽ hở cho tham nhũng. Qua vụ Tiên Lãng, chúng ta cũng đã thấy được khá rõ những bất cập của hệ thống pháp luật đất đai hiện hành. Và xin nhấn mạnh Tiên Lãng chỉ là một trong những tảng băng bị trồi lên thôi. Để minh bạch trong quá trình thực thi pháp luật đất đai, ngoài việc thừa nhận chế độ đa sở hữu về đất đai, cần quy định rõ về quyền hạn quản lý của cơ quan nhà nước đến đâu và chỉ nên luật hóa thay vì để cho các cơ quan quản lý hành chính tự ban hành. Phần đất đai thuộc sở hữu nhà nước vẫn vô cùng lớn, vẫn là nguồn lực không gì so sánh của quốc gia nên việc quản lý nó đòi hỏi những nỗ lực hoàn thiện lớn hơn những gì hiện đang có trong tư duy của các nhà làm luật và xây dựng chính sách.

-Quyền sở hữu về đất đai là vấn đề vô cùng hệ trọng đối với người dân. Trước nhiều luồng quan điểm trái ngược hiện nay về quyền sở hữu đất đai, Nhà nước có nên lấy ý kiến phúc quyết của dân về vấn đề này khi sửa đổi Hiến pháp 1992 sắp tới?

Nếu mạnh dạn, chúng ta hãy đưa ra lấy ý kiến nhân dân về quyền sở hữu cá nhân đối với đất, ít nhất là đối với đất ở. Không có lý gì không lấy ý kiến phúc quyết của dân về vấn đề lớn như thế này. Làm được thế mới thực sự là dân chủ. Điều mà tôi thấy hiện nay là Đảng chưa thực sự mạnh dạn, Quốc hội chưa thực sự kiên quyết trong việc lấy ý kiến nhân dân những vấn đề then chốt liên quan đến đời sống của người dân. Năm 1946, khi đất nước vừa hình thành, chính quyền còn đang non trẻ, có thể nói rất yếu và vô cùng mong manh trước các thế lực thù địch, nhưng Bác Hồ vẫn tin vào sự lựa chọn của dân và đã đưa quyền phúc quyết của nhân dân vào Hiến pháp 1946. Nếu không có sự xâm lược của Pháp thì Bác Hồ đã cho phúc quyết nhiều vấn đề lớn. Tại sao ở thời điểm chính quyền chúng ta mạnh thế này, dân trí cao như thế này mà những vấn đề thực sự gắn với lợi ích của người dân, gắn với lợi ích thực sự của đất nước, chúng ta lại không đưa ra để dân phúc quyết?

“Để minh bạch trong quá trình thực thi pháp luật đất đai, ngoài việc thừa nhận chế độ đa sở hữu về đất đai, cần quy định rõ về quyền hạn quản lý của cơ quan nhà nước đến đâu và chỉ nên luật hóa thay vì để cho các cơ quan quản lý hành chính tự ban hành”

Bảo Cầm (thực hiện)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tủn

    Không được đâu!
    Không bao giờ người ta từ bỏ đặc quyền đặc lợi, nhất là quyền được lấy cớ sở hữu toàn dân nhà nước quản lý để nhũng nhiễu người đang sử dụng những mảnh đất có giá trị.
    Làm cán bộ mà mất cái quyền được ăn thì e là không ai muốn làm cán bộ, vì cán bộ là đầy tớ của dân mà.

  2. Nông Cà

    Chúng ta hãy đặt niềm tin vào đảng và nhà nước ta!

    Trong khí thế thực hiện nghị quyết TW4 và “học tập và làm theo gương đạo đức bác Hồ”, một lần nữa khơi dậy tấm lòng thương dân, yêu đất nước, để những người có trách nhiệm thực sự thực hiện lời của Bác Hồ: “Những điều gì có lợi cho dân phải hết sức làm, những điều gì có hại cho dân phải hết sức tránh!”.
    Mong sao sửa luật đất đai lần này vì mục đích làm lợi cho dân!

    Mong lắm thay!

  3. Sáu xị

    Ai chã mong như vậy.
    Nhưng giữa mong chờ với thực tế còn khoảng cách xa lắm bạn ơi, tôi đã mòn mõi rồi!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81