Giá cà phê thế giới biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Mức tăng giảm tuy nhiên tương đối nhẹ.
Tại London, giá cà phê robusta đầu phiên hôm qua nối tiếp đà tăng của hôm thứ Hai, lên tới 1.886 USD/tấn ở kỳ hạn tháng 3, mức tăng 32 USD so với chốt phiên đầu tuần nhờ đồng USD suy yếu và thị trường New York sáng sủa. Tuy nhiên về cuối phiên, áp lực chốt lời của nhà đầu tư đã khiến thị trường không giữ nổi đà tăng.
Đóng cửa, kỳ hạn tháng 3 mất 9 USD xuống còn 1845 USD/tấn.
Khối lượng giao dịch phiên hôm qua gấp hơn 2 lần so với ngày thứ Hai do nhà đầu tư Mỹ trở lại thị trường sau ngày nghỉ lễ.
Trên thị trường vật chất, giá cà phê của Việt Nam và Indonesia đang ở xu hướng giảm mức cộng do nguồn cung dồi dào hơn, cộng với giá tại London cao. Theo số liệu của Reuters, giá cà phê Indonesia loại 4, 80 lỗi đang có giá cộng 350 – 400 USD/tấn so với giá giao tháng 3 tại London, trong khi cà phê robusta loại 2, 5% đen vỡ của Việt Nam giá cộng 50 – 70 USD/tấn, từ mức cộng 90 USD của tuần trước.
Tại New York, giá cà phê arabica phiên qua cũng tăng mạnh lúc mở cửa do đồng USD suy yếu sau các tin kinh tế tốt hơn dự kiến phát đi từ Trung Quốc. Tuy nhiên, báo cáo phát đi từ ICO đã gây sức ép lên thị trường sau đó khiến giá quay đầu giảm. Kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng đã cứu cho thị trường thoát phiên giảm thứ hai liên tiếp.
Đóng cửa phiên, kỳ hạn tháng 5 đứng ở 228,1 cent/lb, tăng 0,5 cent so với phiên thứ Sáu tuần trước, kỳ hạn tháng 7 tăng 0,05 cent lên 230,85 cent/lb.
Tổ chức Cà phê Quốc tế phát đi báo cáo cho thấy, sản lượng sẽ đạt 132,4 triệu bao trong vụ 2011/12, cao hơn 3% so với dự báo đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó ngân hàng Commerzbank thì cho rằng thị trường có thể thặng dư cà phê trong năm nay nhờ sản lượng cao kỷ lục từ Braxin.
Ở trong nước, giá cà phê nhân xô hôm nay mất 200 nghìn đồng sau khi tăng được 300 nghìn đồng/tấn ngày hôm qua, ở quanh 36,9 – 37,2 triệu đồng/tấn.
Nguyễn Hằng (giacaphe.com)
Sao tôi không thấy báo cáo là nhu cầu tiêu dùng hàng phê tăng cao vì áp lực kinh tế quá lớn trên toàn thế giới? người ta phải uống nhiều capphe để giảm stress….
Bây giờ báo thặng dư, đến khi thu hoạch xong lại báo thiếu. Mấy thông tin này nghe quen quá. Tôi nghĩ năm nay Brazin chắc cũng găm hàng chờ giá. Ai biết đâu được đấy.
Có lẽ Việt Nam là nước làm cuộc cách mạng găm hàng đầu tiên thì các bạn trên thế giới cũng hưởng ứng theo thôi.
50.000đ/1kg là giá cà phê tháng 5-2012. Không cần phải phân tích về kỹ thuật, sản lượng năm nay hay năm tới có mất mùa hay không nữa. Không nên vội bán sớm, nếu chi tiêu thì buộc phải bán một ít.
Cà phê đang bị rớt tự do là nhu cầu cần tiền dịp tết cổ truyền của bà con! Có lẽ chúng ta nên hạn chế bán ra kéo dài thì may ra mới điều tiết được giá không bị ép nữa. Hiện tại theo phản ánh của bà con nông dân thì một số đại lý thu mua cà phê đang … “đồng loạt” hết tiền mua một cách khó hiểu để gây hoang mang cho dân.
Làm gì có chuyện giá cà phê đang rơi tự do.
Theo tôi, mấy năm trước đầu cơ nước ngoài vào tranh mua tại trong nước. Năm nay họ ko vào tranh mua vì biết sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn nên quay qua ép giá trên sàn. Bác nào theo dõi trên sàn sẽ thấy được điều này.
Do giá mua bán nội địa thường căn cứ vào giá khớp lúc đóng cửa tại sàn London để phiên ra nên đầu cơ nước ngoài ra tay lèo lái giá này. Đã có lần trên Y5 có bạn nào nói ép giá sàn ko khó. Tôi cũng theo dõi tìm hiểu và phát hiện ra điều rất bất ngờ. Ví dụ phiên hôm qua, từ đầu phiên giá luôn luôn dương có lúc lên đến +35-37, nhưng duy trì trên +20 cho đến 22g41′ rồi chỉ trong vòng 7′ giá lao dốc xuống -12 và dao động tầm này cho đến chốt phiên. Giá khớp là giá có bán và có mua, nhưng ai bán và ai mua? Rõ ràng là có sự ép giá sàn!
Đại lý đồng loạt hết tiền là điều xưa nay thường thấy khi giá lên. Nếu giá xuống khoảng 1k thì không hết tiền đâu nhé.
Vẫn biết người nông dân trồng cà phê chỉ trông chờ thu hoạnh cà phê mới có tiền để trang trải mọi chí phí, rất ít gia đình nông dân có thêm thu nhập phụ! Đành rằng nông dân ta vẫn phải bán cà phê dù phải cắn răng để bán, không thể cất vô kho mãi được! Như tôi đã nói nhiều lần, “TÀI XẾ THÌ MỚI LÀ NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN CÁI XE CỦA MÌNH”. Theo tôi không có “người nào” có thể điểu khiển được giá cà phê ngoại trừ người làm ra hạt cà phê “nông dân”! chỉ tiếc rằng nông dân ta quá khó khăn về vốn nên đành bất lực.
Phải chi nhà nước và các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp vay vốn lãi suất ưu đãi, thì cũng cho nông dân trồng cà phê vay ưu đãi thì tốt biết mấy! Có như vậy thì cà phê Việt Nam mới mong có giá cao và ổn định!
Tóm lại, có “người nào”… điều khiển được giá cà phê hay không?
Lại bắt đầu đè giá rồi ! Thế này làm sao lên nổi.
Chị Hằng cho hỏi, sao hôm qua ngày 18/1/2012 mà không thấy thị trường giao dịch vậy?
@{ABC 6:31 ngày 19/01/2012
Chị Hằng cho hỏi, sao hôm qua ngày 18/1/2012 mà không thấy thị trường giao dịch vậy?}
Bạn thông cảm đi vì hôm qua chả có ai bán nên giao dịch ảo cũng buồn. Bấy lâu nay tụi em đưa giá lên là ảo cho vui chứ có bà con nào bán đâu mà giao với dịch!
Cứ thế này thì nông dân mình hát mãi bài vọng cổ cà phê thôi.