Du lịch Gia Lai: Tăng trưởng thiếu bền vững

Tổng doanh thu từ du lịch của tỉnh năm 2011 có mức tăng trưởng vượt bậc so với các năm trước. Nhưng thực tế, lượng khách đến Gia Lai lại tỷ lệ nghịch so với mức tăng trưởng, một phần là do điểm đến không còn sức hút đối với du khách, cơ sở hạ tầng phục vụ kém, nguồn nhân lực thiếu chuyên nghiệp…

Doanh thu tăng, khách đến giảm

Theo thống kê, tổng lượt khách đến Gia Lai năm 2011 đạt trên 170 ngàn lượt, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, chủ yếu là khách thương mại và công vụ, khách du lịch thuần túy không cao. Đáng buồn hơn, lượng khách quốc tế giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2010 (khoảng trên 9 ngàn lượt). Bà Nguyễn Thị Thúy Lan- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Lữ hành Gia Lai (Gia Lai Tourist), cho biết: “Doanh thu từ dịch vụ lữ hành năm 2011 ước đạt gần 10 tỷ đồng, chủ yếu từ khách nội địa và khách quốc tế (khách mua tour đi nước ngoài và trong nước-P.V), còn lượng khách đến không nhiều”.

Giá cả leo thang, nhiều gia đình phải “thắt lưng buộc bụng” trong nhiều khoản chi. Tuy vậy, nhiều gia đình ở Gia Lai vẫn không tiếc tiền, sẵn sàng móc hầu bao chi cho những chuyến du lịch dài ngày trong nước lẫn quốc tế. Đây cũng là nguồn thu đáng kể trong tổng doanh thu từ dịch vụ lữ hành.

Nhà rông Tây Nguyên tại Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội)- kiến trúc nhà rông truyền thống như thế này ở Gia Lai đang ngày càng hiếm dần.
Nhà rông Tây Nguyên tại Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội)- kiến trúc nhà rông truyền thống như thế này ở Gia Lai đang ngày càng hiếm dần.

Thực tế, doanh thu du lịch của Gia Lai trong năm 2011 có mức tăng trưởng khá, đạt trên 150 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2010. Tuy nhiên,  doanh thu từ dịch vụ ăn uống (phục vụ hội nghị, hội thảo, tiệc của khách địa phương) và cơ sở lưu trú vẫn chiếm tỷ trọng cao. Nguồn thu từ du lịch vẫn chưa có dấu ấn của các sản phẩm du lịch đi kèm.

Là một người làm du lịch lâu năm, ông Hà Trọng Hải- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Gia Lai, cho biết doanh thu từ du lịch của Công ty ông năm 2011 tăng 40% so với năm 2010. Đó là sự thành công của người làm du lịch nếu đứng trên phương diện kinh doanh. “Sản phẩm du lịch là tổng hợp các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và mang về lợi nhuận, để từ đó chúng tôi nộp ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”- ông Hải nói.

Tuy nhiên, không thể không có những băn khoăn, lo ngại khi thực tế, lượng khách đến đang giảm đi rõ rệt. Bởi lẽ, phát triển du lịch luôn gắn với giải quyết việc làm và nâng cao mức sống cho người dân địa phương, chứ không chỉ làm giàu cho nhiều “đại gia” kinh doanh trong ngành “công nghiệp không khói” này.

Một thoáng”… Gia Lai

Lý giải cho việc lượng khách đến Gia Lai giảm trong năm 2011, đặc biệt là khách quốc tế, ông Hà Trọng Hải cho rằng: “Hầu hết du khách, nhất là khách nước ngoài rất thích loại hình du lịch văn hóa, tham quan các buôn làng còn hoang sơ với nếp sống của cư dân bản địa. Đây là những tour “hút” khách nhất và cũng là thế mạnh trong khai thác du lịch của tỉnh. Nhưng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nhiều ngôi làng vốn là điểm đến yêu thích của du khách nay dần thay đổi diện mạo, nhà bê tông cốt thép thay cho nhà sàn; nhiều mái nhà rông từ lợp tranh nay đã lợp tôn… khiến nhiều khách thất vọng khi tìm đến.

Làng Văn hóa Đê Ktu (huyện Mang Yang) cũng là một trong những địa chỉ khám phá văn hóa bản địa “chiều lòng” được nhiều du khách. Song, sau những lần sửa sang, xây mới nhiều hạng mục, làng gần như mất đi “phần hồn”, không thể tìm thấy hơi thở cuộc sống của người bản địa sau những công trình đang được bê tông hóa. Theo một số hướng dẫn viên du lịch, du khách tỏ rõ sự thất vọng ngay khi đến làng và hầu hết đều “một đi không trở lại”.

 Thác Phú Cường gia lai
 Thác Phú Cường, một thắng cảnh nổi tiếng ở xã Dun, huyện Chư Sê – Gia Lai

Một trong những địa chỉ du lịch nổi tiếng của Gia Lai được thế giới biết đến là làng voi Nhơn Hòa thì nay cũng bị xóa sổ. Làng voi từng làm nên “thương hiệu” cho du lịch Gia Lai khi được một số sách, tạp chí về du lịch nổi tiếng trên thế giới nhắc đến. Không ít người tìm đến vùng đất cao nguyên này cũng từ sự giới thiệu uy tín này. Nhưng khi làng voi không còn, tất nhiên tên của nó cũng bị “xóa sổ” trên bản đồ du lịch. Theo tiết lộ của một người làm du lịch lâu năm, từng có du khách nước ngoài đến Gia Lai hỏi về voi Nhơn Hòa rồi… “đi thẳng” khi biết làng voi không còn.

Bà Nguyễn Thị Thúy Lan cho rằng, Gia Lai nằm trong khu vực Tây Nguyên nên một số sản phẩm du lịch có sự tương đồng, một số điểm đến của chúng ta khá xa thành phố. Ngoài ra, còn nhiều hạn chế khác khiến du lịch Gia Lai vẫn chưa có sức bật mạnh mẽ… Và dù các tour trong tỉnh được Trung tâm Dịch vụ Lữ hành chào bán với giá cạnh tranh, không hề tăng giá so với các nơi khác nhưng vẫn không “kéo” được khách về cho tỉnh. Bên cạnh đó, đội ngũ làm du lịch của tỉnh cũng chưa chuyên nghiệp, năng động nên phục vụ du khách còn nhiều hạn chế.

Diện mạo đời sống của cư dân bản địa đang dần thay đổi, văn hóa cũng sẽ mai một ít nhiều; điểm du lịch nổi tiếng như làng voi Nhơn Hòa không còn… Nhiều danh thắng khai thác chưa hiệu quả khiến Gia Lai đang kém sức hấp dẫn, khó cạnh tranh và trở thành điểm đến… một thoáng của du khách. Tất nhiên du lịch không thể vì thế mà giẫm chân tại chỗ, càng không thể thụt lùi. Phát triển du lịch và phát triển như thế nào đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của tỉnh cũng như nỗ lực tự thân của những người làm du lịch. Nếu không, một phần doanh thu từ du lịch sẽ “chui” vào túi các công ty, trung tâm dịch vụ lữ hành lớn ở các tỉnh đã và đang “nhảy” vào Gia Lai khai thác tour với đội ngũ làm du lịch được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và năng động.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85