Chế biến thịt quả cà phê làm thức ăn chăn nuôi

Hàng năm sản lượng cà phê của nước ta đạt khoảng 850.000 tấn, lượng phế thải (chủ yếu là thịt quả) chiếm gần một nửa (340.000-350.000 tấn).


Phần lớn lượng thịt quả phế thải từ các nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu đều bị đổ trực tiếp ra sông suối, ao hồ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng.

Để giải quyết nhược điểm này đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu giàu chất dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sau nhiều năm nghiên cứu ở các vùng trồng và chế biến cà phê, mới đây nhóm nghiên cứu viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch do PGS. TS Nguyễn Thùy Châu làm chủ nhiệm đề tài vừa triển khai thành công dự án thử nghiệm “Sản xuất thử thịt quả cà phê lên men làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở qui mô công nghiệp”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Châu cho biết: Dự án có qui mô công suất 5 tấn/ngày được triển khai xây dựng tại công ty Cà phê Êa Pôk, tỉnh Đak Lak dựa vào kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thịt quả cà phê lên men làm thức ăn gia súc” đã được nghiệm thu và đánh giá cao trước đó. Để tạo ra chế phẩm thịt quả cà phê lên men dùng làm thức ăn gia súc, đề tài đã sử dụng các vi sinh vật tự nhiên và vi sinh vật tuyển chọn với mục đích khử tanin, caffein và tạo các enzym cellulaza, pectinaza trên môi trường thịt quả cà phê có bổ sung các thành phần dinh dưỡng.

Enzym pectinaza có tác dụng thủy phân pectin thịt quả cà phê thành Oligogalacturonide có vai trò như là nguồn dinh dưỡng cho các vi sinh vật có ích cho đường ruột vật nuôi phát triển. Chế phẩm thịt quả cà phê lên men do dự án sản xuất có hàm lượng tanin và caffein dưới mức cho phép, có hàm lượng protein cao đáp ứng nhu cầu làm thức ăn chăn nuôi gia súc và cá.

Quy trình sản xuất thịt quả cà phê lên men làm thức ăn chăn nuôi được thực hiện qua các bước: khử tanin bằng việc sử dụng các vi khuẩn Bacillus subtilis tự nhiên có trong thịt quả cà phê bằng cách đảo trộn đống thịt quả mỗi ngày 1 lần trong thời gian 7-8 ngày. Caffein được khử thông qua việc sử dụng nấm Aspergillus niger đã được tuyển chọn có hoạt tính khử cafein đồng thời tạo enzym cellulaza và pectinaza.

Bước tiếp theo là lên men thịt quả cà phê bằng nấm Aspergillus niger đã được tuyển chọn theo phương thức yếm khí trong các túi nilon, thời gian 9-10 ngày. Sản phẩm thu được có màu vàng sáng, mùi hấp dẫn, không còn vị đắng chát, thành phần các chất dinh dưỡng (tính theo % chất khô) gồm có: protein tổng số 19-21; đường tổng số 3,8-4,5; caffein 0,07; tanin 0,85.

Kết quả thử nghiệm tại trại chăn nuôi bò thịt Êa Pôk tỉnh Đak Lak cho thấy có thể sử dụng thịt quả cà phê lên men thay thế cho 30% thức ăn tinh trong khẩu phần thức ăn hàng ngày mà không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, việc thử nghiệm thịt quả lên men làm thức ăn để nuôi các loại cá mè hoa, cá chép, cá trắm và cá rô phi ở qui mô ao nuôi hỗn hợp 500m2 tại trại cá giống nước ngọt Êa Tam,TP.BMT tỉnh Đak Lak cũng cho kết quả khả quan.

Từ  kết quả thử nghiệm, các nhà khoa học Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch khuyến cáo, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và bà con chăn nuôi ở các vùng trồng cà phê nên sử dụng thịt quả cà phê lên men như là một chất phụ gia bổ sung vào nguồn thức ăn cho vật nuôi vừa tiết kiệm chi phí thức ăn, cho thu nhập cao hơn, đồng thời vừa có tác dụng giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường sống tại địa phương rất hữu hiệu.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyễn Vịnh

    Dự án này thực nghiệm ở Công ty cà phê Êa Pôk lâu rồi mà không biết hiệu quả ra sao?
    Bà con mùa này có chế biến ướt thì để sử dụng theo dự án trên hoặc làm phân hữu cơ vi sinh để bón và cải tạo vườn cà phê, giảm bớt phân hóa học mắc tiền. Y5 đã chuẩn bị tài liệu để hướng dẫn bà con cùng làm. Bà con đợi cuối mùa thu hoạch, khi có vỏ cà phê nhiều thì cùng triển khai làm phân vi sinh nhé! Dễ lắm, ai cũng làm được.
    Xin nói thêm : thấy bà con dùng vỏ cà phê làm chất đốt cho lò sấy mà tiếc quá! Khoảng 25 bao vỏ cà khô sẽ thu được 1 tấn phân vi sinh chất lượng cao. Đốt vỏ cà là đốt phân đó bà con à. Trong khi chúng ta đang cần nhiều phân vi sinh hữu cơ để cải tạo đất vì sử dụng phân hóa học quá nhiều làm cho đất đai thoái hóa, tích tụ quá nhiều chất độc hại không thể tái canh cây cà phê ngay thì đây là nguồn phân càng quý hơn nữa. Mong bà con cần nhận thức đúng hơn.

    1. toanrcafe

      Xin có con số để so sánh :
      -Theo chú Vịnh : 25 bao vỏ cà khô sẽ cho ra được 1 tấn phân vi sinh chất lượng cao.
      Chi phí cho vỏ cà hết : 7.000đ/bao x 25 = 175.000đ. Và các chất phụ gia, chế phẩm vi sinh khoảng 150.000đ. Tất cả là 325.000đ (dự tính).
      -Trong khi 1 tấn phân vi sinh chất lượng cao giá khoảng 2 triệu đồng.
      Như vậy là đúng như chú Vịnh nói : đốt vỏ cà là đốt phân !

  2. thienduy78

    mong bac pho bien cong thuc + cach lam cho ba con, duoc nhu vay moi mong co mot nen san xuat caphe ben vung duoc,va tiet kiem chi phi nua chu,.mong tin va xin cam on truoc nhieu nhe bac VINH!
    a ma bac nho cho luon dia chi mua cac che pham nua nhe!
    Mong bạn sử dụng tiếng Việt có đầy đủ dấu để phản hồi. Xin cám ơn. BQT.

  3. Phạm Hùng Sơn

    Cám ơn Y5 và Bác Vịnh trước. Năm rồi tôi cũng có thực hiện ủ phân từ vỏ cà phê nhưng sản phẩm thu được hình như vẫn không được như tài liệu nói, có thể là do men và cũng có thể là do mình làm chưa đúng. Rất mong tài liệu về vụ này của diễn đàn.

    1. toanrcafe

      Bạn đã làm rồi thì cho bà con biết kết quả rõ ràng hơn không? Được hay chưa được? Sao lại “hình như”?
      Mong mọi người trao đổi cụ thể hơn!

  4. nông văn dền

    Tôi đã tự làm phân vi sinh tại nhà, theo qui trình công nghệ được hướng dẫn trên Y5CAFE và ĐH Tây nguyên, không tính kg mà tính m3, đươc 40 m3 (ước tính 1tấn/m3) hết 6 triệu đồng, tính cả tiền công rải ra lô ( vỏ cà phê tôi mua hết 1,2 triệu) . Giá một bao vỏ cà phê khô không có 7.000đ, giá đó chỉ bán để sấy nông sản thôi, nhưng họ mua theo thời vụ chứ không thể lấy giá đó để tính vào giá thành làm phân vi sinh. Nếu bà con ta bán được 7.000đ/bao thì cứ bán, lấy tiền đó đi mua phân. Nhưng tôi thấy phân vi sinh chất lượng cao giá 2.000đ/kg là quảng cáo thôi, coi chừng mang dịch bệnh vào lô đấy bà con ơi.

    1. toanrcafe

      Xin bạn cho biết 1 số thông tin :
      -Bạn mua vỏ cà ở đâu mà 40m3 chỉ hết 1,2 triệu?
      -Sử dụng men vi sinh nhãn hiệu nào?
      bạn cho biết địa chỉ liên lạc hay nơi bán.
      -Bạn làm được 40m3 mà chỉ hết 6 triệu, là 1m3 chỉ tốn khoảng 150 ngàn?
      Vậy là quá tốt. Có thể chia sẻ bớt ( bán bớt ) cho bà con không?
      Cám ơn bạn vô cùng.

      1. Bảo Lộc

        Bà con ơi!
        Tôi ở Bảo Lộc. Công ty tôi đang bán vỏ cà phê giá thanh lý rất rẻ. Số lượng khoảng 100 tấn ( khoảng 400m3), ai có nhu cầu có thể liên hệ. Hiện tại giá 300đ/1kg ( đến tại kho lấy) có thể tính theo khối giá 1 khối là 100.000đ. Liên hệ sớm và lấy số lượng nhiều sẽ được ưu đãi hơn và giảm giá. Mọi chi tiết xin liên hệ thanhthuong174@gmail.com hoặc ĐT: 0983.502087 ( gặp Ms Thương)
        Cảm ơn bà con! Rất mong được hợp tác cùng bà con!

  5. nông văn dền

    Bạn muốn được tư vấn về làm phân vi sinh, có thể liên hệ một trong những địa chỉ sau : Trường ĐH Tây nguyên; Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ tại Dak lak; Công ty Eakmat Dak lak.Như tôi đã nói là chưa có ai đi mua 7.000đ/bao vỏ cà phê để làm phân vi sinh cả, bởi vì giá thành sẽ rất cao, mà chỉ mua để sấy nông sản thôi. Hiện nay các nhà khoa học đang khuyến cáo bà con ta nên tận dụng vỏ của nhà để tránh lãng phí, tất nhiên như vậy số lượng sẽ không được nhiều vì xay được 1 tấn cà phê nhân chỉ được khoảng 9 tạ vỏ thôi. Tôi làm được nhiều là có bạn làm ở xưởng xay xát chế biến chứ làm gì có mà bán. Hiện nay có một số công ty còn cho không bà con đấy. Cũng xin nói thêm là vỏ cà phê không ủ mang rải ra lô sẽ chẳng có mấy tác dụng đâu.

  6. chuot dong

    Đọc bài báo nói thịt cà phê tận dụng làm thức ăn chăn nuôi thấy mà ham nhưng đó chẳng qua chỉ dừng lại ở bài viết vì tui chưa thấy ai nói sử dụng vỏ cà phê tươi chế biến được thức ăn gia súc bao giờ. nếu thực tế cách chế biến chỉ đơn giản như trên chắc tui sẽ giàu to bởi nguyên liệu vỏ cà phê tươi trung bình 1 ngày mùa thu hoạch thải ra 2 tấn trong khi nguồn cung thức ăn gia súc gia đinh phải chi 800,000đ /ngảy. nếu thay thế được 1/3 chi phi tận dụng thì quả giàu to phải k các bạn.
    Việc tận dụng vỏ cà phê làm phân vi sinh kỳ tiếp theo, nhờ anh Vịnh hướng dẫn bà con công thức ủ với. Từ xưa đến nay, tui chỉ áp dụng cách ủ tự phát nên kết quả chẳng đáng là bao.

Tin đã đăng