Lâm Đồng, xuất khẩu cà phê có điều kiện: Khó chồng lên khó

Xuất khẩu cà phê có điều kiện – Trong hơn nửa tháng qua, dư luận tại Lâm Đồng không ngớt bàn về chuyện “xuất khẩu cà phê có điều kiện”. Theo nhận định của giới chuyên môn, nếu đề xuất “xuất khẩu cà phê có điều kiện” của Bộ NN&PTNT được thông qua và áp dụng thì tình hình xuất khẩu cà phê ở Lâm Đồng vốn đã khó nay càng thêm khó.

Xuất khẩu cà phê có điều kiện
Điều kiện sân phơi có tác động không nhỏ đến chất lượng cà phê Lâm Đồng

Trong 143.000ha cà phê hiện có của Lâm Đồng thì diện tích cà phê kinh doanh chiếm hơn 135.000ha. Báo cáo của Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho thấy, năm vừa qua tuy vẫn gặp không ít khó khăn về thời tiết và vấn đề đầu tư nhưng sản lượng cà phê của cả tỉnh vẫn đạt đến con số xấp xỉ 324.000 tấn. Như vậy, so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên – thủ phủ cà phê của cả nước – thì Lâm Đồng vẫn là đơn vị đứng thứ hai (sau Đak Lak) về diện tích và sản lượng (trước đây, từng nhiều năm Lâm Đồng dẫn đầu về sản lượng). Cũng như cả nước, mặt hàng cà phê của Lâm Đồng được sản xuất ra để xuất khẩu là chính. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo hằng năm thì lượng cà phê xuất khẩu của Lâm Đồng chiếm chỉ khoảng 1/3 sản lượng (hoặc ngay như vụ vừa rồi, cả tỉnh chỉ xuất khẩu không đến 100.000 tấn); trong khi thực tế thì cà phê Lâm Đồng vẫn đi ra nước ngoài nhưng lại mang danh nghĩa địa phương khác.

Theo quan sát của giới chuyên môn, sở dĩ cà phê Lâm Đồng khi ra nước ngoài phải “mang tên” địa phương bạn có nguyên chính là năng lực chế biến và xuất khẩu cà phê của Lâm Đồng vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện trong số 21 cơ sở thu mua và chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh, có đến 16 cơ sở chế cà phê nhân xuất khẩu nhưng năng lực thu mua và chế biến chỉ mới dừng lại ở con số 180.000 tấn mỗi năm (trong khi sản lượng cà phê cả tỉnh là 320.000 tấn/năm). Số cà phê còn lại (140.000 tấn) là do hộ tư nhân hoặc các cơ sở nhỏ lẻ chế biến. Điều đáng lưu ý nữa là, ngay cả trong 180.000 tấn do 16 cơ sở chế biến để xuất thì lượng cà phê thực chất được đi ra nước ngoài trực tiếp từ Lâm Đồng chỉ chiếm con số quá nhỏ (không đến 100.000 tấn). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Lâm Đồng vẫn còn những hạn chế nhất định.

Hàng năm, mỗi doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê ở Lâm Đồng chỉ đưa ra nước ngoài vài ngàn tấn. Hơn thế, chất lượng cà phê Lâm Đồng không cao hơn cà phê các tỉnh trong khu vực nên việc “thêm một lần tái chế” trước khi xuất khẩu tại các địa phương khác cũng là điều dễ hiểu. Cùng với đó, theo các nhà quản lý, khả năng và tinh thần liên kết trong chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Lâm Đồng chưa đạt đến mức cần thiết nhằm tạo nên sức mạnh khả dĩ để cạnh tranh lành mạnh trong xuất khẩu cà phê. Với thực trạng đó, những quy định mới nhất theo đề xuất của Hiệp hội Cà phê VN (Vicofa) đã vô tình thêm một lần làm “rào cản” cho các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh ở lĩnh vực xuất khẩu cà phê. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không những phải có kho chứa phù hợp và thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm mà các doanh nghiệp này còn phải có ít nhất 2 năm liền tham gia chế biến và xuất khẩu cà phê với khối lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu mỗi năm là 5.000 tấn. “Đây quả là con số quá xa vời đối với không ít doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở Lâm Đồng. Hơn thế, những quy định “kèm theo” xem ra cũng quá ngặt nghèo nên không có nhiều doanh nghiệp ở Lâm Đồng đáp ứng được quy định đặt ra” – một lãnh đạo của Sở NN&PTNT Lâm Đồng phát biểu.

Việc chế biến và xuất khẩu cà phê nhiều năm qua gần như được thả lỏng. Nhiều doanh nghiệp, kẻ cả những doanh nghiệp không liên quan và cũng không am hiểu nhiều về cà phê, vẫn thoải mái tham gia vào thị trường xuất khẩu cà phê nên dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, không quan tâm đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu (cà phê). Điều đó dẫn đến hệ quả là cà phê Việt Nam xuất khẩu luôn nằm ở vị thứ cao về khối lượng (thường đứng thứ hai) nhưng giá cả luôn thấp hơn nhiều so với mặt hàng cùng chủng loại của nhiều quốc gia khác.

Như vậy, những quy định về xuất khẩu cà phê theo đề xuất của Vicofa là có căn cứ, là nhằm nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu của VN, tránh tình trạng tranh mua làm rối loạn thị trường… nhưng vô tình tạo những rào cản không thật cần thiết đối với các doanh nghiệp nhỏ. Trước tình hình cà phê xuất khẩu sẽ phải được đi qua những “kênh” hội đủ tiêu chuẩn, các doanh nghiệp nhỏ ở Lâm Đồng cần có một “tiếng nói chung” để tạo sức mạnh cần thiết đang là vấn đề đặc biệt lưu tâm hiện nay.

Xem tất cả các bài viết trong chuyên mục: Xuất khẩu cà phê có điều kiện

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87