Quy hoạch chồng chéo: Rừng cao su “chết chìm”

Gần 100ha cao su, rừng trồng thuộc dự án đa dạng hóa nông nghiệp của người dân xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) đang ngập chìm trong lòng hồ thủy điện vào cuối năm nay. Nguyên nhân do đâu?

7 ha cao su gần 6 năm tuổi bị ngập nước trong lòng hồ thủy điện Hương Điền lâu ngày đã chết dần.
7 ha cao su gần 6 năm tuổi bị ngập nước trong lòng hồ thủy điện Hương Điền lâu ngày đã chết dần.

Đầu năm 2006 người dân xã Phong Sơn bắt đầu triển khai trồng cao su trên diện tích 244,9ha. Ông Hồ Đức Năm, một người dân ở xã Phong Sơn cho biết: “Gia đình tui trồng hơn 3ha cao su đã 6 năm tuổi, chỉ còn 2 năm là khai thác mủ. Thế nhưng, vừa rồi thủy điện tích nước làm ngập chết 0,4ha. Cuối năm nay, khi thủy điện tích đủ nước để phát điện, cả 3ha cao su của gia đình tui sẽ bị xóa sổ.

Để đầu tư mỗi hécta cao su, ngoài vay tiền dự án tại Ngân hàng NN-PTNT 60 triệu đồng, gia đình phải vay mượn thêm 60 triệu đồng để thuê công nhân chăm sóc, phân bón. Giờ tui không biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng”. Hàng chục hộ trồng cao su ở xã Phong Sơn cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Ông Nguyễn Bá Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn, cho hay: Thời điểm này khi thủy điện Hương Điền mới tích nước 35m, đã có 7ha cao su của 5 hộ dân bị ngập và hư hại. Sau này, khi thủy điện Hương Điền tích nước lên cao trình 58,17m để phát điện vào cuối năm, chắc chắn 100ha cao su và rừng keo (trong đó có gần 60ha cao su) của 87 hộ dân bị ngập.

Dự án thủy điện Hương Điền được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư giữa năm 2005. Vì sao lại có chuyện trồng cao su trong lòng hồ thủy điện? Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, năm 2005, trên cơ sở khảo sát, xác định diện tích trồng cao su (khoảng 370ha) của đoàn điều tra quy hoạch rừng Thừa Thiên – Huế, UBND huyện lập dự án và được Ban quản lý Dự án đa dạng hóa nông nghiệp tỉnh chấp nhận (khi thủy điện chưa triển khai).

Đầu năm 2006, huyện hợp đồng cơ quan chuyên môn thiết kế trồng cao su, dân được giao xử lý thực bì và nhận lô canh tác. Cuối năm 2006, UBND huyện cấp sổ đỏ cho 123 hộ dân trên diện tích 244,99ha. Đến giữa năm 2007, dự án trồng cao su của xã Phong Sơn đã thực hiện xong. Lúc này, đơn vị quản lý thủy điện Hương Điền mới lên tiếng, cho rằng toàn bộ diện tích rừng trồng bị ảnh hưởng bởi lòng hồ được quy hoạch.

Được biết, việc đo đạc và vẽ bản đồ cho Dự án thủy điện Hương Điền và đất trồng cao su, trồng rừng của người dân Phong Sơn đều do Trung tâm kỹ thuật của Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên – Huế thực hiện. Tuy nhiên, không hiểu sao lại xảy ra sự chồng chéo trên.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật Sở TN-MT cho biết: “Do không xác định ranh giới nên chủ đầu tư và địa phương chỉ đâu thì đơn vị đo đó. Bên cạnh đó, do Ban quản lý thủy điện không công bố quy hoạch, không phối hợp với huyện Phong Điền mới xảy ra tình trạng trên”.

Việc xác định ai đúng ai sai đang còn tranh cãi giữa thủy điện và địa phương, trong lúc đó, nông dân đang rơi vào thế kẹt. Đến thời điểm này, mỗi hécta cao su người dân đã đầu tư khoảng 120 triệu đồng và chưa biết đơn vị nào chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho dân?

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có văn bản yêu cầu Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, UBND huyện Phong Điền cùng thủy điện Hương Điền rà soát lại hồ sơ đo đạc của 2 dự án đa dạng hóa nông nghiệp và thủy điện để giải quyết vướng mắc của việc chồng chéo quy hoạch để có cơ sở bồi thường thiệt hại cho người dân.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83