Thế giới đã chạm đáy khủng hoảng

Trong cuộc họp G7 tại Washington, các nhà lãnh đạo của thế giới đều nhận định thời kỳ tồi tệ nhất của cơn suy thoái đã qua. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào của sự phục hồi.

G7
Các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc họp diễn ra tại
Văn phòng của Bộ Tài chính Mỹ ở Washington.

Các bộ trưởng tài chính từ 7 quốc gia kinh tế phát triển nhất đã nhóm họp hôm qua để tìm ra con đường vượt qua cơn bão tài chính toàn cầu. Tin tốt với thế giới là giai đoạn xấu nhất đã qua. Sau phiên họp, các bộ trưởng tài chính và lãnh đạo ngân hàng cho biết các hoạt động kinh tế có thể sẽ dần ổn định từ cuối năm nay.

Tuy nhiên, nhiều người nhận định triển vọng vẫn còn khá u ám và có khả năng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Bộ trưởng tài chính Mỹ tuyên bố: “Nếu lạc quan rằng kinh tế thế giới sắp đi lên là không đúng“. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Kaoru Yosano nói cho đến nay thời điểm phục hồi vẫn còn là một dấu hỏi.

Những nhận định lần này ít nghiêm trọng hơn Hội nghị thượng đỉnh lần trước hồi tháng 2. Khi đó, các nhà lãnh đạo thế giới lo ngại rằng cơn suy thoái có thể diễn ra hết 2009 và không ai đề cập đến câu hỏi về sự phục hồi.

Trong cuộc họp hôm qua, thông cáo viết: “Những số liệu thống kê gần đây cho thấy tốc độ đi xuống của kinh tế toàn cầu đã chậm lại, một vài dấu hiệu le lói khả năng ổn định tăng trưởng trong tương lai“. “Chúng ta sẽ tiếp tục hành động để duy trì các khoản vay, ổn định tính thanh khoản, hỗ trợ nguồn vốn cho các định chế tài chính, bảo vệ tài khoản tiền gửi trong ngân hàng. Chúng tôi tái khẳng định lòng quyết tâm của khối G7 trong việc bảo đảm hoạt động vững chãi của các tổ chức tài chính quan trọng“, tuyên bố viết.

Nhóm 7 quốc gia phát triển nhất bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản. Cuộc họp của nhóm G7 diễn ra một ngày trước khi hai định chế lớn Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế gặp gỡ trong cuộc họp diễn ra hai năm một lần.

Áp lực đang ngày càng lớn trên vai nhóm G7 trong việc giúp hệ thống ngân hàng thoát khỏi những tài sản độc hại. Khối tài sản này đang kìm hãm hoạt động cho vay của các ngân hàng và là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế toàn cầu rơi xuống vực sâu nhất kể từ Cơn Đại Suy thoái.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính tổng thiệt hại của các tổ chức tài chính khắp thế giới có thể lên đến 4 nghìn tỷ USD. IMF cho rằng các quốc gia giàu nhất trên thế giới phải ưu tiên giải quyết vấn đề của khu vực tài chính trước vì kinh tế thế giới không thế phục hồi nếu nguồn tín dụng không tiếp tục chảy trên thị trường.

THỊNH’C
Theo Reuters/ VnExpress

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84