Tiếng voi nhà khẩn thiết

Cách đây vài ngày, tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam, chú voi tên Hờ Nun do đoàn xiếc Hoàng Nam thuê của bản Đôn (Đắk Lắk) đã ngã gục trên đường lưu diễn. Trước đó vài tháng, vụ án voi Beckham bị giết chết để lấy ngà và lông đuôi… đã khiến dư luận phẫn nộ…

Voi Tây Nguyên đã chết dần mòn bằng rất nhiều kiểu cách và điều đáng đau xót thay, cho dù những con voi nhà cuối cùng này có được bảo vệ khỏi nạn săn bắn, làm việc quá sức… thì vẫn sẽ tuyệt chủng. Bởi trong suốt 20 năm qua, xứ sở voi nhà không còn chứng kiến sự ra đời của một chú voi con nào nữa.

voi tây nguyên

Thú chơi… tận diệt

Ngà voi quý như thế nào là chuyện không phải bàn. Chỉ những người giàu có, và phải có duyên may mới được sở hữu một cặp ngà voi lớn. Còn loại ngà nhỏ, ngà gãy vụn được cắt ra làm đồ trang sức như trâm, lược, vòng đeo cổ, vòng đeo tay… với giá vài triệu đồng một chiếc. Ngoài sự quý phái, người ta tin rằng vòng ngà voi có tác dụng tránh gió, phòng nhiễm độc rất hiệu nghiệm. Do vậy trước đây chỉ có voi đực sống lâu năm, có ngà mới nằm trong tầm ngắm của thợ săn. Còn bây giờ cả voi non, voi cái cũng không thoát khỏi nguy cơ tận diệt bởi những thú chơi mới.

Đi du lịch đến bản Đôn hoặc Lắc (Đắk Lắk), ngoài dịch vụ cưỡi voi, ai cũng cố mua được ít nhất một chiếc lông đuôi voi. Thứ lông màu đen, dài khoảng 10 – 15cm, cứng như sợi cước có giá 400 – 500 nghìn đồng/chiếc thường được luồn trong nhẫn vàng hoặc để trong ví da. Họ tin rằng, mang chiếc lông đó trên người sẽ gặp may mắn. Ban đầu chỉ là những vụ nhổ trộm lông đuôi voi, sau đó là chặt đuôi voi, thậm chí giết voi chỉ vì mấy sợi lông này.

Tháng 3/2011, TAND huyện Lắc đã tuyên phạt Phạm Văn Huy (trú huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) và Lê Viết Dũng (trú Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu) mỗi bị cáo 3 năm tù, Đàm Văn Nội (trú huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) 2 năm tù, Y Bra H’Wing (Buôn Đôn, Đắk Lắk) 15 tháng tù vì nhẫn tâm chặt đứt đuôi một con voi cái, vặt trộm 200 chiếc lông đuôi của một con voi khác. Trong đó, Y Bra H’Wing từng là quản tượng, con trai một gia đình người Ê Đê giàu truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Không lâu sau phiên tòa này, voi Beckham đã bị kẻ gian chặt đứt 2 chân sau và chết thảm tại Khu du lịch hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), voi Pắc Cú tử vong tại Khu du lịch Thanh Hà (Buôn Đôn, Đắk Lắk) với 217 nhát chém. Không chỉ chuộng đồ trang sức làm từ ngà voi, lông đuôi voi mà cả thịt voi, đế chân voi cũng là những thứ người ta đang thèm muốn. Chúng tôi đến quán T.R trên đường Nguyễn Tri Phương, TP.Buôn Ma Thuột theo lời giới thiệu của giới sành ăn thú rừng. Bà chủ quán cười cười: “Có đế chân voi, nhưng không phải lúc nào cũng có”. Người ta bảo đế chân voi 6 triệu đồng một bộ, ăn giòn giòn…

Khi voi nhà… vô sinh

Trong ký ức của ông già Y Két H’Ra – buôn Đăng Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn – vẫn còn nguyên vẹn những cuộc rượt đuổi voi rừng với hàng trăm trai tráng, hàng chục con voi nhà tham gia, ròng rã nhiều ngày đêm. Voi rừng do Ma Năng – tên thường gọi của ông Y Két – bắt được phải qua thuần dưỡng, sau đó mới trở thành thành viên chính thức của cộng đồng. Ma Năng kể: “Ngày xưa voi phải kéo gỗ, thồ hàng, nhưng phần lớn thời gian voi được nghỉ ngơi, tự do trong rừng. Voi được con người tôn trọng, tri ân qua nhiều nghi lễ như lễ nhập buôn, cúng sức khỏe voi, kể công voi…”. Ma Năng là một trong 31 nghệ nhân voi hiện còn sống ở buôn Đôn, ông từng bắt và thuần dưỡng 30 voi rừng, được phong gru – dũng sĩ săn voi. Nhưng chuyện của Ma Năng chỉ có trong quá khứ, còn hiện tại voi là tài sản vật chất, là phương tiện kiếm tiền của chủ voi. Ông Nguyễn Đức – Trưởng bộ phận kinh doanh du lịch, Cty TNHH MTV XNK cà phê 2.9 Đắk Lắk – cho biết: “Mỗi con voi trị giá khoảng 400 – 500 triệu đồng, mục đích mua voi là để kinh doanh…”.

Lông đuôi voi
Lông voi dài khoảng 10 – 15cm có giá 400 – 500 nghìn đồng/chiếc.

Chính mục đích kinh doanh đã dẫn đến một hệ lụy đau lòng, chưa từng có trong lịch sử mấy trăm năm săn bắt, thuần dưỡng voi rừng ở TN. Đó là đàn voi nhà không còn sinh sản trong vòng 20 năm qua. Ông Y Lư Buôn Nhang – xã Krông Na, buôn Đôn – cho biết: “Nếu cho voi đực giao phối, nó sẽ thường xuyên nghĩ đến chuyện ấy nên không đi chở khách. Voi đực lại rất “bạo lực”, có thể làm sẩy thai hoặc làm chết voi cái mà theo luật tục thì chủ voi đực phải bồi thường. Còn nếu giao phối có kết quả, voi con lại thuộc về chủ voi cái, chủ voi đực không được gì”.

Nhưng theo PGS-TS Bảo Huy – Phó trưởng khoa Nông-Lâm, ĐH Tây Nguyên – thì việc nuôi voi riêng lẻ, phục vụ du lịch đã hạn chế khả năng sinh sản của voi. Con voi cũng có tình cảm như người, nó đòi hỏi phải có môi trường thích hợp để gặp gỡ, việc giao phối phải diễn ra kín đáo. “Số voi bị giết hại so với tổng đàn chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, vô sinh mới là mất mát lớn nhất, là lý do chính để dự báo đàn voi nhà sẽ tuyệt chủng trong khoảng 15 năm tới” – PGS-TS Bảo Huy nhấn mạnh.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83