Dak Lak: Làm giàu từ trồng cao su tiểu điền

Chị Lê Thị Yến (tổ dân phố 1, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) trước đây kinh tế gia đình rất khó khăn, loay hoay mãi vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo.

Cán bộ Hội Nông dân Tỉnh thăm lô cao su của gia đình chị Yến.

Năm 1999, khi được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 4 triệu đồng để phát triển kinh tế, chị Yến quyết định chuyển đổi 10 ha diện tích đất canh tác kém hiệu quả của gia đình sang trồng cao su tiểu điền.

Quyết tâm làm ăn theo mô hình kinh tế mới, chị Yến đá tìm mua thêm đất trống của những hộ không đủ điều kiện canh tác theo hình thức trả tiền sau được tổng cộng 20 ha cao su. Những năm đầu do thiếu vốn và kỹ thuật chăm sóc, nên hằng ngày, vợ chồng chị Yến vừa tự làm hết mọi việc xới cỏ, san đất, đào hố bón phân, vừa mày mò tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cây cao su trên sách báo và những người có kinh nghiệm.

Năm 2005, chị Yến khai thác lứa mủ cao su đầu tiên, trừ chi phí về nhân công, chăm sóc, gia đình chị lãi trên 200 triệu đồng/năm, trả hết nợ chị vẫn còn vốn để tiếp tục đầu tư chăm sóc cây trồng. Vượt qua khó khăn bằng chính nghị lực của mình, hiện nay, mỗi năm gia đình chị cũng thu lãi từ 1,5- 2 tỷ đồng, cộng thêm khoảng 30 triệu đồng/năm từ cây cà phê. Chị còn tạo điều kiện công việc ổn định cho 10 công nhân với mức lương 4 triệu đồng/tháng/người; giúp đỡ về vốn, kinh nghiệm làm ăn cho nhiều bà con trong vùng có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế như hộ anh Nguyễn Văn Vị, Trần Nhân Tâm ở thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo)…

Những năm qua, chị Yến luôn được đánh giá là một trong những hội viên nông dân sản xuất giỏi, là gương nông dân điển hình tiên tiến của Tỉnh.

Lê Thành

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83