Co hẹp đầu mối xuất khẩu cà phê là cần thiết!?

Doanh nghiệp cà phê đang xôn xao chuyện co hẹp đầu mối kinh doanh xuất khẩu, sau khi Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương đưa xuất khẩu cà phê vào diện kinh doanh có điều kiện.

Co hẹp đầu mối xuất khẩu là cần thiết

Mặc dù chưa có dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu cà phê, vì phải chờ sự chấp thuận về mặt chủ trương của Chính phủ, song Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Hiệp hội Cà phê – Ca cao và các địa phương đều cho rằng, việc co hẹp đầu mối xuất khẩu cà phê là cần thiết.

Phần lớn doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê đang hoạt động không hiệu quả.
Phần lớn doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê đang hoạt động không hiệu quả.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao cho biết, Việt Nam có 153 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, trong khi chỉ có 20 công ty nước ngoài là khách mua, cung cấp cho 8 nhà rang xay lớn của thế giới. Người bán nhiều, người mua ít, nên việc bị ép giá là khó tránh. Cũng theo ông Vinh, chỉ nên để dưới 50 doanh nghiệp được kinh doanh, xuất khẩu cà phê.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cũng cho rằng, việc có tới 70% số doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê làm ăn không hiệu quả là điều bất hợp lý, cần phải sắp xếp lại.

Việc co hẹp đầu mối xuất khẩu khiến không ít doanh nghiệp lo lắng. Thậm chí, lãnh đạo một công ty xuất khẩu cà phê cho rằng, đây là việc làm trái quy luật thị trường, thiếu công bằng và khó có hiệu quả. Dù vậy, đa số ý kiến tỏ ra đồng tình. Theo ông Lê Đức Thống, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắc Lắc, thông thường, các doanh nghiệp nhỏ, làm ăn kém hiệu quả sẽ bị thị trường đào thải. Tuy nhiên, nếu có quy định để hạn chế những doanh nghiệp làm ăn chộp giật, cạnh tranh không lành mạnh… thì sẽ làm thị trường tốt lên.

Ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cũng cho rằng, đây là việc nên làm từ lâu, bởi uy tín, thương hiệu ngành cà phê Việt Nam thời gian vừa qua bị ảnh hưởng đều xuất phát từ hoạt động của các cơ sở xuất khẩu nhỏ, không có kho tàng, không có cơ sở sản xuất – chế biến.

Được biết, trong số 153 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hiện nay, chỉ 30 doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có lượng hàng xuất khẩu hàng năm tương đối lớn và ổn định; còn lại đều là các doanh nghiệp thương mại, không có chân hàng dự trữ, nên thua lỗ liên miên.

Hướng doanh nghiệp FDI đầu tư chế biến sâu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương khẳng định, dự thảo các điều kiện cụ thể về xuất khẩu cà phê chưa được chốt, song mục đích của chủ trương này là tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông – lâm – thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, với việc đưa ra điều kiện, thị trường sẽ lựa chọn được những doanh nghiệp lớn, đầu tư sâu cho chế biến. Theo đó, những doanh nghiệp làm ăn chụp giật không còn đất tồn tại, còn doanh nghiệp nhỏ muốn tồn tại phải liên kết với nhau.

Dù vậy, các doanh nghiệp trong nước cho rằng, để giúp doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với doanh nghiệp FDI, điều quan trọng nhất là cần có chính sách hướng doanh nghiệp FDI đầu tư vào chế biến sâu, tái canh vùng cà phê, thay vì vào Việt Nam thu gom và xuất khẩu nguyên liệu thô; ngăn chặn doanh nghiệp FDI lập mạng lưới mua nguyên liệu trực tiếp từ người dân một cách trái luật; yêu cầu doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam phải có mã số thuế. Được biết, nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chỉ lập văn phòng đại diện, không có mã số thuế, nên nguy cơ trốn thuế rất cao.

Theo quan điểm của Hiệp hội Cà phê – Ca cao, hạn chế đầu mối xuất khẩu cà phê là cần thiết, nhưng không đơn giản, cần có lộ trình chuẩn bị kỹ càng, nếu không sẽ trở thành con dao hai lưỡi.

Thêm vào đó, theo ông Nguyễn Viết Vinh, giải pháp cốt yếu nhất của ngành cà phê hiện nay là phải đẩy mạnh sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của cà phê. “Hai vấn đề bức xúc nhất của ngành cà phê là xây dựng chuỗi giá trị và xây dựng Quỹ bảo hiểm sản xuất, trồng mới cây cà phê. Diện tích cà phê già đã chiếm tới 25% tổng diện tích. Nếu chỉ tập trung vào thu hái mà không đầu tư trồng lớp cà phê mới, chất lượng cao để thay thế lớp cà phê già thì sẽ đến lúc ngành cà phê Việt Nam tàn lụi”, ông Vinh khuyến cáo

>> Xuất khẩu cà phê phải có … giấy phép

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Dân Dak Mil

    Cà phê VN hiện đã xuất đi trên 80 thị trường khắp thế giới. Vậy thì cớ sao lại cứ cho rằng chỉ có 20 Cty nước ngoài là khách mua để hạn chế số lượng Cty xuất khẩu?
    Còn cho rằng: Người bán nhiều, người mua ít, nên việc bị ép giá là khó tránh. Vậy thì ngược lại, khi chỉ còn ít Cty thu mua xuất khẩu thì nông dân có bị ép giá không?
    Ai giải thích giùm. Xin cám ơn.

    1. Hàng hiệu

      Xuất khẩu đi 80 quốc gia nhưng mình có bán đến đó không mới là điều quan trọng. Hay mình bán cho khoảng chục ông nước ngoài kia rồi họ mới bán đến các nước khác.

  2. cafe non

    Chỉ là cái cớ để tạo điều kiện cho các công ty lớn đang thua lổ dẫy dụa thôi. Năm nay các công ty nước ngoài sẽ tập trung đòi nợ chứ họ cũng chả dám mua hàng nữa đâu.
    Các công ty cà phê nợ đầy ra đó, không khéo lại như Vinashin. Hai bộ Nông nghiệp và Công Thương đang cố gắng để vực mấy công ty đó lên nhưng không vực nổi đâu. Nợ hàng ngàn tỷ đồng không có khả năng trả mà vực làm gì, để cho nó tuyên bố phá sản đi. Cuối cùng thì để lại khổ cho bà con nông dân.

  3. V. Đ. Hùng

    Vấn đề co hẹp đầu mối là cần thiết và đúng đắn nếu nó được quyết định và xảy ra cách đây ba, năm năm. Lúc bấy giờ, với sản lượng ít hơn, các nhà đầu tư nước ngoài FDI ít cạnh tranh hơn, nguồn vốn ngân hàng dồi dào nhưng cần tập trung hơn… BẤY GIỜ, ra được là rất đúng thời điểm.

    Để đợi đến bây giờ mới ra thì đã quá muộn vì các nhà xuất khẩu lớn hầu như đã “trệt”, chỉ còn lại quá ít; tín dụng ngân hàng khó tập trung; phí tài chính lớn, một công ty khó đảm đương được. Sức quản lý của một giám đốc cà phê VN chừng 30-40.000 tấn là vừa, vì lớn chừng nào, sẽ đi nhanh chừng nấy trong giai đoạn đầu cơ tài chính thống lĩnh thị trường hiện nay.

    Sản lượng lớn hơn vụ trước, nếu không có đường lớn đường nhỏ cho hàng đi hàng thoát, sẽ ứ lại. Bấy giờ, liệu ông Vinh có chịu trách nhiệm trước chính phủ và nông dân cà phê vì hàng bị ứ bán không được không?

    Xin quý vị đừng chủ quan. Phải lấy thực tế hôm nay để phân tích. Ý kiến nhiều chiều là đáng trân trọng. Nhưng, cùng nhau mổ xẻ và đắn đo khi quyết định vì lợi ích chung của đất nước thì đất nước được nhờ. Còn, vì lợi ích nhóm, vì lobby để mà dành lấy cho được, thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Quý vị cứ sờ một vài công ty cà phê lớn xem, chỗ nào cũng lủng cả thì làm sao mà giao trách nhiệm lớn lao bán hết 1,2 triệu tấn cho họ được?

  4. thanh thanh

    Chỉ là cớ để tạo ra thị trường kinh doanh không lành mạnh, cá lớn nuốt cá bé, đến lúc hết cá bé thì cá lớn thao túng thị trường ép giá nông dân.
    Đề nghị Hội Nông Dân Việt Nam có văn bản gửi bộ Nông Nghiệp kêu cứu, nói lên nguyện vọng của bà con.

  5. Teppi

    Cái này tôi có thể khẳng định với anh Hàng hiệu là chỉ bán cho mấy ông nước ngòai đó rồi mấy ông đó mới bán đến các nước khác.
    Bà con cũng không nên lo lắng quá, Bộ Nông nghiệp chỉ nói là hạn chế, lựa chọn ra những DN tốt, tránh những DN nhỏ làm ăn chộp giật, cạnh tranh không lành mạnh.
    Tôi theo dõi ngành kinh doanh cà phê từ 7 – 8 năm nay, thực sự tôi thấy đa phần những người KD cà phê đều liều mạng, một số người giàu lên do gặp thời được vài năm nhưng cũng không tồn tại được lâu. Tôi thiết nghĩ việc KD cà phê có điều kiện cũng là việc tốt. Vấn đề là đưa ra điều kiện, rồi những người thực thi kiểm soát những điều kiện đó như thế nào. Hay chỉ là bình mới rượu cũ thôi.

  6. Nông Cà

    Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương đưa xuất khẩu cà phê vào diện kinh doanh có điều kiện là VI PHẠM Luật Thương Mại:
    – Điều 25 luật Thương Mại:
    hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện:
    1. Căn cứ vào điều kiện KTXH từng thời kỳ… Chính phủ quy định cụ thể hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện và điều kiện để được kinh doanh hàng hóa đó.
    – Quyết định số 0088/2000/QĐ-BTM ngày 18/01/2000 của Bộ Thương mại về việc ban hành danh mục chi tiết hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. (trong danh mục này không có cà phê)

  7. tuan_vietnamnet

    Co hẹp đầu mối xuất khẩu để cho các DN con ông cháu cha tha hồ lộng hành ép giá, đồng thời tăng thêm các DN nước ngoài vào đầu tư xây dựng nhà máy bởi họ có nhiều tiền, mà có nhiều tiền làm gì chả được.
    Chỉ khổ các DN vừa nhen nhúm lại sắp sửa đóng cửa.

Tin đã đăng