Xuất khẩu cà phê có điều kiện: Lợi bất cập hại

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có thể không được xuất khẩu nữa nếu đề xuất của Bộ NN&PTNN về kinh doanh cà phê có điều kiện được Bộ Công Thương thông qua và trình Chính Phủ ra Nghị Định.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho rằng đề xuất này nếu được thực thi sẽ làm giảm sức cạnh tranh của ngành cà phê Việt Nam và làm nảy sinh nhiều hệ lụy khác…

coffee exporter

Sẽ  không ít DN rời bỏ thị trường khi công văn số 290 của Bộ NN trở thành văn bản dưới Luật.

Theo Công văn số 290 của Bộ NN&PTNN trả lời Bộ Công Thương hôm 7-10-2011 về việc kinh doanh cà phê có điều kiện, bộ này nhất trí rằng việc quy định về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu cà phê là cấp thiết và khả thi trong điều kiện hiện nay.

Cụ thể các điều kiện dự kiến là: các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê phải có ít nhất một cơ sở chế biến cà phê, với kho chứa phù hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp đã tham gia chế biến và xuất khẩu cà phê trong hai năm liên tục với khối lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm.

Một số doanh nghiệp lớn trong ngành xuất khẩu cà phê ủng hộ đề xuất của Bộ NN&PTNN và cho rằng quy định này nhằm sắp xếp lại và làm lành mạnh thị trường xuất khẩu cà phê vốn quá đã “lộn xộn” chuyện tranh mua, tranh bán trong thời gian qua.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành cà phê lại có ý kiến ngược lại. Theo ông Phạm Ngọc Mỹ, Giám đốc doanh nghiệp Mylabcoffee, “quy định này đã chèn ép những doanh nghiệp nhỏ và những doanh nghiệp mới thành lập”. Thực tế, khó có doanh nghiệp tư nhân nào của Việt Nam có thể đạt được số lượng xuất khẩu như quy định và những doanh nghiệp mới muốn tham gia thị trường cũng không thể đạt được những điều kiện mà bộ đưa ra.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cà phê Green Bazan Coffee (GBC), cho rằng quy định này không những gây khó cho các doanh nghiệp nhỏ mà còn “triệt tiêu” năng lực phát triển và tồn tại của doanh nghiệp. “Chúng tôi đã đầu tư nhiều máy móc thiết bị để tạo ra cà phê sạch xuất khẩu nhằm nâng giá trị của hạt cà phê. Nhưng năng lực xuất khẩu của công ty mỗi năm cũng chỉ đạt tối đa gần 1.000 tấn. Chiếu theo đề xuất trên, công ty không được tiếp tục xuất khẩu cà phê là điều quá vô lý”, ông Đức bức xúc. Chưa kể nhiều năm qua, GBC đã bỏ nhiều công sức xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, và hiện đã có một số khách hàng ổn định. Vì vậy, nếu đề xuất trên được hai bộ thông qua, công ty sẽ mất đi nhiều chi phí cơ hội.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện cả nước có khoảng 140 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Các doanh nghiệp này tổ chức mua và xuất khẩu cà phê, đồng thời bán lại cho khoảng 20 doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam. Thị phần năm 2010 của cà phê Việt Nam ước chiếm khoảng 14% sản lượng cà phê toàn cầu.
Nghịch lý hơn, trước đây liên bộ NN&PTNN và Công Thương đã từng có chủ trương hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài mua cà phê trực tiếp từ nông dân nhưng với đề xuất mới này, bộ lại mở rộng cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia xuất khẩu cà phê. Với thế mạnh về vốn lẫn công nghệ, việc đáp ứng những quy định nói trên không phải là điều quá khó đối với các tập đoàn mua nông sản nước ngoài. “Nhà nước có thể kiểm soát việc tranh mua, tranh bán cà phê nguyên liệu bằng cách khác, chứ không nên áp dụng những biện pháp hành chính như vậy”, một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhận xét.

Nhiều chuyên gia trong ngành cà phê cũng cảnh báo rằng, nếu những đề xuất này được thông qua, ngành cà phê sẽ trở lại tình trạng độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước như thời gian trước. Kinh nghiệm từ quá khứ cho thấy, thời điểm ngành cà phê trong nước chưa có doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài tham gia, doanh nghiệp nhà nước ở thế “độc quyền thu mua, độc quyền xuất khẩu”, mua thấp bán cao đã khiến cho nhiều nông dân trồng cà phê chịu nhiều thiệt thòi trong thời gian dài.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. cafe non

    Lại một lần nữa thấy trên bảng điện tử lại có dòng chữ sắp xếp lại các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê mà lại thấy buồn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bị các doanh nghiệp lớn ăn hiếp. Họ đã xù được vài chục ngàn tấn cà phê của các khách hàng nước ngoài và nợ ngân hàng vài ngàn tỷ đồng không có khả năng trả nợ mà cứ đòi nước bảo hộ mà không biết xấu hổ nhỉ, hay là định hại đất nước giết bà con nông dân đây.
    Tôi đề nghị hai bộ Nông Nghiệp và Công Thương cân nhắc cho kỹ kẻo làm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tốn kém tìm kiếm bạn hàng và có uy tín mà lại không được xuất khẩu, còn lại để cho mấy ông doanh nghiệp chỉ có cái mác bên ngoài bên trong thì nợ đầy ra còn làm mất uy tín cho đất nước mà được xuất cà phê thì thật buồn.

    1. hacun

      Nói rất hay, mấy ông lớn cafe Việt Nam đang ngáp ngáp rồi, cố vay ngân hàng để gỡ lại nhưng thực tế đánh giá như một con bạc đang khát nước, đưa thêm tiền thì chỉ có mất đi thêm thôi.
      Vicofa cũng vậy, chỉ nói cho sướng miệng, có vẻ làm như đưa ra một cái mới cho dân tình được nhờ nhưng toàn đưa ra ý kiến thiên lệch vì lợi ích nhóm. Tại sao không tìm hiểu nghiên cứu kỹ để đối phó với các DN nước ngoài đang làm lũng đoạn giá tại Việt Nam mà lại đưa ra ý kiến các DN nhỏ không được XK.

  2. phamvanloi2608

    Kinh tế thị trường, có cạnh tranh trong việc thu mua thì bà con mới khá lên được. Từ ngày cho phép doanh nghiệp nước ngoài vào thu mua giá cà phê đã khá lên nhiều. Bà con phấn khởi! có tiền chăm bón cho cây. Sản lượng niên vụ năm nay tăng vọt.
    Cứ như bây giờ các nhà dịch vụ mạng điện thoại cạnh tranh tự do . Dân được hưởng cái giá tốt, ai ai cũng xài điện thoại, chứ để cho Doanh nghiệp NN độc quyền thì dân cũng khổ.
    Còn DN nhỏ thì lui về làm cái khác, hoặc liên kết lại mà làm ăn. Đừng trông vào sự bảo trợ. Làm chậm quá trình hội nhập.

  3. Nông Cà

    Qua công văn 290 của Bộ NN&PTNT ta thấy mùi của lợi ích nhóm chi phối chính sách nhà nước! Nhóm lợi ích này gồm vài đại gia xuất khẩu sẽ thâu tóm và lũng đoạn xuất khẩu cà phê như việc lũng đoạn xuất khẩu gạo của nhóm lợi ích VFA (hiệp hội lương thực VN), chỉ có nông dân là thiệt thòi nhất.
    Phi lý của công văn này quá rõ:
    1. Kinh doanh xuất khẩu: Chỉ làm kinh doanh thì đâu cần có cơ sở chế biến (!?), chỉ cần cơ sở kinh doanh là được rồi! (đây là biểu hiện nhũng nhiểu, làm khó!)
    2. Đã chế biến xuất khẩu 2 năm liên tục. Điều kiện này hoàn toàn đánh đố!? Mới tham gia xuất khẩu thì làm sao có 2 năm liên tục được ! (vớ vẩn)
    3. Đã xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm. Đến đây hoàn toàn lộ diện nhóm lợi ích: Đại gia xuất khẩu lớn….
    Câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ NN&PTNT lại bị nhóm lợi ích này dễ dàng “xỏ mũi” như vậy!? Có hay không lãnh đạo được ăn chia như thế nào trong công văn này!? hay là vì lợi ích của Nông dân!?
    Đừng nên bóc lột nông dân chúng tôi một cách sỗ sàng và lộ liễu như vậy! Hỡi liên minh ma quỷ!

  4. Bốn Cà

    Về phần công văn 290 tôi xin góp ý:
    – Điều kiện phải có cơ sở chế biến là không cần thiết vì nhà xuất khẩu cà phê chỉ làm công tác dịch vụ có thể mua hàng từ các nhà máy sản xuất sơ chế hoặc chế biến. Trường hợp đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trực tiếp từ việc trồng, chăm sóc, chế biến và xuất khẩu, việc chế biến có thể hợp đồng đơn vị khác vẫn thực hiện như thường không khó.
    – Đã chế biến xuất khẩu trong 2 năm liên tục. OK! Vì cần phải có kinh nghiệm trong ngành sản xuất chế biến cà phê.
    – Đã xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm. Việc này phi lý. Hai năm sau nhiều doanh nghiệp đủ hai điều kiện trên cũng không thể xuất khẩu được hạt cà phê nào.
    Nói chung VB 290 không đi vào thực tế được. Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương cần chủ trì lấy ý kiến các doanh nghiệp, các nhà kinh tế trước khi ban hành văn bản. Nếu ban hành theo tính chủ quan thì không biết hạt cà phê Việt Nam nó sẽ đi đâu và về đâu.

  5. Kinh doanh

    Tôi chỉ đơn thuần thu mua và xuất khẩu cà phê thôi, còn sản xuất và chế biến là không phải sở trường của tôi! sao lại bắt tôi phải chế biến!?
    Vậy Bộ tính loại tôi ra khỏi cuộc chơi chắc! Sao chơi xấu thế! Công bằng, dân chủ, văn minh của định hướng XHCN đâu rồi!
    Các ngài quá quan liêu! nghe mấy vị quân sư quạt mo Tham mưu bậy bạ, tạo thời cơ cho các đại gia thâu tóm lũng đoạn thị trường!
    Hãy tỉnh ngộ đi quý ngài! lợi ích phải hài hòa thì nền kinh tế vĩ mô mới bền vững được các ngài ạ!

  6. duchuy

    1/ Công văn 290/BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời Bộ Công Thương về điều kiện được tham gia xuất khẩu cà phê theo quan điểm của tôi là đi trái với qui luật thị trường, vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp và không có cơ sở pháp lý vững chắc khi ban hành bởi vì chính phủ chưa ban hành qui định mặt hàng cà phê thuộc diện kinh doanh xuất khẩu có điều kiện.

    2/ Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra công văn 290 theo đề xuất của Vicofa thì sai phạm càng nghiêm trọng hơn, bởi vì Vicofa là tổ chức hiệp hội ngành nghề (thành viên Vicofa chủ yếu là các DN lớn), không có chức năng quản lý nhà nước, điều hành kinh tế vĩ mô.

  7. cứu! cứu!

    Hội Nông Dân Việt Nam đâu rồi? Sao các ngài không lên tiếng, cứ để cho hết VFA (Hiệp hội Lương thực VN) đến Vicofa (Hiệp hội Cà phê Ca cao VN) sai khiến Bộ NN&PTNT làm tình làm tội nông dân chúng tôi thế!
    Mấy hiệp hội này họ chỉ biết nhân danh vì nông dân nhưng lại bóc lột chúng tôi qua giá cả để bảo vệ quyền lợi cho chính các doanh nghiệp lớn!
    Hội Nông Dân VN ơi! cứu! cứu! Quý hội đang ở đâu? cứu nông dân chúng tôi với!

  8. cafe non

    Nếu công văn 290 của bộ Nông Nghiệp mà được thông qua thì không cẩn thận sẽ trở thành bao cấp xin cho. Tôi còn nhớ hồi còn bộ Thương Mại nay là bộ Công Thương đã có ông Mai Văn Dâu gì đấy đã lộng hành một thời gian, còn bộ Nông Nghiệp thì cò thứ trưởng dân đó là thể hiện sự lộng hành một thời rồi đó, nay ta đừng có lặp lại nữa các nhà lãnh đạo ạ.
    Để cho các doanh nghiệp họ tự kinh doanh, họ tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, họ đóng thuế cho nhà nước.

    1. Nông dân cà phê

      Làm sao mà để DN tự kinh doanh được. Nhà nước phải có chính sách, cơ chế điều hành mới giúp các DN vượt qua thời buổi tài chính khó khăn như vầy chứ. Muốn nước ta trở thành nước Công nghiệp thì phải tập trung đầu tư cho các DN chứ, để các DN chết hết thì làm sao nền kinh tế phát triển được.

  9. DN nhỏ

    Trong thời gian vừa qua, việc kinh doanh xuất khẩu cà phê quả thực có nhiều vấn đề và việc giá cà phê biến động mạnh đã làm cho nhiều DN bị thua lỗ, đặc biệt những DN “lớn” (những DN này đầu tư máy móc nhiều, mua bán số lượng lớn nhưng quản lý yếu kém) thua lỗ hàng chục, hàng trăm thậm chí là hàng ngàn tỷ đồng.
    Tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Kinh Vu (Y5Cafe), nếu công văn 290/BNN của Bộ NN&PTNT được thông qua thì ngành cà phê sẽ trở lại tình trạng độc quyền của các DN nhà nước như thời gian trước đây (nay là những DN “lớn”…) họ sẽ “độc quyền thu mua, độc quyền xuất khẩu”, mua thấp bán cao khiến cho nông dân trồng cà phê chịu thiệt thòi, mà lợi ích chỉ tập trung vào những DN “lớn” kia mà thôi.
    Tâm huyết với cà phê 15 năm nay tôi thấy nếu Bộ NN & PTNT, VICOFA và TCty Cà phê Việt Nam muốn xây dưng lại ngành cà phê thì nên làm như sau:

    1. Những địa phương có trồng cà phê thì phải căn cứ vào diện tích, sản lượng cà phê để cấp phép cho các DN sản xuất và KD cà phê. Điều này tránh tình trạng năng lực sản xuất của các DN vượt xa nguồn nguyên liệu, dẫn đến tranh mua nguyên liệu và làm cho chất lượng cà phê bị giảm sút nghiêm trọng.

    2. Các DN kinh doanh xuất khẩu cà phê phải có ít nhất một cơ sở chế biến cà phê, với kho chứa phù hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này nhằm ngăn các DN siêu nhỏ, hộ cá thể, đại lý thu mua,…

    3. Yêu cầu các DN sản xuất & KD cà phê phải xử lý môi trường triệt để, nếu DN nào vi phạm luật môi trường thì đóng cửa và rút giấy phép KD ngay. Điều này tạo sự công bằng cho những DN đầu tư xử lý môi trường.

    4. Các ban ngành của địa phương phải vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn những đơn vị (Gồm những DN, đại lý, hộ cá thể …) không có giấy phép sản xuất – kinh doanh, không đóng trên địa bàn, không nộp thuế đầy đủ thì tuyệt đối không được mua bán, kinh doanh cà phê.

    5. Rà soát lại những DN sản xuất – KD cà phê mà bị thua lỗ liên tiếp 3 năm thì rút giấy phép KD, cho đóng cửa để làm lành mạnh thị trường và củng cố lòng tin với khách hàng. Những DN này thường không giao hàng đúng hạn cho khách hàng, xù nợ khách hàng và xù nợ người nông dân.

    1. Kinh Vu

      5 điều bạn đề xuất, cá nhân tôi thấy điều nào cũng hay cả, nhưng có khi hay mà chưa chắc đã được áp dụng, nhất là điều 5 – khổ thế chứ

    2. Hàm rồng

      Những điều đề nghị tôi thấy không hay tý nào vì tất cả hoạt động của các doanh nghiệp đều tuân thủ theo luật định như luật Doanh nghiệp, luật Môi trường, luật Cạnh tranh v.v… thêm nhiều quy định chả khác các giấy phép con thì chỉ tự làm khổ mình thêm thôi . Doanh nghiệp nào làm sai Luật thì có các biện pháp chế tài từ các cơ quan công quyền, không cần quy định thêm nhiều rào cản gây trở ngại trong kinh doanh.
      Vấn đề lớn theo tôi là có nên ban hành những cấm kỵ trong hoạt động kinh doanh XK cà phê không ?
      Vì thực chất của việc ban hành Nghị định kinh doanh XK cà phê có điều kiện chính là 1 hình thức giấy phép con và PHI THỊ TRƯỜNG và có hại cho sự phát triển của ngành cà phê vì :
      -Trong quá khứ các DN nhà nước từng độc quyền XK cà phê và kết quả chúng ta thấy rồi, gần hầu hết các DN đó đến nay gần như phá sản. Thị trường độc quyền đó đã làm cho giá cà phê rớt thê thảm mà đỉnh điểm là vụ mùa 2000-2001 , giá chỉ còn 400usd/ tấn. Kể từ khi nhà nước mở rộng thành phần tham gia XK, thị trường có sự tham gia của nhiều thành phần nên giá cả cạnh tranh và kết quả là nông dân là thành phần được hưởng lợi nhiều vì giá tăng nhanh qua nhiều năm qua.
      -Mới vào vụ 2011-2012 mà thị trường hiện tại im lặng đáng sợ, rất ít hoạt động kinh doanh mua bán mà 1 trong những nguyên nhân quan trọng theo tôi tìm hiểu là nhiều DN trong và ngoài nước đang thật sự lo ngại những thay đổi về mặt chính sách XK của VN “Lở mua xong mà không XK được thì làm sao” do vậy tốt hơn hết nên ngồi nhìn đã.
      Vụ mùa thu hoạch đã cận kề, trong vòng 1 tháng nữa cà nhân xô sẽ tràn ngập thị trường mà với tình hình tài chính tín dụng đang thắt chặt cộng thêm những quy định về hạn chế đầu mối XK thì chắc chắn giá sẽ xấu vì như nước lũ chảy mà bị chặn thì sẽ gây ra ngập lụt .
      Do đó tôi cho rằng thị trường và giá cà phê năm nay sẽ xấu!

  10. Cafe Việt

    Điều này đang trong quá trình 2 Bộ đề nghị Chính phủ xem xét. Từ đây đến khi Chính phủ (nếu có) ban hành Nghị Định và sau đó các bộ ban hành Thông tư Hướng dẫn cũng còn lâu.
    Vụ mùa này các DNXK cứ an tâm KD bình thường. Nếu có gì thay đổi phải qua vụ mùa cà phê năm sau.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83