Xuất khẩu cà phê phải có giấy phép

Xuất khẩu cà phêSau mặt hàng gạo muốn kinh doanh xuất khẩu doanh nghiệp phải có giấy phép (phải đủ điều kiện theo quy định mới được cấp phép cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu), giờ đây tới lượt mặt hàng cà phê.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được công văn số 8506/BCT-XNK của Bộ Công Thương về điều kiện kinh doanh cà phê.

Vì vậy, ngày 07/10/2011 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 290/BNN-CB gửi Bộ Công Thương nhất trí rằng việc quy định về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu cà phê là cấp thiết và khả thi trong điều kiện hiện nay.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng : các đối tượng tham gia sản xuất kinh doanh và xuất khẩu cà phê của Việt Nam gồm doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê.

Điều kiện đối với thương nhân để có quyền tham gia kinh doanh xuất khẩu cà phê bao gồm doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có sở hữu ít nhất 01 cơ sở chế biến cà phê kèm kho chứa phù hợp với Quy chuẩn QCVN 01:06/2009/BNNPTNT cơ sở chế biến cà phê, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã tham gia chế biến và xuất khẩu cà phê 02 năm liên tục với sản lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm.

Quyền và nghĩa vụ đối với các thương nhân tham gia kinh doanh xuất khẩu cà phê, trách nhiệm và vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh, xuất khẩu cà phê, trong quá trình xây dựng Nghị định Bộ sẽ có ý kiến cụ thể chi tiết sau.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Thai Yen

    Tôi thực sự rất quan tâm đến thông tin này vì theo tôi nó sẽ anh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Đề nghị cho biết đến khi nào thì qui định này có hiệu lực? Đối với những doanh nghiệp mới thành lập thì có được xuất khẩu không? Vì các doanh nghiệp mới thành lập sẽ không đáp ứng yêu cầu là đã tham gia hoạt động chế biến xuất khẩu cà phê 2 năm liên tục, với sản lượng xuất khẩu cà phê tối thiểu 5,000 tấn.
    Cảm Ơn.
    Thái Yên.

  2. Hoàng Vĩnh Tuấn

    Xin mạo muội đóng góp một vài ý kiến về chủ trương “xuất khẩu cà phê phải có giấy phép” đang được Bộ Công Thương và Bộ Nông Nghiệp xem xét:
    1- Về mặt chủ trương: Sau khi thấu hiểu nỗi khổ của các DN xuất khẩu cà phê đặc biệt là các DN hàng đầu trong top 20, hai Bộ đã thống nhất đi đến chủ trương này. Chủ trương này chắc là lấy mô hình từ Indonexia sau một thời gian tìm bước đi dưới sức ép kinh doanh cà phê phải có hiệu quả. Tôi không dám nói chủ trương này là đúng hay chưa đúng, chỉ nghĩ rằng nó diễn ra quá muộn và không đi kèm chiến lược cụ thể. Trong khi tại cuộc họp của các DN top 20, đa số đều khẳng định kinh doanh không chạy theo số lượng mà phải đảm bảo an toàn nguồn vốn. Trong điều kiện vốn khó khăn, kinh doanh vẫn đang bấp bênh mà chủ trương này đi vào thực hiện thì sẽ có một lượng lớn hàng hóa bị trễ lại, là điều kiện thích hợp cho các DNNN tăng cường mua hàng. Cà phê là mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu nhưng không nằm trong nhóm mặt hàng phải đảm bảo tính an ninh xã hội nên đề nghị hai Bộ cần cân nhắc kỹ trước khi ban hành chính thức.
    2- Về mặt thực tế: Trong một số diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng đầu mối xuất khẩu cà phê quá nhiều đẫn đến hiện tượng tranh mua giá cao, tranh bán giá thấp tuy nhiên các DN có sản lượng xuất khẩu dưới 5000 tấn / năm hầu như không có ảnh hưởng đáng kể nào trong hoạt động kinh doanh cà phê nên không thể nói là họ tranh mua giá cao, tranh bán giá thấp. Thực tế những DN làm cà phê số lượng nhỏ đa số lại đem lại lợi nhuận bởi khách hàng của họ cũng là khách hàng nhỏ lẻ, các nhà rang xay nhỏ lẻ. hai bên gặp nhau và hiệu quả kinh tế là rõ ràng thông qua hợp đồng giá cố định. Trong khi top 20 DN hàng đầu (mà đa số bây giờ là đang trong tình trang khó khăn), sau rất nhiều cuộc họp bàn nào có đi đến sự đoàn kết nào. Tôi lấy ví dụ như giá mua hàng nguyên liệu, tại sao các DN này không thể thống nhất được giá mua nguyên liệu trong từng thời điểm, từng ngày. Chính họ ngồi họp bàn tuyên bố thống nhất những sau đó lại nghe ngóng xem bên kia mua bao nhiêu hàng, giá bao nhiêu rồi điều chỉnh giá của mình nhỉnh hơn đôi chút. Họ mới là những người tranh mua. Để đảm bảo hoạt động của hệ thống nhà máy, để tạo tiền đề vay vốn ngân hàng hoạt động ngay từ đầu vụ họ đã phải ký hợp đồng bán số lượng lớn hàng. Ai là người tranh bán?
    Chủ trương này đưa ra chỉ nhằm phục vụ cho mục đích của một nhóm các DN lớn, ảnh hưởng tới nhiều DN nhỏ.
    3- Về mặt lâu dài: Kinh tế thị trường vẫn biết phải có sự can thiệp của nhà nước trong trường hợp người tiêu dùng hay người sản xuất (mà trực tiếp là bà con nông dân) bị ảnh hưởng nghiêm trọng hay lợi ích quốc gia bị thua thiệt. Trong giai đoạn hai năm trở lại đây, cả ba trường hợp trên đều không bị ảnh hưởng. Thiết nghĩ giai đoạn này là quá trình thanh lọc, điều chỉnh phương thức làm ăn, tạo hiệu quả. Dù là đắt giá nhưng nó thực tế vẫn diễn ra chúng ta không thể chối bỏ. Với việc áp dụng chủ trương này cộng thêm chủ trương tạm trữ cà phê 300.000 tấn tôi cùng mọi người hãy theo dõi hiệu quả trong tương lai. Cá nhân tôi không tin vào tính hiệu quả.
    4- Mục đích là gì?
    Mục đích là đưa các DNVN từ chỗ trước khi mở cửa là những DN nắm trong tay sản lượng xuất khẩu lớn, sau mở cửa bị các DNNN chiếm dần số lượng giờ trở lại vị thế ban đầu. Như vậy chủ trương này chỉ làm khó thêm các DNVN nhỏ và vừa, các DN mới thành lập trong khi đối thủ là ai thì tất cả đều biết nhưng không có bài toán phù hợp.
    Mạo muội đóng góp một vài ý kiến cá nhân, có nhiều thiếu sót, kính mong bà con chỉ bảo thêm. Trân trọng cảm ơn!

    1. Kuduc

      Bác Tuấn vẫn lưu luyến với Cà phê nhỉ.
      Nói gì thì nói, lợi ích của 1 nhóm đối tượng nhỏ vẫn là mối quan tâm lớn của các chính sách. Hay lại biểu tình chiếm phố Núi nhỉ.

  3. leminh

    Dùng biện pháp hành chính để can thiệp thị trường xuất khẩu cà phê liệu có ổn không?… nó có trái quy luật thị trường không?… nó có tạo nên độc quyền mua, bán (như kiểu ngân hàng)… Tôi chẳng hiểu bao nhiêu về lĩnh vực xuất khẩu nhưng cũng thấy … các vị có ai am hiểu xin giải thích giúp, cảm ơn nhiều!

  4. Trung ngôn

    Tôi thấy đây là một chủ trương không hợp lý và không cần thiết trong lúc chúng ta còn quá nhiều việc cần làm. Cà phê cũng không phải là mặt hàng xuất khẩu thuộc diện cần quản lý.
    Kiểm soát về mặt ATVSTP là đúng. Còn kinh doanh có điều kiện chỉ là lấy cớ để tạo ra rào cản trong kinh doanh, can thiệp một cách cứng nhắc vào sự vận hành của thị trường. Tạo thêm điều kiện cho cá lớn nuốt cá bé, tập trung sức mạnh để tạo ra lợi nhuận cho nhóm quyền lực khi đã khống chế được mặt hàng, có phải là ý muốn của ngành hữu quan?

  5. Tín nghĩa

    Không cần phải can thiệp, tạo ra tiền lệ phức tạp, rồi đây sẽ còn có nhiều mặt hàng xuất khẩu nữa cũng đòi làm theo thì sao?.
    Sự cạnh tranh của thị trường sẽ đào thãi những doanh nghiệp tồn tại bất hợp lý, không hiệu quả chứ không cần can thiệp vụng về và thô bạo bằng những mệnh lệnh hành chính.
    Việc ngành chức năng cho ra đời những chính sách bất hợp lý, kém hiệu quả sẽ để lại hậu quả không nhỏ cho ngày mai.
    Ai đảm bảo những doanh nghiệp còn lại sẽ không liên kết, thỏa hiệp dễ dàng hơn để ép giá nông dân?

  6. quan tâm

    Năm qua các DNNN trực tiếp thu mua cà phê, còn DNTN bế tắc, phản đối um sùm bởi lần đầu được nếm trải sân chơi chung. Vậy mà bước vào vụ mới đâu lại vào đó : “Vụ mới chiêu mới” Kinh doanh là lợi nhuận, tại sao lại có chuyện tranh mua giá cao, tranh bán giá thấp vậy? Hay không bị đánh thuế nên thích nói sao cũng được !
    Tại sao không tự rút ra bài học để sửa chữa mà cứ lấp lửng hạ thấp công sức nông dân kia chứ? Tại sao các nhà quản lý không đưa ra sách lược mà loay hoay chuyện mua bán với nông dân: cửa sông bị chặn, lũ lụt chống làm sao đây? Người nông dân biết trông cậy vào ai?

    1. Lộng Ngôn

      Các DNNN lỗ thật vì quản lý kém, vì tham ô, tham nhũng chứ đâu phải do bị các DNTN tranh mua cướp bán các bác nhỉ?

      Chính sách này thật bất công. Chắc các bộ bị Chính Phủ phê bình nhiều về việc quản lý các DNNN kém để thua ngay trên sân nhà nên mới nghĩ ra chiêu “hạ sách” này hòng hỗ trợ độc quyền KTNN.

      Rồi mà xem. Hỗ trợ thì hỗ trợ mà lỗ vẫn hoàn lỗ. Tập thể lỗ troạng mặt, doanh nghiệp to đùng luôn khó khăn nhưng cá nhân cứ mãi thăng tiến và vinh thân phì gia.

      Hời. Có cách nào ngăn chặn ý tưởng sai lầm này không các bác?

  7. sangocongnghiep

    Tôi thực sự rất quan tâm đến thông tin này vì theo tôi nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
    Đề nghị cho biết đến khi nào thì qui định này có hiệu lực?

  8. Dương Thông

    Chủ trương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu cà phê có điều kiện có thể bóp chết các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tập trung đầu mối xuất khẩu sẽ diễn ra tình trạng cá lớn nuốt cá bé trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê. Giá thu mua trong dân ai sẽ đảm bảo liệu không bị ép giá trong tương lai. Xin hãy thận trọng khi ban hành.

  9. Tieucay@

    Mặt hàng nào thực hiện theo cơ chế thị trường đích thực- trăm người bán vạn người mua thì giá cả sẽ phản ánh đúng quy luật cung cầu , giá cả thế giới. Cơ chế này rất có lợi cho nông dân. Ngược lại nếu can thiệp để hàng triệu nông dân bán chỉ có một hoạc ít người mua thì sinh ra độc quyền, thua thiệt tổn thương người nông dân hứng chịu nhiều nhất.

    Trong tự do canh tranh, ông nào mua mắc, bán rẻ thì trước sau cũng chết, chẳng lẽ ông ta tự treo cổ minh à ? Khác với gạo, cao su (boongke cốt thép – thành lũy cuối cùng của cơ chế quản lý bao cấp độc quyền), cà phê hiện có 13 ông Tây đang mua xuất khẩu tại VN (bộ Nông nghiệp thừa nhận là tốt); G20 trong nước không địch nổi, nay liên bộ có thu hẹp đầu mối xuất khẩu trong nước chưa chắc đã ăn thua.

    Thực hiện xuất khẩu cà phê theo cơ chế thị trường, thông qua chính sách thuế, kiểm soát tài chính chặt chẽ sẽ có lợi cho dân, tăng ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp nào xuất khẩu trực tiếp không thành công hãy mua bán cung ứng trong nước, làm không nổi thì giải nghệ, làm việc khác.

    1. Trần Nông Sản

      Bác tieucay@ nói có lý, thực ra các bác DNVN lỗ quá, cách làm ko bằng người ta nên cứ đòi nhà nước hỗ trợ cái này, hỗ trợ cái khác mà không tự cải thiện mình. Đa phần các nhà xuất khẩu Việt Nam đâu có xk trực tiếp cho các nhà rang xay, chỉ bán quanh quẩn cho các VP đại diện ở Việt Nam chứ nếu chịu khó tiếp cận trực tiếp bán cho các nhà rang xay thì đâu đến nỗi nào. Theo tôi được biết một vài cty đã bán trực tiếp được và hiệu quả rất cao.
      Hiện nay có nhiều cty lỗ âm ỉ trong đó, nợ NH nhiều nên bắt buộc phải mua bán liên tục nhằm lấy dòng tiền từ NH đảo nợ, chứ dừng lại họ chết ngay. Chính vì thế nên quyết định mua bán thường không tốt bằng các DNNN nên cuối cùng thì chẳng bao giờ bằng người ta được.
      Còn nói các DNNN vay lãi suất thấp tạo ra tính cạnh tranh tốt thì cũng đúng một phần thôi, ví dụ mấy cty Singapore vay bản tệ với lãi suất rất thấp nhưng khi mua hàng và bán bằng USD, sau đó đổi lại S$ thì vẫn lỗ vì S$ tăng giá nhiều so với USD, ..
      Nói tóm lại, các DNVN không phải không có lợi thế, chủ yếu là mình kém người ta, làm ăn tùy tiện chả có chiến lược, nhận định sai nên bị lỗ âm ỉ nhiều. Thay vì hỗ trợ thì nhà nước nên thanh tra để phản ánh đúng thực trạng ông nào bệnh nặng thì dẹp đi để tránh vỡ nợ ngàn tỷ bất ngờ! Các NH thì cũng tỉnh táo hơn để tránh tình trạng mấy ông to có hạn mức NH lớn dùng dòng tiền vay được NH này trả nợ cho ông NH kia trong khi thực chất đang lỗ nhiều trong đó mà vẫn lấp liếm được.

  10. hoang van binh

    cu de kinh te thi truong dieu khien theo quy luat.DN nao lam an leu lao thi cho no chet.cho DN nho nhung lam an hieu qua duong hoang.dung len.con dung dua ra chinh sach bao ke cho DN lon khong dang hoang.no chi ep dan, lua ngan hang.thoi,cac bac cu xem diem mat cac con lua to la ai!!!cac ngai cac bo’nghi cho ky dung lam au ma chet nong dan!

    Vui lòng sử dụng tiếng Việt có đủ dấu! BQT

  11. Terry

    Vậy vô tình 1 DN mới thành lập có đủ điều kiện như vốn liếng, cơ sở sản xuất, khách hàng, … không có khả năng làm vì đào đâu ra 2 năm liên tiếp làm cafe. Thiết nghĩ kinh doanh có điều kiện là hợp lý, nhưng phải đặt ra các điều kiện gì chứ điều kiện thế này thì không 1 DN mới nào có điều kiện chen chân vào thị trường.

  12. Nguyễn Vịnh

    Tôi nghĩ rằng đây chỉ là bước thăm dò và tham khảo ý kiến của công luận trước khi Liên Bộ trình Chính phủ và xây dựng Nghị Định. Mong rằng bà con, nhất là các doanh nghiệp cà phê cần đọc kỹ và nêu ý kiến từ vị thế của mình để Ngành chức năng tham khảo được sâu sát và hợp lý hơn.

  13. Bốn Cà

    Đọc bài viết trên và ý kiến phản hồi của các bạn, tôi xin góp ý kiến.
    Việc xuất khẩu cà phê các bộ ngành áp dụng mặt hàng kinh doanh có điều kiện là việc cần phải làm vì đây là tài sản Quốc gia chứ không phải của một riêng ai cả. Nếu doanh nghiệp nào không đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện thì nên chọn doanh nghiệp có uy tín và đủ điều kiện để liên doanh liên kết để thực hiện mục tiêu, đợi khi ta đủ điều kiện lúc này ta muốn chọc trời khóay nước cũng như người ta thôi, có chi đâu mà lo. Giống như ngành xây dựng VN hiện nay cũng vậy, chưa đủ điều kiện thì đi nhờ tư cách pháp nhân uy tín, một người nông dân cũng làm được nhà thầu xây dựng với công trình hàng tỷ đồng đó có sao đâu.

  14. duy tung

    Bác Bốn Cà nói nghe trừu tượng quá. Mặt hàng cà phê là tài sản quốc gia à? Nguy quá! Tôi là nông dân trồng cà phê, tôi nghĩ sản phẩm làm ra là của tui chứ bác?

    Thương hiệu cà phê là tài sản quốc gia thì nghe còn được, chứ hạt cà phê do tui đổ công sức ra làm để có được mà bác nói là “Không của riêng ai” thì chết tui (và nhiều nông dân Việt Nam khác) mất.
    Tui cũng đồng tình với nhiều ý kiến trong này: Nhà Nước cần có cái nhìn và cư xử “bao dung” hơn với khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đừng có nghĩ hết cách này đến cách khác bóp chết nó.
    Trên tất cả là phải tôn trọng quy luật vận hành của thị trường, tôn trọng Luật Doanh nghiệp, hướng đến một nền kinh tế minh bạch, hiệu quả.
    Đưa ra quy định giấy phép con chẳng qua là bảo kê cho 1 nhóm lợi ích mà thôi. Chỉ vì 1 nhóm lợi ích mà ảnh hưởng đến hàng triệu người nông dân thì đây là 1 sự đánh đổi rất đáng tiếc.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85