Cà phê không phải là cây trồng mới ở Muội Nọi (Thuận Châu-Sơn La). Bởi từ đầu những năm 90 của thế XX, một số hộ dân nơi đây đã từng trồng cà phê. Nhưng rồi mọi người dường như đã lãng quên nó do hiệu quả thấp. Vậy mà 5 năm lại đây, cây cà phê lại “lên ngôi” ở chính vùng đất này và trở thành cây trồng chủ lực của xã.
Là xã vùng 2, Muội Nọi có 906 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 50,47 ha đất ruộng 2 vụ, còn lại là đất nương, bãi. Trước đây, trên diện tích đất nương bà con trồng lúa, ngô, sắn. Riêng cây ngô đạt hiệu quả kinh tế, nhưng rồi đất cũng dần bạc màu, năng suất thấp. Người dân Muội Nọi lại trăn trở tìm cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Đắn đo, suy tính, thế rồi nhiều hộ dân trong bản đã chọn cây cà phê để trồng. Quá trình cây trồng này trụ được ở Muội Nọi là cả một câu chuyện dài, bởi tất cả là do sự tự phát của người dân, không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của bản và của xã.
Chị Lò Thị Hoán, bản Sang, một trong những người tiên phong trong việc trồng cà phê kể: “Nhiều lần đi qua Phiêng Tam, xã Chiềng Đen (Thành phố) thấy bà con ở đây trồng nhiều cà phê, tôi nghĩ: Cà phê sống được ở Phiêng Tam không lẽ nó lại “chê” đất Muội Nọi. Rồi tôi đến một số gia đình ở Phiêng Tam học hỏi kinh nghiệm, từ việc ươm cây giống, cách chăm sóc, thu hoạch… Lần đầu, tôi xin mấy cây cà phê giống về trồng thử, rồi lấy những quả cà phê chín đem ươm giống trong vườn nhà. Cứ vậy, mỗi năm trồng thêm mấy chục cây, để rồi bây giờ tôi có vườn cà phê rộng 6.000 m2, riêng vụ năm 2010 thu 3 tấn quả tươi…”.
Dẫn tôi đi thăm những trang trại cà phê, anh Quàng Văn Nụi, cán bộ Đảng ủy xã chỉ lên sườn đồi, nói: Nhà báo nhìn xem, nhân dân đang đào hố trồng cà phê ở những vạt nương trước đây trồng ngô, lúa nương. Điều đáng quý đó là sự năng động, dám nghĩ, dám làm của người dân trong phát triển kinh tế. Người biết bảo người chưa biết, người biết nhiều bảo người biết ít, cứ vậy, họ động viên, giúp đỡ nhau trong việc trồng cây cà phê.
Hiện nay ở xã có 2/3 số hộ đã trồng cây cà phê, nhà nào trồng ít cũng vài nghìn mét vuông, nhà nhiều thì hơn 1 ha. Kinh nghiệm trồng cà phê được truyền từ người này đến người khác và ai cũng nắm được quy trình kỹ thuật chăm sóc, nhất là để cây cà phê cho năng suất cao, cần bón phân NPK, phân đạm, phân chuồng, có thể bón lót bằng phân xanh; một năm phun thuốc trừ sâu 2 lần… Sau 3 năm, cây cà phê đã cho thu hoạch. Hiện toàn xã có 134 ha cà phê đã cho thu hoạch, 80 ha mới trồng năm 2010. Thu nhập bình quân của người trồng cà phê ở xã đạt 30 triệu đồng/vụ, có hộ thu hàng trăm triệu đồng một năm từ cà phê.
Có thể nói, cây cà phê arabica rất phù hợp với đồng đất Muội Nọi. Nhưng để mở rộng diện tích cây cà phê ở vùng đất này cần có sự vào cuộc của chính quyền xã, để người trồng cà phê được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn cũng như bao tiêu sản phẩm… Về vấn đề này, anh Quàng Văn Diêu, Phó Chủ tịch UBND xã Muội Nọi cho biết: UBND xã đã có kế hoạch phối hợp với khuyến nông huyện chuyển giao kỹ thuật cho người dân một cách bài bản. Đồng thời, cùng với ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu vay vốn đầu tư trồng cà phê. Anh khoe: Mới đây, đoàn cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đến khảo sát việc trồng cà phê của xã. Có ý kiến cho rằng, nếu diện tích, sản lượng cà phê tăng mạnh, xã nên kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm cà phê. Được vậy thì sản phẩm cà phê của nhân dân Muội Nọi tiêu thụ sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn.
Dù trồng tự phát, nhưng hiệu quả của cây cà phê arabica ở Muội Nọi đã rõ. Hy vọng với sự giúp đỡ của Nhà nước, cây trồng này sẽ giúp người dân trong xã đuổi được đói nghèo, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tin từ phương bắc,vùng cao Sơn La trồng được cây cà phê, tôi xem ảnh của phóng viên cung cấp thấy cây phát triển tốt, không biết chất lượng và năng suất về sau này ra sao…? Cũng là giống cây xóa đói giảm nghèo hữu hiệu nhất hiện nay, theo tôi nên nhân rộng mô hình này ra cho các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ khó khăn… Các cấp chính quyền nên quan tâm bằng nhiều chính sách như mở rộng vùng thâm canh, tập huấn công tác khuyến nông, đầu tư giống cây trồng và các loại vật tư khác…
Trồng cây công nghiệp loại này rất cần nhiều vốn đầu tư nên phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía mới có tính khả thi và phát triển trên địa bàn được, nên chăng có sự đầu tư của doanh nghiệp nào đó… để cùng chia sẻ cùng với bà con ở địa đầu Tổ Quốc!
Hiện nay, có nhiều hộ dân tộc thiểu số thoát khỏi đói nghèo để vươn tới mức thu nhập 100 – 200 triệu/năm. Thất bại của dự án trước đây rất nặng nề, tuy nhiên thất bại đó đã được bù đắp lại bằng các vườn cà phê chè đang phát triển một cách tự phát nhanh chóng.
Sơn La với 100% trồng cà phê arabica, nơi đây rất có tiềm năng để trở thành vùng trọng điểm phát triển cà phê chè của Việt Nam.
Hiện nay Sơn La đang dần dần chứng tỏ điều này rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nhìn lại sự thất bại của dự án phát triển cà phê trước đây, dẫn tới việc phát triển không theo định hướng như bây giờ càng là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho các chính sách sẽ ra đời trong hôm nay hay ngày mai.
Có địa chỉ để các nhà quy hoạch đến để nhân điển hình rồi!
Nhìn càfê rất đẹp, tuy nhiên thời điển trổ bông của cây rơi vào thời điểm cao điểm của không khí lạnh và gió mùa đông bắc, làm sao có biện pháp KT tránh được thời điểm trổ bông rơi vào đợt rét đậm rét hại thì rất mừng cho bà con vùng cao Tây bắc có cơ hội vươn lên làm giàu.