Việt Nam thu hoạch muộn hơn dự kiến, giá cà phê chịu áp lực tăng

Hãng Reuters dẫn nguồn tin mới nhất từ lãnh đạo ngành cà phê Việt Nam cho biết, vụ thu hoạch 2011/12 sẽ bắt đầu từ cuối tháng 11 và cao điểm vào tháng 12, chứ không phải tháng 10 như dự tính, và sản lượng có thể bị ảnh hưởng bởi mưa bão nhiều vào cuối năm nay.

Việc nước sản xuất robusta lớn thứ 2 thế giới thu hoạch muộn có thể gây áp lực tăng lên giá cà phê London, mặc dù các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu có nhiều bất lợi.

Khả năng giá tăng là rất lớn bởi nhiều nhà xuất khẩu đã huỷ hợp đồng do không thu mua đủ hàng khiến kho hàng của nhiều nhà nhập khẩu hiện đang trống rỗng.

Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Cacao Việt Nam (Vicofa), ông Đỗ Hà Nam, cho biết: “Năng suất vụ này sẽ cao, song mưa và bão đang liên tiếp xảy ra có thể ảnh hưởng tới thời điểm thu hoạch”, và “Nguồn cung từ vụ mới sẽ chỉ dồi dào từ tháng 12”, chứ không phải tháng 10 như dự tính ban đầu của người trồng cà phê ở miền Trung Tây Nguyên.

Do vậy, mặc dù năng suất tăng, hiệp hội vẫn duy trì mức dự báo về sản lượng niên vụ 2011/12 ở 1,1 triệu tấn, hay 18,33 triệu bao (1 bao = 60 kg), không thay đổi so với vụ trước.

Như vậy, vụ mới của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 14% tổng sản lượng toàn cầu vụ 2011/12 – theo Tổ chức Cà phê Quốc tế là 130 triệu bao.

Niên vụ mới sẽ bắt đầu từ 1/10/2011 và kết thúc vào tháng 9/2012.

Theo điều tra của Reuters hồi tháng 7 thì các chuyên gia dự báo sản lượng trung bình của Việt Nam vụ tới sẽ đạt 21 triệu bao, tăng 13,5% so với vụ 2010/11. Còn các thương gia dự báo là sản lượng sẽ lên tới 24 triệu bao.

Thời tiết bất trắc

Từ nay tới cuối năm có thể sẽ còn tiếp tục xảy ra mưa bão. Lúc này đang là cơn bão số 5, ảnh hưởng chủ yếu tới miền Bắc chứ không tác động tới khu vực trồng cà phê ở miền Trung – Tây Nguyên. Tuy nhiên mỗi năm Việt Nam thường phải hứng chịu khoảng 8 cơn bão.

Miền Trung Tây Nguyên có độ cao 500 mét so với mực nước biển nên cây cà phê thường không bị hại bởi mưa nhiều, song đôi khi có những trận mưa như trút nước có thể khiến quả rụng sớm và việc phơi sấy gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng hạt, như tháng 11 năm ngoái.

Giá có thể tăng

Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới sau Brazil, với khoảng 550.000 héc ta trồng cà phê, nhưng diện tích cây già cần phải trồng lại lên tới 137.000 hécta, chiếm khoảng một phần tư.

Nguồn cung có thể sẽ vẫn khan hiếm vào cuối năm bởi các nhà xuất khẩu đang tạm dừng giao dịch để chờ vụ mới, vậy nên có bao nhiêu hàng mới bán ra có thể sẽ tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Phiên giao dịch 30/9, các nhà xuất khẩu chào mua cà phê với giá 44,4 đến 44,6 triệu đồng (2.132-2.141 USD0/tấn, thấp hơn nhiều mức kỷ lục cao 51,9 triệu đồng hôm 11/5.

Tuy nhiên, giá hiện nay đã cao hơn mức chỉ 43,3 triệu đến 43,7 triệu đồng hồi đầu tuần qua. So với một năm trước đây, giá cà phê Việt Nam đã tăng 46%, từ mức 30,5 triệu đồng/tấn.

Thị trường cà phê thế giới quý 3 biến động rất mạnh, trồi sụt liên tục. Kết thúc quý, giá arabica giảm tới 13,7% – mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2008. Tuy nhiên, triển vọng giá arabica những tháng tới sẽ được hậu thuẫn bởi thời tiết khô hạn ở Brazil gây lo ngại nguồn cung sẽ giảm sút. Khu vực trồng cà phê nước này rất cần mưa vào đầu tháng 10 để kích thích ra hoa, nhưng có thể năm nay mưa sẽ muộn hơn lệ thường.

Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê Quốc tế, ông Jose Sette dự báo tiêu thụ cà phê toàn cầu năm 2011/12 sẽ vượt sản lượng, dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn cung, và sẽ hậu thuẫn giá.

Theo Reuters

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tư Thái

    Nhân đọc bài báo, thấy ngứa mồm nên có ý kiến:

    -“Nguồn cung từ vụ mới sẽ chỉ dồi dào từ tháng 12”, chứ không phải tháng 10 như dự tính ban đầu của người trồng cà phê ở miền Trung Tây Nguyên.
    Không có người trồng cà phê nào bảo là thu hoạch tháng 10 (trừ 1 số cà phê chè). Ai dự tính thì mặc kệ, đừng nói bậy rồi đổ cho người khác. Tui tin ông Nam cũng không nói.

    -Tuy nhiên mỗi năm Việt Nam thường phải hứng chỉ khoảng 8 cơn bão.
    Cái này thì quá dốt, chắc là không phải người VN nói. Muốn biết bao nhiêu cơn bão thì hỏi ngành khí tượng thủy văn biết liền.

    -Tuy nhiên, giá hiện nay đã cao hơn mức chỉ 43,3 triệu đến 43,7 triệu đồng hồi đầu tuần qua.
    Giá hiện nay là giá nào? cao hơn là bao nhiêu? Viết thế này thì không khác gì là …không viết.

    -Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê Quốc tế, ông Jose Sette …
    Quá lạc hậu, sếp cà phê này về hưu rồi, thay rồi.

    -tiêu thụ cà phê toàn cầu năm 2011/12 sẽ vượt sản lượng, dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn cung…
    Tiêu thụ vượt sản thì đương nhiên là cung hiếm, không hiếm thì chỉ có uống đậu nành, bắp rang. Vậy mà cũng viết được.

    Chắc do mấy anh cộng tác ngồi ở HN viết, biết quái gì mà viết. Không khéo Reuters biến thành báo lá cải.

    1. An Thọ

      Tui xin bổ sung ý anh Tư.
      -Miền Trung Tây Nguyên có độ cao 500 mét so với mực nước biển nên cây cà phê thường không bị hại bởi mưa nhiều,…
      Mưa nhiều thì dính dáng gì đến độ cao thấp so với mặt nước biển mà so sánh, có lẽ muốn nói đến lụt lội chăng? hay thực sự không hiểu mình đang viết gì ?
      Nhưng ai dám bảo là trên Tây nguyên không lụt? coi chừng nhầm to đấy!
      Vui thật! Đúng là bó tay anh Tư ạ.

      1. Chip con

        Cháu xin có ý kiến.
        Bài báo viết: Bão… không tác động tới khu vực trồng cà phê ở miền Trung – Tây Nguyên.
        -Theo cháu hiểu Tây nguyên có ít nhất là 3 tiểu vùng theo chiều dài, vậy miền Trung – Tây Nguyên là… Đak Lak?
        Nói độ cao 500 mét so với mặt nước biển là khẳng định Đak Lak rồi, vì các vùng khác cháu biết cao hơn nhiều mà.Thế bão không tác động Đak Lak thì tác động vào Gia Lai, Kon Tum hay Đak Nông, Lâm Đồng?
        -Còn nếu hiểu miền Trung – Tây Nguyên là miền Trung và Tây nguyên thì càng… sai thậm tệ.
        Cháu thấy bài báo sai nhiều quá !

    2. Cafe Trường

      Anh Tư thông cảm nhà báo mà không viết báo thì làm gì, nhiều lúc bận rộn quá thì viết đại cho xong đấy mà! Cũng giống như anh chàng buổi sáng thường uống cà phê nhưng nhiều hôm bận rộn đến quán cà phê cô chủ quán đưa lên cà phê anh ta uống liền mấy ngụm cho xong chứ đâu biết là ly cà phê đó tòan là bột ngô và đậu nành chứ làm gì có tý cà phê nào cả. Ngày ấy anh ta chắc chắn như đinh đóng cột là mình đã uống cà phê sáng rồi đó anh Tư ạ!

    3. Tư Thái

      Ê. Câu này tui viết copy mà:
      -Tuy nhiên mỗi năm Việt Nam thường phải hứng chỉ khoảng 8 cơn bão.
      Dù có sửa lại là “chịu” thì con số ước đoán vẫn sai, không chấp nhận được với cương vị của nhà báo. Mà sửa làm chi zậy? có sửa được bản gốc không? À,…

      1. Tran Manh

        Anh Tư xem đó là nguồn nào rồi hãy trách nhà báo. Có nhiều loại báo. Nhiều trang mạng cũng cung cấp thông tin nhưng không gọi là báo.

    4. Phạm Hùng Sơn

      Thêm chỗ “ngứa mắt” này nữa: “Việc nước sản xuất robusta lớn thứ 2 thế giới…”. Lâu nay tôi nghe nói VN là nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới mà!

      1. Nguyễn Vịnh

        Không phải nghe nói đâu, khẳng định đó.
        -VN mấy năm nay bình quân trên 18 triệu bao, còn Brazil năm nhiều nhất cũng chưa bao giờ đến 13 triệu bao robusta (Brazil gọi là conillon).
        -Indo thấp hơn nhiều.

    5. Nam còi

      Anh Tư à.
      Càng ngẫm nghĩ tôi thấy Reuters không thể cho ra bài báo nhiều sai sót thế này anh ạ. Chắc ta phê oan nó rồi.
      Có khi ai đó viết bằng mấy cái copy lung tung rồi gắn tên nó vào cho oai nhằm hù dọa những người đọc không biết gì.
      Tôi cũng từng biết một số lỗi của Reuters nhưng sai nhiều như bài này thì không chắc từ Reuters ra đâu anh ?
      Tôi cũng vui hơn nữa là nhờ có Y5Cafe mà bà con mình tự nhiên biến thành “bạn đọc thông thái” lúc nào vậy anh?

      -Bạn Tran Manh nói phân biệt đâu báo thật báo giả, nhà báo mà không phải nhà báo, có người nói rằng có nhà báo nổi tiếng mà không viết một chữ nào là sao? tôi thấy phức tạp quá. Có lẽ nông dân quan tâm chuyện giá cà phê, chuyện trời đang mưa tivi còn báo bão… không dám bàn lung tung chuyện báo chí đâu. Nhưng khẳng định với bạn, tôi có đưa em họ không viết chữ ra hồn mà có thẻ nhà báo hẳn hoi đấy nhé!

  2. Cư Kuin

    Không biết ở chỗ của các bác mùa màng thu hoạch khi nào, chứ ở chố tôi thu hoạch cao điểm là tháng 12. Đó là nói từ những năm 2000 đến nay, còn ở thế kỷ trước thì tháng 1 tây cà phê còn đầy ngoài rẫy.

    1. Lão nông

      Hồi còn Công ty Quốc Doanh Nông nghiệp Cà phê Đắc Lắc đến ngày 26/3 bác còn ra quân đi hái cà phê để lập thành tích chào mừng ngày thành lập Đoàn TNCS HCM nữa mà. Cà phê chín đầy ngoài lô nhưng không có người để hái.

  3. Dliêya Đaklak

    Đau đầu quá. Giá cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, các ông so vậy thì các ông có biết phân đã lên bao nhiêu 1tấn ko? Tính từ nửa tháng trở lại đây phân đã lên x lần rồi lại xuống x lần rồi. Chưa kể công năm ngoái là 80 ngàn thì năm nay mới đầu mùa đã 130 ngàn rồi. Có ai hiểu cho nông dân đâu.

  4. Trọng tài

    Bác nào giải thích em biết với:
    Khi báo viết …”nguồn tin mới nhất từ lãnh đạo ngành cà phê Việt Nam cho biết”… em hiểu là:
    -Các sếp ở Cục Quản lý nông lâm thủy sản và nghề muối.
    -Các sếp ở Tổng Cty cafe Việt Nam.
    -Các sếp ở Vicofa.
    … là ai? Thực tình em cũng không xác định được, mơ hồ quá!
    Có phải vì mơ hồ nên cha chung không ai khóc, đúng vậy không?
    *Không xác định được là vì không … chính danh. Không chính danh thì không có trách nhiệm.

  5. thuận hòa

    Bạn Trọng tài nên hiểu ở đây chỉ các nhà lãnh đạo ngành cafe Việt Nam là chính bà con nông dân đấy. Chứ lâu nay có cơ quan nhà nước chủ quản nào đứng ra đầu tư về các khâu kỹ thuật chăm sóc, đầu tư vốn dài hạn, chủ động thu mua cafe một cách chính danh đâu…
    Hầu như lợi ích nhóm đã làm cho nhiều đơn vị tự vỗ ngực là cấp quản lý lắm!

    1. quycoctiensinh

      Tôi đồng ý với bạn. Lâu nay các bác quản lý ngành cà phê VN nếu không dựa hơi Nhà nước thì cũng rình rập nông dân. Thấy giá cà lên thì nhao vào mua, thấy giá cà xuống thì chuồn để mặc người dân tự xoay sở. Nếu có khen họ giỏi là giỏi việc ỉ ôi đòi nhà nước hỗ trợ mua tạm trữ, lấy lý do là giúp nông dân nhưng kỳ thực là giúp họ có vốn đầu cơ, găm hàng chứ khi đó nông dân đâu còn cà phê mà bán.

  6. V. Đ. Hùng

    Giá nào là cao? Giá nào là thấp?
    Tôi cũng dân làm cà phê, nông có, mua bán lẹt xẹt có. Khi rảnh rỗi ngồi một mình mới thấy giá cà phê của mình không biết mức nào được gọi là cao, và mức nào thì bị gọi là thấp.
    Trước đây, khi lên 50, rồi 51 ngàn đồng một kí, tôi chê vì giá đó còn thấp. Tôi còn mấy tấn, không bán, bây giờ còn ngậm. Nhưng chẳng sợ, vì hàng tôi làm ra.
    Rồi ngày mai, giả sử giá lên lại trên 47 ngàn. Tôi quyết sẽ bán mức đó, không tiếc nữa. Mức 47 ngàn, bây giờ được gọi là cao.
    Nên chi, khi mình nói giá cao hay giá thấp, phải có cái mức để mà nói. Chứ giả sử anh nói giá bây giờ thấp mà theo tôi lại là cao, thì cãi nhau cho tới khi cà phê ra hoa cho mùa sau!
    Như ông Tự, nếu ông ra lệnh cho ông Nam mua vì đã có tiền rồi, thì mua mức nào? Chứ ông Nam mua 30.000 đồng mà sau này báo cáo với chính phủ rằng mình giúp dân giúp nước vì mua cho dân giá cao thì “nhức lưng” lắm. Giả sử ông Tự ra lệnh mua giá 45 ngàn, ông Nam sợ không mua, thì quyết định của ông Tự có văn hay chữ tốt mấy cũng bằng thừa.
    Vậy, tôi xin hỏi, giá cao là giá nào, mà giá thấp là mức nào? Xin lỗi trước với các bác, mình không trả lời được các câu này, thì cãi nhau làm chi cho mất thì giờ và sưng tay vì phải chọt máy tính đánh máy để tham gia diễn đàn.

  7. quan tam

    Cảm ơn các anh chị Y5Cafe đã phản ánh toàn bộ hiện thực cho bà con chúng tôi. Còn đúng sai hay dở bà con tự đánh giá chứ! Còn báo chí cũng là một nghề phải có sản phẩm mới có lương để sống. Tôi nghĩ Y5 hết mình với bà con nông dân là quý rồi.

  8. NgocHien

    Nông dân làm ra hạt cafe, giá cả bấp bênh chỉ được 2 năm trở lại đây hơi dễ thở tí, mấy năm trước rớt giá chỉ đủ trang trải cho vụ mùa, năm ngoái mừng khi giá cả hơi đột phá người nông dân vui mừng song mừng chưa hết… Lạm phát tăng, kéo giá cả những mặt hàng chiến lược như nhiên liệu, vật tư phân bón…
    Người nông dân sx ra hạt cafe như người đầu tư kim loại quý (vàng, bạc) cũng phụ thuộc vào giá cả biến động thế giới
    -Gía tăng nông dân vui.
    -Gía giảm nông dân buồn.
    Không có chính sách bảo hộ, quĩ bình ổn giá, người nông dân chịu nhiều thiệt thòi. Đề nghị Bộ nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội cafe cacao VN, Tổng công ty cafe VN… có những biện pháp lâu dài nhằm tạo những bước đi đến việc bình ổn giá. Chắc lúc đó người nông dân đầu tư vào sản phẩm của mình làm ra và làm giàu chính đáng, tạo ra của cải cho xã hội, đất nước thu về khoản ngoại tệ đáng kể (từ3-4 tỉ đôla) chứ không phải ít !

Tin đã đăng