Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch – Nông Dân cần biết

Lâu nay trên diễn đàn Y5Cafe bà con Nông dân thường than phiền về việc Nhà nước thiếu chính sách hỗ trợ vốn cho Nông Dân, hoặc có hỗ trợ nhưng các điều kiện để vay cho được vốn thường bị sách nhiễu hay phải qua nhiều tầng lớp.

Để giúp bà con nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn cũng như hiểu rõ vấn đề, đối tượng được Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, BBT Y5Cafe xin giới thiệu đến bà con Quyết định số: 63/2010/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ ban hành ngày 25/10/2010 – theo đó các tổ chức, cá nhân có thể qua hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

Đường link tham khảo tại Cổng thông tin Điện tử của Chính Phủ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

_________

Số: 63/2010/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
__________

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2010

QUYẾT ĐỊNH

Về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản

_________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Việc hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với các khoản vay dài hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân qua hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch được quy định như sau:

1. Tổ chức hộ gia đình, cá nhân được vay vốn và hỗ trợ lãi suất bao gồm:

a) Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân, có địa chỉ cư trú hợp pháp được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là cá nhân trực tiếp sản xuất và phục vụ sản xuất;

b) Các doanh nghiệp có ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân.

2. Việc vay vốn và hỗ trợ lãi suất được thực hiện đối với các loại máy móc, thiết bị sau đây:

a) Các loại máy làm đất, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía; máy sấy, vật liệu cơ bản để làm sân phơi (lúa, ngô, cà phê, hạt điều, hồ tiêu) có diện tích đến 1.000 m2;

b) Máy móc, thiết bị dùng cho sản xuất giống thủy sản; vật tư, thiết bị xây dựng, cải tạo các ao (hồ) nuôi thủy sản; thiết bị, phương tiện phục vụ nuôi trồng, thu hoạch và vận chuyển thủy sản;

c) Thiết bị làm lạnh, cấp đông, thiết bị sản xuất nước đá trên tàu cá, hầm bảo quản phục vụ khai thác dài ngày trên biển.

3. Máy móc, thiết bị quy định tại khoản 2 Điều này phải bảo đảm các điều kiện sau:

a) Máy móc thiết bị do các tổ chức, cá nhân sản xuất có giá trị sản xuất trong nước trên 60%;

b) Có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

4. Mức tiền vay tối đa để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước theo quy định tại khoản 2 Điều này bằng 100% giá trị hàng hóa.

5. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất.

6. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện việc cho vay theo quy định tại Điều này; ngân sách nhà nước cấp bù phần lãi suất được hỗ trợ.

Điều 2. Áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển theo quy định hiện hành đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được quy định như sau:

1. Đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn để mua máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch gồm: thiết bị xay xát gạo có tỷ lệ thu hồi gạo nguyên cao (đến 70%); máy móc, thiết bị chế biến ướt cà phê, các thiết bị xử lý nâng cao phẩm cấp cà phê (steam, đánh bóng ướt…) và các công trình xử lý nước thải kèm theo; máy tách vỏ cứng và xát vỏ lụa nhân điều; dây chuyền chế biến hồ tiêu chất lượng cao; thiết bị lọc màng bán thấm (coating), chiếu xạ, tiệt trùng bằng hơi nước nóng đối với rau quả tươi, hệ thống sơ chế rau quả (Packing House) tại chợ đầu mối.

2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản (bao gồm cả kho lạnh trên tàu đánh bắt thủy sản), rau quả và kho tạm trữ cà phê.

3. Ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch giữa lãi suất thương mại và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển; ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện việc cho vay theo quy định tại Điều này.

Điều 3. Các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư các dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, kho lạnh bảo quản rau quả, thủy sản kho tạm trữ cà phê theo quy hoạch được miễn tiền thuê đất theo Quyết định số 57/2010/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; được Nhà nước hỗ trợ 20% kinh phí giải phóng mặt bằng, 30% kinh phí hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu đi vào hoạt động và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.

Điều 4. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy móc nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch được hưởng chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành. Áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với các máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp trong nước chưa chế tạo được.

Điều 5. Chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ:

1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho các trường hợp sau:

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua giống để áp dụng thử nghiệm lần đầu đối với các giống lúa, ngô tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao;

b) Tổ chức, cá nhân mua bằng sáng chế để tự sản xuất hoặc phối hợp với các tổ chức, cá nhân khác sản xuất các loại máy móc, thiết bị có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch;

c) Đăng ký sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm sáng tạo của nông dân có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định công nhận.

2. Các dự án ứng dụng khoa học công nghệ về giảm tổn thất sau thu hoạch được đưa vào hạng mục được hưởng cơ chế hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

Điều 6. Tổ chức thực hiện:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cụ thể hóa danh mục máy móc thiết bị hưởng các chính sách hỗ trợ được quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Quyết định này;

b) Phê duyệt quy hoạch hệ thống dự trữ 4 triệu tấn lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, làm cơ sở để thực hiện việc hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng;

c) Phối hợp với Bộ Công Thương công bố Danh mục máy móc, thiết bị, tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước, nhà cung cấp để làm cơ sở cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cho vay; hàng năm có xem xét, bổ sung;

d) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các quy chế hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ được quy định tại Điều 5 của Quyết định này;

đ) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát tình hình, tổ chức thực hiện Quyết định này, định kỳ 6 tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hướng dẫn cấp bù lãi suất; chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cho vay theo quy định của Quyết định này.

3. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc cấp bù lãi suất và thực hiện việc cấp bù lãi suất theo quy định của Quyết định này. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương rà soát các chủng loại máy móc, thiết bị trong nước chưa sản xuất được, khuyến khích nhập khẩu có thời hạn (thuế suất 0%).

4. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm; quy hoạch cơ sở sản xuất máy móc thiết bị nông nghiệp, đôn đốc triển khai các dự án chế tạo máy nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính bố trí ngân sách hàng năm cấp bù lãi suất theo quy định của Quyết định này.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền, phổ biến công khai về chủ trương, chính sách, mặt hàng, đối tượng để nhân dân biết và tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền cấp xã xác nhận đối tượng được vay vốn theo Quyết định này;

b) Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành ở địa phương triển khai quy hoạch, bố trí lại sản xuất, cụ thể hóa các chương trình, dự án nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch;

c) Thực hiện các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 3 của Quyết định này.

8. Các tổ chức, cá nhân:

a) Thực hiện thủ tục vay theo đúng hướng dẫn của tổ chức cho vay;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng tiền vay, đảm bảo đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi vay đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2010.

Điều 8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– UB Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách Xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam;
– Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam;
– Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam;
– Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan TW của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, KTN (5).

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. hungpm

    Thưa bà con !
    Một điều ai cũng phải thừa nhận rằng tất cả các văn bản về Chính sách của Nhà Nước được ban hành mới đọc qua nghe nồng nặc “mùi chính phủ”, mọi Chính sách nghe chừng rất có lợi cho nông dân, những người đang khát vốn để tăng gia sản xuất thực thụ và mang lại lợi ích rất cụ thể cho xã hội. Xin cảm ơn Chính phủ đã có những quyết sách đúng và kịp thời, đặc biệt về lĩnh vực Công nghệ Sau Thu hoạch, cái lỗ hỗng của nền nông nghiệp Việt Nam. Cá nhân tôi cho là rất cần thiết !
    Nhưng, sự thật thì đau lòng lắm bà con à ! tôi cũng suốt ngày lên mạng cũng đã đọc rất nhiều loại văn bản kiểu như thế này, đặc biệt vừa qua nhà nước có chính sách hỗ trợ cho ngành cà phê như: mua tạm trữ, tái canh cây cà phê, bình ổn giá, … đến nay tới vụ “Chính sách hỗ trợ giảm Tổn thất Sau Thu hoạch”.
    Tôi đã từng đi gõ cửa nhiều NH về các chính sách này, họ đều trả lời “chưa có VB hướng dẫn cụ thể của NH cấp trên” . Và nếu có thì thủ tục không đơn giản tí nào, nhiêu khê vô cùng mà theo tôi suy ngẩm không nhầm nếu muốn được hỗ trợ với tỉ lệ lãi suất n% nào đấy thì đương nhiên ta phải bỏ ra chi phí đi đêm với bên tín dụng xem mất bằng chừng ấy % nữa, rồi tốn thời gian, ăn nhậu mất sức…, phải đi hầu mệt người lắm. Nông dân như bọn tôi đâu có thì giờ và không có chút cẩm nang những việc như thế này.
    Tôi nghĩ rồi sau cùng các khoảng ưu đãi này rơi vào tay bọn chúng hết à, hợp thức hoá chuyển qua các kênh đầu tư khác (đi cho vay nóng, cho vay BĐS, cho bọn NH thương mại cấp dưới vay lại, …cho vay các kênh đầu tư khác núp bóng hình ảnh ưu đãi), thực thụ dân ta thụ hưởng nguồn vay này tôi nghĩ chắc bằng 10%.
    Theo tôi nghĩ bà con không nên quan tâm làm chi mấy thứ gọi là ưu đãi này !

  2. Trường Nhân

    Chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện mà bạn vội bi quan vậy?
    Tôi thường thấy sau QĐ của Chính phủ là phải có HD cụ thể việc thực hiện của ban ngành liên quan, và ở cơ sở làm theo những HD cụ thể này.
    Ngành NH theo bạn vậy là quá hư hỏng, phải bỏ ra chi phí đi đêm? Tôi thì nghĩ ngược lại, nghề NH là cho vay lấy lãi, bạn là người làm ra lãi để nuôi họ mà. Có thể tôi chưa đi vay nên không biết có gì tréo ngoe trong này không? nhưng mà hư hỏng vậy thì không thể chấp nhận, phải phê phán.
    Bạn nói tôi thấy có vẻ thiếu tinh thần xây dựng, mâu thuẫn quá, này nhé: Cá nhân tôi cho là rất cần thiết ! nhưng ở cuối bạn lại nói: không nên quan tâm làm chi mấy thứ gọi là ưu đãi này !
    Cũng khó hiểu ý bạn quá!

    1. Huy BMT

      Thế thì bạn thử gõ cửa xem ngân hàng nào thực hiện theo cái quyết định này, còn thông tư hướng dẫn? hic, từ năm 2010 kia mà! Sao chẳng thấy đâu hết, thực hiện được cái quyết định này từ năm ngoái thì xin thưa cùng với bạn rằng là: dân không phải bán 1 lượng lớn cà phê thu được khi giá mới chỉ từ 35- 40k. Ôi, cái sự đời.

      1. Trường Nhân

        Bạn Huy BMT hiểu nhầm rồi, tôi nói văn bản hướng dẫn thực hiện của ban ngành liên quan chứ không phải là Thông tư hướng dẫn…
        Chỉ có Thông Tư hướng dẫn của ngành nhằm để thực hiện một khi có Nghị định của TTg, còn đây là Quyết định mà.
        Vì thế những văn bản hướng dẫn liên quan chỉ là những quy định về mặt thủ tục của ngành thôi.
        Ví dụ: để vay tiền theo chính sách này cần phải có hợp đồng đặt hàng (hay hóa đơn…), xác nhận của địa phương (cần sân phơi, lò sấy… chẳng hạn). Khi chưa hiểu thì khoan vội kết luận điều gì.
        Tôi nghĩ rằng Y5 sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các vấn đề này.

      2. ho anh viet

        Lại nhầm. Sao Nghị định mà lại của TTg !Văn bản của tập thể mới gọi “Nghị” chứ, TTg là cá nhân mà.

      3. Trung ngôn

        Bạn gắn chuyện bán cà phê đầu vụ thu hoạch vừa rồi vào chuyện vay vốn đầu tư Công nghệ Sau Thu hoạch làm tôi ngạc nhiên quá.
        Tôi khẳng định việc bạn và nhiều bà con bán ngay đầu mùa khi giá mới chỉ từ 35-40k là do “sự phá hoại nhiều mặt của kẻ địch” chứ không phải do cần đầu tư cho “việc cần làm sau thu hoạch”.
        Bạn nói chẳng thấy đâu hết cũng đúng thôi, muốn thấy thì phải đi hỏi, đi tìm, chứ không lẽ cơ quan nhà nước nào ra văn bản cũng gửi về cho bạn thấy hay sao.

      4. Huy BMT

        Có lẽ nói như vậy các bạn nghĩ mình không biết rõ những điều khó khăn mà mình nói, xin thưa mọi việc em đều hỏi cả, hỏi ngay sau khi có thông tin của QĐ này. Nhưng không ngân hàng nào biết (hay có biết nhưng chỉ trả lời theo kiểu đại loại: có nghe, nhưng chưa thấy gì; để xem có VB hướng dẫn đã, v.v… và v.v…). Vì mình cũng là 1 công chức “quèn” nên các thủ tục văn bản cũng có biết chút chút, và hỏi dò, hỏi thăm thông tin cũng thì không phải là không biết (đại đa số người làm cà phê tại Tây Nguyên đều là khách hàng của các ngân hàng cả, nếu không muốn nói là con nợ. Nên cũng có các mối quen biết với các cán bộ tín dụng cả). Còn nói là “do sự phá hoại nhiều mặt của kẻ địch”, mình không biết “kẻ địch” nào cả? Nhưng vì chữ TÍN của mình thì phải bán mà trả nợ đầu tư cho các đại lý, nên mới phải bán. Còn những việc “cần làm sau thu hoạch” thì với ý thức của người làm cà phê (nhà mình làm từ năm 1990) cũng đã tự đầu tư dần và đủ rồi (sân phơi, máy sấy, máy xát, … ). Cái chính vẫn là làm sao giữ để bán cho được giá thôi. Nhưng thôi, cũng tự an ủi mình vì ” Chính sách tạm trữ” của Chính phủ còn thất bại huống chi là phận “cái tôm, cái tép (không phải đầu tôm đâu nhé)” của người nông dân hả bạn?

      5. Trung ngôn

        Bạn là công chức hả, vậy thì bạn cố gắng phân biệt rạch ròi các loại văn bản hơn nữa để giúp cho bà con nông dân quanh mình bạn nhé.
        Mình cũng thấy bạn có vẻ lẫn lộn khoảng này với khoản khác. Với cá nhân bạn thì tùy nhưng với chuyên môn như NH thì tuyệt đối không được. Bạn không thể vay để đầu tư mà đi trữ cà phê hoặc vay để mở trang trại chăn nuôi mà đi xây nhà. NH biết hết, nhưng xưa nay họ lơ cho mình, chứ thực tế như vậy là họ có quyền cưỡng chế để thu hồi vốn bạn ơi.
        Còn bạn muốn biết vụ vừa rồi bạn và bà con bán sớm khi giá còn thấp vì “sự phá hoại nhiều mặt của kẻ địch” thì xin mời bạn xem, hy vọng bạn hiểu https://giacaphe.com/9565/ban-tin-thi-truong-ca-phe-ngay-09-12-2010/

  3. hoang thang

    Ôi chỉ là giấc mơ! Tôi làm cà phê đến nay hơn 20 năm chưa một lần vay được vốn ngân hàng dù chỉ là 1 triệu nhưng vay nặng lãi tính ra hàng tỷ đồng, nghĩ lại công sức mình bỏ ra cho ai hưởng? Nhưng vì cuộc sống thôi đành chịu.

  4. tieuphong

    Không khó lắm như bạn nghĩ đâu. Tôi có người quen vay nguồn vốn này để làm tiêu sọ, vấn đề là phải đáp ứng được các điều kiện như: điện, nước, nhà kho, sân bãi …

  5. Trung ngôn

    Hình như mỗi lần có việc gì đó liên quan đến ngành ngân hàng là bà con có nhiều phản hồi chê bai, phê phán, lên án sự nhiêu khê, tiêu cực của ngành này. Tôi thấy bà con nói nhiều nhất là NHNN&PTNT, có thể vì liên quan đến nông dân trồng cà phê nhiều hơn các NH khác.
    Tuy chỉ mới dư luận nhưng cũng mong các đơn vị của ngành NHNN&PTNT hãy nhìn lại mình vì không phải vô cớ mà bà con phê phán gay gắt như thế.
    Nói như các cụ “không có lửa làm sao có khói”. Cuộc sống hiện đại là phải biết dựa vào lưng nhau để tồn tại, cần chấn chỉnh ngay trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt này.

  6. Cao Văn Nhân

    Em năm nay 20t, nhà em cũng trồng cà phê. Với nhứng chính sách này để thực hiện được thật là không tưởng. Thủ tục thì rườm rà. Muốn vay tiền của ngân hàng đâu có dể, phải thế chấp này nọ, vay với tỉ lệ phần trăm lãi suất thấp thì cũng phải bỏ tiền ra để lo lót cho mấy nhân viên tín dụng chứ. Tóm lại thiệt thòi thuộc về Nông dân cả thôi.

  7. Hoàng Tuyên

    Chính sách này đúng là tôi đã được nghe, nhưng để vay được khoản tiền này thì nông dân không phải ai cũng vay được. Thứ nhất phải có hóa đơn đỏ do bộ Tài chính quy định, thử hỏi chưa vay được tiền lấy đâu mà mua để có hóa đơn đỏ nộp cho mấy ông ngân hàng làm hồ sơ. Thứ hai buộc người vay phải mua hàng VN sản xuất với giá trên trời. Thứ ba nghe và ngẫm tên NHNN&PTNT ai cũng thấy bùi tai nhưng thử hỏi nguồn vốn dành đúng cho chính tên gọi của nó lại rất ít. Mà chủ yếu ở các lĩnh vực khác.

    1. Trung ngôn

      Tôi đồng ý với bạn Hoàng Tuyên. Có người quen cho biết là NH bắt buộc người vay phải mua máy móc thiết bị của cơ sở nào đó do nhà nước chỉ định với giá trên trời như bạn nói. Thiết nghĩ đây là một yêu cầu hết sức áp đặt.
      Chính sách Nhà nước nhằm giúp nông dân giảm tổn thất sau thu hoạch hay chính sách sinh ra nhằm giúp một số cơ sở sản xuất máy móc thiết bị bán được hàng? Sao lại có sự chỉ định mua thiết bị của ông A ông B nào đó một cách kỳ quái như vậy. Tôi nghĩ ở đây có sự nhầm lẫn nào chăng chứ Nhà nước không bao giờ làm những việc ngây thơ, quái đản như vậy!
      NH hàng đòi hóa đơn đỏ? chưa mua thiết bị sao có được hóa đơn? Tư duy này của thời bao cấp như kiểu “có nhà mới có khẩu, có khẩu mới có nhà” không ngoài mục đích để hành dân thôi bạn à. Chuyện này làm tôi nhớ lại một chuyện cười rất sâu sắc của VN mình “đái thì cấm ị…, ị thì ko được đái”…
      Ví thử tôi muốn làm sân phơi như bạn Anh Việt ở Đak Đoa thì lấy đâu ra hóa đơn đỏ?

  8. Ban biên tập

    Gửi bạn Hoàng Tuyên và bà con trên diễn đàn.
    Khi đã đưa thông tin này lên, BBT Y5Cafe muốn nhận được những phản hồi đầy đủ và chính xác của bà con nhằm tìm cách giúp bà con tiếp cận với Chính sách của Nhà nước.
    Qua phản hồi này của bạn, chúng tôi muốn bạn làm rõ hơn một số việc sau đây:
    -Tại sao có hóa đơn đỏ? đây là điều kiện bắt buộc của NH phải có trong hồ sơ vay? Bạn cho biết cụ thể NH nào đòi hỏi như vậy. Chưa có tiền mua thì lấy đâu ra hóa đơn như bạn phản ánh.
    -Bạn cho biết cụ thể bạn mua sắm cái gì? mua ở đâu? như thế nào mà bạn cho là giá trên trời?
    -Cho vay để làm gì đã có định mức, sao lại có chuyện nguồn vốn nhiều ít ở đây?
    -Và những khó khăn khác nếu có, theo bạn.
    Mong bạn và bà con lưu ý.

    1. phamthuong

      Chào BBT
      Mong BBT giải thích dùm tôi những thắc mắc sau hiện tại tôi ở Lâm hà Lâm đồng.
      1.Tôi muốn vay tiền ngân hàng để mua vườn cafe mua phân bón, máy say cafe, máy tưới vậy tôi có được hưởng những chính sách của nhà nước không ? (hưởng theo điều, khoản nào?)
      2. Tôi là hộ gia đình muốn vay để nuôi thử nghiệm cá nước lạnh, mua cám thì có được hưởng chính sách của nhà nước ko?(hưởng theo điều, khoản nào?) theo mục a khoản 1 điều 5 thì tôi có được hưởng không và thời hạn vay là bao lâu?
      3. Tôi muốn biết thêm lf nhà nước có chính sách là khi hộ gia đình cần vay vốn (vd 12tháng nhưng đến hết 12tháng tôi vẫn cần thêm vốn thì NHNN&PTNT bắt phải lo tiền mang trả rồi muốn vay nữa thì lại phải làm thủ tục mới như thế có đúng với chính sách nhà nước không ạ).
      Xin chân thành cảm ơn.
      Thuong Lâm hà

  9. ho anh viet

    Văn bản này trên Y5Cafe là tin sớm nhất mà mình có được dù nó đã có hiệu lực tròn 10 tháng. Nếu không có Y5 liệu chúng ta (nông dân “đồi núi”) có biết? Bây giờ có thông tin rồi làm sao để tiếp cận được nguồn vốn đây? Trước đây cũng đã có một lần chúng tôi được thông báo, rồi thôn lập danh sách những hộ cần làm công việc gì, kinh phí bao nhiêu và cả dự kiến vốn vay nữa. Sau đó là sự chờ đợi mỏi mòn của nông dân và cuối cùng người ta (cán bộ thôn) nói lại với bà con là chương trình này bị làm sao đó nên nó không thể thực hiện được. Tôi mong lần này sẽ là hiện thực với bà con ta. Tôi đang muốn làm sân phơi cà 1.000 m2 đây.
    Anh Việt- Đak Đoa -Gia lai.

    1. Ngóe

      Bán phân vi sinh, phân kém chất lượng cũng có mấy ông cán bộ thôn hay nông hội, giờ vay tiền cũng mấy ổng xía vô, tưởng là dễ ăn và có “mùi” đây. Rõ chán!

  10. Quy toan

    Bà con nông dân cảm ơn Ban biên tập Y5Cafe đưa thông tin về chính sách hỗ trợ vay vốn của chính phủ tới người nông dân một nắng hai sương chúng tôi.

    1. Huy BMT

      Nếu bạn theo dõi diễn đàn này thường xuyên, thì thông tin này có lâu lắm rồi. Chỉ khác là lần này đưa nguyên văn cái QĐ luôn thôi. Mình đã từng mừng và hi vọng, nhưng …

  11. quang huy

    Tôi cũng là một nông dân trông cà phê và cũng có điều kiện kinh tế rất khó khăn, nhất là những năm 2002-2003. Nhưng cũng nhờ nguồn vốn của NHNN&PTNT mà đã giúp gia đình tôi vượt qua được khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng đó. Thật ra việc tiếp cận vốn vay, cũng không đến nỗi khó khăn như bà con nói đâu. Có điều trước hết mình có một người môi giới, thường là người đã có quen biết hoặc đã từng là khách hàng ruột của NH, sau khi xong việc thì bà con cần “biết điều một tý”. Bà con mình thật thà nghe nói không có chi, mà tưởng thiệt rồi ôm trọn tiền mà về vậy là một đi đừng trở lại nữa nghe! Thứ hai khi đến đáo hạn dẫu khó khăn có vay nóng vay nguội gì đó thì cũng cố gắng đúng hẹn vì đáo hạn xong nếu ngon lành bà con lại được vay nhiều hơn. Trả xong nợ còn có tiền cầm về quá sướng. Với NH khi gặp khó khăn trong gia đình, mình đừng có dại kêu sầu kể khổ, như vây họ đã không thương mà còn đòi nợ ráo riết nữa đó.
    Bản thân gia đinh tôi hồi đầu chỉ vay được 40 triệu mừng không ngủ, bây giờ vay cả tỷ quá đơn giản. Một vài kinh nghiệm của bản thân xin chia sẻ cùng bà con, ai có cao kiến gì xin góp ý thêm để bà con mình cùng mắc nợ NH vơi tôi cho có bạn!.

    1. Pham Đồng

      Chào Quang Huy .Tôi xin được kết bạn được không ? Những tâm sự của Quang Huy đúng như nỗi lòng của đại đa số nông dân làm cà phê. Không có tiền là khổ thế đấy, đầu gối chai mấy lớp thôi… thật nhục nhã vô cùng, nhưng vì cuộc sống mong mọi người hãy cố lên. Xung quanh ta vẫn còn có bạn mà …!

  12. leminh

    Cái máy đào bồn cà phê Y5 đang quảng cáo có nằm trong danh mục được vay ưu đãi không bác Vịnh? nói thật với bác, đào bồn bữa nay tìm không ra công.

    1. Nguyễn Vịnh

      -Việc vay vốn để sản xuất kinh doanh cà phê nói chung bà con liên hệ với các ngân hàng. Có rất nhiều NH khác nhau cho vay, riêng tôi biết có 2 ngân hàng NN&PTNT và NH Techcombank cho vay sản xuất nông nghiệp, cụ thể là trồng và chăm sóc cà phê. (hình như nhiều NH như Ngoại Thương, Công Thương, Đầu tư… đều có mà tôi không để ý)
      -Bạn leminh hỏi thuộc đối tượng được vay theo QĐ này tại điều 1 mục 2a.(máy công cụ)
      *Mong bà con đọc kỹ văn bản.

  13. Ánh hoàng

    Tôi rất mừng vì thấy nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người nông dân một nắng hai sương giảm tổn thất sau thu hoạch. Nhưng nếu muốn vay vốn thì làm như thế nào và bắt đầu từ đâu để bà con nông dân chúng ta có thể tiếp cận được nguồn vốn vay này, nhằm trang bị thiết bị máy móc chế biến cà phê sau thu hoạch, mong bạn nào có kinh nghiệm trong việc này chia sẻ cho bà con được nhờ.

  14. quang huy

    Cám ơn Phạm Đồng đã đọc những chia sẻ của mình và muốn kêt bạn với mình nữa, mình vui lắm. Để tiện xưng hô cho đúng thứ bậc kẻo thất lễ, Huy xin tự giới thiệu về mình như sau: tên đầy đủ NGUYỄN QUANG HUY, sinh ngày :14/3/1968, nơi sinh QUẢNG TRỊ, một vợ 3 con, hiên sinh sống tại thôn 3, Nhân Cơ, Đăk R’Lấp, Đăk Nông, điện thoại: 0905060628, email:[email protected]. Có gì anh cứ gọi điện nhé, Huy chờ Anh!

  15. Ba Duy

    Chủ trương, chính sách thì có vẻ đúng và hợp lỏng dân lắm… nhưng đến bao giờ mới đi vào cuộc sống, bao giờ mới thực sự phát huy tác dụng…? Ban hành chính sách phải đi đôi với giám sát kiểm tra chứ bây giờ hiện tượng trên bảo dưới không nghe là chuyện thường ngày ở huyện. Hãy thử làm một chuyến Vi hành đến các Ngân hàng được giao nhiệm vụ này xem… có làm theo chính sách hay từ chối khéo léo và thậm chí không thực hiện. Dân đến mà vay ở dạng này… thôi tôi xin lạy 3 lạy rồi về, NH nó hành cho mà chạy quáng gà… còn lâu nhé hãy đợi đấy.
    Nếu thực sự nhà nước quan tâm đến Nông dân trong quan hệ tín dụng thì xin cải cách thủ tục sao cho gọn và đơn giản nhất chứ đừng Hành Là Chính… thì không khác gì đánh đố mỵ dân đâu.

  16. Ánh hoàng

    Chính sách ban hành vào 15/10/2010 mà nay là 6/10/2011, đúng một năm rồi.
    Mong rằng có bác nào đã vay thành công thì chỉ dạy cho bà con biết cách tiếp cận với.
    Chân thành cám ơn.

  17. Cafe Trường

    Đọc phản hồi của bà con thấy bà con mình phản ảnh cán bộ NH nhiều quá nhưng theo tôi cán bộ NH cũng có nhiều lọai cũng như bà con nông dân mình đây thôi có người vay nợ đến hạn trả rất sòng phẳng nhưng cũng có người chay ỳ không chịu trả nợ phải hầu tòa.
    Việc vay NH tôi thấy có khó khăn gì đâu! Khi đi vay Ngân hàng tôi cầm theo sổ đỏ nhà và rẫy cà phê, hợp đồng mua bán, lấy vài cái báo giá và một số giấy tờ cần thiết đến gặp cán bộ Tín dụng sau một thời gian thẩm định tôi thấy chưa hài lòng nên tôi gặp ngay ông Giám đốc bày tỏ nguyện vọng cũng như nhu cầu là vay được vốn ngay.
    Tôi có kinh nghiệm này mách với bà con, khi vay vốn NH gặp phải cán bộ gây khó khăn, vòi vĩnh % thì bà con gặp ngay vị giám đốc của NH có cán bộ đó đưa ra nguyện vọng vay vốn của mình và báo cáo ngay sự việc xẩy ra thì bà con mình sẽ được giải quyết thỏa đáng giống như tôi vậy đó. Nhưng một điều bà con mình phải trả nợ đúng hạn như hợp đồng đó nhé!

  18. Hoàng Tuyên

    Đúng như bạn Trường nói ở trên là hoàn toàn sự thật lâu nay vẫn còn tái diễn, cán bộ ngân hàng họ tìm mỗi khó khăn để móc tiền mình. Tôi cũng đã dính chưởng, thậm chí phải thắc mắc đấu lý cùng họ ngay tại NH. Nhờ là mình đúng và có cơ sở. Giờ thì mỗi lần cần tiền vay thì Ok rồi. Bà con ta càng mềm yếu càng bị ăn hiếp, mất tiền oan.

    1. nongdan

      Tụi nó đòi ghê lắm, ra giá trực tiếp luôn, không thì nó ngâm tháng này qua tháng nọ, đủ lý do nó đưa ra, như NH NN&PTNT Chi nhánh Hòa thuận BMT chẳng hạn, mình làm sao chống lại như Trương nói được.

      1. Bốn Cà

        Bạn nói có thật không vậy hay oan cho người ta? Nhưng nếu thật thì Bạn cứ đến thẳng ông Huỳnh Giám đốc NHNo&PTNT tỉnh Đắk Lắk báo cáo sự việc xem sao. Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ có được kết quả OK như nguyện vọng và được ngồi uống nước trà với GĐ nữa đấy.

  19. tieuphong

    Đúng vậy, cứ như cafe Trường mà làm. Xưa nay bà con ta thường e ngại mỗi khi tiếp xúc với các nhân viên NH, trong thâm tâm lúc nào cũng nghĩ đến chuyện lo lót cho nhân viên thẩm định, để công việc được trôi chảy, lo sợ họ làm khó mình.
    Phải thay đổi cách nghĩ. Nên nghĩ rằng họ là người kinh doanh, họ cũng cần bán sản phẩm, ta có đủ điều kiện để mua hàng, cớ gì họ lại làm khó ta. Nếu biết chính xác họ gây khó khăn cho mình, thì cứ mạnh dạn gặp người phụ trách cao nhất ở đó để hỏi. Hãy vứt bỏ tâm lý xin, cho, như bỏ đi loại hàng đã hết hạn sử dụng. Chúc các bạn thành công.

  20. chuotdong

    Tìm hiểu theo tui để cho vui mà thôi. Nhiều nông hộ vay NH 22%/năm còn đổ mồ hôi hột huống chi 2 năm đầu lãi suất 0%. Năm nay, theo tui tổng sản lượng có lẽ nhỉnh hơn vụ trước ko phải vì tăng năng suất mà vì diện tích nhiều hơn. Thường thì từ nay đến tết Nguyên Đán bà con ta phải trả nợ NH nên bán đổ bán tháo làm giá cà phê đứt phanh. Từ kinh nghiệm đáng buồn đó bà con khu vực nơi tui nay chủ động “ngắn chân chạy trước” “vay nóng – vay nguội” đảo nợ trước hạn rồi tùy cơ ứng biến chủ động bán sản phẩm của mình sau.
    Năm nay, nếu Hiệp hội cà phê mua dự trữ giá 45 tui sẽ bán đầu vụ, tầm 40 tui sẽ để kho thôi.
    Ta cần theo dõi thời tiết Braxin thời gian này để nghiên cứu và ra quyết định bán lúc nào là hợp lý bà con nhé.

  21. Nông Thi Mạc

    Bây giờ có báo mạng các anh chị cứ nói đi, ai nghe được thì càng tốt. Công nhận là trình độ dân trí của các bác nông dân nhà ta không như xưa, bây giờ đã biết nói về chính sách và cuộc sống. Có Bác lãnh đạo mới phát biểu trên báo tuổi trẻ: Tôi hiểu được lòng dân mà.

  22. Ni Na PHú Mỹ

    Nếu được đúng như thế thì tốt quá, nhưng sự thật về văn bản đó đến đâu thì chưa ai biết cả. Vì tôi thấy người nhà tôi vay vốn cũng bảo là hỗ trợ lãi suất mà giờ lại phải è cổ ra mà trả lãi kia kìa.
    Đó chỉ là những giấy tờ văn bản do chính phủ nêu ra và văn phòng chính phủ đánh ra văn bản chứ thực hiện thì chưa có NH nào thực hiện cho cả. Bao nhiêu nỗi khổ vẫn đổ lên đầu bà con nhân dân thôi. Họ ngồi ở mãi ngoài HÀ NỘI họ phê duyệt cơ chứ họ không vào Gia Lai ,Kon Tum … họ phê duyệt đâu các bạn ạ!
    Thôi tốt nhất là mình đã khổ nhiều rồi bây giờ cứ tự thân vận động là hay nhất. Và cầu trời cho mua thuận gió hòa để được mùa.
    Chúc bà năm nay mùa màng bội thu. !

  23. capenghot

    Văn bản hướng dẩn về việc hỗ trợ ND mua máy nông nghiệp đã có cách đây hơn 1 năm, ở Bảo Lộc HND TP đã triển khai đến các chi hội ND, nói chung bà con ai cũng mừng nhưng khi tiến hành làm thủ tục vay tại NHNNg thì đẻ ra nhiều vấn đề
    1,Phải có hóa đơn đỏ.
    2,Phải là máy sản xuất trong nước.
    3,Phải có phương án (nghĩa là mua máy về làm gì).
    4,Chưa vay ở bất cứ NH nào, văn bản hướng dẫn ko nói những quy định trên mà do NH quy định,hiện tôi đang có 1 văn bản hổ trợ vay vốn như thế.
    Như vậy bà con ND muốn vay hỗ trợ phải có đủ những điều kiện trên.
    Thông qua ý kiến nầy tôi nhờ Y5 tìm cách giúp bà con tiếp cận với chính sách của NN

  24. vothanhcong

    Chào bà con nông dân trồng cà phê. Tôi là một người quê ở daklak, gia đình tôi cũng trồng cà phê. Chính sách vay ngân hàng ở quê tôi rất khó khăn, để vay được tiền ở ngân hàng gia đình tôi phải đi lam đủ loại giấy tờ mà mỗi khi làm một loại giấy thì phải đút lót cho họ tiền thì họ mới làm cho mình không thì họ chần chừ cả tháng mới làm cho mình, không biết nhà nước có biết không. Ở địa phương các cán bộ tìm đủ mọi cách để kiếm tiền, không vay thì không có chi phí cho cây. Mong nhà nước có chính sách phù hợp hơn cho nông dân chúng tôi.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

91