Giá hạt tiêu dao động mạnh, thị trường gần như đình trệ

Giá tiêu dao động theo biên độ quá lớn trên thị trường kỳ hạn thế giới suốt mấy hôm nay đã làm cho người mua lẫn người bán phải chùn tay.

Do giá tiêu trên thị trường kỳ hạn biến động mạnh, tăng giảm thất thường thiếu định hướng, kéo theo giá tiêu xô trong nước không ổn định. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, sáng thứ Ba 27/9, giá tiêu đen xô rớt xuống 142.000 đồng/kg, mất 17.000 đồng/kg so với mức cao đạt được của trưa ngày 23/9. Qua chiều hôm sau 28/9, giá tiêu đen xô lên lại 154.000 đồng và dao động quanh mức đó 2 ngày nay.

Chốt phiên hôm qua 29/9, giá tiêu kỳ hạn tháng 10, 11, 12 giảm lần lượt 630 Rupi, 695 Rupi và 710 Rupi xuống 35.290 Rupi/tạ, 35.995 Rupi/tạ và 36.660 Rupi/tạ, tương đương 7.192 USD/tấn, 7.335 USD/tấn và 7.471 USD/tấn.

Sự dao động quá mạnh của biên độ giá trên thị trường kỳ hạn thế giới suốt mấy ngày nay đã làm cho người mua lẫn người bán phải chùn tay.

Công ty đến đặt hàng cho nhu cầu xuất khẩu nhưng nhiều đại lý chưa muốn xuất vì giá lên xuống quá lớn, bán đi thì tiếc vì khó có cơ hội như lúc này, một đại lý lớn cho biết.

Nhiều thương lái cũng phàn nàn do giá cả không ổn định nên cả tuần nay họ không mua được lô hàng nào, thị trường gần như đình trệ, tuy họ cũng khẳng định, số lượng hàng tồn trong dân không đáng kể, chỉ còn trong các đại lý lớn và một số nhà đầu cơ nhỏ lẻ mà thôi.

Giá tiêu xuất khẩu trên các thị trường chính vẫn duy trì theo giá của tuần trước mặc dù thiếu vắng sức mua vì giá đang ở mức quá cao. Ngược lại, các nhà xuất khẩu cho rằng giá tiêu kỳ hạn giảm mạnh là do sức bán thanh lý của các nhà đầu cơ lớn trên sàn.

Thống kê của ngành Hải Quan cho thấy, nửa đầu tháng 9 xuất khẩu 5.747 tấn tiêu các loại, đạt giá trị kim ngạch 38,19 triệu USD, tăng 111,91% về lượng và tăng 222,28% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, giá bình quân xuất khẩu đạt 6.645 USD/tấn, tăng 6,25 % so với giá bình quân xuất khẩu của tháng liền kề trước đó.

Theo trung tâm tin học và thống kê của ngành Nông nghiệp, ước xuất khẩu hồ tiêu tháng 9 đạt 15 ngàn tấn, kim ngạch đạt 103 triệu USD đưa khối lượng tiêu xuất khẩu 9 tháng lên con số 115 ngàn tấn với giá trị kim ngạch xuất khẩu 663 triệu USD, tăng 17,4% về lượng và gấp hơn 2 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Sự biến động giá càng làm cho nguồn cung tiêu ra thị trường hạn chế hơn.

Anh Văn

Theo TTVN/Cafef

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Châu Huế

    Các Cty 2 hôm nay không ăn hàng nữa, đợi bán hết số hàng mua của bà con đã rồi tính tiếp.
    Vốn vay gánh lãi suất cao nên mua đến đâu xuất khẩu đến đó, không vay để mua nhập kho dự trữ như mấy năm trước. Cty cũng cho biết giá cao quá nên không dám mua trữ, sợ rớt giá bất ngờ.

  2. Tieucay@

    Lưu thông mua bán xuất khẩu hồ tiêu của VN đã đang và sẽ tạo được sự khác biệt so với cà phê, đó là:

    – Đối với người sản xuất : Vào vụ thu hoạch rộ từ tháng 2 đến tháng 4, những hộ quá khó khăn về tài chính đành phải bán để trang trải chi tiêu hoặc lo chuyện đại sự trong gia đình (làm nhà mới, lo cưới vợ gả chồng, hoặc đi đại học cho các con). Những hộ có đồng chi, đồng cất thì ít khi bán một lúc với số lượng lớn, họ trữ lại chờ giá cao mới bán. Bằng cách này, mấy năm qua nhiều hộ trúng đậm, giá cuối vụ gấp 1,5 đến 2 lần giá đầu vụ.

    Có thể nói đến nay lần đầu tiên trong lịch sử của ngành hồ tiêu VN, người sản xuất đã nắm vai trò chi phối nguồn cung và giá cả thị trường. Bà con nông dân làm được điều này là do VN một quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số một thế giới. Thông tin về cung cầu , gíá cả thị trường trong nước và thế giớí, bà con luôn theo dõi, phân tích cả thông tin thuận chiều và trái chiều, tìm giải pháp ứng phó trước hù dọa của các nhà buôn, các nhà đầu cơ.

    – Đối với các nhà buôn từ đại lý đến các nhà cung ứng, xuất khẩu trong và ngoài nước đang hoạt động kinh doanh tiêu tại VN, họ hoạt động theo cơ chế thị trường tự do cạnh tranh. Các doanh nghiệp thường mua ngay bán ngay, chỉ mua gom quỹ hàng khi thu hoạch rộ rồi sau đó quay vòng đổi hạt, tuy lợi nhuận ít nhưng tránh được rủi ro. Một vài doanh nghiệp hợp đồng ký bán khống (bán giấy trước mua hàng sau) đã bị thua lỗ hoặc xù hợp đồng, mất bạn hàng.

    Bài học thành công từ sản xuất đến lưu thông của ngành hồ tiêu VN, càng làm cho hồ tiêu VN phát triển bền vững, làm các nước sản xuất và các nhà buôn quốc tế rất thèm muốn và nhiều khi ấm ức.

  3. An Lộc

    Y5 và bà con cho hỏi.
    Cứ nghe nói nông dân quyết định giá tiêu thế giới, mà hai hôm nay giá tiêu sàn Ấn Độ vẫn tăng còn giá tiêu tại nước ta lại giảm xuống. Vậy là sao? hay nông dân không thích giá cao nữa?

  4. Tieucay@

    Sàn Kochi Ấn Độ là sòng bạc của các nhà đầu cơ, tại thời điểm này chủ yếu là hàng giấy, hàng thật cạn nguồn rồi, các nước trồng tiêu thu hoạch vụ 2011 gần xong hết (VN và Ấn Độ thu xong từ quý I/2011 và bán đến trên 90%). Các nhà buôn tiêu tại VN thường men theo giá sàn Kochi Ấn Độ mà ra gia mua trong nước, còn việc bán hay không của số ít nông dân và đại lý trữ hàng đến nay là quyền của họ. Mấy hôm nay trị trường mua bán trong nước khá im ắng, người bán chưa bán, người mua lưỡng lự chưa mua…. Một số hộ nông dân ở Lộc Ninh, Bình Phước hiện còn trữ trên dưới 10 tấn/hộ, vẫn chưa bán, họ cho biết đến cuối tháng 10 sẽ tính sau.

    1. Sáu xị

      Bạn Tieucay@ nói chính xác.
      -“Các nhà buôn tiêu tại VN thường men theo giá sàn Kochi Ấn Độ mà ra giá mua trong nước”.
      -“việc bán hay không của số ít nông dân và đại lý trữ hàng đến nay là quyền của họ”.
      Vậy mua hay không, mua giá bao nhiêu là quyền của công ty xuất khẩu.
      Thị trường phải thuận mua vừa bán, không ai quyết định thay ai mà cũng không ai ép ai.
      Vậy là hiểu rồi @An Lộc nhé!

Tin đã đăng

Tin mới nhất

88