Trong bài viết trước tác giả Phương Nguyễn đã gửi đến quý bà con kinh nghiệm quản lý rủi ro trong giá cà phê của 03 nước: Colombia, Costa Rica, Guatemala. Trong bài này, xin mời quý bà con tiếp tục tìm hiểu kinh nghiệm quản lý rủi ro của 3 nước: Ấn Độ, Nicaragua, và Tazania.
Xem kỳ trước: Kinh nghiệm quản lý rủi ro về giá cà phê tại các nước
Ấn Độ:
Cà phê (Robusta cũng như Arabica) được sản xuất tại các bang phía Bắc của Ấn Độ, bởi nông dân quy mô nhỏ cũng như đồn điền quy mô vừa. Một vài đồn điền sử dụng thị trường giao sau London và New York, số còn lại đều gián tiếp thông qua hợp đồng PTBF . Nông dân quy mô nhỏ thì chưa tiếp cận được loại hợp đồng này. Tuy nhiên, có nhiều nông dân quy mô nhỏ (đặc biệt ở Kerala, bang biết đọc biết viết nhiều nhất Ấn Độ) hiểu biết về thị trường giao sau vì họ trồng cà phê kết hợp với hồ tiêu, mà Ấn Độ thì có thị trường giao sau hồ tiêu hoạt động sôi nổi trong thời gian dài.
Dựa trên nền tảng này, đã có rất nhiều nỗ lực để thiết lập thị trường giao sau cà phê trong nước trong 10 năm qua. Những nỗ lực này cho tới nay không hoàn toàn thành công (hợp đồng lớn nhất hiện tại giao dịch cà phê Robusta ở Sàn giao dịch hàng hóa Multi Commodity Exchange của Ấn Độ, có tổng cộng 145.000 hợp đồng từ khi sàn bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 1/2007 cho tới cuối tháng 4). Khó khăn phải đối mặt ở đây là: chuyển những người sử dụng thị trường quốc tế sang thị trường trong nước; sự chống đối của một vài, nhưng không phải là tất cả, những công ty thương mại lớn (sàn hàng hóa cung cấp tính minh bạch và giúp những người tham gia nhỏ cạnh tranh hơn, và điều này chẳng có lợi ích gì cho một số công ty đó); khó khăn trong việc thiết lập tiêu chuẩn phù hợp; và thị trường này không thu hút nhiều giao dịch bởi vì, ít nhất là trong giai đoạn các sàn lớn trong nước bắt đầu những hợp đồng này, giá cà phê tương đối ổn định. Tuy nhiên, các nỗ lực vẫn tiếp diễn.
Nicaragua:
Cà phê là cây trồng mang lại thu nhập chính của Nicaragua, hầu hết được sản xuất bởi chừng 30.000 nông dân nhỏ. Nicaragua là một trong những nước sản xuất cà phê trong chương trình của Lực lượng đặc nhiệm về quản lý bất trắc trong nông sản hàng hóa ở các nước đang phát triển (International Task Force on Commodity Risk Management), và là nước thực hiện thành công giao dịch đầu tiên theo chương trình này. Giao dịch đầu tiên này được ký vào tháng 10/2002, theo đó, một nhóm khoản 250 nông dân mua trực tiếp quyền chọn bán trước khi thu hoạch nhằm bù đắp rủi ro giá trong suốt thời gian bán trong năm mùa vụ. Do đó, nông dân có khả năng tránh được việc bán ngay lập tức trong thời gian thu hoạch, và họ có khả năng điều chỉnh thời gian bán tốt hơn. Quyền chọn thông qua thị trường phi tập trung OTC, do một công ty giao dịch cà phê Thụy Sĩ cung cấp.
Tanzania:
Những nỗ lực ban đầu nhằm mang quản lý rủi ro giá đến cho nông dân trồng cà phê tại Tanzania và Uganda đã đạt được một ít thành công bền vững. Ngân hàng địa phương – Ngân hàng Thương mại và Phát triển Đông và Bắc Phi (Eastern and Southern African Trade and Development Bank – PTA Bank) bắt đầu một “Hợp đồng đảm bảo giá” (“Price Guarantee Contract Facility”) vào năm 1994, theo đó, PTA Bank xây dựng chương trình quản lý rủi ro giá và cung cấp tín dụng thương mại cho cà phê và bông (hầu hết tập trung vào thời gian sau thu hoạch và dựa trên chứng thư gửi kho). Nhiều hội thảo được tổ chức tại 8 nước trong các nước thành viên, nhiều nhà xuất khẩu và chế biến tham gia, cùng một hoặc hai hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng chương trình đảm bảo giá này từ từ biến mất dần trong nửa sau những năm 90.
Là một trong những dự án đầu tiên thực hiện bởi Lực lượng đặc nhiệm về quản lý bất trắc trong nông sản hàng hóa ở các nước đang phát triển (International Task Force on Commodity Risk Management), hợp tác xã lớn nhất của Tanzania – Kilimanjaro Native Cooperative Union (KNCU), với hàng ngàn thành viên, được hỗ trợ trong giai đoạn 2000-2002 phát triển một chương trình quản lý rủi ro giá. Kết quả là, năm 2002 mua hợp đồng quyền chọn bán cho 700 tấn cà phê. Một ngân hàng Hà Lan thông qua ngân hàng địa phương – Ngân hàng Phát tiển Hợp tác xã nông thôn (Cooperative Rural Development Bank – CRDB) cung cấp hợp đồng quyền chọn giá trung bình. Điều này cho phép hợp tác xã duy trì việc đảm bảo giá tối thiểu cho thành viên và thanh toán những khoản tiếp theo nếu giá cao hơn sau khi thu hoạch. Giá tối thiểu cho thành viên cao hơn giá mà hợp tác xã nhận được khi bán cà phê, do đó hợp tác xã quyết định phòng ngừa rủi ro cho năm mùa vụ tiếp theo sau. Thêm vào đó, ngân hàng địa phương tài trợ tài chính cũng khuyến khích hợp tác xã tìm kiếm sự bảo vệ giá cho mùa vụ 2002-2003.
Nhưng KNCU không phòng ngừa rủi ro cho tất cả các năm tiếp theo. Thay đổi trong cách quản lý của hợp tác xã là một trong những nguyên nhân – ban quản lý hợp tác xã không tin rằng giá sẽ giảm, cho nên tai sao phải trả cho phí quyền chọn? Tuy nhiên, CRDB đã thực hiện quản lý rủi ro giá cho một phần hoạt động của mình.
Tác giả: Phương Nguyễn
Email: menfuong@gmail.com
Điện thoại: 0909 147 845
Hợp đồng PTBF, bà con có thể tham khảo chi tiết thực tế diễn ra như thế nào tại https://giacaphe.com/6510/thong-tin-va-tac-dong/
P.S.: có một tài liệu phân tích rất kỹ “Vì sao Vicofa khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hạn chế phương thức kinh doanh trừ lùi chốt giá sau” của TS. Bảo Trung. P đã gửi Y5Cafe chia sẻ cùng bà con. Cám ơn Y5Cafe.
Cám ơn bạn Phương đã có những chia sẽ hết sức hữu ích.
Hy vọng Y5Cafe sớm đăng bài “Vì sao Vicofa khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hạn chế phương thức kinh doanh trừ lùi chốt giá sau”.