Riêng trang trại nuôi chồn của anh Khánh ứ đọng tới gần một tấn cà phê chồn chưa tìm được đầu ra, còn doanh nghiệp duy nhất từng mua mặt hàng độc đáo này với giá từ 1đến 10 triệu đồng/kg thì hoãn việc thu mua vô thời hạn.
Nông dân lúng túng
Thật ra, việc chồn hoang dã được nuôi rải rác trong các hộ gia đình trong Nam ngoài Bắc từ lâu không phải là hiếm. Người ta nuôi chồn làm thú cưng để chơi, nuôi sinh sản để mua bán trao đổi và để cung cấp cho các điểm hẹn đặc sản nổi tiếng về thịt thú rừng dù vẫn có lệnh cấm.
Vì vậy khi biết có thể nuôi chồn nhằm mục đích dùng cà phê chồn do nó bài tiết để bán sẽ lãi to, nhiều người không ngần ngại đầu tư hàng trăm triệu đồng vào vốn giống chuồng trại, và nuôi chồn để sản xuất ra cà phê chồn hàng hóa mới chính thức trở thành một nghề mới lạ trên Tây Nguyên.
Quy mô đáng kể nhất trong số hộ đang theo đuổi nghề này là trại nuôi chồn của mấy anh em Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Giang Nam ở huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk. Nhiều người biết tới trang trại đặc biệt của Khánh (anh) sau khi Nam (em) tung mẩu tin quảng cáo cần bán cà phê chồn nguyên dạng lọn sấy khô lên mạng với giá 110 USD/kg, và Khánh trực tiếp đứng ra giới thiệu mặt hàng này trong Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ hai.
Tại Festival, hơn chục khách hàng mua cà phê chồn rang xay và cà phê chồn sấy khô của Khánh về thưởng thức, chế biến thử nghiệm khiến anh hy vọng. Thời điểm ấy, Khánh chỉ có hơn năm tạ cà phê chồn cần bán. Nay, lượng cà phê chồn ứ đọng tăng lên gấp đôi vẫn chưa tìm thấy đầu ra ổn định.
Khánh kể, nuôi chồn để có cà phê chồn thứ thiệt không quá khó nhưng cũng khá dày công và tốn kém. Chồn hay tấn công nhau nên mỗi con phải nuôi trong một ô chuồng, khi động dục mới cho gần gũi. Mỗi năm, chồn mẹ có thể đẻ hai lứa, mỗi lứa vài ba con.
Mùa cà phê chín hàng chục lao động hè nhau giăng lưới, luân phiên thả chồn vào các vị trí khác nhau trong khoảnh rẫy hơn một héc ta của nhà Khánh cho chúng tự do chọn ăn quả ngon. Xoay vòng hết những khoảnh cà phê chín trong rẫy nhà, Khánh, lại đặt mua cà phê tuyển toàn trái chín ngon nhất từ các rẫy khác quanh vùng với giá đắt gấp nhiều lần giá cà phê tươi thông thường.
Anh nhẩm tính nếu bán được với giá 110 USD mỗi kg như quảng cáo sẽ lãi khoảng 200.000 đồng/kg, bõ công đầu tư chăm sóc. Nhưng với tình thế tiến thoái lưỡng nan như hiện nay, không khéo số phận đàn chồn hương năm chục con dày công gây dựng của Khánh lại lên mâm.
Doanh nghiệp thận trọng
Công ty Cà phê Trung Nguyên, doanh nghiệp duy nhất từng đăng quảng cáo trên truyền hình về việc cần mua cà phê chồn, và từng tiêu thụ khá nhiều cà phê chồn của Khánh cũng như một số điểm nuôi chồn khác, đến nay vẫn chưa thu mua trở lại.
Cũng chính trong Festival Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ hai, Trung Nguyên lần đầu tiên cho ra mắt sản phẩm cà phê chồn, mỗi hộp 250g giá 750 USD, một kg bốn hộp giá 3.000 USD, với lời giới thiệu mặt hàng này thích hợp để làm quà ngoại giao hoặc tặng cỡ nguyên thủ quốc gia.
Trao đổi với PV Tiền Phong về việc ngưng thu mua, khiến các chủ trại sản xuất cà phê chồn rơi vào thế bí, chị Võ Hà Giang, Cty CP Trung Nguyên, cho biết, Cty chưa từng ký hợp đồng hay có mối quan hệ ràng buộc gì với các điểm nuôi chồn tự phát.
Sau nhiều lần thông báo cần mua cà phê chồn, Cty nhận được nhiều phản hồi từ các chủ trang trại cà phê và người nuôi chồn, Cty cử nhiều nhóm kỹ thuật viên đến tận nơi theo dõi cách thức nuôi để định giá mặt hàng. Cty chỉ mua loại hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng do Cty đề ra.
Hiện nay, Cty vẫn tiếp tục sản xuất cà phê chồn đóng hộp với số lượng hạn chế cho khách VIP, và từ chối nhiều đề nghị đặt hàng khối lượng dưới một kg, do không đáp ứng được chi phí sản xuất quá phức tạp tỉ mỉ.
Cty cũng không có hướng giảm giá mặt hàng cao cấp này nhằm thu hút nhiều khách hàng phổ thông hơn, vì đó không phải là mục đích của Trung Nguyên khi muốn giới thiệu với bè bạn năm châu thêm một sản phẩm tinh hoa đất bazan made in Việt Nam đắt và quý trên thị trường cà phê thế giới.
Các chuyên gia của Cty Cà phê Trung Nguyên đang nghiên cứu phương pháp nuôi dưỡng các loại chồn có thể cho ra loại cà phê chồn ngon, xây dựng trang trại nuôi chồn hiện đại, phù hợp các quy định liên quan của pháp luật và công ước quốc tế về nuôi và nhân giống động vật có nguồn gốc hoang dã.
Năm 2009, mô hình nuôi chồn bán hoang dã trong vườn cà phê đầu tiên sẽ có dịp ra mắt công chúng.
Hy vọng trong những bước đi thận trọng của mình, doanh nghiệp cùng cơ quan chức năng không quên giành cơ hội cho những người tiên phong nuôi chồn như Khánh, duy trì và phát triển một nghề mới mẻ đáng quan tâm…
Nổi buồn cà phê chồn của anh Khánh đã làm rất nhiều người nhất la dân Hà Thành, nơi mà không ai hiẻu cà phê chồn là gì ! phải đặt câu hỏi vì sao bây giờ mới có cà phê chồn do nông hộ nuôi nhốt để lấy phân chồn nhưng bán thì không ai mua, thế cà phê chồn lấy từ đâu mà người ta đã bán tràng ngập thị trường Hà Nội từ nhiều năm trước với giá rất cao? thế mới hiểu rằng thương hiệu là một chuyện còn đạo đức lại là một chuyện khác .
Cafe chồn trên thị trường hiện nay ko phải sản xuất từ việc nuôi chồn như người ta vẫn nghĩ. Đã có một công nghệ sản xuất cafe chồn nhưng không từ chồn. Vì những công ty sản xuất cafe chồn hiện nay đã đem công nghệ khoa học vào để phân lập nguồn vi sinh vật cộng sinh trong ruột chồn, từ đó người ta đem nhân sinh khối và đem chế phẩm vi sinh vật đó ủ với cafe. Sau thời gian thì tạo ra được cái cafe mà người ta gọi là cafe chồn bây giờ. Hiện nay với cách sản xuất đơn giản như vậy nhưng lại bán với giá cắt cổ như thế tôi cho là không hợp lý. Nên người tiêu dùng khi lưa chọn những sản phẩm tiêu dùng phải biết giá trị thật sự để không bị hớ.
Anh Khánh nên mướn mặt bằng ở 5 thành phố lớn, là Hà nội, Hải phòng, Đà nẵng, Tp Hcm, Cần thơ, vừa giới thiệu sản phẩm vừa bán quán cà phê, Bảo đảm với lượng chồn của anh nuôi, khách hàng sẽ tới quán của anh uống, vì được bảo đảm là cà phê chồn thứ thiệt, chứ không dùng hương liệu như các quán bán cà phê chồn hiện nay. Rất mong các nhà đầu tư hợp tác cùng anh Khánh để tìm đầu ra cho cà phê ngon số 1 này.
Anh K duông nói có lý nhưng lấy đâu ra tiền thuê hẳn 5 mặt bằng các TP lớn mà bán cà phê. Tốt nhất là liên kết với các khu du lịch làm hay hơn