Gia Lai: Nguy cơ mất mùa cà phê do ve sầu phá hoại

Hàng trăm hộ nông dân trồng cà phê của huyện Đắk Đoa (Gia Lai) rất lo lắng trước tình trạng nhiều diện tích cà phê đang vào mùa thu hoạch quả bỗng dưng xuất hiện triệu chứng vàng lá, khô cành rồi rụng quả, thậm chí long rễ chết cả cây do một loại ve sầu gây nên.

Ve sầu xuất hiện với mật độ dày đặc khiến người trồng cà phê điêu đứng.

Ông Nguyễn Văn Hải ở thôn 5, xã Nam Yang (Đắk Đoa) cho biết: Thời gian qua, trên diện tích hơn 2ha cà phê của ông có hiện tượng cây vàng lá rồi rụng quả, có nhiều cây đã chết khô. Cạnh rẫy cà phê của ông Hải là rẫy của anh Nguyễn Văn Thanh cũng chịu chung số phận bị ve sầu tàn phá. Anh Thanh đã dùng cuốc đào từng gốc cà phê lên và chỉ cho chúng tôi xem ở mỗi gốc cà phê bị chết có rất nhiều ấu trùng ve sầu trắng muốt, to bằng ngón tay út.

Cũng theo anh Thanh, hơn 10 năm làm cà phê, đây là lần đầu tiên rẫy nhà anh bị nạn này nhưng vẫn chưa có cách để phòng trừ. Riêng năm nay rẫy nhà anh có khoảng 50% diện tích bị ảnh hưởng. Nếu tính theo mức giá cà phê nhân hiện tại, năm nay gia đình anh sẽ tổn thất cả trăm triệu đồng. Anh Thanh cho biết thêm: Đây vẫn chưa phải là tổn thất đáng ngại mà nó còn di chứng qua nhiều năm về sau bởi vì bộ rễ cây cà phê bị ve sầu làm tổn thương sẽ khiến nhiều loại bệnh dễ xâm nhập cây, cành, lá bị mất nơi cung cấp dinh dưỡng nên héo úa, chết dần, rất khó hồi phục lại. Nếu bị nhẹ thì phải vài năm sau cây mới có thể hồi phục lại như ban đầu, nặng hơn thì cây sẽ bị long gốc và chết.

Ông Nguyễn Công Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang cho biết, việc cây cà phê bị nạn ve sầu phá hoại tại xã này đã có từ mấy năm nay tuy nhiên vẫn chưa tìm ra giải pháp tiêu diệt, phòng trừ. Trước thực trạng này, một số nông dân đã mua chế phẩm sinh học rồi phối hợp với vôi để diệt thử nhưng chưa thấy hiệu quả. Chúng tôi đã báo cáo lên cơ quan bảo vệ thực vật của huyện, mong rằng sẽ sớm tìm được biện pháp giúp nông dân đối phó với loại ve sầu này.

Theo thống kê sơ bộ của Hội Nông dân xã Nam Yang (huyện Đăk Đoa), xã hiện có khoảng 20% trong tổng số gần 1.300 ha cây cà phê bị ve sầu cắn phá dẫn đến cây chết, rụng quả, vàng lá làm giảm năng suất của cây cà phê.

Hiện giá hồ tiêu đang rất cao, trước đó hàng chục hộ nông dân đã đốn cây cà phê để trồng hồ tiêu. Nếu cơ quan Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai không có biện pháp diệt trừ loại côn trùng gây hại này, chuyện nông dân ồ ạt phá bỏ cà phê để trồng hồ tiêu là điều không tránh khỏi và nguy cơ phá vỡ cơ cấu cây trồng là rất cao.

>> Y5Cafe phát động phong trào diệt ve sầu

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

    1. Nông dân cà phê

      Nguy cơ phá vỡ cây trồng chứ sao nữa: trồng cà phê không có hiệu quả nữa do nạn ve sầu phá hoại, trong khi hồ tiêu đang có giá cao, họ ồ ạt chuyển qua trồng tiều, phá bỏ cà phê, vài năm sau đó sản lượng tiêu tăng vọt, cung vượt cầu, giá rớt thê thảm, còn cà phê thì ngược lại. Sau đó lại phá bỏ tiêu, trồng cà phê, cứ thế vòng luẩn quẩn nghèo đói của nông dân là vậy đó Bé hạt tiêu ạ.
      Nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải diệt ve sầu, chưa thấy nơi nào có thuốc đặc trị, vì ấu trùng ve sầu ở sâu dười đất cả 0,5-1m, không thuốc nào xịt tới, những con ve bay trên cây thì không thể diệt được, xịt thuốc vào thì chúng bay mất. Cách tốt nhất nuôi thiên địch cắn bớt ấu trùng ve sấu như hạn chế phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ để kiến phát triển mạnh, chui xuống đất ăn ấu trùng ve.
      Không biết các bác có cao kiến gì không?

      1. Ngóe

        Bạn có cao kiến để trồng loại cây gì thu tiền tỷ như báo nói thì chỉ giúp cho bà con với, để bà con khỏi phá vỡ cây trồng chuyển đổi lung tung?

    2. Trần Văn Tuân

      Hiện tượng ve sầu gây hại trên cây cà phê thật đáng e ngại có lúc nó đã trở thành dịch hại. Trong vườn nhà tôi cũng từng xảy ra hiện tượng này. Tôi cũng từng cào sạch cỏ và bắt thử xem trên 1 hốc cafe có bao nhiêu ấu trùng ve sầu, số lượng thay đổi khác nhau nhưng thường từ 30-50 con. Trước tình trạng đó nói thực tôi cũng “tá hỏa” lên và chẳng biết phải làm sao nữa. Tôi tìm đọc các tài liệu và tìm thông tin trên mạng nhưng cũng chẳmg có gì nhiều.
      Các bạn biết đó ấu trùng ve sầu sống dưới mặt đất và tập trung chủ yếu trong gốc (phần tán lá che phủ). Để sống được ngoài việc hút nhựa cây từ rễ để sống chúng cũng cần có không khí để thở.
      Tôi diệt ấu trùng ve sầu bằng phương pháp thủ công kết hợp với thuốc trừ sâu:
      1. Tôi dùng diazan hạt rải đều trong bồn cafe
      2. Tôi dùng “sạch bách” (dụng cụ dùng làm cỏ) làm sạch cỏ và tắp vào bồn cafe sau đó lấp kín đất.
      Thao tác này tôi làm vào đợt bỏ phân thứ hai ( tháng 7). Vào đợt bỏ phân thứ 3 tôi phun thuốc diệt cỏ bỏ phân và hái.
      Sau hai năm làm liên tiếp tôi thấy số lượng ấu trùng trong các gốc cà phê giảm đi nhiều. có thể đây không phải là biện pháp tốt nhất nhưng tôi thấy nó thực sự có hiệu quả nên nêu ra để mọi người cùng tham khảo.
      Trên thực tế chúng ta nên lấp bồn cafe vào đợt bỏ phân cuối cùng như vậy sẻ giúp giữ ẩm cho cây tốt hơn trong mùa nắng năm sau. Và giúp cây nhanh phục hồi hơn sau khi thu hoạch.
      Nếu có thể bà con áp dụng thử, nếu cò kết quả nhớ phản hồicho tôi biết với nhé.
      Thân chào !

  1. Nông dân 1/2

    Tình trạng phá cà phê để trồng tiêu là theo trào lưu chung trên các tỉnh Tây Nguyên, đâu phải do ve sầu. Nạn ve sầu phá hại cà phê đâu có nghiêm trọng như bài báo này viết, bệnh vàng rụng lá có thể là do các bệnh khác gây nên ? Bà con nghĩ sao?

  2. hàphương

    Chào bà con ! theo tôi nghĩ nếu chỉ vì ve sầu phá hoại mà rụng trái vàng lá như bài báo nói trên thì cả tây nguyên không còn vườn nào xanh tốt.

  3. Đinh tân lâm

    Mấy năm qua mật độ ve sầu trong các vườn cà phê ở Lâm Đồng cũng dày đặc ,có chỗ phải mấy trăm con trong một gốc. Ấu trùng ve sầu hút nhựa rễ cây mạnh nhất là cuối mùa nắng lúc ấu trùng phát triển lớn để lột xác bay lên giao phối rồi đẻ trứng vào đầu mùa mưa, ấu trùng hút nhiều nhựa làm cho cây bị vàng lá, đặc biệt nguy hiểm hơn là những vết thương do ấu trùng tạo ra là chỗ cho tuyến trùng và nấm rễ fsarium, rhizoctonia… tấn công làm cho rễ cà phê bị u sưng thâm đen dẫn tới cây bị còi cọc ,vàng lá và có thể nặng hơn là chết vì rễ ko hút được dinh dưỡng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây rụng trái, thiệt hại rất nặng nề trong vài năm sau mới phục hồi lại được. Ấu trùng ve sầu đã trưởng thành rất khó diệt vì nó ở sâu dưới đất từ 40-50cm, thậm chí gần cả mét lại còn vỏ áo giáp rất dày và cứng (cách tốt nhất là cào ra lấy cây đâm từng lổ vì tôi đã đào 1 nắm ngâm trong thuốc khoảng 30 phút nó vẫn bò). Vào cuối mùa mưa đầu mùa nắng là thời kì trứng nở và ấu trùng còn nhỏ như con mối bà con có thể xịt thuốc gốc hoặc rải thuốc Diadan10H…, vào đầu mùa mưa lúc mà tuyến trùng phát triển mạnh nhất có thể xịt gốc hoặc rải Nokap, furadan3G… và xịt thêm nấm rễ để chống thúi rễ. Tuy nhiên những loại thuốc xịt xuống đất rất độc hại làm chết những vi sinh vật có lợi trong đất gây bạc màu, cằn cỗi đất, vậy nên bên cạnh bón phân hóa học ta cần chú trọng bón phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất và ức chế tuyến trùng (trên thị trường hiện nay các loại phân hữu cơ vi sinh ko đáng tin cậy). Nếu có điều kiện ủ ta nên bỏ phân chuồng đã ủ hoai vì phân tươi có rất nhiều tuyến trùng và nấm bệnh. Trong lúc thời tiết ngày càng khắc nghiệt bất thường, ve sầu, tuyến trùng, nấm bệnh tăng nhiều, thuốc sâu dỏm, phân kém chất lượng tràn lan… bà con gặp rất nhiều khó khăn, mong bà con có ý kiến hay đóng góp để bà con ta tham khảo áp dụng để vượt qua.

  4. Tranvger

    Hi hi…đồng ý với bác nông dân và Hà phương. Mình cũng đi thực tế xuống vườn nông dân nhưng chưa thấy đâu cà phê bị thiệt hại nghiêm trọng do ve sầu gây ra cả. Đồng ý là ve sầu là tác nhân có gây truyền nấm bệnh và cắn rễ nhưng không nghiêm trọng quá đâu!

  5. bò tót đực

    Sao ở chỗ em chẳng có? Các bác nên mở quán ăn đặc sản đi thôi, thử hỏi có món gì ngon hơn món ve sầu chiên giòn,… bác nào mạnh dạn mua với cái giá phải chăng sẽ có người bán. Ai mở thì nhắn cho em một tin biết đâu em có dịp được thưởng thức.

  6. Nông dân cà phê

    Không biết bác Travger, Nông dân 1/2, Hà Phương nghĩ sao mà nói ve sầu không gây thiệt hại nghiêm trọng cho cà phê? Mỗi lần vào vườn cà phê là thấy ve sấu bay kín vườn, nhìn gốc cà phê nào cũng dày đặc xác ve sầu lột xác, số lượng ve nhiều như vậy nó hút hết dinh dưỡng của cà phê thì làm sao cây phát triển được.
    Món ve sầu chiên giòn cũng ngon nhưng giá phải vài triệu đ/1 kg đấy, các bác nghĩ xem, đào sâu cả mét mới bắt được ve vậy thì cây cà phê chết tiêu rồi…

    1. Minh nhí

      Các bác ấy nói đúng, vì vườn của các bác ấy chỉ có vài con ve kêu cho vui tai khi mùa hè về vậy thôi.
      Người ta viết bài, đưa tin trên tivi… mà bác ấy đi thực tế ở vườn nhà các bác thì làm sao thấy được.
      Nói vui thôi chứ chưa chắc các bác ấy đã biết con ve là như thế nào!
      Chỗ nào chưa có là may mắn lắm rồi. Khó diệt lắm vì nó ở rất sâu trong đất.
      Sử dụng thiên địch để diệt ve sầu là biện pháp tối ưu hiện nay.

  7. Vũ Anh

    Coi chừng có người mạo nhận là nông dân cải bừa không cần biết đúng sai thế nào cả. Ai làm cà phê bị ve sầu tấn công như bọn tui ở Nam yang đây, đang đứt gan đứt ruột vì chắc chắn năng suất giảm nhiều, có vườn thiệt hại nặng lắm. Ai có cao kiến gì giúp diệt bọn ve hại này dân cà Nam yang chúng tôi xin hậu tạ. Cảm ơn diễn đàn Y5.

  8. Huynh Hai

    Làm gì mà to chuyện vậy nhà tui ở ngay xã Nam Yang mà báo viết đây có thấy sâu bọ gì đáng kể đâu, hecta bị vài cây thì có đáng gì chứ năm nào mà chả bị như vậy. Còn việc thời gian gần đây nhiều bà con đào cà phê đi để trồng tiêu là do bà con thấy giá tiêu quá cao đêm lại lợi nhuận trước mắt nên đổ xô vào làm thôi, rồi sau vài năm nửa Cung > Cầu thì bắt đầu quay 180 độ lại. Đúng là cái vòng lẫn quẩn của nhà nông.

  9. Vũ Anh

    Bài viết nói rõ “Hiện giá hồ tiêu đang rất cao, trước đó hàng chục hộ nông dân đã đốn cây cà phê để trồng hồ tiêu. Nếu…” Như vậy bài báo này không phản ánh việc cà phê bị ve sầu gây hại bà con mới phá để trồng tiêu mà là NẾU kia bạn ơi. Chuyện này đang diễn ra trên phạm vi rộng, gần như cả tây nguyên người ta đổ xô trồng tiêu. Tôi dù không trồng cây tiêu nào nhưng vẫn mong giá tiêu ổn định cho bà con nhờ. Ông Nguyễn Công Bình (CT.HND) là người địa phương ai cũng biết, lẽ nào ông ấy nói sai hỡ bạn Huynh Hai? H.Hai ở thôn nào của xã Nam Yang vậy?
    Trưa nay gặp người bạn khuyên thế này (tôi chưa ra vườn để thử) chẳng biết có đúng không, các bạn làm thử xem hiệu quả thế nào: Dùng cuốc nạo lớp đất mặt, lỗ ấu trùng ve lộ ra, dùng cây sắt 6 đâm sâu xuống sẽ diệt được nó. Mong đây là p/pháp tốt để áp dụng !

  10. Chính trung GL

    Mình cũng có chú ý câu nói trên của tác giả. Vì thế mình hiểu là tác giả muốn nói quả bóng trách nhiệm đã được đá qua cho cơ quan BVTV tỉnh Gia Lai rằng việc bà con phá vỡ qui hoạch để trồng tiêu là do không ai giúp bà con diệt được ve sầu gây hại trên cây cà phê…

  11. Thanh Lê

    Chào các bác! Ở vùng tôi chưa có dịch ve sầu, vườn cà phê vẫn xanh tốt bình thường. Để diệt ve sầu các bác thử áp dụng bằng cách này xem có được không nhé!
    Để diệt rệp sáp hại tiêu dùng kích điện (kích cá hoặc kích tôm). Trước tiên bơm nước vào bồn, sau đó dùng cọc sắt đóng sâu xuống hai bên mép bồn rồi dùng kích điện (nếu dùng loại kích cá mà ấu trùng không chết ta có thể dùng loại kích tôm), người ta dùng kích tôm vì rệp sáp là loài máu trắng giống như tôm vậy. Nghe nói ở Khánh Hoà mới có bán loại kích tôm. Các bác cứ thử áp dụng đi nhé, nếu thành công rủ tôi đi uống cpe cùng . Địa chỉ Email [email protected]

  12. tranvan

    Tôi có nghe nói ở Trung Hòa Dak Lak người ta kéo cả dây điện 1 pha ra từng gốc cà phê để diệt ve sầu vào mùa tưới.

    1. Cafe Việt

      Đây là cách làm quá nguy hiểm, có thể gây ra những tai nạn bất ngờ hết sức nghiêm trọng. Mong bà con ta cảnh giác, không nên làm theo.

  13. nguyen thanh khiet

    Nhà bác nào ở vườn có nhiều ve sầu gọi em đến , em chịu khó đào lấy 1 ít anh em mình nhậu lai rai xem . Nếu ngon thì quả nay ve sầu hết đường sinh nở nha.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

89