Tin buồn

Những hạn chế của ngành cà phê Việt Nam hiện nay

Có thể nói trong giai đoạn vừa qua ngành cà phê Việt Nam đã có những bước phát triển làm cho thế giới phải kinh ngạc.

Cách đây khoảng 30 năm, toàn ngành cà phê Việt Nam mới chỉ có vài trăm hécta với sản lượng khoảng vài ngàn tấn mỗi năm thì nay tổng diện tích cà phê của cả nước đã vượt con số 500.000 hécta và sản lượng luôn dao động trong khoảng 800.000 đến 1 triệu tấn mỗi năm và luôn dẫn đầu thế giới về năng suất cà phê.

Từ đó Việt Nam đã vươn lên đứng hàng thứ 2 thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê, trong đó đáng chú ý là đứng đầu thế giới về xuất khẩu loại cà phê robusta và trở thành “cường quốc cà phê” trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì ngành cà phê Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trước mắt cần phải vượt qua mới mong khẳng định được vị thế của mình trong ngành cà phê thế giới.

 

Những thách thức mà ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt trong tương lai gần bao gồm:

Diện tích cà phê đang trở nên già cổi

Theo số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam thì hiện nay nước ta có trên 500.000 hécta cà phê, trong số đó chỉ có khoảng 274.000 hécta chiếm khoảng 54,8% diện tích đuợc trồng trong giai đoạn sau năm 1993 với độ tuổi hiện nay cũng đã từ 10 – 15 năm.

Còn diện tích cà phê có độ tuổi từ 15 đến 20 năm hiện cũng có khoảng 139.000 hécta và ở độ tuổi trên 20 năm cũng có tới 86.400 hécta. Theo những khảo sát gần đây cho thấy, cây cà phê được người Pháp trồng trước đây có tuổi thọ lên tới 30 – 40 năm, trong khi những diện tích cà phê được chúng ta phát triển sau này chỉ đạt năng suất cao trong độ tuổi khoảng 18 năm trở lại.

Như vậy có thể thấy rằng trong thời gian từ 5 đến 10 năm tới, nước ta sẽ có tới trên 50% diện tích cà phê hết thời kỳ kinh doanh và phải cưa đốn phục hồi hoặc phá bỏ trồng lại.

Phần lớn diện tích cà phê trồng không đúng quy cách

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do trong những thời kỳ giá cà phê trên thế giới tăng cao, người dân đã đổ xô phát triển diện tích cà phê mới bất chấp những khuyến cáo của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà khoa học và hầu hết các diện tích cà phê trồng mới này đều không nằm trong vùng quy hoạch, chủ yếu được trồng ở những nơi không thích hợp cho cây cà phê phát triển như: tầng đất nông, độ dốc lớn, thiếu nguồn nước tưới…

Do việc phát triển diện tích cà phê ở những vùng đất không thích hợp như thế nên hiệu quả kinh tế không cao, năng suất thấp, chi phí sản xuất tăng cao và cây cà phê không có tuổi thọ.

Chăm sóc không đúng kỷ thuật

Hiện nay việc trồng và chăm sóc cà phê của bà con nông dân hầu hết đều không tuân thủ đúng kỹ thuật mà các nhà khoa học đã khuyến cáo. Do việc mở rộng diện tích và tập trung đầu tư tăng năng suất một cách tối đa, người trồng cà phê đã tiến hành phá bỏ các loại cây che bóng mát trong vườn cà phê, tăng cường lượng nước tưới và bón phân hoá học…

Chính những biện pháp kỹ thuật thâm canh cao độ này đã làm cho cây cà phê nhanh chóng suy kiệt, mau già cỗi, môi trường đất bị ô nhiễm nặng, nhiều loại sâu bệnh như nấm, tuyến trùng hại rễ nhanh chóng phát sinh và tàn phá nhiều vùng cà phê.

Bên cạnh đó, việc đốn bỏ nhiều loại cây che bóng mát trong vườn cà phê nhằm lấy nhiều ánh nắng để quả cà phê nhanh chín đã làm giảm phần lớn chất lượng cà phê, gây khó khăn trong việc tiêu thụ.

Nguồn cây giống không đảm bảo

Phần lớn diện tích cà phê nước ta được trồng bằng hạt do người dân tự nhân giống. Có thể nói toàn bộ diện tích cà phê được trồng trước năm 2000 là được trồng bằng hạt, trong đó chủ yếu do người dân tự chọn giống một cách tự phát.

Có những giai đoạn do thiếu giống cà phê nên nguời dân bất chấp cả việc lựa chọn giống tốt, giống có chất lượng mà tranh giành nhau mua được giống gì hay giống ấy, miễn là có cà phê giống để trồng. Nhưng họ quên mất rằng, giống là một trong 4 yếu tố cần thiết nhất để quyết định việc đầu tư của họ có hiệu quả hay không.

Do việc chọn giống bừa bãi dẫn đến vườn cà phê cho năng suất thấp, hạt bé, dễ bị nhiễm bệnh, quả chín không đều nên phải tăng số lần thu hoạch làm cho chi phí thu hoạch, chế biến tăng cao ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm…

Việc sản xuất cà phê còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ

Hiện nay việc sản xuất cà phê đều mang tính tự phát, nhỏ lẻ, phân tán và thiếu sự liên kết giữa bốn nhà. Thực tế cho thấy chỉ có chưa tới 20% diện tích cà phê của nước ta hiện đang do các công ty, nông trường hoặc các chủ trang trại lớn quản lý, có đầu tư quy trình kỹ thuật tiên tiến; còn lại trên 80% diện tích là do người dân quản lý với diện tích vừa nhỏ, lẻ vừa phân tán và mang tính độc lập.

Diện tích canh tác trung bình của mỗi hộ dân chỉ từ 0,5 đến 1 hécta. Chính vì sự nhỏ lẻ này đã dẫn đến làm cho chi phí đầu tư tăng cao, sản phẩm làm ra không đều và kém ổn định, khó tiếp cận với những tiến bộ khoa học, thị trường tiêu thụ và kể cả các dịch vụ như vay vốn, xây dựng thương hiệu, chứng chỉ chất lượng…

Thiếu sự tư vấn về kỹ thuật của các nhà khoa học, thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước và thiếu cả những cam kết, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của nhà doanh nghiệp…

Nhìn chung người dân cứ thu hoạch về, sơ chế rồi bán cho các đại lý, qua đó một phần vừa bị ép cấp, ép giá vừa làm cho thị trường mua bán trở nên thiếu lành mạnh, việc tranh mua, tranh bán của các đại lý ngày càng diễn biến phức tạp…

Trong tình hình chung đó, cần phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục một cách nhanh chóng những bất cập trên trong ngành cà phê Việt Nam hiện nay, lúc đó chúng ta mới mong ngành cà phê Việt Nam có thể phát triển một cách ổn định và bền vững, góp phần trong công cuộc hội nhập của đất nước.

————-
Y5cafe tổng hợp

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77