Tòa xử nhập nhằng, người dân chịu thiệt

Kho cà phêVụ án dân sự của ông Nguyễn Huy Nam, trú tại 58/95, đường Nguyễn Minh Hoàng (quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh) khởi kiện Công ty Đầu tư xuất nhập khẩu Đắk Lắk, nay đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Đắk Lắk (sau đây gọi là Công ty XNK Đắk Lắk) đã đi đến 5 cấp tòa nhưng vẫn chưa có hồi kết. Tòa này bảo đúng, tòa kia nói sai, cuối cùng người dân chịu thiệt.

Xem thêm: Vụ cà phê gửi kho Inexim Dak Lak: Ai phải trả 188 tấn cà phê?

Ngày 23/12/1999, Công ty XNK Đắk Lắk ra Thông báo số 921, giao cho các đơn vị, chi nhánh trực thuộc nhận càphê của dân, doanh nghiệp gửi vào Công ty theo phương thức: khi khách hàng mang càphê đến gửi, các chi nhánh, đơn vị viết phiếu nhập kho, sau đó chuyển về kho của Công ty để chế biến. Khi nào người gửi thấy có lãi hoặc cần vốn thì chốt giá, Công ty sẽ thanh toán bằng tiền theo giá tại thời điểm mà hai bên thỏa thuận.

Theo trình bày của ông Nam, ngày 17/11/2000, ông Nam gửi vào kho của Chi nhánh cung ứng thu mua hàng xuất khẩu Đắk Min – Cư Jut ở Đắk Nông, đơn vị hạch toán trực thuộc Công ty XNK Đắk Lắk do ông Nguyễn Mai Hiệp làm Giám đốc (sau đây gọi là Chi nhánh Đắk Min) 67 tấn càphê nhân tiêu chuẩn R2 5% theo phiếu nhập kho số 223/GK. Sau đó, ông Nam đã chốt giá bán cho Chi nhánh 17 tấn, còn lại 50 tấn. Đầu năm 2004, Công ty XNK Đắk Lắk quyết định giải thể Chi nhánh Đắk Min, ông Nam đòi Công ty XNK Đắk Lắk trả 50 tấn càphê còn lại. Song đại diện Công ty không đồng ý với lý do: Chi nhánh Đắk Min nhận càphê của ông Nam gửi nhưng không chuyển về Công ty như Thông báo 921 nên phía Công ty không có trách nhiệm trả ông Nam. Do vậy, ông Nam đã khởi kiện tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đắk Min (Đắk Nông).

Tại Bản án số 20 ngày 26/7/2006, TAND huyện Đắk Min đã nhận định: Việc đại diện Công ty đề nghị tòa án buộc cá nhân nguyên Giám đốc Chi nhánh trả cho ông Nam là không có cơ sở. Tòa quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nam, buộc Công ty XNK Đắk Lắk phải trả cho ông Nam 50 tấn càphê nhân.

Tuy nhiên, Công ty XNK Đắk Lắk không đồng ý và kháng cáo. Sau khi thụ lý, TAND tỉnh Đắk Nông thấy dạng tranh chấp này chưa có tiền lệ nên đã có văn bản trao đổi nghiệp vụ với Tòa dân sự TAND tối cao. Tại Văn bản số 406 ngày 1/5/2007, Tòa dân sự TAND tối cao đã hướng dẫn: “Quan hệ gửi giữ càphê mà Chi nhánh Đắk Min tham gia thuộc chức năng nhiệm vụ của Chi nhánh và với tư cách chủ thể là Chi nhánh (thành viên của Công ty) chứ không phải cá nhân nên phải xác định bên nhận gửi giữ (có các quyền và nghĩa vụ dân sự theo hợp đồng gửi giữ tài sản) là Công ty Đầu tư XNK Đắk Lắk”.

Căn cứ ý kiến trên, tại Bản án dân sự phúc thẩm số 36 ngày 24/7/2007, TAND tỉnh Đắk Nông đã bác kháng cáo của Công ty XNK Đắk Lắk, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Thế nhưng, sau khi bản án có hiệu lực, tại Quyết định số 26 ngày 12/3/2008, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm và tại Quyết định giám đốc thẩm số 72 ngày 28/4/2008 của Tòa dân sự TAND tối cao quyết định: Quyết định Giám đốc thẩm xử hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm nói trên. Giao hồ sơ cho Tòa án sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung. Do Chi nhánh Đắk Min đã giải thể và tỉnh Đắk Lắk chia làm 2 tỉnh nên Tòa án huyện Đắk Min đã chuyển hồ sơ cho TAND TP. Buôn Ma Thuột giải quyết lại.

Rắc rối bắt đầu từ đây khi tại Bản án dân sự sơ thẩm số 5 ngày 18/2/2009 của TAND TP. Buôn Ma Thuột cho rằng: Thông báo 921 của Công ty XNK Đắk Lắk có quy định khách hàng được cấp giấy công nhận gửi kho của Công ty và chỉ có giấy công nhận của Công ty mới có giá trị pháp lý. Do đó, việc ông Nam gửi hàng tại kho của Chi nhánh nhưng không yêu cầu Chi nhánh cấp giấy công nhận hàng là lỗi của ông Nam. Vì vậy, việc ông Nam kiện Công ty XNK Đắk Lắk là không có căn cứ. Từ nhận định này, án sơ thẩm đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Nam.

Không đồng ý với quyết định của án sơ thẩm, ông Nam kháng cáo.

Sau khi thụ lý phúc thẩm, ngày 10/6/2009, TAND tỉnh Đắk Lắk có Văn bản số 05/TA-DS gửi TAND tối cao để xin ý kiến chỉ đạo xét xử. Tại Văn bản số 34 ngày 20/1/2010, Tòa dân sự TAND tối cao xác định: “Nếu ông Nam có gửi càphê tại Chi nhánh mà Chi nhánh không làm thủ tục nhập kho và vào sổ sách kế toán thì trách nhiệm thuộc về Công ty XNK Đắk Lắk…”.

Lẽ ra, sau khi nhận được ý kiến này, TAND tỉnh Đắk Lắk phải xử sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nam. Thế nhưng, bản án phúc thẩm số 205 ngày 30/12/2010 của tòa này lại nhận định: Phía Giám đốc Chi nhánh đã thực hiện công việc “vượt quá ủy quyền” nên phải coi hợp đồng gửi giữ tài sản giữa ông Nam và Chi nhánh là giao dịch dân sự vô hiệu. Theo đó, án phúc thẩm đã xử hủy án sơ thẩm giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại theo hướng buộc Giám đốc Chi nhánh phải trả cho ông Nam 50 tấn càphê.

Không hiểu với sự nhập nhằng của các cấp tòa án, đến bao giờ ông Nam mới đòi lại được tài sản của mình?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân cà phê

    Con kiến mà đi kiện củ khoai thôi, củ khoai sai rõ ràng như vậy nhưng cứ đá quả bóng trách nhiệm đi lung tung, dân ta có câu: ” C… trâu để lâu hoá bùn”. Đây toàn là những bài học quý giá, nhờ có Y5Cafe mà chúng ta mới biết được bộ mặt thật của việc gởi kho, “bye bye nhé Gởi Kho, ta sợ chú mày lắm rồi”.

  2. hấp nặng

    Cái đáng buồn của doanh nhân chân chính Việt Nam là bị vơ đũa cả lắm! cái đáng nhục nữa là biết bao kẻ được mệnh danh là doanh nhân mà chỉ có lối sống nhất thời, thiển cận và chụp giật.
    Cái đáng buồn của người người dân ta là yêu chính quyền tha thiết, xưa nay luôn là lực lượng tiên phong trong mọi cuộc hành trình xây nước, dựng nước và giữ nước mà thời bình thì pháp luật lại “yếu và méo mó” quá. cả xã hội dường như không dành cho họ tiếng nói chính đáng!
    Cái đáng buồn đối với chính trị gia chân chính là làm chính trị mà chưa làm được gì và bất lực trước tham nhũng.
    Cái đáng buồn của nhà báo là viết thiếu trong sáng và không phản ánh được lương tâm của nhà báo với thời cuộc ?
    Từ trước tới giờ chưa có một quốc gia nào phát triển được nếu như tham nhũng lan tràn, quyền dân chủ của người dân bị “tước đoạt”. Chúng ta cứ nói tự do dân chủ nhưng thực sự ai hiểu được cụm từ này và chỉ ra cho tôi biết với, có phải chúng ta thiếu đoàn kết? có phải chúng ta chấp nhận sự nhũng nhiễu và sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền ra để được “ưu tiên” trước cửa quan? có phải chúng ta sẵn sàng chạy chọt cho con em chúng ta trong học tập khi chúng không có năng lực? Chúng ta sợ thua thiệt, dẫn tới người người sợ thua thiệt, nhà nhà sợ thua thiệt, ngành ngành sợ thua thiệt? Nếu đúng thế chúng ta! những người dân sẽ luôn thua thiệt và đất nước ta luôn thua thiệt.
    Tiếc thay cho doanh nhân Việt bị kìm nén, bị oan dù họ làm ăn chân chính.
    Tiếc thay bởi chúng ta đang dần “ngầm” chấp thuận những điều khoản không có trong pháp luật, không dành được tiếng nói vì chúng ta thiếu đoàn kết. Mỗi khi có chuyện chúng ta chỉ nghĩ “không liên quan tới lợi ích của mình”.
    Tiếc thay bao cải cách đều chỉ trên giấy! thử hỏi con cháu chúng ta có tài tới mức này không: hai năm đầu của cải cách trong giáo dục với mục tiêu 4 không thì con số rớt tốt nghiệp THPT nhiều “khủng khiếp” nhưng hai năm sau con cháu chúng ta lại là những học sinh “ưu tú” làm các nước tiên tiến vè giáo dục phải “kinh ngạc”. Lỗi tại ai? Rồi bạo lực học đường… thật nguy hại.
    Luật ở đâu ư? luật ở mỗi chúng ta, tự ta, do ta và tại ta.

  3. cà đắng

    Gửi CT mà còn mất đứt như rứa huống hồ gửi đại lý. đại lý nó xù nó chạy thì chỉ biết kêu trời . Còn gửi công ty thì kêu ”cậu” của ông trời…cũng ko thấu luôn .Sự việc rõ rành rành như thế ..mà xử bao nhiêu năm ko xong .Trình độ các luật sư non kém thế cơ à .Tui nghĩ hay là ông Nam biếu công ty 30 tấn còn lại 20 tấn thỏa thuận giá thời điểm để công ty thanh toáncho rồi mà nghỉ ngơi cho khỏe , chắc số cà đó bằng với số mà công ty ”chạy” cho tòa án đó mà . Chắc chắn tòa ”có ăn” rùi mới xử cho ông nhập nhằng vậy đó. Mong y5sưu tầm những vụ như thế này để bà con biết bộ mặt thật của các công ty mà tránh

  4. Luật Rừng

    Tóm lại ông Hiệp cũng như ông Vinh. “Quýt làm cam chịu”. Bố cho con cần câu, con đi câu trộm cá, bị phát hiện thì xài hết rồi. Nhưng tòa vẫn xử bố phải chịu. Đúng là quan tòa kiểu này mà vẫn tồn tại được… hay thật ?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83