Lâm Đồng: Nâng cao chất lượng giống ca cao – những vấn đề đặt ra

Nhờ điều kiện về tự nhiên thuận lợi, cộng với sự tác động tích cực về nhiều mặt của ngành nông nghiệp, nhất là tác động của Dự án Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ Lâm Đồng nên mấy năm gần đây cây ca cao đã thực sự bám rễ tại vùng đất 3 huyện phía Nam, bao gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.

Tuy nhiên, để có nguồn giống ca cao đảm bảo cho năng suất, chất lượng tốt hiện đang là nỗi trăn trở của những hộ dân trồng ca cao tại địa phương.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 1.300 ha ca cao, tăng khoảng 600 ha so với năm 2010. Phần lớn những diện tích trồng ca cao nói trên được trồng xen dưới tán điều, dưới tán rừng và trong vườn cây ăn trái hoặc vườn tạp của các nông hộ.

Tại huyện Đạ Tẻh, cây ca cao đã chính thức được đưa vào danh sách ưu tiên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập. Những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trồng ca cao được coi là một trong những giải pháp xóa đói, giảm nghèo hiệu quả và bền vững trên địa bàn huyện.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện tại nhu cầu ca cao trên thế giới vẫn duy trì ở mức rất cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng ca cao tại châu Âu. Giá cả ca cao thế giới hiện dao động ở mức cao – từ 3.020 đến 3.350 USD/tấn. Chính vì giá cao và nhu cầu của thị trường tăng cao càng khuyến khích người dân 3 huyện phía Nam tăng cường đầu tư, chăm sóc và mở rộng diện tích trồng ca cao tại những khu vực phù hợp.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là chất lượng và giá cả nguồn giống ca cao phục vụ cho chương trình trồng mới tại các địa phương. Trên thực tế, ngoài những nông dân tham gia Dự án Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ Lâm Đồng được hỗ trợ 150 cây giống/hộ, thì những nông dân khác muốn trồng ca cao phải tự tìm mua cây giống được bán trôi nổi trên thị trường. Giá bán tương đối đa dạng, nhưng về mặt chất lượng nguồn giống thì còn nhiều bất cập.

Cũng như huyện Đạ Tẻh, giá cả ca cao hiện nay khá cao nên bà con nông dân trên địa bàn huyện Cát Tiên đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng ca cao nhằm tăng thêm thu nhập. Để nâng cao năng suất, chất lượng ca cao thì vấn đề đặt ra hiện nay là phải kiểm soát tốt chất lượng và giá cả cây giống. Đối với huyện Cát Tiên, qua triển khai Dự án Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ Lâm Đồng phần nào đã đáp ứng được nhu cầu về nguồn giống có chất lượng đảm bảo.

Tuy nhiên, những hộ trồng tự phát không thuộc dự án thì phải mua cây giống trôi nổi trên thị trường với giá cao, chất lượng lại không đảm bảo gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng cũng như năng suất, chất lượng của loại cây trồng mới này.

Những băn khoăn đó là hoàn toàn có cơ sở, bởi khi nhu cầu về nguồn giống ca cao trong dân tăng, nhất thiết phải có giải pháp quản lý về chất lượng và giá cây giống. Bà Nguyễn Thị Phương Loan – Trưởng Ban quản lý Dự án Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ Lâm Đồng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, bước đầu Ban quản lý sẽ tập trung triển khai thực hiện dự án tại 3 huyện phía Nam.

Đối với những hộ nông dân nằm ngoài dự án, chúng tôi cũng hướng dẫn bà con xây dựng các vườn ca cao đầu dòng để có nguồn giống tốt. Hiện ngành nông nghiệp địa phương cũng đang hỗ trợ xây dựng một vườn ca cao đầu dòng tại huyện Cát Tiên, với mong muốn tạo điều kiện cho nông dân trồng ca cao tại địa phương một địa chỉ tin cậy về nguồn giống có chất lượng tốt.

Để nâng cao trình độ canh tác loại cây trồng mới này, thời gian qua ngành nông nghiệp 3 huyện vùng sâu phía Nam đã và đang phối hợp tích cực với Ban quản lý Dự án Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ Lâm Đồng. Theo định hướng từ nay đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ phát triển diện tích ca cao lên 4.000 ha, trong đó tập trung phát triển chủ yếu tại 3 huyện phía Nam.

Trước nhu cầu trồng ca cao ngày một tăng cao, thì những vấn đề đặt ra trong việc quản lý chất lượng và giá cây giống phải được quan tâm ngay từ bây giờ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho những nông hộ trông đã và đang trồng ca cao cũng như đảm bảo tốt tiến độ triển khai Dự án Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới.

Theo: Lâm Đồng Online

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Dân liên kết

    Chủ trương chuyển đổi như thế này thì cây điều làm gì còn chỗ để sống. Dân trồng điều cũng không thể độc canh mà phải xen canh, mất thứ này còn thứ khác.
    Cây ca cao trồng xen dưới tán điều có lẽ là hướng đi đúng, bà con cần tham khảo và vận dụng. Thu nhập của người trồng điều vừa thấp mà hiệu quả sử dụng đất đai lại càng lãng phí. Cần có nhiều mô hình thích hợp và hiệu quả hơn cho các vườn điều.

  2. Tiên Sa

    Không biết ngành khuyến nông và các Viện nghiên cứu sinh ra để làm gì? Tại sao cứ để bà con tìm và nhân giống theo kiểu tự phát thế này thì làm sao mà có chất lượng, đảm bảo năng suất cây trồng. Vài năm sau mới thấy không có hiệu quả rồi lại chặt phá, trồng thứ khác. Nông dân nghèo lại hoàn nghèo!
    Có cả “Ban quản lý Dự án Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ Lâm Đồng”. Tên nghe vừa hay vừa dài, mà không biết sinh ra để làm gì cho dân nhờ đây?

    1. daicachuaboc

      – Hiện tại, ở Trường Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh có những giống Cacao có năng suất và chất lượng rất cao như các Dòng Vô Tính TD1,TD2, TD3, TD4, v.v… Điều quan trọng không phải nâng cao chất lượng cây giống mà Quản lý nguồn giống. Vì sự Quản lý trong sản xuất giống cây trồng quá lỏng lẻo để cho nguồn giống Cacao trôi nổi. Đừng nói Cacao, đến cả Cà phê nguồn giống cũng bó tay.com
      – Mấy năm gần đây, người ta bị cái Bệnh là Sản xuất nông nghiệp bền vững như: Cacao bền vững, cà phê bền vững, v.v… nhưng lại không biết “Bền vững” là cái gì, thực hiện như thế nào. Bình thường sản xuất như vậy, nhưng gắn cái chữ Bền Vững vào cũng chẳng có thay đổi gì. Hóa ra, bền vững là không thay đổi gì so với sản xuất bình thường.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

89