Tin buồn

Doanh nghiệp nước ngoài thu mua cà phê: Nông dân chỉ được lợi trước mắt

Các doanh nghiệp cà phê nước ngoài đã tận dụng tối đa cụm từ “cạnh tranh” hay giúp nông dân bán được giá cao hơn để giải thích cho hành động của mình trong việc thu mua trực tiếp cà phê tại Việt Nam.

Sự thực có phải như vậy?

Liên quan đến vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần bày tỏ quan điểm: “Chúng ta khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo đúng cam kết WTO, nhưng chúng ta cũng đã có quy định rất rõ ràng: doanh nghiệp nước ngoài không được trực tiếp thu mua nông sản. Vì thế, chúng ta sẽ phải làm quyết liệt để họ tuân thủ pháp luật của Việt Nam”.

Thứ trưởng Tần cũng khẳng định: “doanh nghiệp nước ngoài vay ngoại tệ lãi suất chỉ từ 2 – 5%/năm, sau đó vào Việt Nam tổ chức thu mua trực tiếp nông sản thực chất là sự cạnh tranh không lành mạnh. Về lâu dài, các DN trong nước đuối thế, lúc đó các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tự do lũng đoạn thị trường, giá cả nông sản của ta tăng hay giảm không thể kiểm soát nổi”.

Thực ra, không phải tự nhiên mà Việt Nam hay hầu hết các nước đều hạn chế tối đa việc các doanh nghiệp nước ngoài vào trực tiếp “hái quả” ngay trong “sân nhà”. Một DN kinh doanh nông sản tại TPHCM nhận định, sau cà phê, các mặt hàng nông sản khác của chúng ta sẽ tiếp tục nằm trong danh sách lũng đoạn của doanh nghiệp nước ngoài. Đến khi toàn bộ DN trong nước bị hạ gục, trên “sàn đấu” chỉ còn một “võ sĩ” ngoại bang thì lúc đó, các doanh nghiệp nước ngoài mới thỏa sức “làm giá” với người nông dân Việt Nam.

Đồng tình với suy nghĩ này, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng: “Điều rất dễ xảy ra là, khi thị trường nông sản Việt Nam đã bị doanh nghiệp nước ngoài chi phối, lúc đó chúng ta sẽ chỉ trông chờ vào sự… ban ơn về giá của họ. Nếu thích thì họ có thể bắt tay nhau mua, còn không thích thì họ sẵn sàng quay mặc, bỏ mặc nông dân Việt Nam, bất kể sống hay chết”.

Đáng ngại hơn, khi doanh nghiệp nước ngoài nắm trong tay quyền chi phối thì ai không dám chắc là họ không cấu kết với các “đại gia” đầu cơ trên 2 sàn giao dịch cà phê lớn nhất thế giới là London và New York để hạ “nốc ao” giá cà phê Việt Nam?!

Một doanh nghiệp cà phê so sánh, xét về lãi suất vay ngân hàng 2 – 5% của doanh nghiệp nước ngoài (trung bình lãi suất chỉ 100 – 120 đồng/kg cà phê/vụ) với lãi suất 20% của DN Việt Nam (trung bình lãi suất 500 đồng/kg/vụ), các doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện nâng giá mua cà phê cho nông dân cao hơn từ 3 – 4 triệu đồng/tấn mà vẫn có lãi hơn DN Việt Nam.

Nếu tính tổng thể, khi mua 1 tấn cà phê, DN Việt Nam vẫn phải bỏ ra số tiền nhiều tương đương hoặc cao hơn doanh nghiệp nước ngoài (tính gộp cả lãi suất).

Trong cuộc đối đầu này, doanh nghiệp nước ngoài đang có được “bà đỡ” từ nước họ, còn DN Việt Nam hoàn toàn ngược lại. Vì thế, về lâu dài, chính sách tiền tệ của ta cần phải thay đổi để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng hơn cho DN Việt Nam.

Tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, hiện tượng “lấn sân” của doanh nghiệp nước ngoài đã xuất hiện ở nhiều cây, con khác (tiêu, điều, thủy sản…) và nhiều lúc đã điều tiết được giá cả thị trường ngay trên sân nhà của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thái Học – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn có mặt tại nước ta đang lớn mạnh từng ngày, bao trùm lên nhiều mặt hàng nông sản. Nếu như không có chính sách kiểm tra, giám sát việc “phá rào” của họ thì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ trở thành lực lượng làm thuê ngay trên mảnh đất của mình.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề ở đây là chúng ta không làm trái luật WTO, cũng không chăm chăm bảo hộ cho các DN trong nước để gây khó dễ cho doanh nghiệp nước ngoài. Việc đảm bảo luật được thực thi nghiêm minh chỉ nhằm giúp ngành hàng nông sản của ta nói chung và cà phê nói riêng sẽ có được sự phát triển bền vững, không sa bẫy hay lóa mắt trước những lợi ích nhất thời.

Đặc biệt, cũng qua diễn biến trong ngành hàng cà phê lúc này, chúng ta có thể nhận ra rằng, một phần là do nguyên nhân chủ quan từ phía DN Việt Nam. Đó là không ít DN Việt Nam vẫn còn kinh doanh theo kiểu “ăn xổi”, chỉ biết đến quyền lợi của mình (bằng cách ép giá thu mua, không đầu tư trở lại vùng nguyên liệu…), chưa chia sẻ lợi ích thỏa đáng với người nông dân, vì thế nếu nông dân quay mặt cũng là điều dễ hiểu.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cafe chim

    Tôi cho rằng nếu chúng ta giảm lãi suất xuống 1% chẳng hạn và duy trì vững ở mức đó thì DNNN sẽ bỏ chạy mà không cần ca thán điều gì. Tại sao nhà nước không giành một khoản vốn lớn cho các ngành hàng nông sản trong khi nước ta là nước nông nghiệp và qui định lãi suất trần lên đến 14% là quá cao (chưa kể các khoản phụ phí và tiêu cực phí kèm theo).
    Tôi đọc báo thấy có nhận định “ngân hàng như nấm mọc sau mưa” mà không hiểu được tầm kinh tế vĩ mô được hoạch định như thế nào? Nông dân làm sao hiểu hết.
    Nói gì thì nói vẫn không thể che dấu việc nông dân quay lưng với DNTN vì từ lâu các DNTN đã quen KD theo lối ăn xổi và quen thói chèn ép nông dân mà không biết chia sẻ lợi ích một cách thỏa đáng để cùng với nông dân tồn tại.

  2. quan tam

    Theo tôi nghĩ các nhà lãnh đạo ngành cà phê nên vì nền sản xuất nước nhà để có cách nhìn thông thoáng hơn để hội nhập tìm cách làm ăn mới cho các DNVN. Cạnh tranh bình đẳng có lợi hơn cho người sản xuất là cho nền nông nghiệp nước nhà. Đằng này chỉ biết tạo điều kiện cho DN nước nhà không năng động, phần lớn dựa trên độc quyền không tuân thủ thị trường chung gây thiệt hại nhiều cho người sản xuất. Hàng loạt đổ bể trong thời gian qua của các doanh nghiệp đã làm biết bao gia đình mất không công sức cả năm trời, nguyên nhân là họ giàu nhanh quá xây nhà sắm xe bạc tỷ,… Thời gian gần đây có hiện tượng mua bán khó hiểu: chưa hết tháng 3 mua giá tháng 7 ( giá nào thấp thì mua), giá thế giới lên được cộng ít, ngược lại giá hạ xuống quá trời… biết bao người trông đợi ngậm ngùi ngậm quả đắng. Nông dân ngày nay không chỉ giỏi làm cà phê họ còn giỏi kinh doanh nữa đấy các bác nhỉ!

  3. Nông dân một nửa

    Đọc bài DNNN thu mua cà phê trái luật, nông dân chỉ được lợi trước mắt. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thấy chỉ đúng một phần bởi vì: Nếu không có sự cạnh tranh thì xã hội không thể phát triển, bao nhiêu năm qua các DNVN tổ chức thu mua cà phê rồi bán lại cho các DNNN nhưng vì độc quyền nên các DNVN chèn ép nông dân giá cả thì ưng thì tăng giá không ưng thì hạ trong một ngày có thể có đến 4-5 giá khác nhau nông dân chúng tôi chả biết đâu mà lần. Khi DNNN vào tổ chức thu mua ( thường thông qua các đại lý) giá cả có ổn định hơn trước mắt người nông dân chúng tôi được lợi. Còn vấn đề chính sách của VN làm sao để có sự cạnh tranh bình đẳng giữa DNVN và DNNN là ở tầm quản lý vỹ mô của các nhà hoạch định chính sách. Chúng ta không nên cứ không quản lý được một vấn đề nào đó thì ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cấm, ví dụ như không giải quyết được vấn đề tắc nghẽn giao thông thì cấm xe tải không được vào thành phố, xe biển số chẵn cho đi ngày chẵn xe biển số lẻ đi ngày lẻ, xe biển số ngoại tỉnh không được vào thành phố.v.v… Đó là sự non kém về quản lý của ta. Vì là những người nông dân nên chúng tôi mong rằng các nhà quản lý có một chính sách phù hợp để hài hòa lợi ích giữa người nông dân cũng như các DN không kể DNNN hay DNVN.

  4. Thằng cuội

    Đọc bài này : DN nước ngoài thu mua cà phê trái luật: Nông dân chỉ được lợi trước mắt.
    Tui chợt có đề nghị tác giả viết thêm bài nữa với tiêu đề tui đề nghị như sau : DN trong nước thu mua cà phê đúng luật: Nông dân không được lợi gì cả.
    Bài này chắc sẽ hay lắm đây!

  5. Lương

    Các cấp chính quyền nên quan tâm điều đó, vi chúng tôi là nông dân nên chỉ thấy chỗ nào lợi hơn thì bán. Chứ các bạn nói vậy với chúng tôi thì có nghĩa gì, chẳng lẽ đi yêu cầu nông dân đi bán cà phê cho chỗ nào giá thấp sao.

  6. Nguyễn Thị Liên

    Tôi nghĩ Doanh nghiệp trong nước cố gắng hơn nữa về linh động nguồn vốn chứ không thể đổ trách nhiệm là doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh. Năm nay không có doanh nghiệp nước ngoài chưa chắc giá đã lên cao như thế này. Là nông dân Việt Nam tôi cũng không chịu được khi doanh nghiệp trong nước bị hạ gục, nhưng không có cạnh tranh thì nông dân không thể có giá cao được, nên tốt nhất là doanh nghiệp trong nước hãy cố gắng đứng vững trên thị trường cạnh canh.

  7. lê tâm

    Tôi nghĩ chỉ có nông dân là khổ, giá thì lúc nào cũng bị o ép. Tại sao các doanh nghiệp trong nước không linh động vốn để theo kịp các doanh nghiệp nước ngoài. Mà mỏi mệt lắm, không có doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh thì người nông dân tôi nghĩ càng khổ hơn, “thằng còng làm cho thằng thẳng” ăn mà.

  8. Dân đen

    Bàn cải làm gì, cứ suy luận như sau: các DNVN chết –> lãnh đạo ngành Cà phê không có lộc –> các vị này sẽ đói –> Tìm cách để có lộc.

  9. maihiên

    Theo tôi thì klhông nên cấm các DNNN mua cà phê trực tiếp mà cứ để cho DNVN có sức cạnh tranh để nông dân đỡ khổ, DNVN ép giá vô cùng , xù nợ … thế mà nhà nước lại muốn đứng ra để bênh vực việc làm đó là sao, hiện tượng xù nợ của dân thì không thấy ai giải quyết và ngăn chặn. Hay là ông Trung Nguyên đang muốn ra đại biểu quốc hội lần nữa ?

    1. Kinh Vu

      Chúng ta nên nói chuyện gì ra chuyện ấy, chuyện này thì liên quan gì đến cụ thể một công ty nào, Bà con chúng ta không nên nói đụng chạm đến một cá nhân hay tổ chức nào khi chúng ta không nêu ra được vấn đề cụ thể.
      Ai cũng có niềm tự hào và lòng tự trọng riêng của mình.

  10. Kẻ quan sát

    Thật vậy sao? DNNN sẽ giết DNTN và ép giá ư? Chỉ ảo tưởng, vì
    1. Tự bản thân các DNNN sẽ cạnh tranh với nhau.
    2. Tôi dám cam đoan không phải tất cả DNTN đều chết mà chỉ có DNTN yếu kém chết thôi, điều này có lợi cho xã hội.
    3. Làm kinh tế ai không muốn lợi nhuận, nếu DNNN chỉ được mua từ DNTN chẳng khác nào DNTN là độc quyền bán. Còn họ (DNTN) xuống dân thì độc quyền mua. Với kiểu làm chạy vòng vòng, đầu ra giá cố định, ai buôn cũng muốn lơi thì giá teo là điều không thể tranh cãi chỉ là teo cỡ nào thôi? Vậy Nông dân sẽ hưởng lợi?
    4. và …
    Thật buồn cho người nông dân!
    Xin mượn lại câu nói của người Sài Gòn thay cho lời kết “ĐỪNG TỰ KIÊU TA NGHÈO MÀ HỌC GIỎI NHƯNG HÃY HỎI VÌ SAO TA GIỎI MÀ VẪN NGHÈO”

  11. Dân nông

    Hi! Các vị chẳng làm gì cho nông dân chúng tôi cả. không ăn được thì đạp đổ thôi. Các ông lớn hiện tại đang bắt tay nhau để cho nhà nông không được lợi đấy thôi. Các DNNN vào Việt Nam theo WTO, nhưng vẫn vi phạm luật VN, phép vua thua lệ làng mà. Thất vọng quá!

    1. Còi cọc

      Chào bạn Dân nông: Tôi không phải là người ăn theo nói leo, khi đọc những suy tư của bạn tôi thấy cũng có sự đồng cảm với tôi. Tục ngữ có câu “nói phải củ cải cũng nghe” nhưng e rằng chẳng ai nghe cứ ý họ, họ làm…

  12. Phuoc Trung

    Thiết nghĩ Nhà nước cần có những chính sách hay biện pháp mang tính tổng thể, lâu dài. Muốn đưa ngành cà phê VN vươn ra thế giới thì không chỉ NN làm không mà các DN, kể cả noogn dân ra sức ủng hộ mới được.
    Còn các DN xuất khẩu nhỏ lẻ, yếu thế thì cho Die luôn đi, hoặc là sát nhập, chứ VN hiện giờ đã có rất nhiều cty tham gia vào thị trường xuất khẩu cà phê nên tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu chèn ép, áp mức trừ lùi rất cao.

  13. Nguyễn Thị Liên

    Không biết tiếng nói của nông dân thảo luận như vậy mấy ông doanh nghiệp Việt Nam có đọc qua và thấu hiểu không nhỉ?

  14. Nông dân CÀ

    Ai dám bảo lâu dài là nông dân cà phê được lợi?
    DN nội thu mua đã 25 năm nay rồi chưa đủ lâu dài chăng?!
    Nông dân không thể chờ lâu hơn 25 năm nữa!
    Nói DN ngoại vay ngoại tệ lãi suất 2-5% cạnh tranh không lành mạnh là không hiểu gì về kinh tế! Đây chỉ là ngụy biện!
    1. Khi họ đưa ngoại tệ vào VN họ phải đổi ra nội tệ để thu mua. Như vậy họ phải chịu mất CHI PHÍ CƠ HỘI của đồng nội tệ đang nắm trong tay là 14% năm. Chi phí lãi này ngang bằng với DN nội.
    (nói một cách khác nếu họ không thu mua mà gửi vào ngân hàng thì họ sẽ được 14% năm tiền lãi)
    2. Khi họ nắm nội tệ để thu mua họ cũng phải chịu rủi ro trượt giá do lạm phát ~ 10% năm.

  15. hoang thang

    Bóc lột nông dân cả một thời gian dài rồi bây giờ có nguy cơ bị đập bể niêu cơm nên mới ngụy biện như thế. Thôi thì chấp nhận thấp cổ bé họng thôi bà con. Người ta nói miệng nhà quan có gang có thép mà!

  16. dân nghèo

    Trời! trước kia chưa có DNNN nhào vô thì DNTN làm trời làm bể (tiền đầy túi). Bà con nông dân thì méo mặt… thì đúng luật… Giờ DNNN đến thu mua từ các đại lý (không phải trực tiếp mua tận người nông dân chân đất đâu nhé) bà con nông dân vui được chút xíu, trong khi đó DNTN bị (vơi đi túi tiền) họ lại cầu cứu rên la là sai luật. Là vì họ có đường dây cả rồi, chỉ có bà con chúng ta thì không có dây gì thôi. Chỉ có cách bắc thang lên hỏi ông trời thôi. Số khổ… số khổ.

  17. trần túy phượng

    úi giời ! thương cho DNVN nhể, bao nhiêu năm làm ăn chân chinh thế, đến ngày hôm nay sắp sứa có kẻ cướp cơm hay cướp nước gi đó ! Bà con ta hãy vì lòng yêu nước và tư hào dân tộc mà bán rẻ cà phê cho DNVN nhé. Bán cho DNNN sẽ không khác gì bán Nước. Ý của kẻ viết bài này là vậy đó.

  18. dancaphe

    Tôi nhận thấy các bạn tranh luận vấn đề bán cà phê cho ai, giá như thế nào. Tôi thống nhất với các bạn là bán cho DN nào dù nội hay ngọai với giá cao là bán. DNVN chắc đang mơ ngủ hay sao, chúng ta đã vào WTO rồi, đã hội nhập vào sân chơi chung của thế giới rồi sao lại ganh tỵ. Theo tôi tất cả các ông Giám đốc kinh doanh cà phê VN nên học lại, có lẽ nhiều ông từ trong rừng ra nên chưa được học nhiều.

  19. nguyễn thị kêu ca

    Kính gởi các bác, em thấy nếu theo ý của DNVN thì mình đừng chơi với nước ngoài nữa, trở lại thế kỷ 18 “bế quan tỏa cảng” đi. Chắc bà con mình còn khổ nữa.

  20. HuyAnhHoang

    Các doanh nghiệp Việt Nam nên nhớ: Một khi tham gia WTO là phải theo luật chơi bình đẳng – Không phân biệt Trong Ngoài.
    Lý do tại sao các bạn biết không: Do các ông công ty trong nước kinh doanh theo kiểu đánh bài và đâù cơ ăn may.
    Đơn cử như công ty Imexim Daklak của ông H làm ăn kể từ khi ông lên làm giám đốc năm 2003: lỗ triền miên đến nay và bốc hơi gần 70 tỷ đồng của các cổ đông. Vụ 2010-2011 đến nay mua chưa được 10.000 tấn cà phê – không bằng một công ty tư nhân.
    Phương thức kinh doanh và quản lý như sau: Đánh bài trên futures – Con cháu vô học làm quản lý – Các Mama tham mưu – Tối đa hóa nhuân bút XK cà phê – Để công nợ tràn lan…Chúng tôi sẽ lần lươt đưa ra chi tiết cho các bạn thấy bản chất thật của Công ty này.

    Như vâỵ các bạn thấy làm sao mà cạnh tranh vơí công ty Nước ngoài !!!

  21. chuotdong

    Dân cà phê nhầm rồi, mấy ông đó ở rừng thì ko đến nỗi phát biểu vô trách nhiệm với dân đen như thế. Đọc phản hồi của nhiều bạn tui thấy hả dạ quá. May phúc cho tác giả ko xưng danh khi viết thuê bài theo dạng “lợi bất cập hại” này.
    Xin thưa rằng dưới con mắt của người dân bài viết của bạn ko đáng giá một xu vì chẳng dân nào cùng quan điểm tác giả ạ. Bạn hãy mở to mắt ra đọc ý kiến của kẻ quan sát, nông dân cà và dân đen sẽ rất “vui” khi bạn nhận thù lao viết mướn đấy.

  22. dâncaphe

    Đọc bài sự liên kết của ngành cao su VN, tôi cảm kích sự liên kết có hiệu quả của các DN cao su. Vậy mấy Ông GĐ ngành cà phê khăn gói qua học hỏi mấy Ông GĐ ngành cao su. Mình phải tận dụng ưu thế sân nhà như trong thể thao vậy chứ. Tôi thấy mấy Ông GĐ kinh doanh cà phê luôn bị thua trên sân nhà và cả sân khách. Vì một lý do duy nhất là mạnh ai nấy đá không có sự gắn kết nào cả.

  23. nguyễn trường sơn

    DNNN vào thu mua trực tiếp nên giá mới đẩy lên nên bà con nông dân mới được hường lợi như vậy. Thế mới biết DNTN ép giá khiến bà con nông dân bao năm khốn đốn vì cà phê rớt giá. Tôi ở cạnh một doanh nghiệp chế biến cà phê có đường dây xuất khẩu thẳng với doanh nghiệp MỸ :Gía 1kg cà phê arabica loại 1 là 120.000đ tại cảng SàiGòn. Thế mới biết các DNXK cà phê lợi nhuận thế nào.

  24. bir tiến

    DNNG không thể mua trực tiếp cafe ở người nông dân như vậy thì người dân cũng không thể bán với giá cao mà DNNG đưa ra. Nguyên nhân chính là các DNVN không muốn tự mình làm chủ giá cả một mặt hàng mà sản lượng lớn nhất thế giới cho nên chạy theo lợi nhuận trước mắt. Nếu nước ngoài làm chủ giá không biết nó tệ đến mức nào nữa, nông dân bỏ vườn cafe VN biến mất.

    1. hoàng nguyên

      Ngây thơ quá ông ơi!
      Ông tin tưởng người VN yêu nước thương nòi nên mới giữ giá cà phê cho nông dân VN ư ?
      Hãy suy luận từ cơn bão giá hiện tại đang thấm vào chân tơ kẽ tóc người VN kia! Ông có thấy ai đứng ra bảo vệ cho ông không? Còn giá cả trên thế giới là do cung cầu, thế giới- kể cả thằng Mỹ cũng điên đầu vì giá dầu tăng, sao họ không tự định giá 50 USD/ thùng đi ?
      Ông cứ nghi ngờ như thế thì bế quan tỏa cảng, chấp nhận cấm vận, một mình một chợ. Dùng quyền lực, thu mua thì mua như tịch thu, bán thì như ban ơn. Ông chưa thấy kinh hoàng cái thời đã qua sao ?
      Dĩ nhiên trong cơ chế thị trường cũng có những thời khắc thị trường lũng đoạn bởi một giới đầu cơ nào đó, nhung đó cũng là lúc để bạn vận dụng trí não, tìm con đường tránh. Tôi nghĩ gia đình bạn chắc không mua gạo để trữ khi giá gạo lên 20 ngàn/ kg năm nào chứ ?
      Tự cứu mình thôi bạn ơi! Có ai đồng tâm hiệp lực với mình đó chẳng qua là những người cùng hội cùng thuyền với mình.

  25. Nguyễn Tiến Đạt

    Tôi là người nông dân chính hiệu, đọc qua bài viết trên tôi thấy có cái gì đó không thuyết phục. Mấy năm trước đây giá cà phê xuống thấp thì bảo cung thừa, các DNNN họ độc quyền phát giá, DNTN chỉ mua dựa theo. Còn bây giờ họ trực tiếp thu mua của dân giá cao thì nói là “trái luật, nông dân chỉ lợi trước mắt”, như vậy là sao ? Thời gian nào DNTN chủ động phát giá, hay là muốn cấu kết với DNNN hạ thấp giá để mua? Thật tội nghiệp cho nông dân chúng tôi vì nông dân là “Dân ngu khu đen” Suốt đời chỉ “bán mặt cho đất , bán lưng cho trời”, làm ra hột cà phê mồ hôi đổ lộn với nước mắt, may lắm đủ ăn qua ngày, mấy ông ở trên cao không thấy sao. Phải đồng ý “Thương trường là chiến trường” phải cạnh tranh lành mạnh chớ tại sao thua rồi đổ lổi cho họ, buộc họ phải rời cuộc chơi, để mấy ông thao túng lộng hành tha hồ mà độc quyền ép giá bóc lột sức lao động của người nông dân chứ gì. “Trời cao có mắt “. Ông hãy nhìn xa trông rộng mà phán quyết, hãy loại bỏ ngay những kẻ có tri thức muốn chuộc lợi để làm giàu không chân chính còn tỏ ra những lời biện minh tăm tối . Thử nghĩ hiện nay giá cà phê dưới 50.000đ/kg có phải là sốt giá chưa so với mặt bằng hàng hóa ví dụ như (Xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật .v v…và v.v…)

  26. thanh

    Nước Việt Nam kém phát triển chỉ vì có những người mang tiếng giúp nông dân. Nhưng thực chất đa số là đang cố chèn ép nông dân để kiếm tiền đút túi .

  27. Nông dân

    Tôi xin được mạo muội góp ý cùng các bác, diễn đàn này là nơi trao đổi thông tin chia sẻ với nhau. Nhưng tui thấy hình như có một vài bác cứ cay cú với Công ty này, công ty nọ, rồi ghét ông GĐ này, ông GĐ kia nên mượn dịp nói những điều không hay. Thú thật, những lời các bác nói ra với tính cách như thế thì liệu có mấy ai tin hay là họ lại càng cười chúng ta hơn. Nếu quả thực có đúng như những gì các bác nói về ông nọ ông kia, thì theo tui đúng sai ắt hẳn đã có người kiểm chứng và kết luận mà không cần chúng ta cứ phải moi móc ra làm gì. Vài lời mạo muội mong các bác thông cảm nếu có đụng đến ai, cái cốt là để cho diễn đàn chúng ta càng ngày càng trong sáng và lành mạnh hơn.

    1. Cafe chim

      Tui cũng nghĩ như bác. Nếu mấy ông đó làm sai thì sẽ có cơ quan kiểm toán hay bảo vệ pháp luật sờ gáy. Nếu là công ty cổ phần thì các cổ đông khác làm gì hay đại hội cổ đông hàng năm chỉ để mà chơi còn các cổ đông bất lực, vô lý quá. Nếu bất lực thì cổ đông nào đó hãy xem lại mình chứ không nên ra diễn đàn này để cay cú. Thiết nghĩ, với tư cách cổ đông trong công ty mà bất lực chẳng làm được trò trống gì thì ra diễn đàn này nói mà ai nghe.
      Tui cũng đề nghị BQT xem xét lại những ý kiến đụng chạm đến bất kỳ cá nhân nào đó hay đơn vị cụ thể nào đó. Đừng biến diễn đàn này thành công cụ cho mục đích hay động cơ cá nhân ngoài vì nông dân lớn mạnh như tôn chỉ của Y5Cafe. Xin hãy gìn giữ Y5Cafe của chúng ta thật trong sáng nghe bà con.

  28. Bực

    Đặc biệt, cũng qua diễn biến trong ngành hàng cà phê lúc này, chúng ta có thể nhận ra rằng, một phần là do nguyên nhân chủ quan từ phía DN Việt Nam. Đó là không ít DN VN vẫn còn kinh doanh theo kiểu “ăn xổi”, chỉ biết đến quyền lợi của mình (bằng cách ép giá thu mua, không đầu tư trở lại vùng nguyên liệu…), chưa chia sẻ lợi ích thỏa đáng với người nông dân, vì thế nếu nông dân quay mặt cũng là điều dễ hiểu

  29. phamchon

    Cứ lặp đi lặp lại điệp khúc bất hợp lý thế mà coi được sao. Nếu sợ sẽ bị ép giá thì sợ mấy ông nội địa nhà ta kìa. Đã bao đời nay nông dân chết lên chết xuống vì các anh DNTN rồi cần gì phải nói ai cũng rõ mười mươi. Đã là kinh tế thị trường thì cạnh tranh là nguyên tắc căn bản để các DN lớn mạnh và thị trường phát triển. Người tiêu dùng và sản xuất được lợi… DN nước ngoài có nhiều lợi thế nên họ mua của nông dân giá cao là lợi cho dân cho nước có gì phải tranh cãi. Mấy năm trước không có DNNN vào thì các ông DNTN ép dân thấy sợ. Chưa nói làm ăn thất bại giựt nợ hàng loạt làm dân điêu đứng >DNNN họ sòng phẳng, tiền trao cháo múc lấy gì làm lo! Thật chả hiểu ra làm sao cả. Các ông bảo vệ ai? Bảo vệ cái gì mà nói thế không biết !

  30. Phamchon

    Đã là diễn đàn mà chỉ có nơi leo, nói theo, nói vuốt đuôi hoặc nói nịnh thì còn gì ý nghĩa. Phải để mọi người bày tỏ quan điểm thì nó mới là diễn đàn thực thụ chớ, Miễn đừng nói ngoa vu oan nói thiếu căn cứ là được. Làm quan to cần phải nói đúng, nếu nói sai vẫn phải bị chỉ trích thì mới là dân chủ văn minh !

  31. bac tom

    Nhờ có mấy anh nước ngoài nhảy vào, bác nông dân nhà ta mới dễ thở chứ nếu không lại bị dính chưởng độc quyền nữa rồi. Cứ xem ngành điện, nước hiện nay sẽ rõ. Nông sản làm ra không ai mua, thương lái trong nước mặc sức ép giá, nay sân nhà mà cạnh tranh không lại thì nói này nói nọ. Thấy nông dân được lợi là tôi vui.

  32. Đoàn Động

    Thế mới biết cơ chế thị trường mở cửa hay thật, thương trường là chiến trường, sự cạnh tranh lành mạnh giữa trong và ngoài cho thấy thị trường của VN ta còn nhiều bất cập về cơ sở pháp lý trong xuất nhập khẩu, nuôi doanh nghiệp nhà nhưng có điều kiện liên kết giữa các khâu sản xuất – Chế biến – xuất khẩu, trong mối liên kết trên doanh nghiệp nào nắm được nguồn cung ( người sản xuất ra cà phê) thì doanh nghiệp đó thắng, thử hỏi ngoài mấy công ty cà phê như Cty Cà phê Thắng Lợi, Phước An, EaPok, v.v. ra thì các doanh nghiệp còn lại Như Trung Nguyên liên doanh với người trồng cà phê được vài chục ha thì … bây giờ các vị hiệp hội thu mua mới nhìn thấy người trồng qua các đầu môí thu gom của Doanh nghiệp nước ngoài, cải sợ về kiềm giá sau này cho những gí chưa nhìn thấy ở người nông dân một khi chỉ thấy cà phê giá loại thấp,cao mà không cần biết bàm gì ra nó, mà trả với giá mua đích thực cho chất lượng cà phê.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83