BCEC chính thức giao dịch cà phê kỳ hạn

Ngày 11 tháng 03 năm 2011 tới đây, trong chương trình Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 tổ chức tại Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) sẽ chính thức đưa vào giao dịch sản phẩm cà phê giao sau (tập quán của người kinh doanh cà phê thường gọi là giao dịch cà phê kỳ hạn) đến tất cả các nhà kinh doanh cà phê, các nhà đầu tư tài chính trên cả nước.

Xem thêm: > Cách thức giao dịch kỳ hạn cà phê robusta trên sàn Buôn Ma Thuột

Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột

Những người kinh doanh cà phê Việt Nam và các nhà đầu tư có kinh doanh các sản phẩm hàng hóa kỳ hạn không quá xa lạ với việc giao dịch cà phê trên thị trường London (LIFFE) và trên thị trường New York (ICE-NYBOT). Tuy nhiên, họ luôn mong muốn có một sàn giao dịch nội địa với những quy tắc và luật lệ dễ hiểu, phù hợp với tập quán kinh doanh của Việt Nam. Sản phẩm giao dịch cà phê kỳ hạn tại BCEC ra đời nhằm đáp ứng các nhu cầu đó ; đồng thời cung cấp một sàn giao dịch thông qua đó người kinh doanh cà phê có thể bảo hiểm các hợp đồng mua bán trước sự biến động của giá cả và đồng thời cung cấp cho các nhà đầu tư một kênh kinh doanh mới – kinh doanh hàng hóa nông sản – phù hợp với sự hội nhập tài chính của Việt Nam với thế giới.

Trong thời gian đầu, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột sẽ tổ chức giao dịch theo hai phiên: buổi sáng từ 9h00 đến 11h00 giao dịch sản phẩm giao ngay cà phê và buổi chiều từ 14h00 đến 17h00 giao dịch sản phẩm kỳ hạn (hợp đồng giao sau) cà phê. Mặt hàng niêm yết là sản phẩm cà phê Robusta của Việt Nam. Mọi chi tiết cụ thể về nội quy giao dịch, cách thức giao dịch, loại hình hàng hóa giao dịch quý vị đầu tư có thể tham khảo trực tiếp trên website của trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột tại www.bcec.vn

Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột là một đơn vị trực thuộc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk. Với vị thế là thủ phủ của Tây Nguyên, Tỉnh Đắk Lắk có sản lượng cà phê và một số hàng hóa nông sản khác đứng đầu của cả nước, riêng cà phê sản lượng của Đắk Lắk chiếm khoảng 50% tổng sản lượng của cả nước. BCEC ra đời theo sự chỉ đạo trực tiếp của UBND Tỉnh Đắk Lắk với mong muốn tạo ra một kênh giao dịch cà phê công bằng, hiệu quả bên cạnh các kênh giao dịch truyền thống. Hiện tại, theo sự chỉ đạo của công văn số 9254/VPCP-KTN ngày 22/12/2010 của Văn phòng chính phủ về việc thí điểm mô hình sàn giao dịch cà phê, BCEC cũng đang nhận đựợc sự chỉ đạo và hướng dẫn trực tiếp của Bộ Công Thương nhằm chuyển đổi mô hình cho phù hợp với nghị định 158 về Sở giao dịch hàng hóa của Chính phủ.

Bài viết đươc cung cấp bởi Trung Tâm giao dịch cà phê BMT

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. dân việt

    Ở nước ta hiện nay đã có một số sàn giao dịch như chứng khoán, BĐS… Là nông dân tôi chỉ e ngại người ta coi sàn giao dịch cà phê để kiếm tìm lợi nhuận mà quên đi lợi ích của nông dân. Để rồi sau một thời gian đã vét cạn năng lực nhà nông thì sàn đổ ào ào như chứng khoán hiện nay, nhiều cổ phiếu về dưới mệnh giá, nhà đầu tư lỗ nặng mà không ai có thể cứu được. Có phải đa nghi quá chăng? Làm nông dân bây giờ thật bối rối …

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83