Ông bà chúng ta thường nói “nước chảy ào ào không bằng hao lỗ mội” điều đó thật là đúng trong một trường hợp của những nhà chế biến chúng ta thường gặp phải nhưng ít ai để ý đến.
Chúng tôi xin nêu ra một tình hình thực tế hiện nay trong khâu sàng phân loại (Coffee Grader) để chúng ta cùng nghiên cứu, chúng tôi muốn đề cập đến hai loại sàng R1 thông dụng hiện nay là sàng 18: 7,1ly và sàng 16: 6,3ly trong các nhà máy chế biến.
Thiếu chính xác do thiết bị quá cũ
Trong thực tế một số nhà máy sử dụng những thiết bị sàng phân loại đời cũ, có độ rung không chính xác, quá mạnh hoặc quá nhẹ cho nên để lấy được loại cà phê 6,3ly thì người ta phải lắp vào đó loại lưới có đường kính lỗ là 6,7ly bởi vì với các loại máy này nếu lắp loại lưới có lỗ khoảng 6,35 ly thì sẽ bị lẫn loại sàng nhỏ hơn vào R1 S.16 rất nhiều, tức là R1 sàng 16 mà có hơn 10% lẫn loại dưới sàng 13 vào trong đó, điều này sẽ không được khách hàng chấp nhận, chính vì để khống chế không có hơn 10% dưới sàng lọt vào sàng 16 cho nên người ta phải lắp loại lưới có lỗ 6,7ly.
Hệ quả của việc chạy máy sàng với lỗ lưới 6,7ly hoặc lớn hơn sẽ khiến cho khá nhiều cà phê có kích thước trong tầm 6,3-6,7ly lọt xuống sàng 13 (5ly) quý vị có thể kiểm tra điều này bằng cách kiểm tra cà phê sàng 13 của mình sản xuất ra có bao nhiêu phần trăm loại sàng 16 (6,3ly) ở trong đó. Chúng tôi đã làm thực nghiệm trên nhiều nhà máy còn sử dụng loại lưới có đường kính lỗ 6,7ly này và kết quả là 20% sàng 16 nằm trong sàng 13 thay vì chỉ khoảng 3% thôi, nói như thế là chúng ta đang bị mất 17% R1 mà không ai trả tiền thêm cho chúng ta cả.
Thử hình dung trong một ngày nếu chúng ta sản xuất ra 100 tấn R2 sàng 13, thì chúng ta bị mất đi trong đó 17 tấn R1 sàng 16 đúng ra là giá phải cao hơn.
Chỉ sản xuất khoảng một tháng thôi thì chúng ta mất đi một số tiền có thể mua được một cái sàng chính xác cho ra mức lẫn loại chỉ khoảng 3% mà thôi bởi cái máy sàng đó được lắp loại lưới có đường kính lỗ là 6,35ly để bắt cà phê 6,3ly.
Thiết bị chưa chính xác về tốc độ rung và biên độ rung
Hiện nay trên thị trường cũng có nhiều loại máy sàng phân loại phục vụ cho ngành cà phê vừa mới được chế ra chứ không phải là loại đời cũ, nhưng vì những lý do như: chế tạo chưa chính xác về tốc độ rung và biên độ rung hoặc có tay nghề về cơ khí, nhưng thiếu chuyên môn về chế biến cho nên khi lắp loại lưới có đường kính lỗ chính xác là 6,35 ly thì lại không đạt khi kiểm sàng 16, bởi bị vượt lẫn loại sàng 13 trong sàng 16 (khách hàng không chấp nhận theo hợp đồng là phải đạt 90% hay 95% trên sàng 16).
Trong trường hợp đó nhằm đạt cho được công suất cao hơn mà cũng khỏi bị lẫn loại sàng nhỏ vào sàng lớn người ta lại cho lắp những loại lỗ lưới to hơn thì kết quả thiệt hại cho nhà chế biến giống như đã nêu ở trên.
Đối với cà phê R1 sàng 18: 7,1ly thì tình hình cũng tương tự như thế, quý vị cũng nên dùng sàng mẫu 18 để kiểm tra đối với cà phê sàng 16 xem đang bị lẫn lộn bao nhiêu phần trăm sàng 18 ở trong sàng 16. Một máy sàng có độ chính xác cao, bắt buộc phải lắp đúng đường kính lỗ lưới cho sàng 18 phải là 7,1 đúng kích thước sàng mẫu mà không phải dung sai, có như thế thì chúng ta mới không bị mất cà phê sàng 18 đi vào trong sàng 16.
Muốn biết những trường hợp chúng tôi nêu ra có đúng với tình hình thực tế của quý vị hay không, xin hãy cho dùng sàng mẫu 16 để kiểm kích thước cà phê sàng 13 để xem quý vị có bao nhiêu phần trăm sàng 16 nằm trong đó, nếu con số đó là 03% trên tổng mẫu thì xin chúc mừng, còn nếu lớn hơn 10% thì xin xem lại máy sàng của quý vị để tránh thiệt hại do mất R1 mà đang bán theo giá sàng 13.
Xin chúc nhà máy của quý vị hoạt động luôn an toàn và hiệu quả.
Bài viết được cung cấp bởi công ty Cơ Khí – Cơ Điện Cà Phê Viết Hiền
Tác giả bài viết thân mến! phân tích của bạn trên cơ sở các số liệu, tôi có thể đồng ý với bạn. Tuy nhiên có một vài chi tiết tôi thấy cần phải nói thêm để tránh nhầm lẫn cho một số bà con lần đầu tiếp xúc với công tác phân loại cỡ hạt cho SP cà phê
– Thông thường tiêu chuẩn ẩm độ giữa R1 và R2 chênh lệch nhau 0.5% ( 0.7 độ trên máy) nên khi bóc R1 thì nguyên liệu (NL) có ẩm độ phải là 13%, sau đó NL R1 phải được phơi sấy để có ẩm độ là 12.5% do đó việc lẫn size 17% trong R2 không có nghĩa gì cả (nếu đem 17% này sấy xuống 12.5% ẩm thì có khả năng nó sẽ tuột hết xuống sàng 6.35mm.
– Điều tiên quyết để chọn lựa giải pháp tối ưu cho công tác phân loại cỡ hạt cà phê nói riêng và chế biến nông sản nói chung, người thực hiện phải nắm rõ tính lý tính của đối tượng. Cụ thể sản phẩm cà phê ở đây. Trong một khối hạt không ai dám chắc ở ẩm độ thương phẩm thì tất cả mọi hạt cà phê có độ ẩm đồng nhất, khối lượng riêng từng hạt cũng vậy nên việc di chuyển trên mặt sàng có khác nhau (hạt trên hạt dưới, hạt nhanh hạt chậm…). Tất cả chỉ tương đối thôi. Trên thực tế nhiều khi phân loại sàng 6.7mm sấy lại xong còn phải sàng lại mới đạt. Có khi gặp phải lô hàng có cỡ hạt ngưỡng sít soát 6.3-6.35mm đến 30% thì phải tính sao đây?… Thân chào!
Bác Sơ Chế quá hiểu biết và rất thực tế. Nói chung các bác bên cơ khí muốn sản xuất tốt hơn nữa nên thường xuyên xuống nhà máy và trực tiếp điều khiển mỗi máy mính sản xuất ra một thời gian để căn chỉnh cho chính xác và đúc kết được nhiều kinh nghiệm hơn để từ đó mới sản xuất máy móc tốt hơn cho bà con mình xài. Còn cứ căn cứ kích thước như trên khó lắm với hạt cà phê và khí hậu nhiệt đới.
Lọt sàng 16 hơn một chút có quan trọng gì đâu chỉ là khuyến mãi cho khách hàng mà thôi, tiền mất không đáng kể vì mình thường bán cafe xô giá các sàng 13,16,18 không chênh lệch nhau lắm, quan trọng nhất là nhà sản xuất bán được đến trực tiếp nhà rang xay nước ngoài thì lãi cao
Chào mọi người,
Mình thật sự không biết gì nhiều về các loại dụng cụ để mua bán cà phê, nông sản nhưng tại vị mình muốn mở cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng để cung cấp các thiết bị đó và không biết để mở một đại lý thu mua cà phê thì cần những dụng cụ gì xin mọi người cho ý kiến đóng góp
chân thành cám ơn