Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê. Bên cạnh niềm vui vì cà phê được giá, nông dân lại phải đối mặt với nạn trộm cắp cà phê và giá nhân công tăng cao. Vì vậy, nhiều nơi, người dân đã phải thu hoạch khi cà phê còn xanh dù biết điều đó là thiệt thòi về số lượng và chất lượng.
Người dân thu hoạch cà phê cũng là lúc trộm vào mùa …
Hái xanh vì sợ trộm
Dù cà phê vẫn còn xanh nhưng hơn một tháng nay, gia đình anh Vũ Minh Khương (ở phường Đống Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) thường xuyên phải có người ở trong rẫy để canh gác. Với hơn ba héc ta cà phê, gia đình anh phải thuê thêm hai lao động thay nhau túc trực suốt ngày đêm ở ngoài rẫy để canh kẻ trộm.
“Để tránh tình trạng trộm cắp thì mình phải vào ở hẳn trong rẫy, ăn ngủ tại vườn để trông coi. Năm nay thời tiết nắng hạn nên sản lượng sụt giảm khoảng 1/3 so với năm ngoái, nhưng bù vào đó thì giá cà phê cũng khá cao” – anh Khương tâm sự.
Anh K’sor Rel (phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku) cho biết, thời gian gần đây kẻ gian không chỉ hái trộm mà còn cướp cà phê một cách trắng trợn ở ngoài rẫy. Chúng đến những nơi đang thu hoạch, thấy những bao cà phê đã đóng sẵn, lợi dụng người nhà sơ hở là nhảy vào cướp. Dù chỉ có 2 ha cà phê, trái chín chưa được một nửa, nhưng gia đình anh Rel phải thuê người thu hoạch sớm, dù biết điều đó là thua thiệt.
Nạn trộm cắp cà phê ở tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung dường như đã trở thành thông lệ. Thủ đoạn của kẻ gian là lợi dụng đêm tối, trưa vắng, vườn cây rậm rạp… đột nhập vào vườn hái trộm. Chúng thường tổ chức một nhóm người đi xe gắn máy, thậm chí cả xe công nông, đổ bộ vào lô cà phê tuốt sạch cả quả lẫn lá, chặt, bẻ cành cho vào bao tải chở về nhà mới tuốt.
Ở xã K’Dang, huyện Đak Đoa, Gia Lai, bên cạnh sản xuất lúa, bà con còn có hàng trăm ha cà phê tập trung. Nhờ tinh thần đoàn kết, bảo vệ lẫn nhau, an ninh được siết chặt mà nơi đây không có tình trạng trộm cắp cà phê nên dân không phải vội vàng thu hoạch.
“Cà phê đã chín khoảng 70% nhưng mình không vội vàng gì. Cứ thu hoạch lúa xong xuôi mới tập trung hái cà phê. Làng mình từ trước đến nay hái cà phê là phải chín chứ không hái xanh. Trong làng có bốn tổ đổi công, mỗi tổ có từ 30 đến 40 người, tập trung hái hết cho gia đình này đến gia đình khác” – ông Đinh Gơih – làng KDăng, xã KDang, huyện Đak Đoa kể.
Xã Ia Dêr (huyện Ia Grai, Gia Lai) có hơn 1.000ha cà phê, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có gần 700ha. Hằng năm, vào mùa thu hoạch, chính quyền và ngành chức năng sẵn sàng vào cuộc nhằm ngăn chặn nạn trộm cắp và giữ gìn trật tự. Các hộ dân dựng lều trong rẫy, kéo điện thắp sáng suốt đêm để canh gác. Các thôn làng thành lập đội tự quản, thường xuyên tổ chức tuần tra.
Ông Puih Rên – Phó trưởng Công an xã Ia Dêr cho biết: đến mùa thu hoạch cà phê, lực lượng công an và các tổ dân quân thường xuyên tuần tra canh gác ngày đêm, kiểm tra hộ khẩu từng gia đình, thông báo cho người dân biết để cảnh giác với kẻ gian trộm cắp cà phê. Nếu phát hiện gia đình nào có người tham gia trộm cắp cà phê, công an sẽ xử lý nghiêm.
Vì chất lượng cà phê và sự ổn định vườn cây
Theo kinh nghiệm của các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất cà phê, nếu có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và ngành chức năng thực hiện nghiêm túc nội quy thì an ninh trong mùa thu hoạch sẽ được đảm bảo. Các đơn vị, doanh nghiệp và nông hộ phải tuân thủ kỹ thuật thu hái, đảm bảo tỷ lệ chín, thì không chỉ đạt năng suất, chất lượng mà còn nuôi dưỡng vườn cây phát triển lâu dài.
Trang trại Tam Ba (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai) là một điển hình. Với hơn 100ha cà phê, trang trại có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hợp đồng với cả đơn vị quân đội bảo vệ nghiêm ngặt nên không phải thu hái vội khi cà phê chưa đạt tỷ lệ chín cao. Trang trại có mối quan hệ hài hòa với nhân dân trong vùng, đến thời vụ, trang trại sử dụng hàng trăm lao động tại chỗ nên đảm bảo lợi ích cả đôi bên.
Trang trại thường thu hoạch vào thời điểm cuối vụ nên nhân công cũng không phải khan hiếm và giá thuê cũng mềm hơn”, anh Cao Xuân Hưởng – quản lí trang trại Tam Ba cho biết.
Với hơn 80.000ha, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương. Vì vậy, chính quyền và ngành chức năng cần có văn bản quy định nghiêm ngặt về quy trình thu hoạch, đặc biệt là tỷ lệ quả chín phải đạt xấp xỉ 90%. Đồng thời phải siết chặt an ninh trong mùa thu hái, nhằm đảm bảo chất lượng và bảo vệ cây cà phê phát triển bền vững.
Tại sao có những kẻ sống trên đời này chỉ muốn kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt của người khác thôi. Chính họ làm cho những người lao động chân chính khổ sở vì phải tốn rất nhiều công sức để canh giữ những thành quả lao động của mình. Tại sao họ không tự đi trên đôi chân của mình. Xã hội ta ngày nay nếu chịu thương chịu khó thì kiếm ăn không phải là quá khó, nếu cứ chăm chỉ đi hái khoán hay làm công nhật thì một tháng trời cũng kiếm được gần 3 triệu. Nhưng họ không muốn như vậy mà chỉ muốn trong một đêm kiếm vài chục triệu, họ không rung cảm khi họ tàn phá những mảnh vườn cà phê mà chủ vườn phải khổ cực một nắng hai sương chăm sóc. Tôi nghĩ những người đó cho dù họ có kiếm được mấy chục triệu bằng tiền bất chính thì gia đình họ cũng sẽ gặp những bất trắc thôi.
Liệu caphe năm nay có thể lên 40.000đ/kg nổi không?
Không ai dám chắc cà phê trên 40.000 đâu. Nếu đoán trúng thì chẳng còn ai nghèo cả. Mỗi gia đình chỉ vài ba héc ta đến mùa còn đoán trật lất tổng thu hoạch huống chi giá cả thị trường “sớm nắng chiều mưa”.
Rẫy nhà tui yên tâm về vấn đề trộm cắp, nhân lực thu hái cũng ổn nhưng cà phê mới chín rất ít, thêm vào đó năm nay nhà tui mất mùa kinh khủng. Theo qui luật cứ năm được mùa lại đến năm mất mùa. Lẽ ra, năm nay là năm được mùa mới đúng vì năm ngoái mất mùa rồi còn gì. 6 hecta lúc tưới dư doán khoản gần 30 tấn, mùa mưa mà cả 3 lần bón phân đều phải nổ máy để tưới cho tan phân nên hạ mức dự đoán xuống 25 tấn. Nay vào thu hoạch lại hạ mức dự đoán xuống chưa đầy 20 tấn. Hạn hán quá chừng nên hạt cà bé như hạt tiêu.
Chị chuột nhiều cà phê ghê tới hơn 20 tấn cơ, tôi đây chỉ có 2 đến 3 tấn mà thấy nhiều lắm rồi, đúng là ếch nằm đáy giếng. (tên tôi là K Duông)