Chưa dễ lập Quỹ bảo hiểm cà phê

Mấy ngày qua, giá cà phê thế giới đã vọt lên trên 2.000 USD/tấn, đưa giá cà phê trong nước vượt ngưỡng 35.000 đồng/kg. Lãi lớn, nhưng người nông dân vẫn thấp thỏm lo lắng vì giá cà phê thế giới thời gian qua luôn biến động thất thường

> Sẽ mua tạm trữ 300.000 tấn cà phê từ tháng 12/2010

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề xuất thành lập Quỹ Bảo hiểm cà phê, đồng thời đề xuất Chính phủ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp mua tạm trữ tối thiểu 300.000 tấn cà phê ngay từ đầu vụ để tránh rớt giá. Tuy nhiên, các đề xuất này không dễ thực hiện.

Mấy ngày qua, giá cà phê thế giới đã vọt lên trên 2.000 USD/tấn, đưa giá cà phê trong nước vượt ngưỡng 35.000 đồng/kg.

Lãi lớn, nhưng người nông dân vẫn thấp thỏm lo lắng vì giá cà phê thế giới thời gian qua luôn biến động thất thường. Lo rớt giá, sợ sâu bệnh và nạn hái trộm cà phê, ngay từ khi giá cà phê bắt đầu tăng, người dân đã ào ào thu hoạch non để bán. Thiếu vốn dự trữ, cà phê mua đến đâu, các doanh nghiệp xuất khẩu ngay đến đấy.

Ông Đoàn Xuân Hoà, Phó cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông – lâm – thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, do yếu kém về dự báo giá cà phê và thiếu thông tin về sản lượng cà phê thế giới, hầu hết các doanh nghiệp đều bán cà phê theo chỉ dẫn của các quỹ đầu cơ trên thế giới. Niên vụ cà phê 2009/2010, giá cả biến động chóng mặt, doanh nghiệp và người dân ào ào bán cà phê ra lúc giá thấp. Từ giữa tháng 10, khi giá cà phê tăng vùn vụt, đạt mức cao nhất trong vòng 13 năm qua, thì dân đã không còn cà phê để bán. Đó cũng là lý do khiến xuất khẩu cà phê thu về xấp xỉ 2 tỷ USD/năm, song ngành cà phê nghèo vẫn hoàn nghèo. Lợi nhuận thu được từ cà phê chỉ đủ cho nông dân, doanh nghiệp trang trải chi phí và trả nợ.

Trước tình trạng này, ông Hòa cho biết, Cục Chế biến, Thương mại nông – lâm – thủy sản và nghề muối đã đề xuất thành lập Quỹ Bảo hiểm ngành cà phê từ năm 2011. Quỹ này sẽ dùng để bảo hiểm những rủi ro cho doanh nghiệp, nông dân trong ngành cà phê, với kinh phí được huy động từ các doanh nghiệp trong ngành. Hiệp hội Cà phê – Ca cao cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ vốn để mua tạm trữ tối thiểu 300.000 tấn cà phê từ đầu tháng 12 tới.

Tuy nhiên, ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Cà phê – Ca cao nghi ngại: “Quỹ này sẽ khó được thông qua. Các doanh nghiệp không đồng thuận lắm, do quy mô khác nhau, nên có doanh nghiệp phải trích lập nhiều, có doanh nghiệp phải trích lập ít, trong khi cơ chế hưởng chưa rõ ràng. Ngài đại sứ Brazil từng nói với tôi rằng, Việt Nam đừng hy vọng các doanh nghiệp tán thành việc trích lập Quỹ Bảo hiểm, mà Nhà nước phải áp đặt. Tôi đoán, trước mắt sẽ chưa thành lập được quỹ nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Cũng theo ông Nhạn, Quỹ Bảo hiểm chỉ phần nào hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê, trong khi nông dân trồng cà phê vẫn chưa được tổ chức nào đứng ra bảo vệ.

Về đề xuất hỗ trợ vốn mua tạm trữ tối thiểu 300.000 tấn cà phê vào đầu vụ mỗi năm, các doanh nghiệp đều khẳng định, đây là giải pháp rất cần thiết để tránh cà phê rớt giá bởi đặc thù của ngành cà phê là thu hoạch một vài tháng, tiêu thụ cả năm. “Người dân không có kho dự trữ, doanh nghiệp lại thiếu vốn để mua dồn dập trong cùng một thời điểm, nên nếu không có biện pháp mua tạm trữ, thì vào chính vụ, người dân sẽ bị ép giá, còn doanh nghiệp có nguy cơ thiếu hàng xuất khẩu cho những tháng kế tiếp. Nếu được cung cấp đủ vốn với lãi suất ưu đãi, các doanh nghiệp cà phê sẽ có điều kiện chủ động giá cà phê, không bị thiệt thòi như thời gian qua. Hiện nay, kho cà phê dự trữ của các doanh nghiệp rất nhiều, nhưng lại không có cà phê để dự trữ vì thiếu vốn”, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu cho biết.

Hiện các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới, như Brazil, Colombia, đều có chính sách tạm trữ cà phê. Tuy nhiên, ở nước ta, việc này không đơn giản vì tiềm lực của doanh nghiệp cà phê còn yếu, trong khi sự hỗ trợ từ phía Nhà nước chỉ có hạn. Theo dự đoán của ông Đoàn Triệu Nhạn, có thể, Nhà nước sẽ đồng ý về mặt chủ trương cho hỗ trợ lãi suất trong vòng 6 tháng để doanh nghiệp mua tạm trữ cà phê, song khâu giải ngân cũng không hề đơn giản. “Kể cả khi Chính phủ đồng ý, thì giải ngân cũng khó, bởi ngân hàng không mặn mà cho doanh nghiệp và người trồng cà phê vay vốn, do thời gian qua, các ngân hàng đã nhiều lần phải khoanh nợ, giãn nợ”, ông Nhạn nhận xét.

Xác nhận thực tế này, ông Đỗ Văn Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết thêm, thủ tục tiếp cận vốn vay tạm trữ cà phê hiện rất rườm rà, phức tạp. Trong khi đó, kỳ hạn vay thường chỉ 1 – 2 tháng, nên doanh nghiệp vừa mua vào đã phải lo bán ra để trả nợ, do vậy tác động giữ giá sẽ không cao.

Xem thêm: Lập Ban điều phối quốc gia về cà phê giúp nông dân lãi 30%

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nông văn dền

    Việc mua tạm trữ mục đích là giúp người nông dân thông qua doanh nghiệp. Vậy thì có cách nào hỗ trợ tực tiếp đến người làm cà phê không ? Không phải người dân không có kho chứa mà là thiếu tiền. Mong các chuyên gia xem xét việc này.

  2. Pham huu nhi

    Mấy ông VICOFA và Bộ NN&PTNT đang chờ giá dưới 30.000đ mới chính thức vào cuộc hay sao ấy. Cafe đang có nguy cơ rớt giá do thế giới lo ngại Viêt nam đang vào mùa thu hái trọng điểm cộng với thời tiết tốt nữa nên lại ép đẩy giá xuống. Đến khi mấy ông chính thức vào cuộc thì rất có khả năng cafe đã về giá cũ 25.000 – 27.000đ/Kg. Bà con ta lại một phen nữa thua thiệt. Hiện giờ rất nhiều người tranh thủ hái tốc hành, xay tươi bán vội, sợ Cafe tiếp tục rớt giá, cộng với thiếu tiền trên thị trường, nhân cơ hội này tư thương, đại lý… tiếp tục ép giá mua thì khả năng xuống càng nhanh hơn.. . Nhanh lên mấy ông VICOFA ơi, mấy ông Bộ NN&PTNT ơi. Nông dân đang phát đi tín hiệu cấp cứu ( SOS )

Tin đã đăng