Lâm Đồng: Phát triển cà phê đặc sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Xác định cà phê là cây công nghiệp trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhiều năm qua Lâm Đồng đã gây dựng và mở rộng đáng kể diện tích cây cà phê được cấp chứng chỉ bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế UTZ, 4C. Để tiếp tục nâng cao giá trị cho loại cây trồng này, tỉnh đang thúc đẩy phát triển cà phê theo chuỗi nông sản toàn cầu.

Phát triển cà phê đặc sản bền vững

Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây cà phê, hiện nay toàn tỉnh có 172.000ha, sản lượng đạt 515.000 tấn, trong đó diện tích cà phê chè (Arabica) khoảng 17.500ha, chiếm 10,2% tổng diện tích. Tuy là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích (sau Đắk Lắk), song cà phê Lâm Đồng có năng suất bình quân và sản lượng cao nhất cả nước.

Thu hoạch cà phê đặc sản ở Đà Lạt - Lâm Đồng
Thu hoạch cà phê đặc sản ở Đà Lạt – Lâm Đồng

Bên cạnh đó, Lâm Đồng có vùng sản xuất cà phê chè (Cầu Đất – Đà Lạt) được các tổ chức quốc tế đánh giá có chất lượng thuộc nhóm đầu trên thế giới; luôn được các tập đoàn cà phê đa quốc gia quan tâm như: UCC, Stabucks, Nestle, OLAM, ACOM… Hiện tại, giá trị ngành cà phê chiếm 60% ngành nông nghiệp Lâm Đồng và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.

Hiện nay, Lâm Đồng đang phát triển 5 vùng chuyên canh cà phê đặc sản có quy mô lớn tại các huyện: Di Linh 40.000ha, Lâm Hà 30.000ha, Bảo Lâm 20.000ha, Đức Trọng 10.000ha, TP. Đà Lạt và huyện Lạc Dương 4.000ha để hình thành những vùng nguyên liệu có quy mô lớn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Phát triển vùng sản xuất cà phê có chứng nhận theo tiêu chuẩn UTZ, 4C, Rainforest đạt 50-60% diện tích để cung cấp cà phê nhân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Với một ngành hàng có vùng nguyên liệu lớn, do đó chế biến sâu trong ngành cà phê được xem là kim chỉ nam để ngành cà phê có thể phát triển bền vững, tạo ra giá trị gia tăng tương xứng với quy mô của tỉnh và tầm nhìn dài hạn. Do đó, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới các cơ sở chế biến sâu; đồng thời, đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng công suất các cơ sở chế biến cà phê hiện có, để đảm bảo năng lực chế biến được 90-95% sản lượng cà phê nhân của tỉnh và đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.

Giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu

Quỹ Vision Zero Fund (viết tắt VZF) của ILO và Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (GCP) đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác nhằm thúc đẩy cải thiện an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OSH) trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu, giúp giảm thiểu rủi ro mà hàng triệu người sản xuất cà phê trên khắp thế giới phải đối mặt hàng ngày.

Thông qua quan hệ đối tác này, ILO VZF và GCP sẽ hợp tác để nâng cao nhận thức về các rủi ro và giải pháp thiết thực liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, đồng thời khuyến khích các bên liên quan ở cấp quốc gia và toàn cầu thúc đẩy, thực hành và đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh.

ILO VZF và GCP hỗ trợ nhau trong việc thúc đẩy các thực hành tốt tại nơi làm việc, có trách nhiệm và toàn diện trong ngành cà phê. Đó là lý do tại sao, vào Ngày Quốc tế Cà phê năm nay, VZF đã phát động chiến dịch #CoffeePeople và một thử thách trên mạng xã hội xoay quanh chủ đề “Thúc đẩy quyền có môi trường làm việc an toàn và lành mạnh trong chuỗi cung ứng cà phê”.

Chiến dịch đang diễn ra nhằm tìm kiếm sự tham gia trực tiếp của các nước sản xuất và tiêu thụ, các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực cà phê, các công ty cà phê và những người nổi tiếng.

Bà Gelkha Buitrago, Giám đốc Chương trình và Quan hệ đối tác doanh nghiệp của GCP, khẳng định rằng đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong chuỗi giá trị cà phê là điều cần thiết để sản xuất cà phê bền vững.

Tầm quan trọng của an toàn vệ sinh lao động được phản ánh rõ nét trong khía cạnh xã hội của Bộ Quy tắc Tham chiếu về Cà phê bền vững (CSRC), cũng như quy định sắp tới của EU về Thẩm định chi tiết về tính bền vững của doanh nghiệp.

Giám đốc Chương trình Toàn cầu của ILO VZF, ông Ocert Dupper cho biết: “Việc ký kết quan hệ đối tác này là rất kịp thời vì quyền có một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh đã được ILO công nhận là nguyên tắc cơ bản và quyền lợi tại nơi làm việc vào năm ngoái”.

“Chúng tôi mong muốn được chia sẻ nghiên cứu, công cụ và bài học kinh nghiệm mà VZF đã tích lũy được sau 5 năm hoạt động về an toàn vệ sinh lao động trong chuỗi cung ứng cà phê. Để làm được điều này, chúng tôi đang thực hiện một chiến dịch truyền thông toàn cầu với sự hỗ trợ của các đối tác”, ông Ocert Dupper cho biết thêm.

Bằng cách phát triển mối quan hệ hợp tác này, GCP và Quỹ VZF của ILO đang xây dựng sự hợp tác thành công trước đó nhằm tăng cường an toàn vệ sinh lao động trong ngành cà phê của Việt Nam. Công việc này đã đóng góp vào một trong những chiến lược chính của Kế hoạch quốc gia GCP vì sự thịnh vượng của nông dân ở Việt Nam – nhằm thúc đẩy tính bền vững xã hội của sản xuất cà phê.

Với sự hỗ trợ của ILO VZF, GCP tại Việt Nam điều phối quá trình cập nhật Bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất cà phê chè bền vững (NSC Arabica), bộ tài liệu được tích hợp thông tin cập nhật về an toàn vệ sinh lao động.

> Tiêu chuẩn cà phê Việt Nam – danh sách mới nhất

 Theo ILO

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng