Ngay sau khi rục rịch kế hoạch triển khai thu mua, tạm trữ cà phê niên vụ 2010 – 2011 theo quyết định của Chính Phủ, giá cà phê trên thị trường đã dần nhích 29.000 đ/kg, thời điểm cao nhất đạt 30.000 đ/kg. Việc thu mua tạm trữ có thật sự giúp nông dân tiêu thụ được cà phê với giá cao, ổn định sản xuất, đồng thời tăng kim ngạch xuất khẩu cho cà phê Việt Nam?
Xem thêm:Kiến nghị mua tối thiếu 300.000 tấn cà phê dự trữ
Người nông dân luôn canh cánh lo cảnh được mùa rớt giá
Nếu làm đúng sẽ trúng
Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vifoca) cho biết để đảm bảo được lợi ích của người trồng cà phê, (Vicofa) đã có kiến nghị gửi Thủ tướng đề xuất mua từ 300.000 đến 500.000 tấn cà phê nhân dưới phương thức dự trữ và luân chuyển trong niên vụ cà phê 2010-2011. Vicofa cũng đề nghị được mua ngay từ đầu vụ, và theo dự đoán giá cà phê trong thời gian tới ít nhiều sẽ cao hơn so với mức giá bình quân của niên vụ 2009-2010. Sáng 11-10, giá cà phê ở thị trường trong nước tăng 600 đồng/kg. Hiện giá cà phê nhân xô dao động từ 29.000 đến 29.200 đồng/kg.
Mục tiêu cao nhất của chương trình tạm trữ cà phê là đẩy giá cà phê thị trường trong nước và quốc tế lên cao. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù Việt Nam là nước có sản lượng cà phê Robusta lớn nhất thế giới nhưng lại không có khả năng chi phối mà phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Nguyên nhân phần lớn là do ngành cà phê chưa thiết lập được hệ thống chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh kém cùng với mối liên kết lỏng lẻo giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Điều này thể hiện qua việc hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn cà phê tới 80 quốc gia, trong đó có 10 nước là bạn hàng lớn, nhưng chủ yếu thông qua 26 đầu mối là các hãng và doanh nghiệp nước ngoài mua trực tiếp. Cà phê cũng là loại nông sản được thu hoạch trong 3 tháng nhưng khả năng tiêu thụ kéo dài cả năm. Vì vậy, chính sách thu mua tạm trữ có mục được xem là bắt buộc.
Tổng Giám đốc Vinacafe, ông Đỗ Văn Nam cho rằng: quan trọng nhất là phải xác định cơ chế tạm trữ cần thường xuyên và dài hạn kể cả trong khi giá cà phê cao. Nếu tính toán được đúng, thì chi phí bỏ ra nhỏ, nhưng thu lợi nhiều.
Không quên bài học cũ
Thực chất chương trình thu mua cà phê dự trữ cũng đã được triển khai ở niên vụ 2009 –2010 nhưng kết quả không thành công. Việc thu mua cà phê của năm 2009 được giới chức năng phân tích và nhìn nhận là “thất bại hoàn toàn” khi mà các công ty thành viên của Vicofa chỉ thu mua được 27,5% so với kế hoạch. Người dân đã bán hết cà phê cho các doanh nghiệp nước ngoài trước khi chương trình thu mua dự trữ trong nước được áp dụng. Người nông dân, từ trước tới giờ luôn phải tự lo đầu vào, đầu ra cho chính sản phẩm của họ. Việc thấy giá cao thì bán cho doanh nghiệp ngoại, lấy vốn tái đầu tư là điều dễ hiểu. Niên vụ trước, các doanh nghiệp cho rằng thất bại trong thu mua là lỗi từ giá. Song thất bại chính vì có chính sách đúng nhưng triển khai muộn.
Theo ông Nguyễn Anh Phong, Viện nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, quan trọng nhất trong thu mua là phải tiếp cận được với vùng nguyên liệu. Nhưng sợ nhất trong việc thu mua lại “đánh trống bỏ dùi”, giá xuống thì bỏ người chạy của, giá lên thì kêu khó mua. Ông Phong cũng hi vọng, việc thu mua đầu vụ sẽ hạn chế được những khó khăn về nguồn hàng và chất lượng.
Theo phân tích của ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT Cty CP XNK INTIMEX thì quyết định tạm trữ của Chính phủ là yếu tố quan trọng đưa thị trường phục hồi trở lại.
Tính toán của Hiệp hội Cà phê- ca cao, chỉ 2% số lượng giao dịch cà phê Việt Nam trên sàn London là giao dịch thực tế. Vì vậy, ổn định giá có lợi cho người trồng cà phê Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh cà phê, rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ về nguồn vốn trong các niên vụ cà phê. Đây là lần thứ hai Chính phủ có quyết định tạm trữ cho ngành cà phê nhưng rút kinh nghiệm thất bại lần trước, chúng ta đã có quyết định linh hoạt hơn về số lượng, về chế độ trách nhiệm giao cho doanh nghiệp.
Theo khẳng định của Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, để hỗ trợ lần thu mua tạm trữ này, Nhà nước cũng hứa đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất. Hi vọng, thu mua dự trữ năm 2010 tránh được thất bại bài học cũ niên vụ 2009.
“Song thất bại chính vì có chính sách đúng nhưng triển khai muộn.”
kiểu biện bạch như thế này dân đen nghe quen rồi, mọi lúc mọi nơi mọi ngành.
biết rồi, khổ lắm, nói mãi…
Một câu hỏi đặt ra cực kỳ ngớ ngẩn ! Các công ty, đại lý thu mua cứ chơi bài cũ : Chờ tiền. Chưa có tiền. Đợi tiền… chắc chắn giá sẽ lên cao. Nhưng mà… cao hơn ngọn cỏ ! Xưa rồi diễm ơi ! Quen quá mà !
Nếu nhà nước có muốn giúp nông dân thu mua cà phê để giá cả không tụt dốc thì bắt đầu tháng 1 tiến hành thu mua luôn, vì lúc đó nông dân đã thu hoặch gần xong và đang phơi chờ xay đóng bao vào kho chờ giá bán. Nếu mà triển khai thu mua sớm thì cũng tác hại cho nông dân vì giá cao nạn trộm cắp hoành hành dữ dội, nông dân lại phải hái xanh dẫn đến chất lượng giảm.
Bạn Kim Oanh ở vùng nào mà thu hoạch muộn vậy? Ở vùng tôi tháng 11 đã phơi đầy sân rồi!
Mấy hôm nay trời mưa, có nhiều cây cà chín chưa kịp hái đã rụng đầy gốc . Đến Noel là mọi việc thu hái phơi phong hoàn tất để nghỉ lễ. Cuối tháng 1 hay đầu tháng 2 là kéo máy đi tưới rồi đấy. Nếu muộn hơn thì cây héo, mất sức nên thường tưới trước Tết âm lịch.
Thu mua cuối tháng 11 hợp lý nhất. Phải có tiền để thanh toán cho nhân công hái chứ!
Mong bạn sử dụng tiếng Việt có đầy đủ dấu để phản hồi. Xin cám ơn. BQT.
Các bác ơi, em ở Gia Lai, nhà em cũng như nhiều gia đình khác, toàn bán tươi thôi. Mấy năm liền lên bờ xuống ruộng vì giá cà bấp bênh. Năm nay, nghe bảo tình hình có khá hơn, cũng chẳng biết thực hư thế nào!
Gia Lai thường thu cà phê khá muộn, thường thì thu xong ăn tết là vừa.
Chả biết lúc này giá cả thế nào nhỉ?
Bác nào có kinh nghiệm chỉ cho em với, nên bán tươi hay bán khô hả các bác? Nếu bán khô thì có biện pháp nào phơi nhanh mà ít hao không?
Cảm ơn các bác nhé!
Giá cafe mà cao thì các đại lý đóng cửa đi chơi không mua, rồi khi nào hạ giá thì mua , chứ giá cao mua vào sẽ lỗ vốn. Vì giá cao chỉ được vài ngày mà giá cao thì những người giàu càng giàu, họ không bán đầu vụ mà trữ khi nào giá cao thì bán, còn người nghèo thi chi trả cho đại lý chi phí đầu tư phân bón nhân công, lo cho con ăn học hay lo tết nhất. Mặc dù biết bán giá thấp nhưng vì cuộc sống hôm nay sẽ bán. Còn nạn trộm cắp thì do nhu cầu giá đầu vụ quá hấp dẫn cho những kẻ ngồi trong mát ăn bát vàng.
Theo tôi vẫn có cách cho nông dân nghèo chúng ta đấy. Nếu cảm thấy giá thấp chưa muốn bán bị thiệt hại thì chúng ta có thể gửi cà và vay vốn chờ giá lên. Để cho yên tâm thì gửi vào sàn giao dịch Buôn Ma Thuột là rất yên tâm. Bà con biết ko, tôi nghiệm ra một điều là nếu gửi vào đó và đem cầm cố vay vốn của Techcombank thì độ an toàn là 100%. Vì sao, vì khi ta thế chấp số cà đó để vay thì đương nhiên bên NH họ sẽ phải phong toả số hàng đó trong kho, nếu họ ko quản cho chặt thì họ sẽ bị thiệt hại đầu tiên, vô tình họ trở thành người quản lý tài sản cho mình. Và ta chỉ cần ung dung ngồi chờ giá lên. Có phải thế ko bà con nhỉ???