Việt Nam đã có cà phê chồn? Kỳ 7: Cà phê chồn, một món quà quý hiếm

Thế giới biết đến cà phê Chồn (Kopi Luwak) là tên một loại cà phê đặc biệt, một thứ đồ uống được xếp vào loại hiếm nhất, đắt nhất. Không phải ở đất nước nào có trồng cà phê đều cũng có cà phê Chồn mà đó là một món quà quý hiếm do thiên nhiên ưu ái chỉ ban tặng cho một vài quốc gia trong đó có Việt Nam. Vì thế hy vọng mọi người hiểu hơn và trân trọng hơn món quà quý báu này.

Cùng chuyên đề:

  1. Kỳ 1: Truyền thuyết về cà phê
  2. Kỳ 2: Cà phê, một thức uống quý tộc
  3. Kỳ 3: Cây cà phê với các vùng thuộc địa Châu Á
  4. Kỳ 4: Cây cà phê ở Việt Nam
  5. Kỳ 5: Các giống cà phê chính
  6. Kỳ 6: Hồi ức – Tôi nhặt cà phê chồn

Kì 7 : cà phê Chồn, một món quà quý hiếm.

Trong tiếng Indonesia, từ Kopi có nghĩa là cà phê, từ Luwak là tên một vùng thuộc đảo Java, đồng thời cũng là tên của một loài cầy cư trú ở đó. Kopi Luwak được dùng để chỉ một loại hạt do loài cầy vòi đốm ăn quả cà phê rồi thải ra.

ca-phe-chon-Kopi-Luwak
Con chồn chỉ lựa ăn những quả cà phê có chất lượng nhất.

Loài Cầy Vòi đốm (Paradoxurus hermaphroditus) thuộc họ Cầy (Viverridae) nhưng ta quen gọi là chồn hương bởi gần tuyến sinh dục của nó có một túi chứa dịch toát ra mùi thơm nồng nàn gọi là xạ hương. Xạ hương được xem là dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao, dùng làm chất lưu dẫn trong Y học Cổ truyền phương Đông. Loài thú này phân bố rải rác ở các nước thuộc vùng Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, bán đảo Đông Dương, miền Nam Trung Quốc và một số nơi trên thế giới. Chúng ưa thích ăn quả cà phê nên đến mùa sắp thu hoạch chúng trèo lên các cây, chọn ăn những quả cà phê đỏ nhất, chín nhất. Dạ dày của chúng chỉ tiêu hóa phần thịt của quả, còn phần nhân bao bọc bởi lớp vỏ trấu được thải ra ngoài. Cư dân đi thu nhặt thứ sản phẩm độc đáo này và gọi là cà phê Chồn.

Ở Việt Nam có nhiều loài chồn, nhưng chỉ có 2 loài ăn quả cà phê là chồn mốc và chồn hương. Chồn mốc trưởng thành nặng khoảng 8 kg, còn chồn hương khoảng 3 kg. Người ta chỉ nhặt hạt cà phê của chồn hương thải ra. Do chồn mốc lớn, răng cũng lớn nên khi ăn nó thường nhai vỡ lớp vỏ trấu làm cho hạt cà phê thấm một mùi khó ngửi. Chồn hương có mặt nhiều ở Nam Trường Sơn, nhất là khu vực chung quanh vườn quốc gia Cát Tiên. Chúng đã được đưa vào Sách Đỏ. Nạn săn bắt, sự thu hẹp của các khu rừng vùng nhiệt đới và nạn buôn bán động vật hoang dã đang đe dọa chúng trong tự nhiên. Nguy cơ này làm ảnh hưởng rất lớn đến cà phê Chồn.

Khi ăn quả cà phê, chồn hương sẽ nhằn để nhả lớp vỏ ngoài ngay tại chỗ và nuốt phần còn lại. Và khi đi ra phân, lớp thịt đã bị tiêu hoá, còn lại hạt cà phê vẫn được bọc trong lớp vỏ trấu cứng. Người ta đi thu nhặt phân có lẫn hạt cà phê của chồn hương về. Trước tiên là phải rửa dưới dòng nước đang chảy để loại bỏ vi khuẩn và tạp chất. Sau đó lớp vỏ trấu sẽ được xát bỏ, rửa sạch rồi mới đưa đi rang xay. Do nhiệt độ rang nóng nên cũng là một quá trình sát khuẩn hoàn toàn. Vì thế rất nhiều người nhầm tưởng là bẩn nhưng thực ra cà phê Chồn rất sạch.

Khi được sử dụng, loại cà phê này tỏa ra mùi hương đặc trưng và vị rất lạ so với các loại cà phê thông thường. Đó là lý do khiến cà phê Chồn trở thành một thứ đặc sản có giá rất cao.

cà phê Chồn là “thức uống đắt tiền nhất thế giới”. Rất nhiều người muốn uống chỉ vì thấy nó quá đắt tiền. Nhưng cũng rất nhiều người vẫn không tin vào loại cà phê lấy từ phân chồn ra là có thật mà cho rằng câu chuyện được dựng lên nhằm để kích thích sự tò mò của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hãy khoan vội kết luận nếu chưa từng thử qua cà phê Chồn. Bài viết này cũng nhằm để khẳng định một lần nữa chuyện về cà phê Chồn là có thật. Đó là một sản phẩm vô cùng đặc biệt của tự nhiên.

Điều đặc biệt trước tiên chính là ở sự lựa chọn. Con chồn chỉ lựa ăn những quả cà phê chín nhất, ngon ngọt nhất, có chất lượng nhất. Điều đặc biệt nữa là những tác động sinh hoá xãy ra trong quá trình tiêu hoá thức ăn của con chồn. Các men tiêu hoá trong dạ dày và ruột non thấm qua lớp vỏ trấu làm thay đổi các phân tử bên trong hạt cà phê, làm cho cà phê Chồn giảm bớt vị đắng khi được rang lên. Và cũng làm mùi vị của cà phê biến đổi, dường như xuất hiện một thứ hương vị “đậm đà”, nhưng “có mùi mốc, ngọt ngào như sirô, và giàu vị sôcôla, mật đường và một chút vị của thuốc lá”, có “vị khói, đắng nhưng rất dễ chịu”. Trong hạt cà phê phổ biến có khoảng 800 mùi. Mỗi mùi đều do một loại phân tử hương tạo ra, trong đó có một số mùi hương tìm thấy trong quả ca-cao. Đây là lý do vì sao ly cà phê Chồn thơm lừng, lại phảng phất mùi của chocolate. (Lược theo nghiên cứu của giáo sư Massimo Marcone, ngành Khoa học Thực phẩm, trường đại học Guelph, Canada, trong công trình: “Thành phần và tính chất của cà phê Chồn Inodnesia (Kopi Luwak) và cà phê Chồn Ethiopia”). Và điều đặc biệt sau cùng chính là nguồn nguyên liệu, nếu Kopi Luwak của Indonesia nổi trội vị chua thơm mùi trái cây từ nguồn Arabica thì cà phê Chồn của Việt Nam có mùi vị cân bằng hơn do chủ yếu ăn quả Robusta có vị đậm đà và nhiều chất cafein hơn.

Sẽ là sai lầm khi cho rằng chẳng qua là do quá trình lựa chọn của con chồn. Rằng con chồn hương chỉ chọn ăn những quả chín nhất, ngon ngọt nhất, và do đó, cà phê Chồn chẳng qua là tên gọi của loại cà phê được tuyển chọn từ những quả cà phê có chất lượng nhất mà thôi.

Ngoài Indonesia với sản phẩm Kopi Luwak nổi tiếng khắp thế giới hiện nay, Việt Nam chúng ta và một vài nước có trồng cà phê cũng may mắn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cà phê Chồn. Nếu con chồn ở Indonésia ăn hay chỉ ăn quả cà phê Arabica thì con chồn ở vùng Tây Nguyên nước ta lại ăn quả cà phê Robusta. Bởi lẽ ở đây chủ yếu trồng nhiều giống Robusta. Còn giống Arabica cũng có trồng nhưng vì ở gần người quá nên con chồn không dám bén mảng đến ăn.

Vì thế hy vọng mọi người hiểu hơn và trân trọng hơn món quà quý báu của tự nhiên này.

Kì tới: nghề nuôi chồn hương để sản xuất cà phê Chồn.

Nguyễn Vịnh
Cư Kuin, Đăk Lăk

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. hoathuan

    nghe bác nói mà tôi thấy hấp dẫn quá, ở BMT đã lâu mà chưa biết ” mùi cafe chồn”, thật đáng tiếc, có uống ở làng cafe Trung nguyên , menu cafe chồn , đen nóng mà 30.000 đ/ ly thì chắc chắn không phải rồi, ước gì được thưởng thức một lần !!!

  2. toanrcafe

    Thế ông tưởng ở đó bán hàng thật hả ? Không chỉ mình ông nhầm đâu !
    Muốn uống cà phê chồn thật thì khó gì. Xuống nhà bác Vịnh, bác chỉ cho.

  3. Hương chồn

    Ở làng cà phê Trung Nguyên các bác bị nhầm với cà phê … rồi, Trung Nguyên nuôi rất nhiều … để sản xuất ra loại cà phê này.

    1. teo anh

      Mình thấy trên đài báo chỉ giới thiệu Trung Nguyên có lập trại nuôi ngựa Ả rập thuần chủng ở M’Drak thôi. Thế họ có nuôi con gì để sản xuất ra cà phê gì nữa vậy bạn Hương chồn?

  4. Thục Nhi

    Trên báo chí cũng nói rõ Trung Nguyên đã cho ra sản phẩm cà phê ứng dụng chế phẩm nghiên cứu tương tự men tiêu hóa trong dạ dày của con Chồn, đặt tên là Legendee và bán trên toàn bộ hệ thống cửa hàng của TN khắp cả nước với giá bình quân 30.000đ/ly.
    Theo quảng cáo của công ty cà phê Trung Nguyên, thì họ có sản xuất ra được một loại cà phê thượng đẳng do chính TN tạo ra bằng cách ủ hạt cà phê một cách nhân tạo với các loại enzymes đặc biệt…Hoàn toàn không có sự tham dự của một con chồn nào cả. Sản phẩm cà phê Chồn này của TN nhắm vào thị trường quốc tế với cái tên là Trung Nguyên’s Legendee. Theo quảng cáo thì đây là một loại cà phê cao cấp cho một hương vị thơm ngon tuyệt vời nhưng giá bán ra chỉ có 59.97USD/kg tức là mười lần rẻ hơn cà phê Kopi Luwak chánh hiệu con nai của Indonesia.
    Những ai có dịp uống cà phê Chồn tại VN rất có thể đó chẳng qua là đã uống cà phê Chồn dỏm Trung Nguyên’s Legendee mà thôi…
    Vậy thì tại sao còn nhiều người vẫn thắc mắc và cho rằng mình bị lừa!

    1. Nhin khong duoc

      Ngay trong Làng cà phê Trung Nguyên ở BMT cũng bán loại cà phê này cho khách.
      Đúng như bạn Hòa Thuận phản ánh : trong menu đưa cho khách ghi rõ là Cà phê Chồn 30.000đ/ly. Như vậy là cố ý lừa chứ gì nữa. Anh quảng cáo ở đâu tôi không biết và cũng không cần biết. Nhưng trong menu bán hàng của anh ghi như vậy chính là sự cố ý, là lợi dụng lòng tin của khách hàng để bán đồ dổm. Mà anh đã lừa tất cả mọi người từ Nam chí Bắc.
      Bạn Thục Nhi chưa vào đó. Nếu bạn vào và thấy menu bán hàng của Làng cà phê Trung Nguyên chắc bạn còn tức giận hơn tôi nữa!

      1. ngọc thức

        tôi chưa bao giờ uống cà phê đó bao giờ nên tôi không biết . nhưng nghe anh nói thì tôi hiểu lòng anh rất tức tối , đúng không.

  5. Nông dân nghèo

    Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, phải tự trách mình trước rồi mới trách người ta được. Lỗi trước hết là do mình ham rẻ. Cà phê chồn ở đâu ra mà 1 ly 30 ngàn. Cà phê chồn ở đâu ra mà bán khắp cả nước. Giá ấy, khối lượng hàng ấy thì chỉ có hàng đểu, hàng nhái thôi. Do mình nhắm mắt không chịu suy xét nên người ta mới lừa mình được.Có tức giận thì cũng nên tự trách mình.
    Cũng nên khen người ta giỏi lừa được cả và thiên hạ vì sự dễ dàng cả tin.

  6. toanrcafe

    “Theo quảng cáo của công ty cà phê Trung Nguyên, thì sản phẩm cà phê Chồn này Trung Nguyên nhắm vào thị trường quốc tế với cái tên là Trung Nguyên’s Legendee…”
    Thế mà lại bán tràn lan trong nước với cái menu cà phê chồn làm thằng cháu về hỏi để rồi chú cháu nhà mình cãi nhau vì chú thì bằng kinh nghiệm, cháu thì “tai nghe mắt thấy” nguời ta bán sờ sờ ra đó. Thật đáng giận thật! quân lừa đảo!

    Mong bạn sử dụng ngôn từ có chừng mực hơn. Xin cám ơn. BQT

    1. Le Ngoc Dung

      Tôi thấy bác Nông dân Nghèo nói chí phải : Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, phải tự trách mình trước rồi mới trách người ta được…
      Theo tôi bài học kinh nghiệm vậy là quá tốt rồi.Không cần phải nói nhiều thiên hạ cũng hiểu.

  7. nhocdai89

    hôm nay em đọc bài này thấy mấy mem bàn luận kịck liệt quá ! cà phê chồn các bài viết ở đây đã cho ta thấy quá rõ rồi . Còn việc được thưởng thức với giá 30/ly thì em cũng chưa được thử (điên mới bỏ tiền ra như vậy, sao mà biết nó thật hay giả ). Em thì ở nhà cũng có trồng cà phê, cũng đã mấy lần hai cha con đi làm nhặt của ”quý ”ấy về nhưng chế biến dở quá nên nó cũng dở thôi . Ai mà rảnh thì tới mùa lên vùng Quảng Khê /DăkNong hỏi người dân ai có thì mua nguyên chất mà về làm thử cho biết nó thế nào.

  8. Ngô Thanh Tùng

    Cảm ơn bài viết của bạn, bài viết rất chuẩn xác. Mình là Kỹ sư Hóa Thực Phẩm của Đại học Bách khoa Sài Gòn. Mình rất đam mê về cà phê, mình đã mất hơn 10 năm để sưu tầm và thưởng thức các loại cà phê nổi tiếng và đắt nhất trên thế giới. Cách đây 5 năm mình đã chuyển qua nghiên cứu cà phê chồn, đây là sản phẩm cực kỳ độc đáo, chỉ có những người giàu có và am hiểu về cà phê thì mới dám uống. Mình chỉ nuôi 10 con chồn, mỗi năm ra khoảng 5 kg, gồm nhiều loại cà phê như Robusta, moka, catimor, cà phê của mình chỉ dùng để mình uống và đãi bạn bè vào dịp cuối tuần. Thưởng thức thật là tuyệt vời nhưng cũng khá tốn kém.

Tin đã đăng