Tiêu chuẩn hóa cà phê xuất khẩu, bao giờ?

Hàng chục năm nay đã có nhiều cuộc họp, hội thảo với sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan, nhưng cho đến nay việc thực hiện tiêu chuẩn cà phê Việt Nam trong giao dịch xuất nhập khẩu vẫn còn gây tranh cãi.

thu-hoach-ca-phe
Thu hái và chế biến cà phê ở Việt Nam còn nhiều bất cập

Đó cũng là lý do Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa) vừa tổ chức hội thảo “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho cà phê nhân xuất khẩu”.

Chưa bàn đến hàng loạt các tiêu chuẩn khác về mặt hàng cà phê mà Nhà nước đã ban hành, hội thảo chỉ xem xét lại quá trình xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về cà phê nhân từ trước đến nay. Hiện đã có đến 10 tiêu chuẩn cà phê được các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Khoa học-Công nghệ yêu cầu áp dụng.

Gần đây nhất, Việt Nam đã chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO 10470:2004 và soạn thảo thành TCVN 7932: 2007, được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố từ năm 2007. Nhưng tất cả những tiêu chuẩn đó đều không được thực hiện, thậm chí chưa được giới thiệu rộng rãi.

Trong khi đó, các hợp đồng mua bán cà phê robusta tại thị trường LIFFE đều xếp hạng cà phê dựa trên các thông số chất lượng đo bằng phần trăm khối lượng, không phải bằng tỉ lệ phần trăm số lỗi. Như vậy, cách xếp hạng theo % số lỗi mà ta đang áp dụng không được quốc tế công nhận.

Rất đông doanh nghiệp Việt Nam không muốn áp dụng TCVN 4193: 2005; các doanh nghiệp nước ngoài mua cà phê của Việt Nam cũng không muốn áp dụng tiêu chuẩn này, vì không muốn phải trả giá cao hơn. Hệ quả là cà phê xuất khẩu của Việt Nam luôn bị phàn nàn về chất lượng xấu, có lúc bị thải loại đến 60%, giá bị giảm 100 USD-200 USD/tấn, có lúc lên đến 600 USD/tấn tại London.

Lượng cà phê robusta được cấp chứng nhận chất lượng London ngày càng ít, khiến có lúc cà phê Việt Nam bị tồn kho tại London lên đến 400.000 tấn vào cuối năm 2007, đầu 2008.

Do việc áp dụng tiêu chuẩn là tự nguyện, nên rốt cuộc cho đến nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì phân hạng cà phê theo 3 tiêu chí: thủy phần %, đen vỡ %, tạp chất %. Cung cách “một mình một chợ” chẳng giống ai đó khiến cà phê nhân xuất khẩu của Việt Nam luôn luôn thăng trầm.

Ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp của Vicofa, ủy viên Ban chấp hành ICC, cho rằng bất kể như thế nào cũng phải tiêu chuẩn hóa cà phê. Mục tiêu là cung cấp cho cả người bán và người mua một sự đảm bảo về nguồn gốc, đặc tính và chất lượng hàng hóa.

Việc tiêu chuẩn hóa cũng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước ngăn cấm việc xuất khẩu những lô hàng cà phê có chất lượng quá thấp, không phù hợp với tiêu chuẩn và làm tổn hại đến tiếng tăm của nước sản xuất.

Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị đẩy mạnh hướng sản xuất cà phê có chứng nhận UTZ, 4C, Global GAP, VietGap. Ông cũng hối thúc Cục Thương mại-chế biến nông-lâm sản và nghề muối thực hiện các biện pháp chấn chỉnh việc kinh doanh cà phê theo chức năng của Hiệp hội, và đề xuất đối với cơ quan nhà nước.

Có một số ý kiến cho rằng cà phê Việt Nam chất lượng kém, nên thường phải bán giá thấp hơn cà phê cùng loại của một số nước khác, như Indonesia. Đây là sự hiểu lầm, vì cà phê robusta Việt Nam chất lượng vào loại cao trên thế giới, kể cả so với Indonesia. Sở dĩ có sự hiểu lầm này là do khâu thu hái, sơ chế và phân loại cà phê ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu là do nông dân không có điều kiện xây sân xi măng để phơi nên cà phê lẫn sạn, cát; do nông dân thu cả cà phê xanh; ủ cà phê trên đất dễ bị hút ẩm gây mốc… Nếu không có sự liên kết chặt chẽ, thường xuyên và liên tục giữa người trồng cà phê với doanh nghiệp, cơ quan khuyến nông, với chính quyền địa phương, đoàn thể nông thôn, thì không thể khắc phục suôn sẻ.

Chuyên gia cao cấp Đoàn Triệu Nhạn kiến nghị dành 3 tháng (từ tháng 9 – 11-2010) để khảo nghiệm chuyển sang ISO 10470:2004, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm tiêu chuẩn chất lượng sẽ xem xét trong tháng 12/2010, sau đó ban hành qui chuẩn cà phê xuất khẩu.

Một số doanh nghiệp đầu tư lớn vào chuỗi sản phẩm cà phê chế biến và xuất khẩu kiến nghị: cần có chính sách khuyến khích xuất khẩu cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tương đương; chỉ cho phép xuất khẩu tối đa 10% sản lượng cà phê chất lượng thấp; có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến xuất khẩu trực tiếp.

Nếu làm tốt công tác quản lý, cà phê Việt Nam sẽ tăng cả về sản lượng và chất lượng, không cần mở rộng diện tích, trừ tái canh cây cà phê.

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định, sơ chế cà phê ở hộ nông dân là khâu rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê, vì vậy ông đề nghị các địa phương quan tâm vận dụng các chính sách đã có để hỗ trợ nông dân xây sân phơi, đặt máy sấy ở các cụm sản xuất.

> Tìm hiểu thêm về tiêu chuẩn cà phê Việt Nam

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân nghèo

    Tại sao các nông hộ sản xuất cà phê không quan tâm đến việc sản xuất cà phê chất lượng cao? Câu hỏi này xin để cho các nhà KDXK trả lời thì rõ hơn.
    Với nông hộ, khi giá thu mua chưa thay đổi thì khó yêu cầu họ thay đổi chất lượng, vì lẽ đơn giản là để làm ra cà phê nhân chất lượng cao phải tốn nhiều chi phí đầu tư. Khi giá thu mua vẫn cứ chỉ một giá, chưa phân biệt rõ ràng thì nông dân không thể đầu tư mà không thu lại. Như vậy là lãng phí vô ích.
    Đừng trách người nông dân khi lợi nhuận vẫn còn nghiên về phía nhà KDXK.

  2. Trần Hoàng

    Bác Nông dân nghèo nói chí phải. Việc này nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông cùng làm. Cái khó của nông dân là làm tốt nhưng bán cùng giá như làm xấu. Cái khó của doanh nghiệp là chưa có cơ sở đánh giá cà phê nào tốt để mua giá cao. Doanh nghiệp đánh giá được, mua giá cao liệu xuất khẩu có bán giá cao được không? Vậy việc này nhà nước phải làm.Các nước có các thương hiệu quốc gia tầm cở quốc tế ( ví dụ: samsung-hàn quốc, Toyota- nhật bản, trái kiwi- New Zealand….) Chỉ cần nói đến nhãn hiệu là biết được nó chất lượng như thế nào. Phải chăng nước ta cần làm cà phê như trái kiwi để bán được giá???
    Hy vọng 30 năm sau, đừng làm như thương hiệu hồ tiêu chưse tốn tiền mất công?

  3. Trà My

    Với nông dân. Người có lương tâm luôn làm ra sản phẩm tốt, trừ trường hợp bất khả kháng. Tôi xin kể chuyện mà tôi chứng kiến.
    Tại một điểm mua cà phê dược cho là có tiếng mua bán phải chăng. Có hai khách bán cà phê
    Một người có mặt hàng sáng, hạt to, ẩm độ trên máy là 14độ, không có hạt đen và được rê quạt rất sạch được nhà thu mua trả giá cao hơn đầu giá hiện tại là 200đ(đầu giá là 32000đ). Người kia có mặt hàng xấu độ ẩm 16, cà lẫn vỏ nhiều, hạt đen được người thu mua định tỷ lệ là 7% và giá mua được tính trừ lùi theo đầu giá còn lại là 31200đ (trừ cả ẩm và đen 800đ). Theo tôi nhẩm thì nếu 2 lô hàng này có số lượng bằng nhau, đại lý kia chỉ cần đấu trộn lại thì các chỉ tiêu chất lượng đạt theo đầu giá. vậy trong trường hợp này ai bị thiệt và ai được lợi.
    Ở một kho hàng một doanh nghiệp nhà nước làm thành phẩm xuất ủy thác. Vào dạo tháng 4/2009, do sản phẩm phơi xuống chỉ còn 13 độ trên máy nên khi đóng hàng người ta đã đổ vào 4 phuy nước loại 220lit cho 54 tấn R2 ,đóng hàng xong trong ngày hàng được xuất ngay và dĩ nhiên, cơ quan kiểm phẩm không phát hiện được vì kiểm độ ẩm đủ 15 độ. Sau đó không lâu người ta cũng làm tiếp lô hàng thứ hai như vậy. Do trục trặc về vận chuyển nên lô hàng này lưu lại kho 1 tuần, khi kiểm phẩm xuất thì hàng bị mốc và đóng cục nên bị ách lại để tái chế. Như vậy cà phê VN kém chất lượng bị thải ở nước ngoài tôi nghĩ trong đó có lô hàng trót lọt kia chứ không phải hàng VN bị thải loại bởi những lô hàng kém chất lượng theo thỏa thuận thương mại.

Tin đã đăng