Bản tin thị trường cà phê thế giới ngày 25/8/2010

Giá cà phê robusta giảm gần 8%; Giá cà phê arabica có phiên giảm mạnh nhất trong 2 năm rưỡi; Giá cà phê trong nước mất 2.400 đồng/kg.

Phiên giao dịch ngày 24/8, giá cà phê trên thị trường đồng loạt lao dốc bởi làn sóng bán tháo của các quỹ hàng hoá khi giá các hàng hoá khác và thị trường chứng khoán đều giảm sâu bởi nỗi lo kinh tế toàn cầu.

Thị trường chứng khoán thế giới hôm qua giảm xuống mức thấp nhất của 1 tháng còn Yên Nhật leo lên mức cao nhất 15 năm khi nhà đầu tư rời bỏ các hàng hoá rủi ro để tìm đến các tài sản an toàn hơn.

Đóng cửa phiên giao dịch 24/8, giá cà phê arabica giao tháng 12 tại ICE giảm 14,80 cent, tương đương 8,1% xuống 168,45 cent/lb – phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2008.

Phiên trước đó, ngày 23/8, giá cà phê kỳ hạn có lúc lên tới 188,65 cent/lb – cao nhất kể từ tháng 12/1997.

Trên thị trường Liffe, giá cà phê robusta giao tháng 11 phiên hôm qua để mất 7,7% giá trị, tức 137 USD và đóng cửa ở 1.640 USD/tấn.

Giá cà phê arabica đã tăng hơn 40% kể từ tháng 6 tới trước phiên hôm qua do nhu cầu mua của các quỹ hàng hoá và dự trữ cà phê chất lượng cao giảm sâu.

Giới thương  nhân cho biết họ đã tạo lập đựơc vị thế bán của mình trên thị trường cà phê arabica trong thời gian giá đi lên vài tuần trước, và sự điều chỉnh vị trí trong phiên hôm qua là cần thiết trước khi họ củng cố lại vị thế của mình.

Tính đến thời điểm hiện tại, dự trữ cà phê arabica có chứng nhận tại ICE vẫn ở mức thấp nhất trong 10 năm qua do nguồn cung cà phê arabica dịu vẫn khan hiếm. Tuy nhiên, bức tranh nguồn cung đang sáng dần lên khi Braxin đang thu hoạch một vụ mùa bội thu còn Colombia và Trung Mỹ cũng sẽ sớm bước vào vụ thu hoạch với dự kiến sản lượng cao hơn 2 năm trước.

Ở thị trường trong nước, giá cà phê nhân xô hôm nay giảm mạnh theo đà giảm của thị trường thế giới. So với ngày hôm qua 24/8, giá cà phê hôm nay mất tới 2.400 đồng mỗi kg, chỉ còn 27.700 – 27.800 đồng/kg.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Kinh Vu

    Kính gởi các bạn
    Rất cảm ơn bạn Nguyễn Hằng và Anh Thịnh Còi cùng ban biên tập đã gởi và cho đăng bản tin cà phê hàng ngày mà theo tôi là rất cần thiết cho giới kinh doanh cà phê, cũng như đối với bà con nông dân.
    Đối với giới kinh doanh cà phê thì có lẽ những thuật ngữ trong bản tin không còn nhiều xa lạ, tuy nhiên đối với bà con nông dân mình nếu hiểu được những thuật ngữ trong giao dịch thì chắc chắn sẽ hữu ích nhiều hơn cho việc phân tích, suy tính để chọn được thời điểm bán tốt hơn.
    Nhân đây tôi cũng xin góp ý, trao đổi một số điểm để việc biên dịch, biên tập được hoàn thiện hơn nhằm việc cung cấp thông tin được chính xác, giúp bà con dễ nắm bắt vấn đề hơn.

    – Trong bản tin cà phê ngày 23/8/2010 có đoạn “Giá cà phê Arabica chất lượng tốt (khoảng 16 – 18% tạp chất)” thì tôi đoán chắc là có nhầm lẫn gì đây, vì cà phê có 1% tạp chất thì đã là xấu kinh khủng rồi, chắc chắn không thể gọi cà phê 16-18% tạp chất là loại tốt được – theo tôi biết thì cà phê loại tốt thì gần như không có tạp chất.

    – Trong bản tin 25/8/2010 có đoạn “Giới thương nhân cho biết họ đã tạo lập đựơc vị trí lâu dài …”. Tôi xin trao đổi về chữ VỊ TRÍ LÂU DÀI. Tôi đoán (đoán thôi) các bạn đã dịch cụm từ “LONG POSITION”. Nếu quả là như vậy thì các bậc tiền bối của chúng ta đã dịch là “VỊ THẾ BÁN”. Chữ LONG ở đây không có nghĩa là lâu, là dài, còn chữ VỊ THẾ mới mô tả hết được cái nghĩa ở vào một tình trạng, một tình thế, chứ không dùng vị trí, bởi vị trí chỉ thể hiện được sự tương quan giữa chủ thể với không gian mà thôi.
    Còn về vị thế bán là vị thế như thế nào thì xin các bạn đọc lại các bài viết cũ đã có nói đến.
    Có hiểu hết nghĩa của nó mới đưa ra quyết định đúng được bởi khi mà các giới đầu cơ hay nguồn quỹ mà đang ở trong cái vị thế bán thì đến một lúc nào đó họ phải bán ra cho hết cái vị thế đó.
    Để hưởng ứng bạn Nguyễn Hằng đã có lòng cung cấp bản tin, tôi xin khuấy động phong trào thảo luận – góp ý trong forum này cho thêm phần sôi nổi, nếu có chỗ nào chưa đúng xin các bạn góp ý thêm nhé.
    Xin chào các bạn

  2. Nguyễn Hằng

    Rất cảm ơn ý kiến đóng góp quý báu của bạn KINH VU. Đúng như bạn nói, tôi đã dịch không chuẩn nghĩa của từ long possition và đóng góp của bạn thực sự giúp tôi rất nhiều. Bởi không có nhiều kiến thức về cà phê cũng như hoạt động giao dịch trên thị trường, đồ thị, nên có nhiều thuật ngữ bản thân tôi chưa hiểu hết.
    Một lần nữa xin cảm ơn đóng góp của bạn Kinh Vu và Nguyễn Hằng sẽ cố gắng để hoàn thiện hơn các bài viết sau này.

  3. Labacafe

    Theo tôi được biết :

    Tiêu chuẩn R2, là loại cà phê có độ ẩm 13%, tạp chất 1%, hạt đen vỡ 5% và hạt trên sàn 13 đạt 90%.
    Tiêu chuẩn R1 là cà phê có 12,5% ẩm độ, 0,5% tạp chất, 2% hạt đen vỡ, 90% hạt trên sàn 16 và thường có giá cao hơn cà phê R2 từ 30-40 đô la Mỹ/tấn

    Nghịch lý ở chổ là nhiều nhà chế biến ở Việtnam đủ điều kiện và thiết bị để ‘sơ chế’ được cà phê R1. Cà phê của Việt nam cũng đủ chất lượng để làm hàng R1. Nhưng các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lại ‘thích’ kinh doanh loại hàng R2 hơn.
    Thực ra là do lợi nhuận thôi, để chế ra được R1 thì tốn nhiều chi phí hơn mà giá chỉ tăng thêm có 30-40$/tấn trong khi ta chỉ cần ‘gia giảm’ thêm 0,5% ẩm độ+ 0,5% tạp chất+3% đen vỡ + loại hạt trên sàn 13 nhưng dưới sàn 16 thì không cần tính cũng thấy làm hàng R2 lời hơn và dễ hơn nhiều. Bên cạnh đó mua R2 thì dễ dàng kì kèo hàng kém chất lượng mà ép giá.
    Vì vậy nên mới có trường hợp người ta trộn thêm vỏ cà phê loại vảy lớn vào R1 để ‘đạt chuẩn R2’ và gần như là ta làm hàng R2 là chính. (tôi còn nghe nói nhưng chưa thấy là người ta còn đi lùng mua loại vỏ cà phê mít+ hạt đen vỡ).

    Cái mất ở đây là nhìn trên toàn cục, cà phê Việt nam bị mất uy tín trên thị trường thế giới, nhưng xem ra doanh nghiệp thì không quan tâm lắm.

    Tôi chỉ biết bấy nhiêu nên chỉ gợi mở vấn đề, bạn Kinh Vu hay bạn nào làm ‘sơ chế’ có kinh nghiệm thì chia sẻ thêm để bà con cùng tham khảo.
    Xin cảm ơn

  4. Nông dân nghèo

    Chào bà con! mùa mưa, lo làm cỏ bỏ phân, tỉa bớt cành chồi suốt ngày ngoài lô nên không lên thăm hỏi bà con được. Còn bao nhiêu cà cũng kịp bán hết hôm chủ nhật rồi, được 30,0 thôi bà con ạ. Vậy cũng đỡ rồi! Giờ xin trao đổi.
    Nông dân nghèo chỉ biết chăm sóc vườn cà làm sao có năng suất cao, không để ý gì đến R1 hay Rmấy làm gì vì đại lý khi mua có bao giờ đưa ra loại này loại kia đâu, chỉ theo cảm tính là 1 giá nhân xô thôi. Nếu có đẹp, sạch thì thêm 1-2 giá mà xấu, ẩm thì bớt 1-2 giá thế thôi. Có lần xay xong, thấy cà đẹp quá thì bà con trong xóm lại bỏ thêm vảy vào kẻo uổng, khi mua đại lý có nói gì đâu!
    Thế nên bà con chung quanh nông dân nghèo cũng tính toán kỹ lắm và thấy như vậy lại được giá hơn, lợi hơn làm cà cho sạch, đẹp…nói chung là có chất lượng hơn thì lỗ. Cũng biết là thế nào ấy nhưng… “Thế nà thế nào”?
    Còn đúng như Labacafe nói, có người quen chuyên cung cấp mỗi mùa ít thì 5-7 chục tấn, nhiều thì trăm rưỡi, hai trăm tấn cà đen, vảy, sâu mẻ cho các nhà XK làm “cà đấu”. Chỉ biết vậy thôi, còn số “cà đấu” đó đi đâu, làm gì thì chịu.
    (Có người quen cho biết cty anh ta từng có mấy hợp đồng “cà đấu” cho đại gia rang xay cà phê ở VN nhưng giao hàng tại Mỹ?)

Tin đã đăng