Cà phê lon, “ngon” đến đâu?

Sự xuất hiện của nhiều sản phẩm cà phê lon khiến không ít người thắc mắc: người Việt Nam đã bận rộn đến mức từ bỏ thói quen uống cà phê phin hay cà phê hòa tan để chuyển sang cà phê pha sẵn, đóng lon uống liền? Hay thị trường này có nhiều tiềm năng?

Sau nhãn hiệu cà phê lon Birdy, do Công ty Ajinomoto Việt Nam nhập khẩu và phân phối xuất hiện khá rầm rộ tại các siêu thị, cửa hàng, thị trường cà phê Việt Nam lần lượt có sự góp mặt của nhiều sản phẩm cà phê lon khác.

Xem thêm: Bán cà phê dễ ẹt

ca-phe-lon
Khu vực trưng bày cà phê lon tại Co.op Mart.

Vẫn chỉ là tiềm năng

Không cung cấp bất kỳ con số nào về doanh thu của các nhãn hiệu cà phê lon, nhưng những người trong ngành đều thừa nhận sản phẩm này đang chiếm một phần rất nhỏ trong hệ thống các sản phẩm cà phê nói chung, số lượng bán ra chưa được như kỳ vọng.

Nestlé, một trong những công ty nước ngoài thành công ở Việt Nam với dòng sản phẩm cà phê hòa tan, đã đưa sản phẩm cà phê lon ra thị trường từ tháng 11-2009. Đại diện Nestlé thừa nhận cà phê lon tuy rất thành công ở các quốc gia trên thế giới nhưng mới xuất hiện tại Việt Nam nên cần thời gian để người tiêu dùng chấp nhận, quen với thói quen tiêu dùng mới.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, phụ trách truyền thông phía Nam của hệ thống siêu thị Big C, cho biết siêu thị bán khá đầy đủ các nhãn hiệu cà phê lon hiện có mặt trên thị trường. Ở thời điểm này, cà phê lon vẫn được xem là dòng sản phẩm mới nên tâm lý chung của khách hàng vẫn chỉ muốn thử cho biết. Bà Trâm nhận xét rằng, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự quan tâm và luôn có sự so sánh về mùi, vị của các sản phẩm.

“Dòng sản phẩm này chiếm thị phần rất nhỏ trong ngành hàng đồ uống, doanh thu có tăng nhưng không đáng kể so với mức tăng của những mặt hàng đồ uống khác bán tại Big C”, bà Trâm nói.

Trên thực tế, như nhiều người trong ngành cho biết, đến thời điểm này đã có những nhãn hàng có nguy cơ “chết yểu” dù trước đó sản phẩm được tiếp thị, quảng bá rầm rộ. Một số nhãn hàng không còn xuất hiện trên thị trường. Một nhân viên ngành hàng đồ uống tại siêu thị Saigon Co.op Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM, khẳng định từ nhiều tháng nay, có ít nhất một nhãn hiệu cà phê lon không được đưa xuống chào hàng với lý do sản phẩm đã ngưng sản xuất.

Theo ông Trần Mạnh Hào, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tiếp thị ứng dụng (I.A.M), điều này cũng khá hợp lý khi nước ta dù là một trong những nước sản xuất cà phê hàng đầu trên thế giới, nhưng vẫn là nước có mức tiêu thụ sản phẩm này rất thấp, khoảng 0,7 ki lô gam/người/năm (trong khi nước dẫn đầu thế giới là Phần Lan với 11 ki lô gam/người/năm; nước cao nhất trong khu vực châu Á là Nhật Bản với trên 3,3 ki lô gam/người/năm) (*).

Số liệu tổng hợp của I.A.M và báo cáo công bố năm 2009 của AC Nielsen cho thấy, loại cà phê tiêu thụ thị trường nội địa chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng sản lượng xuất khẩu, tương đương 61.000 tấn/năm. Trong đó cà phê hòa tan chiếm 9.000 tấn, cà phê rang xay có nhãn hiệu chiếm 35.000 tấn, còn lại là cà phê không nhãn hiệu. Thị trường cà phê nội địa tăng trưởng khoảng 18% mỗi năm, trong đó cà phê hòa tan đang dẫn đầu về mức tăng trưởng với 22%, cà phê rang xay tăng trưởng 13%.

Bên cạnh đó, ông Hào cũng cho rằng việc cà phê lon chưa thể trở thành hiện tượng như trường hợp của trà xanh đóng chai là vì không đáp ứng được những đòi hỏi về hương vị cũng như chưa được đầu tư đúng mức về bao bì nên không thu hút được người tiêu dùng. Anh Lê Minh Tý, nhân viên Công ty Grainco tại quận 3, nhận xét: “Dù cố nhưng tôi chỉ uống được nửa lon. Theo tôi, cà phê lon quá nhạt, quá ít vị cà phê. Tiện thì có tiện nhưng hương vị tệ quá”.

Một sản phẩm của tương lai?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Trung Nguyên, cho rằng cà phê lon là mặt hàng tiềm năng, là mảnh đất cho các hãng khai thác vì Việt Nam vẫn là nước dùng ít cà phê trên thế giới. Tuy nhiên, có hàng loạt thách thức mà cà phê lon không dễ vượt qua. Đó là chất lượng phải cao, mang được hương vị của cà phê gốc, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm do liên quan đến sữa. Quan trọng hơn, là phải vượt qua được thói quen cũ của người tiêu dùng.

Ông Vũ cho biết cách đây 4-5 năm, Trung Nguyên và Coca-Cola đã có ý định sản xuất cà phê lon, công thức cũng đã có nhưng cuối cùng không tiến hành. Nguyên nhân là thị trường quá nhỏ trong khi mức đầu tư lại quá lớn. “Đến bây giờ, điều này vẫn đúng. Nhưng có thể năm năm nữa, tình hình sẽ khác”, ông Vũ nhận định.

Đại diện Nestlé cho rằng, sự phát triển nhanh chóng phong cách sống hiện đại của những người trẻ – đối tượng khách hàng tiềm năng của cà phê lon – sẽ giúp sản phẩm này phát triển trong thời gian tới. “Chúng tôi tin tưởng rằng sản phẩm cà phê lon sẽ giữ vai trò đáng kể trong sự phát triển của việc tiêu dùng cà phê. Thành quả sẽ thuộc về những ai có tầm nhìn lâu dài và kiên trì đầu tư để phát triển ngành hàng này”, người này nói.

Dưới góc độ nghiên cứu thị trường, ông Hào nhận định, 5-10 năm tới sẽ là thời của cà phê lon dù ở thời điểm hiện tại, sản phẩm này vẫn chưa được người tiêu dùng hưởng ứng. Lập luận của ông Hào nằm ở việc những người trẻ thường dễ chấp nhận cái mới, nhất là khi các nhà sản xuất cung cấp được một lý do chính đáng cho việc chuyển sang dùng cà phê uống liền thay cho những loại cà phê khác.

Cũng theo ông Hào, những nhãn hiệu cà phê lon hiện có trên thị trường đa phần của các công ty nước ngoài. Vì vậy, để không chậm chân, các doanh nghiệp trong nước nên có định hướng đầu tư ngay từ bây giờ, trước khi các hãng nước ngoài khác tràn vào. Một hướng kinh doanh hiệu quả là hợp tác với một công ty trong ngành nước giải khát, vì công ty cà phê thì thiếu kinh nghiệm phân phối nước giải khát, trong khi công ty sản xuất nước giải khát lại không sản xuất được cà phê uống liền hợp khẩu vị.

“Ví dụ điển hình về việc hợp tác thành công là của Pepsico International và Starbucks với sản phẩm cà phê uống liền RTD Double Espresso và RTD Frappuccino tại Mỹ và Trung Quốc”, ông Hào dẫn chứng.

Tại Việt Nam, nhãn hàng cà phê lon đầu tiên xuất hiện trên thị trường là Birdy, sản xuất tại Thái Lan, do Công ty Ajinomoto Việt Nam nhập khẩu và phân phối từ cuối năm 2008. Birdy hiện có giá bán lẻ khoảng 7.000 đồng/lon 170 mi li lít. Xuất hiện sau Birdy một thời gian ngắn là cà phê lon Moka của Dona Newtower, dung tích 250 mi li lít, giá bán lẻ 6.300-7.000 đồng/lon.

Cuối năm 2009, Nestlé tung ra sản phẩm cà phê lon Nescafé. Giá bán của sản phẩm này tương đương Birdy, Moka. Cũng thời gian này, xuất hiện cà phê lon của Vinamilk, cà phê sữa Vip của Tân Hiệp Phát đóng trong chai nhựa pet và Highlands Coffee mới đây cũng cho ra mắt sản phẩm lon.

>> Trung Nguyên muốn là nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. N.19

    heh!
    Tôi cũng đã uống cafe này. Nhưng nói thật thì mùi vị hay là cảm giác của cafe chẳng có…
    nhưng nếu cứ uống cafe này chắc sẽ ít ai tới quán cafe uống…
    như vậy mất đi vốn văn hóa đẹp của VN rồi.
    Văn hóa cafe VN là những quán cafe với không gian lãng mạn của quán…

  2. Lê Kim Thùy Linh

    Xin chào,

    Tôi chưa bao giờ thử một sản phẩm cà phê nào được đóng trong lon cả. Có lẽ vì định kiến của tôi quá lớn. Tôi đã từng cho rằng, cà phê lon thì ai mà thèm uống. Nhưng nếu xét trên khía cạnh là một người trẻ, năng động và không muốn tốn quá nhiều thời gian cho việc chờ đợi để pha một ly cà phê thì tôi tán thành với việc cà phê lon là một chiến lược lâu dài cho tương lai, cho giới trẻ.

    Thị trường cà phê lon ở nước ta khác nhiều với những nước khác trên thế giới vì…

    1) Những nước châu Âu, châu Mỹ hưởng thức cà phê như một loại nước giải khát. Uống để giải phóng cơn khát của mình, uống không nhâm nhi, không suy nghĩ, không trầm lắng thì uống nhiều là lẽ đương nhiên.

    2)Nhưng người châu A’, hoặc người nói thẳng là người Việt chúng ta thì lại khác chút. Uống cà phê như để thỏa chí phiêu bồng, uống để trầm tư sâu lắng, để ngẫm cái sự đời và để hàn thuyên tán gẫu cùng chúng bạn.

    –> Văn hóa khác nhau cho nên thị trường phát triễn và tiêu thụ cũng khác nhau rõ rệt. Về phần này thì tui ủng hộ tuyệt đối ý kiến của nhà đại diện Nestle: “…Thành quả sẽ thuộc về những ai có tầm nhìn lâu dài và kiên trì đầu tư để phát triển ngành hàng này”.

    Định hướng và tầm nhìn cũng như cách thức tiếp nhận một cái mới đối với dân ta còn chậm lắm. Dân ta cần thời gian để tiếp nhận những cái mới. Tui tin những người kiên trì trong lĩnh vực này sẽ đạt được những thành quả cao trong tương lại trong việc phát triễn ngành hàng này.

    Thân chào

    1. Yến Xuân

      Gởi bạn Thùy Linh
      Cò lẽ bạn chưa từng ra nước ngoài nên cách nhận xét của bạn về cách thưởng thức cũng như số lượng tiêu thụ cà phê tại các nước khác rất phiến diện. Nếu nói cà phê là 1 thứ giải khát thông dụng thì chỉ có ở Mỹ. Cà phê Mỹ rất loãng (nhưng thơm ngào ngạt) vì vậy họ uống suốt ngày. Ly cà phê Mỹ to đùng. Vào cơ quan, trụ sở nào cũng có máy pha cà phê uống miễn phí. Tuy vậy, họ cũng đôi lúc ngồi trầm ngâm với bạn bè bên ly cà phê (nhưng thường là ngồi tán dóc với nhau bên chai bia).
      Tại châu Âu thì khác hẳn. Quán cà phê khắp nơi nhiều còn hơn cả VN. Họ thưởng thức cà phê rất cầu kỳ và kỹ tính. Cà phê uống bằng cái tách nhỏ xíu và rất thơm ngon, nổi tiếng. Họ cũng ngồi quán cả ngày với chỉ 1 ly cà phê và chủ quán cũng chẳng cằn nhằn. Tại châu Âu, mỗi nước lại có đặc thù pha và uống cà phê rất khác nhau, như Ý và Pháp…. Nói chung họ tiêu thụ rất nhiều cà phê.
      Người VN ta tiêu thụ 5% cũng phải thôi. Vì người dân toàn bị cho uống bắp rang, đậu nành rang… chứ có phải cà phê nguyên chất đâu. 5% là đúng quá rồi ! Các bạn toàn ngồi trâm ngâm, tán dóc bên ly bắp rang, đậu nành rang không à!!!

  3. Trần Tiểu Trâm

    Tôi được lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên bạc ngàn cà phê… Từ lúc còn nhỏ tôi đã được uống coffee do ba tôi pha, cảm giác khi đó uống một chút coffee đen nóng thật là đắng, tôi nhăn mặt luôn. Nhưng thời gian qua đi, giờ tôi đã lớn và coffee đen giờ cũng uống không đường… Tôi vẫn thích được tự tay mình pha một phin coffee nóng, ngồi nhìn từng giọt coffee nhỏ xuống ly mà thấy thích… chờ đợi và cuối cùng được một tách coffee ngon tuỵêt. Cảm giác thưởng thức một ly coffee đen không đường thật thú vị. Nhấp lên môi một ngụm thấy vị ngọt đắng lang tỏa khắp người.
    Giờ đây khi rời xa nhà lên Sài Gòn đi học và giờ là đi làm, quả thật tôi không có thời gian để ngồi tự pha một ly coffee như ở nhà. Tôi đi nhiều con phố ở đất Sài Gòn này và tôi luôn chú ý những quán coffee trên những con đường mà tôi qua. Tôi thích vô những quán coffee sân thượng hoặc lâu lâu cũng chỉ ngồi ở một quán cóc vỉa hè mà thôi. Hương vị coffee đen mỗi quán một khác nhưng đó dù sao cũng là coffee do con người tự pha chế…
    Tôi chưa thử uống coffee lon lần nào, vì tôi nghĩ chỉ có nước giải khát mới đóng lon thôi, một thứ thức uống đặc biệt như coffee không thể nào xem như nước giải khát được. Tôi tin rằng những ai đã, đang là người yêu thích coffee sẽ dành thời gian để uống một ly coffee thay vì một lon nước giải khát….

  4. Hoangluan

    Cafe lon ngon ngọt gì đâu ! ai uống thường xuyên chỉ cần ngửi mùi đã biết ngon hay không ngon rồi! Sợ nhất là các loại cafe ở Sài Gòn, ly to đùng, đã thế còn pha sẵn nữa chứ. chẳng còn hứng mà thưởng thức cafe để biết ngon hay dở.
    Giới trẻ đồng ý là năng động nhưng đồ uống thì tự do lựa chọn, mỗi người có một thẩm mĩ riêng về nhìn nhận vấn đề, ai muốn ngon thì tự fa lấy. Muốn không ngon thì đi mua fa sẵn.
    Thế thôi, dẫu sao tiêu thụ càng nhiều càng tốt cho người trồng .

  5. hết hứng

    Uống thì bao nhiêu đâu, có thêm vài ly cũng chẳng nâng được giá lên xu teng nào!
    Với lại nghe ở VN uống toàn bắp và đậu nành, có chút cà phê cũng toàn cội với vỏ.
    Dù sao cũng cảm ơn tinh thần ban phước!

Tin đã đăng