Hiện nay, việc lựa chọn vùng đất phù hợp để trồng cho từng giống cà phê là điều cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Không thể tùy tiện áp đặt một cách chủ quan duy ý chí, trái với tự nhiên khi chưa trải qua việc chọn lọc, thực nghiệm và chưa có sự vào cuộc của các nhà khoa học về giống cây trồng. Đó là điều sai lầm, chắc chắn dẫn đến thất bại.
Các kỳ trước:
Kỳ 5: Các giống cà phê chính.
Trước khi nói về các giống cà phê chính đã có ở nước ta, xin được kể ngắn gọn vài ba câu chuyện để mọi người cùng suy gẫm.
Câu chuyện thứ nhất
Trong Tề vật luận, Thiên Nội Kinh của Nam Hoa Kinh, Trang Tử có kể cho Nhan Hồi nghe câu chuyện về cây quýt ở Hoài Nam. Giống quýt này đến mùa, trái chín vàng óng đầy cành, rất ngọt mà lại tỏa ra một mùi thơm dịu, nhẹ nên người Hoài Nam rất quý. Người Hoài Bắc thấy thế xin giống đưa về trồng. Đến mùa, quýt cũng ra trái rất nhiều nhưng không ai ăn nổi vì quá chua. (Chuyện này đời sau còn gán cho là chuyện kể khi Khổng Tử dạy học trò?).
Câu chuyện thứ hai
Cây vải thiều ở Thanh Hà – Hải Dương vốn đã nổi tiếng từ thời xa xưa, được xếp vào hàng vật phẩm dùng để tiến vua. Ai cũng biết chuyện Dương Ngọc Hoàn, quý phi của vua Đường rất thích ăn loại trái này nên triều đình phải lập đội mã phu đi suốt ngày đêm từ kinh đô Trường An vượt thiên lí đến nước Đại Việt xa xôi để đem về những sọt trái Lệ Chi còn tươi nguyên. Để muốn nói rằng đây là một loại đặc sản rất ngon, nổi tiếng của nước ta.
Chuyện muốn kể ở đây là có người quen vốn gốc Hải Dương đã đem mấy nhánh vải thiều từ quê vào trồng trong rẫy cà phê với niềm tự hào về một sản vật của quê quán. Nhờ vùng đất đỏ bazan màu mỡ, các nhánh vải thiều nhanh chóng trở thành những cây vải to cao, cành lá xanh rì. Ba bốn năm trôi qua, rồi năm năm, sáu năm, tịnh không có một chùm bông. Hay đất thiếu chất? Thế là các loại phân vô cơ, hữu cơ, vi sinh được bón đầy gốc…vẫn không thấy gì! Rồi chuyên gia của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên được mời đến. Lại phun thuốc, bón phân, bấm ngọn, cắt tỉa cành, khoanh vỏ…hai năm, ba năm nữa, tuyệt nhiên vẫn không một chùm bông… Thôi thì để lại lấy bóng mát, kỷ niệm về quê cha đất tổ!.
Chuyện thứ ba
Nghỉ hè về thăm quê, không quên mang về một ít trái cây đặc sản của Tây Nguyên. Bà con ngoài quê đã lấy hột bơ mang đi gieo thử. Loài cây này rất dể nãy mầm và nhanh chóng phát triển. Mấy năm sau, khi trở về thì cây bơ đã có trái lủng lẳng đầy cành. Nhưng nghe bà con bảo : “Không ăn được! nó chát như quả vả, mà không thấy chín!” Xem kỹ thì trái đã nhỏ, mà toàn bị sượng.
Kể vài câu chuyện để cùng nhau ngẫm nghĩ về cây cà phê khi được đưa vào trồng ở nước ta.
Cà phê là cây có hoa chùm lưỡng tính, tự thụ phấn. Cây có rễ cọc, thân gỗ, trong hoang dã có thể cao đến 15 mét. Cho trái tốt trong 30-50 năm và có thể đến trên 70-80 năm.Thích hợp với đất đai trong vùng nhiệt đới khoảng từ 25o vĩ bắc – 30o vĩ nam, tốt nhất là đất có nguồn gốc từ phún thạch (Bazan nâu-đỏ hay Pôzolic vàng-đỏ) của các vùng cao nguyên, có độ ẩm trên 70%, mưa nhiều, nhất là những vùng chia làm hai mùa mưa nắng rõ rệt. Thích nhiều ngày nắng, ánh sáng tán xạ, có nhiều cây che bóng.
Cây cà phê được trồng ở nước ta có 3 giống gồm cà phê Vối (Robusta) chiếm hơn 90% diện tích, cà phê Chè (Arabica) gần 10% và cà phê Mít (Excelsa) chỉ khoảng 1%.
Ngay từ những ngày đầu, có hai giống cà phê được đưa vào trồng ở nước ta.
1. Cà phê Robusta (Coffea canephora) thường được gọi với tên cà phê Vối
Cây cao đến 7-8 mét, dạng thân gỗ hoặc thân bụi, sinh trưởng tốt, kháng được nhiều nấm bệnh, chứa hàm lượng caffein 2-4% hạt, có vị đắng nhất. Cho trái nhiều trong khoảng 30 năm. Độ cao thích hợp từ 400-1200m, nhiệt độ trung bình 24o- 30¬oC, lượng mưa trên 1000mm, cần nhiều ánh sáng mặt trời. Dễ trồng và chăm sóc, có sức đề kháng sâu bệnh cao.
Giống cà phê Vối được trồng chủ yếu có xuất xứ từ Ethiopia, đã được đưa về trồng ở Ả rập nên thường gọi là giống cà phê Môk-ka. (Môk-ka là tên một thành phố cảng sầm uất của thế giới Ả rập giao thương với bên ngoài trước khi có kênh đào Suez). Ở Việt Nam lấy giống lại từ quần đảo Java của Indonesia.
2. Cà phê Excelsa (Coffea excelsa) thường được gọi với tên cà phê Mít
Cây cao đến trên 10 mét, dạng thân gỗ, lá to. Trái chín muộn, chứa hàm lượng caffein khoảng 2% hạt, có vị chua. Cho trái khoảng 30-40 năm. Độ cao thích hợp dưới 800m, nhiệt độ trung bình 26o- 30¬oC, lượng mưa trên 1000mm, cần nhiều ánh sáng mặt trời. Dễ trồng, ít sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc.
Giống cà phê mít chủ yếu có nguồn gốc từ vùng Tây Phi.
Khi số lượng diện tích và số đồn điền đã tăng lên đáng kể thì vào đầu những năm 50 có thêm giống thứ ba là cà phê Chè được đưa vào trồng nhưng ít được ưa chuộng vì khá phức tạp.
3. Cà phê Arabica (Coffea arabica) thường được gọi với tên cà phê Chè
Có giá trị kinh tế cao nhất trong các giống cà phê. Nhưng được trồng hạn chế vì dễ bị sâu bệnh, ưa thích độ cao, khí hậu mát mẻ, mưa nhiều…
Cây cao đến 6 mét, dạng thân gỗ hoặc thân bụi, lá nhỏ, thường được hãm thấp trông như cây chè. Trái chín sớm, chứa hàm lượng caffein 1-2% hạt, có vị đậm đà, ngọt thơm, ít chua. Cho trái khoảng 20-30 năm. Độ cao thích hợp từ 1.000-2.000m, nhiệt độ trung bình 16o-25¬oC, lượng mưa trên 2.000mm(càng nhiều càng tốt), ưa ánh sáng mặt trời tán xạ nên rất cần cây che bóng.
Giống cà phê chè được trồng trước đây là giống cà phê lấy từ Colombia, nhưng cũng được gọi tên Môk-ka (có lẽ cũng do xuất xứ từ cảng Môk-ka ra đi). Bây giờ phát triển chủ yếu là giống cà phê Catimor dễ trồng hơn nhưng chất lượng không bằng.
Ngoài ra còn có giống chính nữa, dễ trồng, chỉ thích hợp với độ cao dưới 600m và không thấy có ở độ cao trên 1100m.
4. Cà phê Liberia (Coffea liberica) là giống cũng được gọi là cà phê Mít
Chỉ được trồng ở các nước Liberia, Sierra Leone, Ghi-nê xích đạo thuộc vùng Tây Phi. Trước đây ở vài đồn điền quanh BuônMaThuột và vùng Đạt Lý, Ea Pôk đã thấy xuất hiện nhưng số lượng không đáng kể và được gọi với tên là cà phê Séri. Cây cao hơn, lá to hơn giống Excelsa và chín cũng muộn hơn, vị chua. Ở Châu Âu thích dùng để trộn với hai loại kia khi rang xay.
Điểm qua những đặc tính cơ bản của các giống cà phê chính để thấy rằng việc lựa chọn vùng đất thích hợp cho cây là điều quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Nếu muốn đưa đến những vùng đất khác cần phải chọn lọc, tìm ra những dòng thích hợp, đã được thuần hóa và nhất là phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học về giống cây trồng. Không thể tùy tiện, duy ý chí để mà áp đặt chủ quan trái với tự nhiên như những câu chuyện đã được kể trên.
Cho nên đến thời điểm hiện tại có thể nói rằng cây cà phê ở Việt Nam chưa có thương hiệu và chưa phát triển một cách thực sự bền vững. Gần đầy mới thấy khởi động để xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam. Đây là điều mà các nhà quản lý, hoạch định chính sách và cả cơ quan chăm lo trồng trọt cần phải lưu tâm để cho cây cà phê Robusta Việt Nam khẳng định vị thế số 1 ở trên thị trường toàn cầu một cách chắc chắn.
Kì 6 : Hồi ức -Tôi nhặt cà phê chồn.
Tìm hiểu thêm về:
Nguyễn Vịnh
Cư Kuin, Đắk Lắk
Nếu vậy việc trồng cà phê Arabica tràn lan ở phía bắc vừa qua là một sai lầm vô cùng đáng tiếc.
Đặc biệt hiện nay ở một số tỉnh cực bắc vẫn đang cố trồng cà phê Arabica. Có thể độ cao thích hợp, nhưng còn đất đai, thời tiết…và nhất là qui hoạch lâu dài nữa!
Sao không nghe Tổng Công ty cà phê VN ý kiến gì ?
Ý kiến gì nữa. Làm sai quá rồi giờ im lặng mà nghe chứ dám ý kiến gì. Ý kiến là tại tôi kém, tôi không biết hay cứ có dự án là có “mùi” “sống chết mặc bay”.
Cà phê của Pháp chủ yếu là Robusta nhưng có vị chua là do trộn 30 – 40% cà phê mít, đậm hơn. Còn cà phê Mỹ chủ yếu là Arabica vốn có vị chua thanh hơn, thơm hơn, có trộn 30% Robusta và 10% cà phê mít, nhẹ hơn. Các tỉ lệ này thay đổi tùy theo từng hãng sản xuất.(có trộn gì thêm nữa là…bí mật).
Người Việt vốn quen uống Robusta nên uống cà phê Pháp vẫn thích hơn vì “phê” hơn. Nhưng lớp trẻ bây giờ thích gu cà phê Mỹ nhẹ hơn vì quen uống cà phê độn đậu, bắp không “phê” bằng thời các cụ uống.
Nếu đưa một ly cà phê do gia đình tự rang xay ở BMT về HN hay TP.HCM thì sẽ có rất nhiều người uống bị say do cafein đậm đặc quá, không quen.
Vừa rồi UBND tỉnh Đak Lak chủ trì xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đến đâu rồi? có tác dụng gì chưa đến thị trường tiêu thụ? Bà con nào biết xin phản hồi. Cám ơn.
Cả vùng Đông Nam Á chỉ có Cao Nguyên Bu-lô-ven ở Thượng Lào mới là nơi lý tưởng để trồng cafe Arabica có chất lượng cao.
Ở cực bắc nước ta có một số vùng có thể trồng Arabica nhưng chất lượng chỉ như Catimor là cùng, không thể bằng của Colombia được. Tuy ở đó cũng chỉ là một giống nhưng vì thổ nhưỡng, thời tiết khác nhau nên chất lượng cà phê thu hoạch sẽ khác nhau.Vì thế của Colombia mới được gọi là “Arabica dịu sạch”.
Giống Liberia (cafe Mít) thì chỉ ở Ghi-nê Xích đạo mới sản xuất nhiều thành hàng hóa.
Rất cám ơn ý kiến chính xác của bạn. Xin nói thêm.
Cà phê Catimor là một giống lai giữa chủng Hybrid de Timor với chủng Caturra nên được gọi là Catimor, cây thấp, cành ngắn nên có thể trồng với mật độ dày (6.666 cây/ha = 1,5m x 1m hoặc 5.000 cây/ha = 2m x 1m). Nhập vào nước ta trồng thử nghiệm từ năm 1984, sau đó lấy giống từ Bồ Đào Nha năm 1990, trồng đại trà tại Khe Sanh-Quảng Trị và Sơn La. Ưu điểm là tính kháng bệnh rỉ sắt cao, tán lá dày che kín hạn chế sự phá hoại của sâu đục thân. Ở Colombia trên 60% diện tích là trồng giống này.
Tuy nhiên nguyên nhân thất bại là do đồng bào miền núi phía bắc chưa quen với loại cây có đặc tính và yêu cầu kỹ thuật cao, không được tập huấn đầy đủ nên trồng bừa bãi, dựa vào trời là chủ yếu như trồng cây mì cây ngô.
Nay tình hình đang được cải thiện mạnh mẽ.
Cảm ơn tác giả Nguyễn Vịnh đã đưa các kiến thức về cà phê cho bà con nông dân cũng như người thường uống cà phê hiểu thêm về Cà phê Việt Nam . Tôi là người trồng và thu mua cà phê ở Cầu Đất – Lâm Đồng , tôi và một số nông dân xin có thắc mắc xin hỏi Anh Vịnh, Hiện nay tại Cầu Đất có giống cà phê Fottigan ( tên thường gọi của nông dân ) giá cao hơn loại cà phê Katimo tương đương với giá caphe MoKa xin hỏi Anh Vịnh cho chúng tôi biết thêm về nguồn gốc , chất lượng và sự tồn tại và có nên phát triển thêm loại cà phê này ? với kiến thức và kinh nghiệm của Anh chúng tôi thành thật chờ mong ý kiến của Anh !
Catimor là giống arabica rất dễ trồng, dễ chăm sóc nhất, nên vì thế mà giá thị trường rẻ hơn chăng? Còn giống Fottigan bạn hỏi theo mình có lẻ xuất xứ từ miền Tigan của nước cộng hòa Bukina Faso thuộc vùng Trung Tây Phi. Giống này được đưa vào nước ta sau này do một số tu sĩ Thiên Chúa giáo của Dòng Don Bosco gốc Italya, không được phổ biến như các giống khác.
Các giống cây khi đưa đến một vùng nào đó để trồng thường thay đổi dần, ta thường gọi là địa phương hóa. Trải qua nhiều thế hệ, nó đã thích nghi với khí hậu thổ nhưỡng nên cũng dễ trồng rồi. Vấn đề còn lại là chất lượng.
Nếu bạn cảm nhận được hơn hẳn các giống kia về cả năng suất lẫn chất lượng thì bạn nên áp dụng các cách chọn giống để phát triển. Biết đâu trong tương lai ta lại có một giống cà phê arabica được địa phương hóa mang tên Cầu Đất đàng hoàng bạn nhỉ ! Thân.
Bác Xuân Sơn ơi! mình cũng là nông dân trồng cafe ở cầu đất mà sao mình ít nghe đến loại cà này vậy.
Hôm nào hẹn Bác cho mình thọ giáo với
Ở Xuân Trường – Đalạt trồng cafe catimo rất hiệu quả và chất lượng nữa, hiện tại giá bán 1kg là 57.000đ rồi, giá luôn cao hơn cafe robusta bác ạ.
rất dễ trồng và không cần phải tưới nước nữa.
Cháu chào các bác!
Cháu không hiểu rõ về cà phê lắm. Nhưng công việc của cháu lại có liên quan nhiều đến cây cà phê. Mong các bác giúp đỡ.
Theo cháu được biết hoa cà phê chỉ phát triển trên những cành tơ được hình thành từ năm trước, hiếm khi ra lại trên những đốt đã mang quả trước đây. Nhưng có người nói với cháu là điều này chỉ đúng với cà phê chè và cà phê vối. Còn cà phê mít thì năm sau vẫn có thể ra hoa và đậu quả trên những đốt đã mang quả trước đó. Điều đó có đúng không ạ? Mong các bác giải thích giúp.