Tạm trữ và bài học của nước nông nghiệp

Hai ngày sau khi Bộ Công thương họp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) triển khai chương trình mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ của Chính phủ, giá lúa ở nhiều nơi tại ĐBSCL đã tăng nhẹ trở lại.

Tất nhiên, để giá lúa tăng ở mức có lãi cho nông dân đòi hỏi nhiều yếu tố khác, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các công ty lương thực, VFA, ngân hàng, lãnh đạo các địa phương… Nhưng hiệu ứng ban đầu của chương trình này như vậy là chấp nhận được, thay vì giá lúa tiếp tục giảm không phanh và để người nông dân dài cổ chờ thương lái.

Trước đó vào giữa tháng 4 và giữa tháng 6-2010, Chính phủ cũng có quyết định đồng ý cho mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê và 200.000 tấn muối. Và kết quả chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, giá hai mặt hàng trên đã tăng trở lại, trong đó riêng giá cà phê từ 24.000 đồng/kg tăng vọt lên 29.000 đồng/kg.

Kết quả như vậy là đã rõ, song điều đáng nói ở đây là cả ba chương trình trên đều giống nhau ở một điểm: triển khai trong bối cảnh bị động và giá các mặt hàng trên đã rớt xuống gần đáy. Do đó, có thể khẳng định người nông dân thật sự không hoàn toàn được hưởng lợi từ các chính sách trên, cho dù trên lý thuyết họ phải là người được hưởng nhiều nhất. Bởi do thiếu vốn mà đại bộ phận người dân đều phải “vay trước trả sau” và khi thu hoạch nhiều người đã phải bán tống bán tháo nên khi giá tăng trở lại lợi nhuận chỉ rơi vào một nhóm người.

Là một nước nông nghiệp, bài học trên chắc chắn sẽ còn lặp lại trong thời gian tới, đặc biệt với nhiều nhóm hàng nhạy cảm như gạo, cà phê, tiêu, muối…Nhưng khắc phục bằng cách nào? Nhiều chuyên gia cho rằng điều cần làm trước tiên chính là phải xem lại công tác dự báo thị trường, cung cầu trong và ngoài nước. Ở câu chuyện lúa gạo vừa qua, chính ông Trương Thanh Phong – chủ tịch VFA – cũng thừa nhận khâu dự báo quá kém. Còn nhớ cuối năm 2009, dự báo xuất khẩu gạo của VN năm 2010 là rất khả quan khi nhận định Ấn Độ và nhiều nước khác sẽ mất mùa nên nhu cầu lương thực tăng cao. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường hoàn toàn ngược lại, giá gạo xuất khẩu giảm nhanh đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá lúa gạo trong nước. Tương tự là câu chuyện cà phê. Do đó, nếu cơ quan tham mưu cho Chính phủ dự báo tốt, chính sách mua tạm trữ được ban hành sớm hơn thì sẽ tránh được tình trạng bị động như vừa qua.

Qua bài học mua tạm trữ lúa gạo, cà phê, muối… nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải “luật hóa” việc triển khai các chương trình mua tạm trữ. Trong việc triển khai mua tạm trữ cà phê mới đây, nhiều doanh nghiệp đã than trời vì những thủ tục vay vốn quá nhiêu khê. Khi tiếp cận được vốn và đẩy nhanh việc thu mua thì cũng là thời điểm nhiều hộ dân đã bán hết cà phê với giá rẻ mạt.

Về lâu dài, việc chủ động trong các chính sách mua tạm trữ cũng là một cách tốt nhất để giữ giá xuất khẩu, nếu không nói là chi phối giá trên thị trường thế giới. Bởi ngoài mặt hàng gạo, nhiều mặt hàng nông sản khác như cà phê, tiêu, điều… VN cũng đang chiếm một tỉ trọng xuất khẩu rất lớn trên thị trường thế giới.

>> Kinh doanh cà phê tạm trữ, không dễ…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79