Từ giữa tháng 8 đến nay, giá cà phê nguyên liệu trong nước liên tục giảm mạnh. Tại Đăk Lăk vào thứ bảy (10/9) cà phê xô là 14.500 đồng/kg, cà phê loại 1, 2 giá cao hơn lần lượt 200-300 đồng/kg. Trong khi đó hàng xuất FOB qua cảng Sài Gòn chỉ ở mức khoảng 12.000 đồng/kg.
Đây là mức giá thấp nhất của cà phê Việt Nam trong vòng 9 tháng qua sau những lúc “leo” đến cực điểm 21.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (VICOFA), từ giữa tháng 8 đến nay, giá cà phê nguyên liệu các loại ở thị trường trong nước đã liên tục giảm mạnh. So với mức giá VnExpress khảo sát từ Đăk Lăk, trang web của Vicofa thông báo giá cà phê tại Lâm Đồng còn thấp hơn nhiều, ở mức 13.800 đồng/kg đối với cà phê Robusta loại 1, loại 2 giá thấp hơn 500 đồng/kg, loại xô chỉ còn 12.800 đồng/kg. Giới kinh doanh cà phê còn dự báo tới đây giá cà phê sẽ tiếp tục giảm và đứng ở mức thấp cho tới cuối năm.
Giá cà phê tại Việt Nam giảm trong bối cảnh nguồn cung đã cạn, mùa thu hoạch mới chưa tới. Giới kinh doanh cà phê lý giải nguyên nhân là các quỹ đầu cơ thế giới tung hàng ra bán, kéo giá xuống thấp. Cuối tuần qua, giá cà phê Robusta giao dịch tại Indonesia (FOB Lampung) đã giảm 1,75 US cent/kg xuống còn 89,75 US cent/kg. Còn Reuters cho hay, hôm qua giá Robusta giao dịch tại sàn Tokyo cho kỳ hạn giao hàng ngay tháng 9 giảm đến 210 yen/100kg so với ngày trước, còn 10.280 yen/kg vào giờ đóng cửa. Trong khi đó, các kỳ hạn giao hàng vào năm 2006 giá vẫn tăng cao.
Theo Vicofa, 8 tháng đầu niên vụ 2004-2005, sản lượng cà phê xuất khẩu trong cả nước đạt gần 600.000 tấn với giá bình quân 689,7 USD/tấn. So với cùng kỳ vụ trước, kim ngạch tăng 4,3% do đơn giá trung bình tăng 6,2% nhưng sản lượng giảm tới 1,8%.
Trong khi ngành cà phê thế giới đang vượt qua khó khăn sau 5 năm khủng hoảng, giá xuất khẩu đang có tiến triển tốt thì sản lượng cà phê của Việt Nam lại sụt giảm. Không những thế, cà phê Việt Nam còn những hạn chế nhất định về chất lượng và công tác trồng trọt, chế biến.
Theo Hiệp hội Cà phê thế giới, tiêu dùng cà phê nội địa của các nước thành viên là 25,16% sản lượng, riêng Việt Nam chỉ đạt 3,57% – thấp nhất trong số các nước sản xuất cà phê. Do đó, Việt Nam có thể đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước. Song, điều cốt yếu để nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu là Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất cà phê chất lượng cao.
Thứ hai vừa qua, Ban kỹ thuật TCVN/TC/F16 về tiêu chuẩn cà phê và các sản phẩm từ cà phê đã họp lấy ý kiến một số nhà kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê tại Việt Nam, về việc rà soát lại bản tiêu chuẩn Nhà nước đối với yêu cầu kỹ thuật cà phê nhân sống xuất khẩu TCVN 4193:2001. Đây là những cơ sở để Ban kỹ thuật xem xét khi xây dựng TCVN 4193:2005.
Nguồn: VNexpress