Là quốc gia có sản lượng cà – phê lớn nhất thế giới, nhưng cà – phê Việt Nam lại chưa có thương hiệu riêng trên thị trường thế giới, chất lượng cà – phê chậm cải thiện do không áp dụng theo các quy trình chuẩn.
Điều này dẫn đến giá cà – phê nhân xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn các sản phẩm cùng loại. Song đây mới chỉ là những ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Theo ước tính của Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), do những hạn chế về điều kiện thu hái, bảo quản đã khiến cà – phê Việt Nam giảm ít nhất 10% về giá trị. Như vậy, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,7 tỉ USD, mỗi năm ngành cà – phê nước ta thiệt hại ít nhất 170 triệu USD (khoảng trên 3.000 tỉ đồng).
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Agroinfo) còn chỉ ra: Về xu hướng tiêu dùng cà – phê thế giới, khối lượng cà – phê hữu cơ và cà – phê có chứng nhận xuất xứ đã tăng lên nhanh chóng.
Năm 2008, cơ cấu tiêu dùng cà phê có chứng chỉ RFA của Tổ chức Rainforest Alliance đã chiếm 22% và cà-phê được chứng nhận toàn cầu (UTZ) là 27%, tăng lần lượt 6% và 5% so với năm 2006. Trong thời gian này, tiêu dùng loại cà – phê thông thường (fairtrade) cũng đã giảm mạnh từ 31% xuống còn 23%.
Còn theo số liệu của Tổ chức Rainforest Alliance, giai đoạn 2003-2009, tiêu dùng cà -phê có chứng chỉ RFA đã tăng hơn 10 lần và đạt 87.583 tấn trong năm 2009. Trong số này, thị trường tiêu thụ lớn nhất là khu vực EU, sau đó là Mỹ, Ca-na-da, Nhật Bản và Australia. Đặc biệt, loại cà – phê này đã lần đầu tiên tiếp cận được với thị trường Anh, vốn có thói quen sử dụng chè.
Ở nước ta sản xuất cà – phê theo hướng bền vững cũng được ngành cà – phê khuyến khích. Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà – phê (4C) đã được giới thiệu và đưa vào áp dụng ở Việt Nam từ năm 2006, có 133 thành viên trồng, kinh doanh, chế biến, xuất khẩu như Thái Hòa, Nestlé v.v… tham gia. Tổ chức Rainforest Alliance đã đặt văn phòng đại diện, đang xúc tiến một số hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả mới chỉ dừng lại ở “mô hình trình diễn”. Nguyên nhân của việc chậm áp dụng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng cà – phê được cho là do: Về mặt chính sách, Nhà nước tuy ủng hộ và khuyến khích việc đưa các quy trình này vào áp dụng, nhưng với ngân sách hạn chế nên hoạt động này chưa được lồng ghép với các hoạt động khuyến nông.
Các doanh nghiệp mặc dù biết rõ lợi ích của sản xuất cà phê theo quy trình, được cấp chứng chỉ sẽ làm tăng giá trị của cà – phê nhưng do năng lực tài chính còn hạn chế, nên các doanh nghiệp chỉ triển khai dự án trên phạm vi nhỏ. Hoạt động của các dự án này chủ yếu dưới dạng tập huấn và phổ biến thông tin.
Đối với người trồng cà – phê, chênh lệch giá thu mua cà – phê nhân sản xuất theo quy trình và chăm sóc truyền thống trên thị trường tự do không lớn, nên chưa tạo được động lực để họ thay đổi nhận thức và hành động.
Một nguyên nhân nữa là việc cải tiến quy chuẩn chất lượng cà – phê diễn ra chậm, nỗ lực đưa tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam (TCVN 4193: 2005) ngang bằng với tiêu chuẩn quốc tế chưa được các doanh nghiệp đón nhận. Hiện các doanh nghiệp và đơn vị rang xay vẫn sử dụng tiêu chuẩn cũ (TVCN 4293: 2003) và trông chờ cơ quan chức năng ban hành tiêu chuẩn kĩ thuật mới tương đương với tiêu chuẩn quốc tế ISO 10470.
Thời gian tới, điều gì sẽ xảy ra đối với ngành cà- phê Việt Nam, nếu các nước tiêu thụ cà – phê chính như Mỹ, EU (tiêu dùng bình quân của Mỹ đạt 4,17 kg/người/năm, đối với Phần Lan là 12,62 kg/người/năm) chuyển sang tiêu thụ cà-phê đặc sản và cà-phê có chứng nhận?.
“Chắc chắn xuất khẩu cà-phê của Việt Nam sẽ bất lợi hơn về giá và thị trường”, ông Trịnh Văn Tiến, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển của Agroinfo, nhìn nhận. Bên cạnh đó, cà phê Việt Nam còn có thể gặp phải các rào cản kĩ thuật trong khuôn khổ WTO, khi thâm nhập các thị trường Mỹ và EU. “Vì vậy, nếu ngành không sớm có những thay đổi thì khó khăn sẽ ngày càng tăng lên. Thực tế như hồ tiêu và gỗ đang “vấp” phải tại thị trường Mỹ chính là những ví dụ cụ thể”.
Tuy nhiên, nâng cao chất lượng cà phê không phải là việc làm cho kết quả ngay, “để đạt được các chứng chỉ UTZ hay RFA của Tổ chức Rainforest Alliance thời gian cũng phải mất hàng năm”, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà – phê Ca -cao Việt Nam cho biết.
Trước mắt, các cơ quan chức năng cần xem xét và điều chỉnh các tiêu chuẩn kĩ thuật đối với cà – phê cho phù hợp với tiêu chuẩn thế giới. Đây chính là biện pháp quản lí chất lượng đầu ra sản phẩm và làm tăng uy tín sản phẩm cà phê trên thị trường quốc tế.
Về phía Hiệp hội cần xây dựng Chương trình thương hiệu cà – phê Việt Nam để đề xuất với Chính phủ cho phép thực hiện
Xem thêm:
Đối với người nông dân nghèo chúng tôi thì phải nhờ các nhà khoa học, các chuyên gia hướng dẫn để chúng tôi làm theo. Tiêu chí của chúng tôi là cái gì có lợi ích thực tiển thì chúng tôi sẽ cố gắng làm và quyết phải làm được, nghĩa là phải có lãi hơn và không nhiêu khê, rườm rà, phức tạp. Muốn được vậy thì Vicofa phải hỗ trợ chúng tôi những gì mà chúng tôi cần cho quá trình sản xuất, làm ra sản phẩm…chứ không phải hỗ trợ những cái gì mà Vicofa có. Nghĩa là phải lắng nghe chúng tôi, giúp đỡ khi chúng tôi cần, đứng về phía chúng tôi, vì quyền lợi của chúng tôi…thì bất cứ những yêu cầu đổi thay gì mà có lợi cho nông dân, cho nền kinh tế của nước nhà thì chúng tôi quyết làm theo. Đó cũng là mong muốn để chúng tôi thoát nghèo !