Tin buồn

Gặp khó trong thu mua cà phê tạm trữ

Sự chậm trễ trong việc triển khai thu mua cà phê tạm trữ một lần nữa cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của ngành cà phê Việt Nam.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian từ ngày 15/4 đến 15/7, 13 doanh nghiệp được chỉ định thu mua cà phê dự trữ cho nông dân sẽ được vay vốn với mức hỗ trợ lãi suất 6%/năm trong thời hạn tối đa là 6 tháng. Tuy nhiên, sau 2 tháng triển khai, đến thời điểm này, các doanh nghiệp mới chỉ mua được trên 10.000 tấn, trong tổng số 200.000 tấn dự kiến thu mua.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư sáng 15/6, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, có khả năng, việc thu mua không đạt số lượng dự kiến, do giá cà phê trên thị trường tăng cao. Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khiến việc thu mua triển khai chậm, trong đó yếu tố chính là “độ trễ của chính sách”.

Mặc dù vậy, theo ông Tự, kế hoạch thu mua đã đạt được một mục đích là làm cho giá cà phê trên thị trường tăng lên. “Việc mua dự trữ cà phê nhằm điều tiết thị trường trong từng giai đoạn, giảm lượng cà phê bán ra trong lúc giá đang sụt giảm, chờ thời điểm giá tăng”, ông Tự nói và cho biết, theo bản tin của VICOFA, giá cà phê trong nước đang ở mức 25.000 đồng/kg, giá cà phê giao dịch tại sàn LIFE (London) là 1.400 – 1.500 USD/tấn.

Qua tìm hiểu, được biết, hiện một số doanh nghiệp được chỉ định thu mua cà phê tạm trữ vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn giải ngân từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương. Do việc giải ngân chỉ tập trung vào một ngân hàng, tiến độ chậm, nên có doanh nghiệp vẫn chưa mua được lượng cà phê nào.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, một chuyên gia phân tích ngành hàng cà phê cho rằng, việc thu mua cà phê tạm trữ tiếp tục gặp khó khăn, do mức giá mua trung bình mà các doanh nghiệp đưa ra là 23.000 đồng/kg đối với cà phê robusta loại 2, trong khi giá thị trường hiện đã là 24.000 đồng/kg.

Theo chuyên gia này, các doanh nghiệp kinh doanh cà phê phản ứng rất chậm, thậm chí gần như “buông xuôi” trong sự biến động của giá cà phê thế giới. “Nhìn lại diễn biến thị trường cà phê từ đầu năm đến nay, có thể thấy, doanh nghiệp không có động thái dứt khoát nào nhằm chặn đà giảm giá của mặt hàng này”, vị chuyên gia này nói.

Ngay trong tháng đầu năm 2010, giá cà phê trong nước sụt giảm từ 24.500 đồng/kg xuống 23.000 đồng/kg, sau đó liên tục giảm, có lúc chỉ còn 22.000 đồng/kg cà phê nhân xô (mức thấp nhất kể từ năm 2008). Trong tình hình đó, thay vì ngừng bán để chặn đà suy giảm, thì các doanh nghiệp lại tiếp tục bán ra một cách ồ ạt, khiến cho giá cà phê tụt dốc thê thảm.

Theo phân tích, phương thức bán hàng trừ lùi (giao xa nhưng không chốt giá) của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê Việt Nam đã tạo cơ hội để các nhà thu mua ép giá. Theo phương thức bán hàng này, các nhà thu mua đã ứng trước cho doanh nghiệp bán hàng 70% giá trị lượng hàng, nên họ biết rõ rằng, các doanh nghiệp cần phải có hàng giao theo hợp đồng, buộc phải chấp nhận thua lỗ để không vi phạm hợp đồng.

Ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp ngành cà phê phân tích, tổng sản lượng cà phê toàn thế giới niên vụ 2009-2010 là 123 triệu bao, trong khi nhu cầu tiêu thụ vào khoảng 132 triệu bao. Dù cung thấp hơn cầu, nhưng giá cà phê năm nay diễn biến khá phức tạp, xuống thấp vào đầu niên vụ và tăng vào tháng 5, tháng 6 – thời điểm nguồn cung cà phê ra thị trường tăng lên đáng kể, do hai nước có sản lượng cà phê lớn là Indonesia và Brazil vào vụ thu hoạch.

“Có sản lượng cà phê vối chiếm 14,3% thị phần thế giới, nhưng cà phê Việt Nam hầu như không có vai trò gì trong việc điều tiết thị trường”, ông Nhạn nói và cho rằng, việc thu mua cà phê tạm trữ là rất đúng đắn, vấn đề quan trọng là thời điểm triển khai. Các quốc gia sản xuất cà phê lớn đều có quỹ hỗ trợ cà phê để ứng phó với biến động thị trường.

Bên cạnh đó, theo ông Nhạn, Việt Nam cần có phương thức hỗ trợ trực tiếp cho người trồng cà phê, như cho vay hỗ trợ lãi suất hoặc khoanh nợ. Hiện tại, nông dân phải vay vốn để sản xuất, nên khi kết thúc mùa vụ, họ cần tiền trả nợ, nên tung hàng ra bán ồ ạt, càng khiến giá cà phê giảm giá.

Theo tính toán, trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu trên 600.000 tấn cà phê, trị giá trên 700 USD, giảm 15% về lượng và 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Dự kiến, xuất khẩu cà phê năm 2010 chỉ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 40% so với năm 2009.

Theo Báo Đầu Tư

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77