Ngành cà phê: Loay hoay với bài toán hiệu quả

Dù đã trở thành nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta vẫn hoàn toàn bị động trước những biến động của thị trường thế giới.

Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên
Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên

Xuất nhiều, hưởng lợi ít

Hàng năm, nước ta xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn cà phê (chủ yếu là cà phê robusta) tới 80 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 10 nước là bạn hàng lớn. Có 26 đầu mối và doanh nghiệp nước ngoài mua trực tiếp cà phê Việt Nam.

Trong nước có đến 126 doanh nghiệp xuất khẩu cùng hơn 3.000 đại lý thu mua. Hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng tiêu chuẩn cũ (phân loại theo độ ẩm, đen vỡ) trong thu mua, chế biến cà phê, thậm chí mua sô, bán sô không theo một tiêu chuẩn nào. Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng TCVN 4193:2005 trong mua bán chỉ chiếm không đến 1%. Điều này đã làm xấu đi hình ảnh cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trong khi đó có tới 95% sản lượng cà phê nước ta sản xuất ra là để xuất khẩu, còn tiêu dùng nội địa chỉ chiếm 5%. Giá cà phê tại thị trường London và New York lên xuống thất thường làm cho các doanh nghiệp bán trừ lùi giao hàng xa chưa chốt giá lâm vào tình trạng thua lỗ nặng.

Ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa cho biết, mỗi năm Brazil sản xuất được 2,5 triệu tấn cà phê, trong đó có 600.000 tấn cà phê robusta (100% dùng để chế biến cà phê hòa tan). Với hơn 100 triệu dân, bình quân mỗi người tiêu dùng 4,5kg cà phê thì lượng tiêu thụ trong nước của Brazil đã khoảng 450.000 tấn, chiếm phần lớn sản lượng cà phê robusta nên họ không bị ảnh hưởng bởi giá quốc tế.

Còn ở nước ta, tính đến thời điểm hiện nay mới chế biến được khoảng 10.000 tấn và cân đối trong vòng 5 năm tới nâng lên mức 30.000 tấn (tương đương với 100.000 tấn cà phê nhân). Như vậy chẳng thấm tháp vào đâu so với 1 triệu tấn cà phê mà người dân sản xuất ra mỗi năm. Thêm vào đó, tiêu dùng nội địa cũng rất thấp, chưa được 0,5kg/người/năm. Vì thế, ngành cà phê nước ta phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thái Hoà cũng cho biết, Việt Nam hiện có trên 100 nhà máy chế biến cà phê nhân với tổng công suất trên dưới 1 triệu tấn/năm. Nhưng dường như hệ thống này lại không phát huy được hiệu quả. Nhiều nhà máy xây dựng tốn cả mấy chục tỷ đồng nhưng chỉ hoạt động cầm chừng, khoảng 20-30% công suất. Trong khi đó, cà phê chế biến thủ công tại các hộ gia đình lại chiếm tới 80% tổng sản lượng.

“Chúng ta đã quá lãng phí khi đầu tư vào các nhà máy chế biến trong khi nhiều hộ nông dân vẫn thiếu sân phơi, máy sấy để sơ chế cà phê. Hệ quả là, chất lượng cà phê Việt Nam bị sụt giảm nghiêm trọng. Hằng năm, cà phê kém chất lượng của Việt Nam bị thải loại trên thị trường chiếm tới gần 80% số lượng bị thải loại của cả thế giới. Nếu không có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho ngành cà phê thì hình ảnh cà phê nước ta luôn mang tiếng xấu” – ông Nguyễn Thái Hòa nhận xét.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam Lương Văn Tự cho biết khi phần lớn doanh thu 80 tỷ USD của ngành cà phê thế giới đều rơi vào tay các nhà chế biến, rang xay trên thế giới. Trong khi các nước sản xuất cà phê (trong đó có Việt Nam) lại chỉ được hưởng một phần rất nhỏ, chừng 11-13 tỷ USD, nên phần lợi thu được chẳng đáng là bao.

Giảm rủi ro, tăng hiệu quả

Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk – thủ phủ của ngành cà phê nước ta cho hay: “Năm 2009, tổng diện tích cà phê của tỉnh Đắk Lắk là 180.000ha (vượt so với quy hoạch 30.000ha) với sản lượng khoảng 380.000 tấn. Diện tích cà phê do dân trồng chiếm tới 85% với số lượng hộ dân rất lớn, khoảng 180.500 hộ. Theo ông Đông, trăn trở lớn nhất của tỉnh hiện nay là giá mua của doanh nghiệp chưa có sự khác biệt giữa cà phê xanh và chín, trong khi thời tiết những năm gần đây thường diễn biến phức tạp cho nên người dân thường có xu hướng hái cà phê xanh cho chắc ăn.

Ông Nguyễn Đức Luyện, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Nông, lo ngại việc phá vỡ quy hoạch diện tích cà phê sẽ ảnh hưởng tới diện tích rừng, cũng như lượng nước trên địa bàn. “Mặc dù cà phê đóng góp tới 40% GDP của tỉnh, nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Năng suất cà phê đạt 2 tấn/ha mà bán với giá 24 triệu đồng/tấn thì nông dân bị lỗ. Thêm vào đó, hiệu quả kinh tế từ cây cà phê cũng không cao bằng những cây trồng khác, nhất là đối với diện tích già cỗi, sâu bệnh. Vì thế, việc rà soát lại quy hoạch diện tích trồng cà phê là cực kỳ cần thiết cho việc hoạch định và phát triển ngành cà phê” – ông Luyện bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Luyện cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT nên có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người trồng cà phê, còn với chính sách thu mua tạm trữ như vừa qua, do ban hành quá muộn nên nhiều hộ dân đã bán hết cà phê, không được hưởng lợi gì.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đề nghị Chính phủ: Cho phép xây dựng chương trình phát triển cà phê bền vững đến năm 2020; xem xét thành lập Ban điều phối quốc gia ngành hàng cà phê; thí điểm thành lập Quỹ hỗ trợ rủi ro của ngành; thực hiện cơ chế hỗ trợ mua tạm trữ cà phê chủ động khi thu hoạch tập trung và thị trường tiêu thụ khó khăn để hạn chế rớt giá; xem xét đưa cà phê vào mặt hàng cần can thiệp về giá thu mua như mặt hàng gạo, để đảm bảo cho người sản xuất có mức lợi nhuận tối thiểu cần thiết khi gặp rủi ro về thị trường

Theo tinh thần của Chính phủ, việc thu mua tạm trữ cà phê phải hướng tới 2 mục tiêu: Đảm bảo tiêu thụ, hỗ trợ cho nông dân, khi giá xuống họ không bị điêu đứng; Điều tiết được giá xuất khẩu có lợi nhất, chứ không để tình trạng thấy giá xuống thì cứ ào ào xuất ra, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người dân.(Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT).

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyễn Thành Tâm

    Đến nay Nhà Nước đã mua tạm trữ được bao nhiêu tấn cà phê rồi? Bác nào có thông tin cho mình biết với, chẳng thấy thông tin gì cả, làm ăn kiểu này chắc chết quá, sao sống nổi chứ.

  2. Lê văn Tới

    Ô chú Thịnh hôm nay post tấm hình cây cà phê quá đẹp. Thành thật cám ơn chú.
    Thi hoa hậu để phô diễn cái đẹp, người ta mới nức lòng hướng về cái đẹp, làm xã hội ngày càng đẹp hơn, từ trong nhà ngoài phố. Hướng tới Chân Thiện Mỹ mà.
    Còn cái cây bửa trước nhìn chán quá, chỉ muốn vô nhà lấy cái cưa ra…cưa, hehe..
    Cám ơn chú.

  3. Lê văn Tới

    Ừ nhỉ! Nhìn không kỹ nên tưởng hình thật.
    Đúng là thời kỳ đồ giả, cái gì cũng giả được, hehe.
    Hậu sinh khả úy thực. Nghe bên Trung quốc còn bán “cái tem” giả nữa đó, giá bèo 700K/cái đó bilamsao ạ. Hehe

  4. sonhai_le2010

    cac bac oi tôi cung lam ca phê ,ở dó tôi vẫn nghĩ là thạt chứ không giả đâu tuy nhiên một sào cũng được vài ba cây vậy thôi ,có thể còn hơn do nữa nhưng để vậy chơi chứ bán mà giá này thì thì công hái ra để bán cho có công ăn việc làm thôi.

  5. Đoàn Hiếu Quốc

    Thực tình mà nói thì câu chuyện cây cà phê nói riêng và nông nghiệp nước nhà nói chung là vấn đề muôn thuở, là bộ phim nhiều tập…

    Cũng phải thú nhận rằng làm gì mà không xuất khẩu được thì chúng ta khó lòng mà trụ nổi vì bán ở nhà đụng chợ chỉ có nước tiêu táng đường, nhưng bàn đến xuất khẩu thì nó mang một tầm khác vượt qua giới hạn của những người nông dân, nói ra điều này có nghĩa là phụ thuộc vào các điều kiện vĩ mô, tầm nhìn chiến lược và cái tâm của những người làm công tác qui hoạch chiến lược, chúng ta đừng sợ sai lầm.

    Chúng ta phải mạnh dạn làm cho đến ngọn ngành của từng yếu tố và tôi xin nhắc lại là chúng ta chỉ nên dùng một từ thôi đó là từ “làm”.

Tin đã đăng