Giá cà phê trở lại xu hướng trái chiều (28/01/2020)

 WHO nâng cảnh báo lên mức toàn cầu không chỉ cho thấy mức độ trầm trọng của dịch bệnh do virus corona ở Vũ Hán, Trung Quốc gây ra mà còn góp phần làm cho thương mại toàn cầu trở nên suy yếu hơn khi dòng vốn đầu cơ tiếp tục đi tìm nơi trú ẩn và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục giảm thấp.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T5/2020 phiên ngày 27/01/2020

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 9 USD, lên 1.328 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 3 USD, lên 1.339 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 3,55 cent/lb, xuống 106,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 cũng giảm thêm 3,55 cent/lb, còn 108,85 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 đồng, lên dao động trong khung 31.100 – 31.700 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.409 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 50 – 70 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.

Tỷ giá đồng Reais giảm 0,54% xuống ở mức 1 USD = 4,2180 Reais do tiếp tục phản ứng tiêu cực với thông tin dịch bệnh gia tăng tại Trung Quốc và việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều chỉnh cảnh báo lên mức toàn cầu, trong khi Brasil là đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này.

Brasil tiếp tục duy trì sức bán cà phê giao sau do tỷ giá đồng Reais hiện đang có lợi để nông dân đẩy mạnh bán hàng nông sản xuất khẩu vì họ sẽ thu về được nhiều nội tệ hơn, trong khi các dự báo đều cho thấy thu hoạch vụ mùa cà phê mới năm nay họ sẽ đạt mức kỷ lục với hơn 60 triệu bao cà phê các loại.

Giá cà phê diễn biến trái chiều trên hai sàn kỳ hạn không chỉ cho thấy sự trở lại của “gấu đầu cơ” trên sàn New York mà còn phản ánh nhu cầu tiêu thụ của toàn cầu trong ngắn và trung hạn. Nguồn cung cà phê Conilon Robusta từ Brasil bắt đầu có dấu hiệu khô cạn do đã đẩy mạnh xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2019. Indonesia tiếp tục giữ lại khoảng hơn một nửa sản lượng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Xuất khẩu Việt Nam tiếp tục đòi hỏi mức giá chênh lệch cộng lên tới 100 USD/tấn theo giá London…

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

77