Giao dịch cà phê kỳ hạn: cũ người nhưng khó ta

Các sàn giao dịch hàng hóa, trong đó có cà phê trên thế giới đã tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm như sàn giao dịch cà phê robusta ở London mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thường xuyên giao dịch. Thế nhưng, khi Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột dự kiến đưa sản phẩm giao dịch cà phê kỳ hạn vào hoạt động vào tháng 4 này thì hàng loạt vấn đề nảy sinh.

Các chuyên gia ngân hàng, sàn giao dịch, nhà kinh tế đang trao đổi với các đại biểu tham gia hội thảo giới thiệu sản phẩm giao dịch cà phê kỳ hạn
Các chuyên gia ngân hàng, sàn giao dịch, nhà kinh tế đang trao đổi với các đại biểu tham gia hội thảo giới thiệu sản phẩm giao dịch cà phê kỳ hạn

Xem thêm: Giao dịch cà phê cũng khớp lệnh

Có ít nhất 300 đại biểu tham gia hội thảo giới thiệu sàn giao dịch cà phê robusta kỳ hạn do Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tổ chức sáng ngày 15-4 tại TPHCM, trong đó ngoài giới kinh doanh cà phê, còn có nhiều nhà đầu tư chứng khoán, đầu tư vàng, các công ty chứng khoán, các ngân hàng tham gia.

Có lẽ các nhà đầu tư tài chính thuần túy lần đầu tiên nghe nói về cà phê kỳ hạn không khỏi băn khoăn, bởi ngay chính những nhà kinh doanh cà phê, đang có tham gia giao dịch với sàn Liffe của Anh hay Nybot của Mỹ còn tranh luận quyết liệt và xem ra, giao dịch hàng hóa kỳ hạn khá cũ với các nước nhưng ở Việt Nam việc ra đời không hề đơn giản chút nào.

Điều kiện chín muồi

Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, ngân hàng ủy thác thanh toán, lưu ký cà phê tại sàn, cho rằng hiện nay là thời gian chín muồi để phát triển thị trường cà phê kỳ hạn. Ngoài kinh nghiệm mà các doanh nghiệp kinh doanh cà phê đã tham gia giao dịch kỳ hạn với các sàn cà phê quốc tế từ năm 2004 tới nay, thì nay, theo ông, song hành là thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản, các quỹ đầu tư trong nước… đã phát triển mạnh.

“Đây là điều kiện cần và đủ cho sàn giao dịch hàng hóa hoạt động, giúp các nhà đầu tư trong nước đa dạng hơn danh mục đầu tư của mình”, ông Thắng nói nhưng cũng thừa nhận, trong thời gian đầu, sàn sẽ gặp khó khăn như từng xảy ra khi thị trường chứng khoán Việt Nam mới hình thành chục năm trước.

Không dùng nhiều từ hoa mỹ để nói về sàn như nhiều người khác, ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc BCEC, chỉ hy vọng sàn giao dịch cà phê kỳ hạn – hiện tại còn đang bàn thảo chưa biết cụ thể ngày hoạt động chính thức – mà giá cà phê giao dịch qua sàn trở thành giá tham chiếu trước mắt là cho doanh nghiệp kinh doanh và nông dân trồng cà phê trong nước.

“Khi nào người nông dân bán cà phê xem giá của chúng tôi, doanh nghiệp mua cà phê xem giá của chúng tôi, thậm chí các thị trường giao dịch cà phê lớn như Liffe hay Nybot cũng “nhìn” giá chúng tôi khi Việt Nam có sản lượng cà phê robusta lớn nhất thế giới là chúng tôi thành công chút đỉnh”, ông Hà ước vọng.

Nhưng không dễ

Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tài chính vàng thế giới (VTG) không lạ gì các thuật ngữ trong giao dịch cà phê kỳ hạn mà BCEC giới thiệu, bởi nó chẳng khác giao dịch chứng khoán là mấy. Cái mà ông Chánh quan tâm là nếu sàn có nhiều nhà đầu tư tài chính tham gia thì rủi ro cho sàn càng bớt. Với các sàn vàng đã từng đóng cửa thì giao dịch gần như hoàn toàn bằng giấy (còn gọi là kinh doanh vàng tài khoản), còn với cà phê, ông Chánh hỏi BCEC, là giao dịch có vẻ có cả hai, vừa cà phê thật, vừa cà phê giấy. Câu trả lời là có cả hai.

Sau đó bên lề hội thảo, ông Chánh nói đang làm việc với BCEC để ký hợp đồng làm thành viên môi giới tổ chức cho các nhà đầu tư mua bán ngay tại TPHCM, tương tự như công ty chứng khoán là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM.

Thế nhưng một nhà đầu tư tài chính tên Bình lại lo ngại khi biên độ dao động giá của cà phê kỳ hạn chỉ có 4% trong khi bước nhảy giá lại quá cao, 50 đồng/kg tức 50.000 đồng/tấn. “Nếu thị trường cà phê thế giới có vấn đề như mất mùa, thiên tai thì giá thế giới trong 1 đêm có thể biến động mạnh trong khi chúng ta chỉ cho phép xê dịch ở 4% so với giá tham chiếu có vẻ không hợp, không theo sát giá thế giới”, ông nói.

Ngoài ra, bước nhảy giá, theo ông là quá cao, vì doanh nghiệp kinh doanh cà phê hay nhà đầu tư tài chính tham gia giao dịch trên sàn quốc tế chỉ cần nhảy giá 20.000 đồng/tấn (hơn 1 đô la Mỹ) là mua hay bán ngay. Ông Phạm Quang Thắng cũng đồng tình và đề xuất bước nhảy giá nên 20 đồng/kg (20.000 đồng/tấn), thậm chí là thấp hơn để tạo sân chơi cho nông dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong xã hội.

Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư tài chính e ngại sàn cà phê kỳ hạn trong tương lai lại trở thành sân chơi cho giới đầu cơ, làm giá thị trường và khi ấy, giá cà phê của sàn không còn phản ánh giá cho thị trường cà phê trong nước.

Ông Nguyễn Tuấn Hà cho rằng nhà đầu tư tham gia sàn và cả sàn, đều bị điều chỉnh bởi các định chế của Luật Thương mại, nghị định hướng dẫn về sàn giao dịch hàng hóa và thông tư quy định của Bộ Công Thương. “Do vậy trong tương lai, chúng tôi sẽ tiến dần tới xây dựng Sở giao dịch hàng hóa, bao gồm cả cà phê, cao su, bắp, những mặt hàng có thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên”, ông Hà giải thích.

Hiện tại, buổi sáng ở BCEC vẫn giao dịch cà phê giao ngay bình thường như từ khi nó ra đời cách nay gần 2 năm, còn sắp tới, khi có giao dịch kỳ hạn thì phần giao dịch kỳ hạn sẽ chuyển sang buổi chiều, dự kiến từ 15 tới 19 giờ.

Một số doanh nghiệp cho rằng một lô giao dịch (Lot) 5 tấn là quá cao. Trước đây, Liffe của Anh 1 lô có 5 tấn nay họ tăng lên 10 tấn nhưng ở Việt Nam, giao dịch kỳ hạn còn quá mới mẻ, nếu muốn hình thành thị trường cho số đông người tham gia như nông dân, đại lý, doanh nghiệp kinh doanh cà phê thì lô giao dịch nên thấp xuống, thậm chí có thể 1 tấn cà phê.

Ông Vân Thanh Huy, Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu cà phê Inexim Dak Lak, người có thâm niên giao dịch cà phê qua các sàn quốc tế, cho rằng việc triển khai giao dịch cà phê kỳ hạn của BCEC quá chậm chạp. Theo thông tin mà ông cung cấp thì hiện tại, ngoài NYBOT và LIFFE mà doanh nghiệp Việt Nam thường tham gia, mới đây, sàn hàng hóa Sicom của Singapore cũng sang Việt Nam mời doanh nghiệp tham gia. “Nếu chúng ta chậm nữa giao dịch cà phê kỳ hạn sẽ trở thành thị trường cho các sàn nước ngoài vào chiếm chỗ”, ông Huy lo ngại.

Với những tranh luận, góp ý như thế, bên lề hội thảo nhiều doanh nghiệp, cho rằng điều kiện để sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn đầu tiên của Việt Nam là cà phê đã chín muồi nhưng có lẽ sàn phải mất thêm một thời gian nữa mới có thể hoạt động chứ không như dự kiến vào tháng Tư này của BCEC.

> Nông dân chân đất bước vào sàn giao dịch

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. bilamsao

    Bước đầu để bảo vệ cho cả người mua và người bán (tạm gọi là nhà giao dịch), nên có biên độ dao động giá hàng ngày phù hợp, sau đó tăng dần và tiến tới không áp biên độ dao động. Lô giao dịch không nên lớn hơn 2 tấn, không nhỏ hơn 1 tấn để: a. Thu hút nông dân, đại lí nhỏ bán vào, các nhà rang xay nhỏ có điều kiện tiếp cận mua ra. b. 1 tấn ban đầu có khó khăn cho bên giám định chất lượng, nhưng sẽ là uy tín sau này.
    Không nên để sàn Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào các sàn khác trên thế giới, như thế mới có thể tiến tới chủ động về giá, nguồn hàng, chủ động giao dịch trong nước, tiếp cận được khách hàng quốc tế, điều khiển thị trường có lợi cho cà phê Việt. Tạo được uy tín thì một lúc nào đó sàn chúng ta sẽ là sàn trung tâm.
    Thiện chí là phí giao dịch rẻ, giao hàng cho các nước lân cận(khác Mỹ và Châu Âu), tiếp cận thị trường mới, chủ động thị phần trên thế giới. Độc lập!
    Nói thêm rằng Việt Nam không thiếu nông sản, cà phê, tiêu, cao su, lúa, điều, sắn…..nhưng sàn giao dịch thì là nỗi buồn của chúng ta.

  2. Tran Quang

    Theo tôi việc đầu tiên và quan trọng nhất là thu hút nông dân và các đại lý nhỏ lẻ vào tham gia (như anh bilamsao nói). Nông dân đang phụ thuộc quá nhiều vào vốn sản xuất, không có vốn buộc phải đi vay các đại lý, do vậy việc bán cho tư thương và bị ép giá là căn bệnh trầm kha lặp đi lặp lại suốt cả đời họ, làm sao cho họ thoát khỏi căn bệnh này và tự chủ trong sản xuất là OK.
    Muốn làm điều này các quỹ tài chính và ngân hàng làm nhịp cầu tốt nhất để đưa nông dân vào tham gia sàn giao dịch.

  3. trần hưng

    Ông Nguyễn Tuấn Hà giám đốc BCEC nói đúng.
    Nhưng chỉ đúng có 1 phần thôi. Bởi vì dân bán hạt cà phê do mình sản xuất rất mong giá cao để mong có lãi nhiều sau khi trừ chi phí đầu tư cho vườn cà phê. Chúng tôi muốn nhìn giá của BCEC khi mà nó luôn cao hơn và khác biệt nhiều với LIFFE và NYBOTT chứ nhìn thấy giá của BCEC bằng giá LIFFE trừ lùi đi 70-100 USD / tấn thì chẳng ai nuốn nhìn làm gì!
    Với lại giá cao hơn mà có giao dịch mua bán chứ cứ cho giá cao mà chẳng có chổ nào chịu mua cho mình thì cũng…như không!

  4. Hoàng Trọng

    Đã hoạt động sàn giao dịch kỳ hạn thì không tránh khỏi hiện tượng đầu cơ. Vì nước ta có sản lượng xuất khẩu cà phê Rosbusta lớn nhất thế giới và chủ yếu là xuất khẩu, chứ ti6u thụ nội địa không đáng là bao, do đó nên chăng giai đoạn đầu BCEC cứ áp giá giao dịch theo giá thế giới, nhằm tránh hiện tượng làm giá(như sàn vàng vừa qua), giai đoạn sau tự cung cầu quyết định.

    Lúc đó nông dân không còn sợ bị ép giá hay thao túng giá. Khi cung cầu quyết định giá, thì sợ gì đầu cơ trong nước, hay đầu cơ thế giới ép giá nông dân nữa. Hơn nữa, khi đó cơ sở phân tích và dự báo giá cà phê sẽ chủ quan hơn, chính xác hơn!

Tin đã đăng