Ba năm trước, khi đang đi công tác, tôi ghé vào một quán cà phê. Thiếu ngủ, cho nên tôi rất mừng khi sau vài phút đã được nhận một ly cà phê pha tay hoàn hảo, thứ cà phê được pha bằng cách rót nước lên cà phê bột.
Nhưng khi tôi hỏi xin chút đường, thì tay thợ pha cà phê thẳng thừng từ chối và nói với tôi rằng cửa hàng không phục vụ đường.
Điều gì xảy ra với thứ văn hoá ‘bạn muốn dùng cà phê với gì’ mà tôi đã quen vậy? Thật khó chịu, nhưng không còn cách nào khác, tôi đành phải uống cà phê không đường.
Thực tế thì ly cà phê khá ngon. Hoá ra tôi vừa ngã vào Oddly Correct Coffee Bar, một quán cà phê ở Thành phố Kansas, Missouri. Về sau tôi mới biết quán này được rất nhiều tay sành sỏi đánh giá là một trong những điểm phục vụ cà phê ‘đỉnh’ nhất tại Mỹ.
Một trong những nét tạo nên điều được cho là sự quyến rũ của quán chính là việc áp dụng các quy tắc thưởng thức cà phê khắt khe.
Oddly Correct là một phần trong các quán cà phê cao cấp mới xuất hiện, nơi áp dụng chính sách tuyệt đối không dùng đường, sữa và kem, để nhằm bảo toàn thứ mà họ coi là chất lượng cà phê.
Các cửa hàng khác thì đơn giản là chọn bán các suất cà phê espresso (cà phê đen, đặc) cỡ nhỏ ‘mua mang đi’, bởi cảm thấy nếu không uống đúng kiểu là ta sẽ làm hỏng vị cà phê.
Thường được gọi là các tiệm cà phê Làn Sóng Thứ Ba, những nơi này dùng cà phê hạt chất lượng cao, cao tới mức họ đánh giá là ta cần thưởng thức mà không nhờ trợ giúp của bất kỳ loại hương vị nào khác (kể cả khi khách hàng muốn bỏ thêm vào).
Nhiều quán cảm thấy rằng đơn giản là họ đang dạy lại cho khách hàng cách thưởng thức cà phê đúng đắn, thế nhưng đây là vấn đề gây phân cực.
“Khi nói rằng ‘chúng tôi đạt chất lượng cao tới mức chúng tôi cần áp dụng những hạn chế đó’, thì có thể được ở một số nơi; một số khách hàng thấy vậy và nói ‘ồ, những người này nhìn nhận vấn đề thực sự rất nghiêm túc’. Nhưng nó cũng khiến mọi người phải uống loại cà phê đặc biệt,” Sarah Leslie, thành viên của Barisrta Guild Leadership Council (Hội đồng lãnh đạo hiệp hội các nghệ nhân pha cà phê), một hiệp hội chuyên doanh cà phê hảo hạng ở châu Âu và Bắc Mỹ, nói.
Những hiệu như Aunty Peg ở Melbourne và Kontact Coffee ở Budapest thì tin rằng khách hàng của họ nên tránh dùng cà phê với đường, sữa và kem. Tuy nhiên, số lượng các tiệm cà phê hoàn toàn không chấp nhận dùng những thứ này hiện vẫn chỉ chiếm số ít trong tổng số hơn 32.150 tiệm trên toàn nước Mỹ, theo số liệu công ty nghiên cứu thị trường Mintel đưa ra trong năm 2016.
Tất nhiên là cái được gọi là chính sách cương quyết không khoan nhượng đó không phải chỉ có ở ngành cà phê. Nó đang được mở rộng ra khắp lĩnh vực dịch vụ ăn uống.
Ngày càng có nhiều nhà hàng từ chối phục vụ món steak nấu chín kỹ, từ chối phục vụ các nhu cầu thực đơn khác nhau, và thậm chí còn từ chối phục vụ một số loại gia vị mà khách hàng muốn.
“Đưa món ăn, thức uống ra phục vụ theo đúng chủ ý của đầu bếp và duy trì điều đó hàng ngày đang là điều ngày càng được chú trọng trong ngành dịch vụ ẩm thực,” Darren Tristano, chuyên gia marketing và nghiên cứu xu thế thị trường trong lĩnh vực ăn uống từ Chicago, nói.
Với các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực, điều này thường đồng nghĩa với việc đem đến cho khách hàng chất lượng đồ ăn cao hơn, dịch vụ nhanh chóng hơn, và giúp đền bù cho sự thất vọng của “các khách hàng vốn đã quen có những lựa chọn khác nhau”, ông nói thêm.
‘Có thể đáp ứng nhu cầu, nhưng không nhân nhượng’
Tại quán Black Black Coffee ở Denver, khẩu hiệu được nêu ra là: ‘Nếu cà phê của bạn cần pha chế thêm thứ gì khác thì hẳn là ly cà phê đó không chuẩn.’
Đưa ra chính sách ‘không thêm gì’ một cách rõ ràng trong chính tên gọi của cửa hàng, điều đó giúp kiểm soát tốt được mức độ mong muốn của khách hàng, chủ tiệm Josh McNeilly nói.
Khách hàng có thể chọn uống loại cà phê pha tay và cà phê pha lạnh (cold brew), nhưng đường và sữa thì không có. Một số món đồ uống truyền thống như macchiato, cortado và cappucino thì được pha chế với sữa, nhưng không bỏ đường, ông nói thêm.
Ý tưởng là nhằm để khách hàng thưởng thức chất lượng hạt cà phê từ những nơi như Colombia, Ethiopia và phát hiện ra những cung bậc khác biệt, tương tự như khi thử ly rượu vang vậy.
Với McNeilly, sau hàng thập niên làm nghề pha chế cà phê và mua thứ hạt này, đây là thứ nguyên tắc đương nhiên.
“Là một người pha chế cà phê chuyên nghiệp, bạn cần nói cho họ biết rằng đây là một trong những nông trường cho ra thứ sản phẩm tuyệt vời nhất thế giới; họ thì cứ thế là tống kem với đường vào mà không thử nếm trước,” ông nói. “Thật đau lòng!”
Tại Oddly Correct, nơi tôi lần đầu tiên biết đến xu thế này, nguyên tắc trên được nới lỏng chút chút. Hồi tháng trước, cửa hàng bắt đầu trữ sữa và kem sau quầy để phục vụ các khách hàng có nhu cầu (nhưng vẫn không bày công khai, tuy chúng đã được kín đáo bỏ vào đồ uống theo yêu cầu của khách từ vài tháng trước đó), Mike Schroeder, người phụ trách việc rang cà phê, đồng thời là đồng sở hữu quán, nói.
Đường vẫn là thứ bị cấm, nhưng việc nới lỏng quy định về việc thêm sữa vào cà phê đã khiến việc kinh doanh phát đạt hơn.
Dù không mấy khách hàng hỏi kem, nhưng việc biết rằng họ có thể bỏ thêm kem vào cà phê nếu muốn đã giúp làm thay đổi hình ảnh của quán thành một nơi cởi mở hơn, có nhiều lựa chọn hơn trong cách uống cà phê, ông nói.
“Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi phải dịch chuyển rào chắn của mình một chút để hướng dẫn mọi người dần trải nghiệm cách thưởng thức cà phê.”
Oddly Correct cũng bổ sung một số đồ uống ngọt: chẳng hạn như món latte vị vanilla được làm ngọt bằng si-rô ngô làm tại địa phương.
Các tay thợ pha cà phê thường giảm nhẹ câu chuyện khi bàn tới các quy tắc này. “Chúng tôi đã học cách để luyện ngôn ngữ và các tiếp cận với mọi người, để sao cho khách hàng vẫn cảm thấy sự thân thiện và phục vụ chu đáo mà chúng tôi vẫn không phải nhân nhượng mọi yêu cầu của họ,” ông nói thêm.
‘Say mê hướng dẫn’
Các cửa hàng cà phê không pha đường, sữa tại các thị trường lớn hơn có lẽ không được lợi nhiều lắm.
Với những khách hàng ưa chú tâm vào việc chuẩn bị trình bày tỉ mỉ, kỹ lưỡng, yêu cầu uống cà phê đen có thể coi như một chỉ dấu về chất lượng, Leslie nói thêm. Bà là chủ một quầy cà phê ở Wichita, Kansas, nơi dùng cà phê thêm đường và sữa vẫn là chuyện thường ngày.
Một số người sành uống cà phê nói rằng các quán đã giúp họ học hỏi về cà phê – và họ rốt cuộc đã thay đổi cách uống. “Món cà phê hàng ngày mà tôi yêu thích bây giờ là cà phê đen,” Charles Carpenter, nhà thiết kế graphic 49 tuổi nói khi ông ghé vào quán Black Black ở Denver.
Nhưng ông không hoàn toàn bỏ hẳn việc dùng đường, nhất là trong những tháng giá lạnh.
“Bí mật nho nhỏ đáng xấu hổ của tôi là tôi thích món latte eggnog (loại đồ uống làm từ sữa, kem và trứng pha với rượu mạnh) khi đi nghỉ,” Carpenter nói.
Tại Black Black, McNeilly thừa nhận rằng nguyên tắc phục vụ của ông không phải lúc nào cũng tốt cho công việc kinh doanh, và cửa hàng cũng có những lúc gặp khó khăn trong doanh thu hàng tháng.
“Lẽ ra có thể dễ dàng tăng gấp đôi lợi nhuận nếu tôi phục vụ cả kem và đường, cả latte, nhưng mà tôi chỉ đam mê việc hướng dẫn mọi người cách thưởng thức cà phê đúng vị như thế nào thôi,” ông nói.
Hầu hết các khách hàng là những người trung thành, thường xuyên ghé quán vài lần mỗi tuần. Món cà phê pha tay của quán được giới thiệu trong danh sách những thứ nhất định phải thử ở địa phương. Nay cửa hàng phục vụ cả đồ ăn, khiến nó trở thành địa chỉ thu hút cả các khách hàng từ xa đến. Món cascara latte cũng được bổ sung vào thực đơn để phục vụ những người hảo ngọt.
Để hạn chế các nhận xét tiêu cực, McNeilly đã huấn luyện nhân viên cách giải thích về triết lý cà phê của cửa hàng cho những khách hàng lần đầu ghé chân. Các tay thợ pha cà phê tập trung vào việc giúp khách hàng hiểu lý do vì sao sữa và đường không được phục vụ thay vì nói với họ rằng quán không có sữa và đường, ông nói thêm.
Nhưng có một điều mà ông chưa làm? Đó là việc chiều lòng những vị khách đòi có đường, kem. “Thật dễ dàng nếu nói là ‘Thôi được, tôi sẽ cho quý vị đường và kem, có điều quý vị đừng nói toáng lên là được’… nhưng chúng tôi chưa bao giờ làm thế,” ông nói.
Uống cà phê Robusta không có đường, sữa… thì không sành điệu mà chỉ có… trợn mắt !
nuốt không trôi thì sành điệu làm chi :D