Tin buồn

Khốn đốn vì bị động

Việt Nam chưa phải là nước xuất khẩu mạnh trên thế giới nhưng nằm trong tốp đầu ở một số ngành hàng như nông thủy sản, giày da, dệt may…

Thế nhưng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu không làm chủ được vị thế nhất, nhì của mình, thậm chí nhiều khi còn bị động đến khốn đốn. Đặc biệt đối với hai mặt hàng gạo và cà phê.

Cà phê Robusta của Việt Nam

Đã hơn một tháng nay Vinacafe chưa ký được một hợp đồng xuất khẩu nào. Đây là hiện tượng bất thường đối với một tổng công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam và càng bất thường hơn khi nhu cầu cà phê trên thế giới tăng khá mạnh sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Sở dĩ Vinacafe trong tình trạng “nội bất xuất” là vì tổng công ty này không muốn lỗ.

Trên thực tế, giá cà phê thế giới trong thời gian qua liên tục sụt giảm. Đơn hàng gần nhất mà Vinacafe bán có giá từ 1.250-1.260 USD/tấn, nhưng hiện giá khách hàng chào mua không quá 1.180 USD-1.200 USD/tấn. Theo Hiệp hội Cà phê ca cao VN (Vicofa), giá cà phê hiện nay giảm 44% so với cùng kỳ và đang có xu hướng giảm tiếp trong khi sản lượng cà phê dự báo năm nay giảm 20-30%.

Vicofa cho biết năm nay xuất khẩu cà phê của Việt Nam, nếu tình hình không cải thiện, cố gắng lắm cũng chỉ được 1 tỉ USD so với 1,7 tỉ USD năm ngoái.

Vấn đề đặt ra là, tại sao Việt Nam, nước xuất khẩu số 1 thế giới về cà phê robusta lại phụ thuộc vào khách hàng thay vì chủ động phần giá?

Làm cách nào mà người mua có thể khống chế được giá đối với người bán? Câu trả lời là các DN xuất khẩu Việt Nam quá phụ thuộc vào sàn giao dịch nông sản London.

Giá cà phê Việt Nam được xác định dựa vào sàn giao dịch này. Nhà nhập khẩu cũng dựa vào đó để trừ lùi đơn giá của cà phê Việt Nam.

Nói cách khác dễ hiểu, giá chào mua của nhà nhập khẩu được tính bằng giá giao dịch tại sàn vào thời điểm xác định trừ đi các chi phí (vận chuyển, bảo hiểm…). Điều này cũng có nghĩa là giá bán của DN cà phê Việt Nam không bao giờ bằng với giá giao dịch ở sàn London và các DN không làm gì được để thay đổi tình hình. Giá cà phê Việt Nam từng bị khống chế bởi những nhà nhập khẩu và lên sàn giao dịch thế giới được xem là cách để giải quyết tình trạng này. Thế nhưng giải pháp đó đang bộc lộ những bất lợi mới.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa, cho biết các quỹ đầu cơ đang tạo ra những đợt “ép” giá đối với cà phê thông qua các sàn giao dịch hàng hóa. Các quỹ đầu cơ đã từng làm mưa làm gió hồi 2008 để đẩy giá nông sản lên những điểm cực và bây giờ họ đang làm ngược lại. Họ biết khá rõ những hạn chế của DN cà phê Việt Nam, đó là thiếu vốn và thiếu bình tĩnh trong kinh doanh. Thông qua việc khống chế giá, họ thực sự gây áp lực và buộc DN phải bán tống bán tháo trước sức ép khoản vay đến hạn. Kết quả là trong thời gian qua có khá nhiều DN cà phê Việt Nam tranh nhau bán với giá rẻ mạt.

Gạo không đến mức khốn đốn như cà phê nhưng vẫn bị động trong vòng khống chế giá của những nhà nhập khẩu. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm giảm 25,3%. Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng sản lượng xuất khẩu giảm không phải do nhu cầu thế giới sụt giảm mà vì rất nhiều hợp đồng khách hàng chào giá mua quá thấp. Nhiều thương vụ bị gác lại vì bên mua và bên bán giằng co chuyện giá. Ông Bảy cho biết nhiều khách hàng chẳng hạn như ở châu Phi rất cần gạo của Việt Nam nhưng cố tình ép giá vì biết Việt Nam đang được mùa.

Nắm vị trí thống lĩnh của nhiều ngành hàng nhưng DN Việt Nam chưa thực sự là người chủ động về giá đối với sản phẩm xuất khẩu của mình trên thị trường thế giới. Phải chăng chúng ta còn thiếu yếu tố quan trọng, đó là sự liên kết?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

78