Việt Nam sẽ khảo sát sàn giao dịch cà phê Hoa Kỳ

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) Vân Thành Huy cho biết, trong chương trình xúc tiến thương mại của Hiệp hội, quý II năm nay, các DN sẽ sang khảo sát sàn giao dịch và thị trường cà phê Hoa Kỳ, như New York, Chicago.

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới

Đồng thời, Hiệp hội cũng sẽ tiến hành khảo sát thị trường cà phê tại Brazil, gồm Brasilia, Sao Paulo, Mias Geras trong quý II-III/2007.

Theo Chủ tịch Vicofa Vân Thành Huy, việc tìm kiếm cơ hội để bảo hộ rủi ro về giá cả đầy biến động là nhu cầu chính đáng của các DN, nhà xuất khẩu, song, tham gia thị trường này đối với Việt Nam còn quá mới mẻ.

Ông Huy cho rằng, hiện tượng rủi ro do biến động về giá không chỉ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam mà ở cả các nước.

Do đó, một trong những công cụ hữu hiệu để giảm thiểu rủi ro cho các nhà xuất khẩu nông sản là việc sử dụng hợp đồng tương lai (Futures contract) trên thị trường giao dịch hàng hóa.

Lâu nay, chúng ta các DN thực hiện việc mua bán cà phê theo hợp đồng cà phê châu Âu (gọi tắt là E.C.C.), trong đó quy định rõ các điều khoản về thực hiện hợp đồng như số lượng, chất lượng, giá cả… Thực hiện trên gọi là giao hàng thực.Do việc thỏa thuận giá ngay ở thời điểm đó nên DN dễ gặp rủi ro về giá. Do đó, từ niên vụ 2005-2006, các DN đã dùng hợp đồng với điều kiện chốt giá sau (Price to be fixed), như cà phê Robusta là căn cứ trên thị trường LIFFE, cà phê Arabica trên thị trường NYBOT.Trên thực tế, Techcombank là đơn vị đầu tiên trong cả nước được phép thí điểm dịch vụ giao dịch hợp đồng tương lai cho mặt hàng cà phê và đã được mở rộng sang một số mặt hàng khác như đậu tương, cao su… Kế đó là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Công ty CP Môi giới thương mại châu Á (ATB) của Vietcombank.

Các giao dịch này được thực hiện theo thông lệ quốc tế đối với mặt hàng cà phê đã có từ lâu tại sàn giao dịch LIFFE và NYBOT nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro, không chỉ cho DN mà còn đem lại lợi ích lớn cho người trồng cà phê.

Điều này tạo khả năng linh hoạt trong đặt giá – phòng ngừa rủi ro cho hàng tồn kho, hàng đã chốt giá, tận dụng đòn bẩy tài chính có khả năng kiếm lời.

Song, lãnh đạo Vicofa cho rằng không có chốt giá bảo vệ nào hoàn hảo tuyệt đối. Vì vậy, Hiệp hội đã cảnh báo các hội viên rằng, sàn giao dịch cà phê quốc tế như LIFFE, NYBOT rộng lớn rất nhiều so với thị trường nội địa. Bên cạnh đó, biến động giá cả lại ở mức cao trong một phiên giao dịch, từ 40-60 USD/tấn. Liên tục 3 phiên có thể ± 120-180 USD/tấn.

Trong khi đó, năng lực tài chính phần lớn các DN, đơn vị có hạn. Các DN cũng chưa nắm bắt được chắc các nguyên lý bảo hiểm biến động giá. Kỹ năng nghiệp vụ trong giao dịch còn hạn chế nhất là ở thị trường NYBOT.

Do vậy, các chuyến khảo sát tại sàn giao dịch và thị trường cà phê lớn như Hoa Kỳ, Brazil sẽ giúp các DN, đơn vị xuất khẩu Việt Nam làm quen với thị trường và học tập kinh nghiệm tại các sàn giao dịch này.

Thống kê từ Vicofa cho thấy, niên vụ 2005-2006, Việt Nam xuất khẩu được trên 775.000 tấn cà phê, đạt 827 triệu USD. Thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam vẫn là Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Italia… Tuy nhiên, các DN chưa tận dụng được các thời điểm giá cao trên thị trường để xuất khẩu. Dự báo thời gian tới giá cà phê sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng của hạn hán, nguồn cung hạn chế ở Brazil, Indonesia và Việt Nam.

>> “Sàn giao dịch cà phê vắng khách vẫn phải làm”

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79