Khi nông dân nhắn tin để biết giá cà phê

Ông Ba Tung ở huyện Cư M’Gar dừng chiếc Dream Trung Quốc cũ kỹ, dính đầy bụi đất đỏ bazan của mình trước cửa hàng bán điện thoại di động khá sang trọng ở gần Trung tâm Ngã sáu thành phố Buôn Ma Thuột.

Xem thêm: Dịch vụ báo giá cà phê qua tin nhắn

Nhìn cách ăn mặc, dáng đi đứng, cô gái trẻ đứng bên quầy bán điện thoại biết ngay ông Ba Tung là nông dân trồng cà phê. Thấy ông ngắm nghía hết chiếc điện thoại này đến mẫu điện thoại khác, cô gái đon đả: “Chú nên mua chiếc này, vừa dễ sử dụng cho chú, lại có phím bấm to, tiện cho chú nhắn tin“. Ông Ba Tung có vẻ đồng ý nhưng nói thêm là mấy ông bạn trồng cà phê trong xóm xài loại gì đó xịn hơn, mua cái này trông hơi đời cũ, dễ bị cho là quê mùa.

Cô gái bán điện thoại quá quen với chuyện nông dân trồng cà phê mua điện thoại di động và cô cũng thừa biết họ mua để làm gì. Họ nhắn tin, nhưng không phải nhắn tin theo kiểu của giới trẻ ở thành phố, mà là nhắn và nhận tin về giá cà phê lên xuống hàng ngày ở thị trường giao dịch thế giới và giá cả trong nước để biết đường bán cà phê.

Thực ra, theo nhiều nhà kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên, chuyện nông dân hay đại lý cà phê dùng tin nhắn điện thoại di động để thông báo giá cả cho nhau có từ khá sớm, cùng với việc các công ty viễn thông phủ sóng đến các huyện của Tây Nguyên. Tuy nhiên, trước đây do chỉ có một vài công ty xuất khẩu cà phê trong nước ký hợp đồng mua tin giá cà phê ở thị trường giao dịch London với hãng tin Reuters, nên chỉ một số ít nông dân trồng cà phê hay đại lý bán cà phê có “máu mặt” mới được nhân viên các công ty có mua tin Reuters “tiết lộ” giá cả giao dịch hàng ngày bằng tin nhắn điện thoại.

Độc quyền ấy nay gần như đã bị xóa bỏ khi hơn một năm qua, cùng việc cung cấp dịch vụ giao dịch mua bán cà phê qua các sàn giao dịch quốc tế, Ngân hàng Kỹ thương VN (Techcombank) cung cấp luôn dịch vụ thông tin giá cả cà phê trực tuyến qua tin nhắn SMS cho bất cứ doanh nghiệp hay nông dân, đại lý nào có nhu cầu. Ông Ba Tung và những nông dân trồng cà phê ở cạnh nhà ông đã biết sử dụng dịch vụ nhắn tin giá cả cà phê thế giới cập nhật hàng ngày của Techcombank.

Bà Nguyễn Hương Loan, Phó phòng kho quỹ, người phụ trách các dịch vụ giao dịch nông sản thông qua các sàn giao dịch quốc tế của Techcombank, cho biết nhờ lợi thế Techcombank có đội ngũ giao dịch viên được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có hệ thống giao dịch điện tử nối mạng trực tiếp với sàn giao dịch cà phê robusta lớn nhất thế giới là LIFFE ở London, nên ngân hàng này không chỉ cung cấp thông tin cập nhật giá cả cà phê thế giới cho nông dân, đại lý, mà còn có cả dịch vụ cung cấp thông tin và phân tích thị trường cà phê thế giới nếu nông dân có nhu cầu.

Ông Đinh Ngọc Trúc, Giám đốc Công ty TNHH cà phê Trúc Tâm ở Daklak, một nhà cung ứng cà phê nhân cho các nhà xuất khẩu, khẳng định bây giờ nông dân trồng cà phê cũng có quyền có được thông tin giá cả như các nhà xuất khẩu. Họ có nhiều kinh nghiệm trong việc bán cà phê, tức không còn bán ra ào ạt đẩy giá xuống thấp như mọi năm.

Nông dân trồng cà phê bây giờ suốt ngày bỏ chiếc di động trong túi quần, kể cả khi lên rẫy cà phê, để theo dõi liên tục giá cà phê giao dịch ở thị trường London bằng tin nhắn vào điện thoại di động“, ông Trúc nói và đùa rằng bây giờ mà nếu có một đợt sương giá ở Brazil khiến cà phê nước này mất mùa nặng như năm 1994, đẩy giá cà phê thế giới tăng hàng ngày thì “nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên biết thông tin ngay trong ngày bằng… tin nhắn“.

Một giám đốc công ty xuất khẩu cà phê ở Buôn Ma Thuột kể rằng năm ngoái xảy ra hạn hán nặng nề ở Tây Nguyên và ông cũng bị “phiền phức”, bởi bà con nông dân mà ông quen biết suốt ngày điện thoại di động hỏi thăm tình hình thiệt hại ở các vùng trong nước. “Nhưng vậy là còn ít phiền, chứ họ còn điện thoại di động cho tôi hỏi về tình hình hạn hán, bão lũ ở quốc gia nào đấy có trồng cà phê tận bên Trung Mỹ“, ông kể lại.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81