Tổng hợp thị trường cà phê tuần 17 (23/04 – 28/04/2018)

Giá cà phê Robusta tiếp tục duy trì ở mức thấp trước sức ép của sản lượng vụ mới từ các nhà sản xuất chính Brasil và Indonesia hiện đang thu hoạch.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T7/2018 tuần 17 (23/04 – 28/04/2018)

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 17, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 9 USD, tức giảm 0,51% xuống mức 1.762 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 6 USD, tức giảm 0,34% xuống mức 1.746 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 2,75 cent, tức tăng 2,34 % lên 122,4 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 2,7 cent, tức tăng 2,3% lên 124,45 cent/lb, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm  200 đồng, trở lại dao động trong khung 36.500 – 37.000 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.652 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 105 – 110 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 tăng 3 USD/tấn và giá cà phê nhân xô trong nước tăng 100 đồng, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 tăng tới 4,7 cent/lb.

Giá cà phê Arabica tuần trước đã giảm xuống thấp đã dấy lên cuộc khủng hoảng về giá tại các nước sản xuất khu vực Mỹ La-tinh khiến thị trường lo ngại sự kháng giá trở nên mạnh mẽ hơn và người nông dân bỏ bê chăm bón sẽ làm năng suất không chỉ giảm trong năm tới mà còn kéo dài ra nhiều năm. Trong khi không ai có thể đoan chắc rằng hiện tượng băng giá mùa đông ở Brasil năm nay không quay trở lại cho dù lần băng giá gần đây nhất cũng đã 32 năm, quá xa vào dĩ vãng.

Liên đoàn Cà phê Châu Âu (ECF) đã báo cáo tồn kho dự trữ tại các kho cảng tính đến cuối tháng Hai đã giảm 28.250 bao, tức giảm 0,26%, xuống đăng ký ở 10.691.750 bao. Tuy nhiên, nếu tính thêm số dự trữ tại các kho thương mại tư nhân và của các hãng rang xay trên khắp Đông và Tây Âu và khoảng 2,5 triệu bao nữa, trong khi mức tiêu thụ hàng tuần của thị trường hàng đầu này vào khoảng 1,05 triệu bao mỗi tuần, thì tổng tồn kho tại châu Âu có thể đáp ứng cho nhu cầu rang xay trong gần 12 tuần, một con số tương đối an toàn góp phần hỗ trợ tâm lý giảm giá hiện hành trên các thị trường cà phê.

Bờ biển Ngà, quốc gia sản xuất cà phê Robusta hàng đầu Tây Phi đã báo cáo xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay đã giảm tới 27,18% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ đạt 102.733 bao. Nguyên nhân sụt giảm được cho là do sự kháng giá trong khi Bờ Biển Ngà đã dự kiến xuất khẩu cà phê Rrobusta năm nay vượt quá 1 triệu bao.

Uganđa, nhà sản xuất cà phê Robusta hàng đầu châu Phi đã báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng Ba giảm 18,68% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 333.346 bao. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2017/2018 đạt tổng cộng 2.336.996 bao, tăng 3,72% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước đó.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 4/2018 ước đạt 162 nghìn tấn (khoảng 2,7 triệu bao, bao 60 kg), giảm 19,1% so với tháng trước, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 691 nghìn tấn, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn một chút so với dự kiến của giới thương nhân xuất khẩu.

 Anh Văn (giacaphe.com

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

78