Tác động tích cực từ thông tin ECB vẫn không thay đổi lãi suất đồng Euro đã giúp các thị trường hàng hóa hồi phục nhẹ.
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều tăng trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 11 USD, lên 1.771 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng 11 USD, lên 1.752 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo ổn định khoảng cách.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 0,85 cent, lên 119,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 0,8 cent, lên 121,75 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch giảm xuống ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 200 đồng, lên dao động trong khung 36.700 – 37.200 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.661 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 105 – 110 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
USD chững trở lại cùng với đồng Euro ổn định đã giúp các hàng hóa nông sản thế mạnh của Brasil như đường, cà phê, bông… hồi phục. Tuy nhiên sức tăng của giá cà phê chưa đạt như kỳ vọng còn do lượng bán ròng vẫn quá nhiều trước suy đoán sản lượng vụ mùa mới năm nay của Brasil.
Báo cáo tồn kho tại Châu Âu của Liên đoàn Cà phê Âu châu (ECF) cho thấy khối lượng cà phê dự trữ tính đến cuối tháng Hai vẫn đảm bảo đủ cung ứng cho khoảng 12 tuần hoạt động rang xay theo nhu cầu. Đây là con số dự trữ khá an toàn, cũng là một yếu tố góp phần hỗ trợ cho giá cà phê tiếp tục đứng ở mức thấp.
Thương mại tại Việt Nam trong mấy ngày qua hầu như đóng băng do cả hai phía không gặp nhau. Bên bán vẫn còn chờ trong khi bên mua vẫn cứ đợi. Có lẽ, thị trường sẽ trở lại hoạt động bình thường kể từ ngày giao hàng đầu tiên của kỳ hạn tháng 5.
Anh Văn (giacaphe.com)
Dự báo vẫn là dự báo chênh nhau đến 20 triệu bao