Xuất khẩu nông sản cần những trợ lực đủ mạnh

Với xu hướng giá nông sản tăng trên toàn cầu cùng việc điều chỉnh biên độ tỷ giá hối đoái vừa qua, tình hình xuất khẩu nông sản lập tức sáng sủa ngay trong 2 tháng đầu năm 2010, đạt kim ngạch trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2009.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 16 tỷ USD, các bộ ngành liên quan cần có giải pháp trợ lực đủ mạnh.

Nhiều lực cản

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2010 ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm 23,2% so với tháng 2/2009, tính chung hai tháng ước đạt 8,91 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ.

Trong số này, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 4,24 tỷ USD, tăng 39%; doanh nghiệp trong nước 4,67 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ. Xét theo nhóm hàng, trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng gần 25%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản 1,12 tỷ USD, giảm 11,7%; nhóm hàng công nghiệp chế biến 4,62 tỷ USD, giảm 9,5%.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, xuất khẩu năm 2010 thuận lợi hơn năm 2009 vì nền kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi rõ nét và trong nước có một số yếu tố thuận lợi như khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hồi phục nhanh, nhiều ngành sản xuất đang tăng trưởng mạnh như điện, điện tử, máy tính…

Trái ngược với điểm sáng xuất khẩu cao su 2 tháng đầu năm với sản lượng đạt tới 98.000 tấn, giá trị kim ngạch 241 triệu USD, tăng 28,6% về lượng và 136% về giá trị, các hợp đồng xuất khẩu gạo hầu như vắng bóng, thậm chí một số hợp đồng đã ký cũng bị khách hàng hủy bỏ.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 2/2010, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được 350.000 tấn gạo, giảm 45% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm mới xuất được 704.000 tấn, giảm 25,3%.

Với kế hoạch tháng 3 xuất khẩu khoảng 450.000 – 500.000 tấn, tính chung cả quý I/2010, chúng ta chỉ xuất khẩu được 1,15 – 1,2 triệu tấn, giảm 25% so với quý I/2009.

Với mặt hàng cà phê, giá đang diễn biến hết sức phức tạp là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu. Hiện giá cà phê Robusta giao dịch trên sàn LIFFE (London – Anh) dao động ở mức 1.250-1.270 USD/tấn, thấp hơn so với cùng kỳ 30%, giá cà phê trong nước ở mức 22 triệu đồng/tấn, thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm 2008.

Mới đây, các thành viên VFA đã công bố kế hoạch thu mua ngay 1 triệu tấn lúa để tạm trữ, dù giá mua hiện tại cao hơn mức thấp nhất mà VFA đưa ra là 4.000 đồng/kg thì người nông dân vẫn bị thiệt 1.000 đồng/kg so với đầu năm. Hơn thế, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam không kiên nhẫn chờ cơ hội sắp tới từ Phi -líp-pin đấu thầu 800.000 tấn gạo; Irắc cũng đấu thầu mua 2,5 triệu tấn và người dân không được hỗ trợ vốn để tái sản xuất thì xu thế giảm giá là khó tránh khỏi.

Cần những trợ lực mạnh

Lời giải cho nỗi lo giảm giá gạo chính là quỹ bình ổn giá, song đến nay, quỹ này vẫn chưa ra đời khi VFA cho rằng cách thu quỹ bình ổn như đề xuất của Bộ Tài chính là quá nặng cho các nhà xuất khẩu gạo.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam nhận định, trong bối cảnh phải đối mặt với những biến động phức tạp của thị trường, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần triển khai biện pháp hỗ trợ bằng cách thu mua cà phê tạm trữ để giữ giá, đồng thời hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua cà phê trong dân. Ngành cà phê, gỗ, gạo cần tập trung nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ hàng chế biến sâu, xây dựng thương hiệu hàng hóa…

Để làm được điều này, bên cạnh các giải pháp mà Bộ Công Thương đã xác định như kiểm soát chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, xúc tiến thương mại ở các thị trường truyền thống và khai thác thị trường mới, kích cầu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần có các biện pháp cụ thể đối với từng mặt hàng chủ lực. Như với ngành càphê, cần có quy hoạch đồng bộ về diện tích, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và không khuyến khích quá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Với mặt hàng gạo, cần điều tiết giá bằng cách mở rộng ra các thị trường mới. Giảm thuế xuất khẩu từ gỗ rừng trồng và gỗ vườn nhà xuống 0%. Riêng với hàng thủy sản, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ về mặt chất lượng cũng như giá cả theo định hướng giá sàn xuất khẩu và giá hướng dẫn thu mua nguyên liệu.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, tác động lớn nhất hiện nay chính là lãi suất, khả năng tiếp cận vốn vay. Việc cho vay theo lãi suất thoả thuận đã làm thay đổi dòng vốn khiến việc tiếp cận vốn cho hoạt động sản xuất gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý sẽ nâng sức cạnh tranh của nông sản Việt.

>> Cà phê – tạm trữ là “tự trảm”

Kinh tế nông thôn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng